Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, February 21, 2011

Ðại sứ Palestine tại Việt Nam: Khó cưỡng xu hướng dân chủ hóa

HÀ NỘI 20-2 (TH) - Ðại sứ Palestine tại Việt Nam, Saadi Salam, phát biểu trong một cuộc phỏng vấn của báo điện tử VietNamNet rằng “Dân chủ hóa là xu hướng khó cưỡng lại được của thời đại”.

VietNamNet phổ biến cuộc phỏng vấn này ngày Chủ Nhật 20 tháng 2 năm 2011 cùng ngày với một bài bình luận trên tờ Nhân Dân (cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN) đả kích bà Ngoại Trưởng Mỹ Hillary Clinton “lại thêm một luận điệu xuyên tạc tình hình Việt Nam” khi bà đả kích chế độ kiểm duyệt Internet và bỏ tù các người phát biểu ý kiến chính trị “ngoài luồng” tại Việt Nam.

Bài phỏng vấn ông Saadi Salam của VietNamNet là về tình hình Trung Ðông đang nóng bỏng với các cuộc biểu tình đổ máu tại nhiều nước sau khi đã xảy ra cuộc cách mạng hoa nhài kéo dài có mấy ngày ở Tunisia hồi trung tuần tháng 12 năm 2010 và cuộc biểu tình 18 ngày của người dân Ai Cập trong tháng 1, 2011 đã kéo sập hai chế độc độc tài chuyên chế từng ngự trị suốt nhiều thập niên không đổi.

Trong cuộc phỏng vấn này, ông Salam cho rằng về lý do khách quan, hòa bình không bền vững ở khu vực Trung Ðông. Nguyên nhân chủ quan, kinh tế phát triển không giúp cho giới trẻ tuổi chiếm phần lớn dân số.
Kế đến hệ thống chính trị như ở Ai Cập, theo Ðại sứ Salam, “tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia vào hệ thống chính trị. Những nhà doanh nghiệp này chỉ lo cho lợi ích cá nhân của họ, lợi dụng chính quyền, lợi dụng vị trí trong bộ máy nhà nước để tham nhũng”.

Một nguyên nhân khác dẫn đến sự sụp đổ chế độ ở Tunisia và Ai Cập mà ông nói là “Việc những lãnh đạo Ả-rập nắm quyền trong một thời gian dài, cùng với đó họ còn tạo điều kiện cho con cái và họ hàng của mình có một vai trò trong hệ thống chính trị, tiếp nối họ làm lãnh đạo cầm quyền gây nhiều bất bình.

Ðiều này cũng phản ánh một cách rõ rệt là các đảng cầm quyền đã có những vấn đề mang tính chất suy thoái, tham nhũng, tất nhiên gây phẫn nộ trong giới thanh niên và người dân.”

Những nhận xét này về chính tình Trung Ðông cũng tương tự như ở Việt Nam tuy hai hệ thống chính trị khác nhau, các điều kiện văn hóa xã hội khác nhau. Ðiều mới xảy ra trong cuộc bầu bán và đưa người vào Trung Ương Ðảng Cộng Sản ở Việt Nam hồi giữa tháng 1 vừa qua cho thấy con của Nông Ðức Mạnh, tổng bí thư mãn nhiệm, con của Nguyễn Tấn Dũng, đương kim thủ tướng, và con của 2 ủy viên Bộ Chính Trị khác đã được đẩy vào trung ương đảng trước sự ngỡ ngàng của rất nhiều người.

Khi được hỏi để khu vực Ả-rập đi vào ổn định, theo đánh giá của ông Salam thì “Dân chủ hóa đòi hỏi sự phù hợp với những đặc trưng của thế giới Ả-rập nhưng đó là xu hướng khó cưỡng lại được của thời đại”.
Trong khi Trung Quốc ngăn chặn tối đa tất cả các tin liên quan đến tình hình Trung Ðông, hệ thống báo đài ở Việt Nam tuy không được loan tải tự do, nhưng ít nhất cũng khá nhiều tin và hình ảnh đi sát với thời sự từ các biến cố ở Tunisia, Ai Cập sang đến các cuộc biểu tình bị đàn áp ở Libya, Bahrain, Yemen.

Ngày 2 tháng 2 năm 2011, VietNamNet tóm tắt lại một bài phân tích của nhật báo Anh Quốc The Guardian viết về bất ổn ở Trung Ðông với “Ba bài học lãnh đạo không thể bỏ qua”. Trong đó, bất bình kinh tế và tham nhũng chỉ là khởi điểm và “không một quốc gia nào là an toàn. Quan điểm dùng kỷ luật độc tài đảng trị để đối phó với bất mãn xã hội tới một lúc nào đó sẽ hết hiệu quả. Bởi vậy “mỗi nước cần bắt đầu cuộc cải tổ chính trị dài hạn, ổn định và nghiêm túc trước khi mọi sự trở nên quá muộn”.

Trong một bản tin khác, VietNamNet ngày 18 tháng 2 năm 2011, dẫn lời phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố Hà Nội, Nguyễn Xuân Ðiệp, khẳng định, “Cánh cửa tự ứng cử mở rộng với mọi người dân.” Mở rộng tới đâu hay chỉ là tuyên truyền dối trá, khi “hiệp thương” bầu bán thì biết ngay.

Chuyện tự ứng cử là chuyện không xảy ra hiện nay. Kỳ bầu cử Quốc Hội lần trước, ông Phạm Hùng Võ, nguyên là thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường của chế độ, nộp đơn tự ứng cử đã bị ép phải rút đơn. Nhà giáo “người đương thời” Ðỗ Việt Khoa nổi tiếng chống tham nhũng trong ngành giáo dục, khi nộp đơn tự ứng cử Quốc Hội ở Hà Tây cũng bị gạt ra ngay từ đầu. Kỳ bầu cử vào tháng 5 tới đây, chế độ Hà Nội nói rằng 20% đại biểu sẽ là “người ngoài đảng” một tỉ lệ “kỷ lục” từ trước tới nay nhưng vẫn phải qua những buổi “hiệp thương” từ địa phương đến Mặt Trận Tổ Quốc.

No comments:

Post a Comment