Dịp này, những ai ở xa đều thu xếp về với gia đình, cùng thắp hương ông bà và ăn bữa cơm đầu năm. Thế nhưng, không phải ai cũng làm được điều đó. Nhiều người phải trải qua những ngày đầu năm mà không có gia đình bên cạnh, và lúc đó họ chỉ biết “nhớ”…
Trong những ngày cuối cùng của năm Canh Dần khi ngoài đường phố Việt Nam tấp nập dòng người qua lại, mọi người ai cũng dường như hối hả hơn. Họ đang tranh thủ bán hết mớ rau, tranh thủ mua được một bó hoa hay tranh thủ bắt kịp chuyến tàu về quê ăn tết. Tất cả như muốn trở về nhà nhanh hơn vì họ biết rằng, gia đình đang mong từng thành viên về cùng thắp nén hương đón ông bà và cùng ăn bữa cơm chung vào ngày đầu năm.
Tiếng trống, tiếng múa lân, tiếng nhạc… những âm thanh không thể thiếu của ngày tết mỗi khi trỗi lên cứ làm lòng người nao nức và nao lòng – nao nức vì vui và nao lòng vì nhớ.
Nhớ Tết là nhớ gia đình, nhớ Quê Hương
Chị Phương sang California, Hoa Kỳ định cư đã 5 năm và chưa có dịp trở lại quê nhà, chị cho biết cứ mỗi độ xuân về là mắt mũi lại cay xè vì thương nhớ. Chị nói:“Mỗi lần tết đến thì mình thấy rất nhớ nhà và thấy rất thương mẹ vì mỗi dịp tết đến thì mình hay giúp đỡ mẹ. Bây giờ mình đi rồi thì không biết có ai làm việc đó hay không”
Anh Kiên, một sinh viên Công nghệ Thông tin Tài chính hiện đang du học tại Paris chia sẽ rằng, đã 5 năm không được ăn tết quê nhà, anh rất nhớ cái cảm giác quây quần cùng gia đình bên nhánh đào tươi thắm. Anh Kiên tâm sự:
“Tất cả những sinh viên Việt Nam khi xa nhà đều rất nhớ nhà. Tết là dịp để gia đình sum họp và thăm viếng mọi người. Nếu được hưởng mùa tết ở Việt Nam, mình sẽ cùng gia đình đi ngắm phố phường và viếng thăm người thân”.
Ngày xuân cũng là dịp để mọi người túa ra đường để nhìn phố xá. Cảnh mọi người tất bật, chen chúc, tiếng nói tiếng cười, và sự nhộn nhịp hòa vào nhau tạo thành một mảng đầy màu sắc của bức tranh ngày tết.
Tết còn là dịp để mọi người thăm hỏi và chúc xuân cho nhau. Những tiếng nói, giọng cười, những lời chúc mừng đầu xuân như một lộc may sẽ theo họ cả năm.
Biết rằng những lời chúc không luôn luôn trở thành sự thật thế nhưng nó như một truyền thống mà nếu thiếu, ngày tết sẽ trở nên nhạt nhẽo. Chị Phương nói thêm:
“Tết Việt Nam là dịp để gia đình sum họp, không những là thành viên trong nhà mà còn với bà con họ hàng nữa. Đó là dịp gặp mặt rất vui mà mỗi năm chỉ có 1 lần”.
Chính vì mỗi năm mới có một lần nên khi không có điều kiện ăn tết trên quê hương, người ta vẫn cố gắng đi tìm những không khí ngày xuân ấy. Chỉ một hộp mứt, một mâm trái cây hay một đóa mai vàng rực để họ còn thấy đâu đó dáng dấp ngày tết Việt Nam.
Chị Thủy, một sinh viên tại Missouri, Hoa Kỳ cho biết, xa nhà 3 năm nên chị rất nhớ gia đình. Đặc biệt khi những ngày cuối năm đến gần, nỗi nhớ ấy như tăng lên gấp bội. Chị đã cùng bạn bè mua một cây mai giả về phòng trọ và cùng chúc xuân cho nhau. Chị nói:
“Các sinh viên tập trung lại ăn uống cùng nhau tại nhà một sinh viên. Rồi cùng nhau tổ chức treo lì xì bốc
thăm. Ngoài ra cũng mua mâm quả về cúng. Chủ yếu là chúng tôi muốn vui vẻ với nhau cho nên tụ họp lại trong ngày này để đỡ nhớ nhà.”
Những người xa nhà như dễ đồng cảm với nhau hơn khi ngày tết đến gần vì lúc đó người ta cùng cảm nhận sự cô đơn, cùng thấy trống vắng nhiều hơn khi không có gia đình bên cạnh. Họ muốn tụ họp lại với nhau để chia sẻ và làm vơi đi phần nào nỗi nhớ ấy. Anh Kiên nói thêm:
“Mình cũng đi chợ mua bánh mứt rồi. Có thể tết này sẽ mời bạn bà tới ăn uống. Nói chung, mình cũng cố gắng làm sao để tổ chức được một cái tết.”
Cái se lạnh của đêm giao thừa, mùi hương trầm tỏa thơm ngát và những cành mai cành đào khoe màu đỏ vàng xanh tươi thắm là những đặc trưng ngày tết mà khó phai mờ trong lòng người Việt dù họ có đi xa đến đâu. Tết – tưởng chừng như chỉ là một dịp lễ lạc đến hẹn lại lên. Thế nhưng nếu không ngửi được mùi hương trầm và không tận mắt chứng kiến sắc mai đào ngày tết trên quê hương Việt Nam, người ta lại thấy nao nao thiếu thốn đến lạ. Chắc có lẽ hình ảnh và sinh hoạt ngày tết đã trở thấm trong máu thịt của mỗi người dân Việt. Và khi nhớ tết cũng chính là nhớ gia đình, nhớ quê hương.
No comments:
Post a Comment