Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, February 15, 2011

Ai Cập yêu cầu phương Tây phong tỏa tài sản quan chức cao cấp chế độ Mubarak

Trong những ngày qua, từ Pháp, Đức, cho đến Anh, Mỹ, nhiều nước phương Tây đã nhận được yêu cầu của Ai Cập, đề nghị phong tỏa tài sản của gần một chục quan chức cao cấp trong chính quyền Mubarak. Tuy nhiên trong danh sách này không có tên nhân vật chủ chốt là cựu tổng thống Hosni Mubarak.
Liên Hiệp Châu Âu xem xét yêu cầu này vào hôm nay 15/02/2011 tại Bruxelles.
Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Pháp, ông Bernard Valero, vào hôm qua, đã xác nhận nguồn tin trên với hãng tin Pháp AFP, và cho biết thêm rằng “lẽ dĩ nhiên là Paris sẽ hợp tác với chính quyền Ai Cập trên vấn đề này”. Ông Valero cũng nói rõ là đề nghị của phía Ai Cập “không bao gồm tài sản của cựu tổng thống Hosni Mubarak cũng như các thành viên gia đình ông”.
Tại Luân Đôn, Ngoại trưởng Anh William Hague cũng xác nhận yêu cầu tương tự từ phía chính phủ Ai Cập, và cho biết là nước ông sẽ phối hợp với Liên Hiệp Châu Âu và các đối tác quốc tế trong vụ này, như trong trường hợp của Tunisia mới đây. Theo ông Hague : “Nếu có bằng chứng về sự biển thủ hay lạm dụng công quỹ, chúng tôi sẽ có hành động kiên quyết và nhanh chóng".
Washington và Berlin đều cho biết đã nhận được yêu cầu của chính quyền hiện tại ở Cairo, và xác nhận là yêu cầu đó không liên quan gì đến cựu tổng thống Ai Cập và gia đình.
Về số lượng quan chức Ai Cập là đối tượng bị phong tỏa tài sản, một nguồn tin ngoại giao cho AFP biết là Liên Hiệp Châu Âu sẽ xem xét trường hợp của 7 người. Danh tánh cụ thể cũng như quy mô tài sản của những nhân vật này, tuy nhiên, không được tiết lộ.
Ai Cập khẩn cấp kêu gọi quốc tế giúp đỡ kinh tế.
Trước tình hình kinh tế đất nước bị tác hại nặng nề vị cuộc khủng hoảng vừa qua, chính quyền đương nhiệm tại Cairo đã phải kêu cứu với cộng đồng quốc tế.
Lời cầu viện được đưa ra một hôm sau khi quân đội nước này kêu gọi chấm dứt mọi cuộc đình công và biểu tình.
Theo một bản thông cáo được gởi đến hãng tin Pháp AFP vào hôm nay, Ngoại trưởng Ai Cập Ahmed Abul Gheit đã gọi điện cho ba đồng nhiệm Mỹ, Anh và Ả Rập Sêút, để kêu gọi quốc tế “cung cấp hậu thuẫn cho nền kinh tế Ai Cập đã bị cuộc khủng hoảng chính trị tỏa ra trên toàn quốc ảnh hưởng năng nề”.
Theo một thẩm định gần đây của Ngân hàng Pháp Crédit Agricole, vào lúc cao điểm của cuộc nổi dậy vừa qua, nền kinh tế Ai Cập đã mất đi ít nhất là 310 triệu đô la mỗi ngày. Crédit Agricole đã hạ thấp dự báo tăng trưởng năm 2011 của Ai Cập từ 5,3% xuống còn 3,7% .
Lời kêu cứu của chính quyền Cairo được đưa ra 24 tiếng đông hồ sau khi quân đội, được trao quyền tạm thời lãnh đạo Ai Cập, đã yêu cầu đình chỉ mội cuộc đình công và biểu tình.
Đối với quân đội Ai Cập, các cuộc đình công và biểu tình trong thời điểm “tế nhị” hiện nay sẽ “ảnh hưởng tiêu cực” đến đất nước, ngay từ trước lúc nổ ra cuộc nổi dậy, đã là địa bàn của tình trạng nghèo khó triền miên và nạn thiếu công ân việc dai dẳng. Hiện có đến 40% dân số Ai Cập phải sống ở ngưỡng nghèo khó.
Trong những ngày qua, các vụ bãi công và biểu tình đã nổ ra trong các ngành vận tải, ngân hàng, công nghiệp dầu hỏa, may mặc, và ngay cả trong giới truyền thông nhà nước hay cơ quan chính phủ. Những người tham gia đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.
Trong lãnh vực chính trị, quân đội Ai Cập, vào hôm nay đã kỳ hạn cho một ủy ban pháp lý là trong vòng 10 ngày tới đây là phải hoàn thành các đề xuất sửa đổi Hiến pháp.
Hội đồng Quân sự Tối cao điều hành đất nước Ai Cập từ sau ngày tổng thống Mubarak từ nhiệm hôm thứ sáu tuần trước, đã quyết định đình chỉ việc áp dụng hiến pháp và giải tán Quốc hội hôm chủ nhật vừa qua, và cam kết sẽ tổ chức bầu cử dân chủ trong những tháng tới.
Quân đội chỉ định một ủy ban bao gồm các luật gia để sửa đổi Hiến pháp. Thành viên cơ chế này đã họp phiên đầu tiên vào hôm nay, với chỉ thị là phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn tối đa là 10 ngày.

No comments:

Post a Comment