Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Saturday, February 12, 2011

Quân đội Ai Cập, thế lực mạnh nhất nhưng phi chính trị

Quân đội Ai Cập không chỉ là những đơn vị chiến đấu, dù rằng trong nửa thế kỷ gần đây đã hai lần đụng độ quan trọng với quân đội Do Thái ở cuộc chiến tranh 7 ngày năm 1967 và cuộc chiến tranh Yom Kippur tháng 10 năm 1973.

Tin TT Mubarak từ chức loan ra, người ta leo lên cả xe tăng để ăn mừng, hôm thứ Sáu. (Hình: AP Photo/Emilio Morenatti)

Từ khi Ai Cập trở thành một nước Cộng hòa sau cuộc cách mạng lật đổ quốc vương Farouk năm 1952, quân đội nếu không trực tiếp nắm chính quyền thì vẫn giữ vai trò quyết định về chính trị quốc gia.
Là quân lực lớn mạnh nhất ở Phi Châu và thứ 10 trên thế giới tính theo quân số cũng như trang bị vũ khí hiện đại trong đó phần lớn do Hoa Kỳ chế tạo nhưng cũng có cả từ Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc, Ðức, Brazil và nhiều nước khác. Quân đội chính quy gồm các binh chủng Hải, Lục, Không Quân, quân số tổng cộng trên 1/2 triệu.
Không Quân Ai Cập hiện có tới trên 200 máy bay chiến đấu F-16 mua của Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ được nâng cấp lên hạng F-16C hay F-16D và khoảng 30 máy bay loại F-4 Phantom II cũ hơn. Ai Cập cũng còn khoảng 200 máy bay MiG-21 sản xuất ở Liên Xô hoặc ở Trung Quốc mang danh số J-7 và 80 chiếc Mirage 5 do Pháp chế tạo, cùng hàng trăm máy bay và trực thăng các loại khác. Ai Cập cũng đang thương lượng mua MiG-29 của Nga. Không Quân Ai Cập chỉ sử dụng đến máy bay chiến đấu trong các trận chiến tranh với Israel. Tại cuộc biểu tình ở công trường Tahrir, hai chiếc F-16 đã bay thấp ngang qua có lẽ để thị uy, tuy nhiên đến lần thứ nhì thì dân chúng vẫy chào hoan nghênh và sau đó các máy bay không xuất hiện trở lại.
Bên cạnh quân đội chính quy còn khoảng hơn 300,000 quân và cảnh sát thuộc Lực lượng An ninh Trung ương thuộc bộ Nội Vụ. Lực lượng này được sử dụng giữ an ninh trật tự xã hội và đối phó với các trường hợp bạo loạn. Trong tuần lễ đầu dân chúng nổi dậy mới đây, lực lượng an ninh đàn áp bằng vũ lực đã làm hơn 300 người thiệt mạng khiến sau đó phải rút đi để quân đội làm nhiệm vụ. Nhưng ngay từ đầu quân đội đã xác định vai trò và sau này thi hành đúng minh định là không sử dụng vũ lực chống dân chúng. Các chiến xa M-60 và xe thiết giáp được triển khai đến công trường Tahrir chỉ đứng canh giữ mà không có một hành động can thiệp gì ngay cả khi hai phe biểu tình chống và bênh Tổng Thống Mubarak xung đột lẫn nhau.
Vị trí trung gian trong những tranh chấp chính trị quốc nội của quân đội Ai Cập đã hình thành qua quá trình 3 đời tổng thống. Năm 1952 quốc vương Farouk bị lật đổ bằng một cuộc đảo chính quân sự do Tướng Muhamad Naguib cầm đầu. Tới 1954 Naguib bị ép buộc thoái vị và quản thúc tại gia, Ðại Tá Gamal Abdel Nasser trở thành tổng thống thứ nhì, áp dụng đường lối cai trị độc đoán dựa vào thế lực quân đội. Nasser đã quốc hữu hóa kênh đào Suez đưa đến một cuộc chiến tranh ngắn ngủi với liên quân Anh Pháp. Vào thời kỳ cao điểm của cuộc Chiến Tranh Lạnh, Nasser tìm hỗ trợ bằng sự ngả về phía Liên Xô.
Năm 1970, Nasser chết, người kế vị là Phó Tổng Thống Anwar Sadat, cũng là một sĩ quan quân đội được Nasser chỉ định. Mấy năm sau Sadat thay đổi chính sách đối ngoại của Nasser trục xuất các cố vấn Liên Xô và cải cách đường lối kinh tế nhưng đồng thời cũng mạnh mẽ trấn áp các thành phần đối lập dân sự hay tôn giáo. Mặc dầu năm 1973 Ai Cập cùng với Syria mở cuộc chiến tranh đánh Israel nhưng năm 1977 Sadat thực hiện một cuộc thăm viếng lịch sử qua Israel và hai năm sau ký hiệp định hòa bình giữa hai nước.
Năm 1981, Sadat bị ám sát, Phó Tổng Thống Hosni Mubarak, một tướng lãnh cựu tư lệnh Không Quân, lên thay và tiếp tục chính sách bang giao hữu nghị với Hoa Kỳ, duy trì hòa bình với Israel. Trong 30 năm Ai Cập được xem như đất nước ổn định nhất trong vùng Trung Ðông và là một đồng minh thiết yếu của Hoa Kỳ. Chế độ độc tài của Mubarak đứng vững bằng sự ủng hộ của quân đội đã không thể tồn tại khi dân chúng nổi dậy và quân đội trở về vị trí trung lập của họ.
Theo nhận định của Bill Daley, đổng lý văn phòng tòa Bạch Ốc: “Lịch sử quân đội Ai Cập đã cho thấy đây không phải là công cụ đàn áp nhân dân của chính quyền và đó là một điều hết sức tốt đẹp.”
Quan hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và Ai Cập đã hết sức chặt chẽ từ 30 năm qua; viện trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ai Cập trị giá $3.5 triệu mỗi ngày và Hoa Kỳ cung cấp cho Ai Cập những loại vũ khí tốt nhất bao gồm chiến đấu cơ F-16 Flying Falcon và chiến xa hạng nặng M-1A1 Abrams. Ðô Ðốc Mike Mullen, chủ tịch ủy ban tham mưu hỗn hợp quân lực Hoa Kỳ đã gọi điện thoại đến Trung Tướng Sami Enan nói rằng theo ông cho tới lúc này quân đội Ai Cập đã hành động hoàn toàn thích đáng.
Kể từ khi Tổng Thống Anwar Sadat chấm dứt quan hệ với Liên Xô và quay sang Hoa Kỳ, nhiều sĩ quan quân đội Ai Cập đã được đưa qua tu nghiệp tại Mỹ, đồng thời được huấn luyện về mối liên hệ dân sự-quân sự trong xã hội dân chủ. Các giới chức Hoa Kỳ nhìn nhận rằng mặc dầu họ không thể nào biết diễn tiến qua vụ khủng hoảng vừa qua sẽ là như thế nào nhưng tin tưởng rằng quân đội Ai Cập một mặt có thể điều hành chính quyền cho tới khi tổ chức được cuộc bầu cử, mặt khác đủ khả năng đối phó hiệu quả với những nhóm Hồi Giáo cực đoan. (HC)

No comments:

Post a Comment