Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 2, 2011

Bộ Ngoại Giao Thái hiểu lầm biên bản ghi nhớ năm 2000

Vừa qua, Bộ Ngoại giao Thái Lan tuyên bố yêu cầu Campuchia dời chùa Keo Sikha Kiri Swarak và hạ quốc kỳ Campuchia cắm trên ngôi chùa này.
Sự việc này xảy ra vì phía Thái Lan cho rằng phía Campuchia vi phạm biên bản thỏa thuận ghi nhớ năm 2000.
Bộ Ngoại giao và hợp tác Quốc tế Campuchia ra một thông cáo bác bỏ lời yêu cầu của Thái. Song song đó Bộ trưởng Quốc phòng Thái Prawit Wongsuwan cho rằng, Bộ Ngoại giao Thái có thể hiểu lầm biên bản ghi nhớ (MoU) năm 2000.
Thông cáo Bộ Ngoại giao và hợp tác Quốc tế Campuchia cho biết, phía Campuchia giữ lập trường và khẳng định một lần nữa, Chùa Keo Sikha Kiri Swarak nằm trong lành thổ Campuchia một cách hợp pháp, bất chấp vấn đề xảy ra Campuchia không bao giờ dời chùa và cũng không hạ lá cờ vừa nêu. Thông cáo còn cho biết, nước Xiêm chấp nhận chùa Keo Sikha Kiri Swarak xây dựng trong năm 1998, còn lá cờ trên ngôi chùa cũng được cắm trong năm đó.
Câu hỏi đặt ra là tại sao Thái Lan lại yêu cầu Campuchia dời chùa và hạ cờ trong giờ này. Và cho đến lúc này, Campuchia cũng chưa nhận được bất cứ một thông điệp yêu cầu ngoại giao nào từ phía Thái Lan. Thông cáo còn cho biết, điều mong ước của Campuchia là giải quyết vấn đề biên giới một cách hòa bình, tuân theo Pháp luật và những ghi nhận từ cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về phân định biên giới.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong nói với Đài Á Châu Tự Do rằng, thông cáo của Campuchia muốn chứng minh lập trường, tinh thần là Campuchia sẵn sàng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình trong lúc Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva dọa sẽ có cuộc chiến với Campuchia. Ông Koy Kuong khẳng định, “chúng tôi giữ lập trường chúng tôi. Thông cáo này nhằm nhấn mạnh thêm cho một thông cáo khác ra ngày 23 tháng giêng. Chúng tôi giải thích một lần nữa để rõ hơn liên quan vấn đề chùa Keo Sikha Kiri Swarak. Ngôi chùa này thuộc chủ quyền lãnh thổ Campuchia.”

Campuchia giữ vững lập trường

Vào ngày 31 tháng giêng vừa qua, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tuyên bố sẽ mở cuộc chiến với Campuchia nếu như hai quốc gia này không đạt được thỏa thuận để giải quyết vấn đề biên giới một cách hòa bình.
Sau đó vài tiếng đồng hồ, Bộ Ngoại giao Thái cũng tuyên bố, Thái Lan đã tái khẳng định rằng một ngôi chùa nằm trong khu vực đang tranh chấp ở biên giới chung với Campuchia là nằm trên lãnh thổ Thái Lan và Thái Lan yêu cầu Chính phủ Phnom Penh dời cả ngôi chùa và lá cờ.
Đại diện Hội đồng giám sát Campuchia, và là Giám đốc Hiệp Hội giáo viên độc lập Campuchia Rong Chhun phản ứng rằng, tuyên bố đòi hỏi và hăm dọa của Thái Lan là trái Pháp luật, trong lúc Thái Lan đang xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Campuchia. Ông ủng hộ Chính phủ hoàng gia giữ lập trường, không nên làm theo lời yêu cầu của Thái Lan. Ông Rong Chhun cũng ủng hộ Chính phủ chuẩn bị tài liệu khởi kiện lên Hội đồng bảo An Liên Hiệp Quốc để can thiệp vì càng ngày Thái càng lấn lướt.


Ông Rong Chhun bày tỏ thêm, “chúng ta có cơ sở và có Hiệp ước Pháp-Xiêm năm 1904-1907. Hơn nữa, chúng ta có bản án Tòa án Quốc tế năm 1962. Chúng ta có bản thỏa thuận Hiệp định Paris ngày 23 tháng 10 năm 1991 trong khi Xiêm cũng là một nước tham gia ký kết Hiệp định Paris.”
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Thani Thongpakdi nói với báo bưu điện Bangkok hôm thứ tư, ngày 2 tháng 2 rằng, Thái Lan yêu cầu như vậy là dựa vào bản ghi nhớ (MoU) ký kết giữa hai nước trong năm 2000. Điều 5 của biên bản ghi nhớ cho biết, cả hai bên không nên tiến hành bất cứ công việc dẫn đến thay đổi môi trường của vùng biên giới. Do đó, Bộ Ngoại giao Thái Lan khẳng định sẽ không có xây dựng trong khu vực nơi mà Ủy ban biên giới chung cần phải thương lượng để phân giới cắm mốc.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Prawit Wongsuwan cho biết, Bộ Ngoại giao có thể hiểu lầm biên bản ghi nhớ và ngôi chùa của Campuchia. Ông nói rằng, bất cứ những gì được xây dựng trước biên bản ghi nhớ năm 2000 thì nên được để lại. Nhưng bất cứ những gì xây dựng sau năm 2000, nên được loại bỏ. Tướng Prawit nhấn mạnh, ông nghĩ rằng biên bản ghi nhớ nói rất rõ về điều đó, và Campuchia-Thái Lan sống với nhau bằng cách thực hiện theo biên bản ghi nhớ này.

No comments:

Post a Comment