Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, February 23, 2011

10.000 người Việt còn ở Libya

Gần 10.000 người Việt, đại đa số là lao động xuất khẩu, còn ở lại Libya trong khi tình trạng bất ổn leo thang.
Trong khi nhiều quốc gia tổ chức sơ tán công dân của họ khỏi khu vực bấn loạn này, các nguồn tin cho hay công nhân Việt Nam hiện được khuyến cáo chờ đợi trước khi có quyết định được đưa về nước hay không.
Họ cũng được cảnh báo ở trong nhà, tránh các địa điểm tụ tập đông người hay có biểu tình.
Ông Đào Duy Tiến, Đại sứ Việt Nam tại Libya, nói với BBC rằng tòa đại sứ vẫn đang theo dõi chặt tình hình tại chỗ:
"Chúng tôi thông tin về trong nước để những cơ quan có trách nhiệm làm việc với các công ty đưa lao động sang bên này, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ chi tiết cho gia đình (lao động) về tình hình Libya và cách xử lý của Việt Nam."
Tin chưa kiểm chứng cho hay hàng trăm người thiệt mạng trong làn sóng biểu tình kéo dài gần một tuần nay tại Libya.
Hiện chưa có tin người Việt nào thương vong.
Tuy nhiên việc liên lạc với Libya đang ngày càng khó khăn, mạng internet bị cắt và điện thoại di động cũng bị gián đoạn.
Được biết, Cục Quản lý Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội đã có cuộc họp khẩn với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang Libya để bàn cách đối phó nếu như tình hình tiếp tục bất ổn.
Cơ quan quản lý lao động ra quyết định tạm thời ngừng đưa lao động Việt Nam sang thị trường này.

Phương án sơ tán

Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng được yêu cầu theo dõi sát tình hình và có phương án cụ thể đề phòng trường hợp xấu có thể xảy ra.
Thống kê cho hay khoảng 20 công ty tham gia đưa lao động sang thị trường Libya từ năm 2007 tới nay.
Riêng năm 2010, con số là hơn 5.000 người.
Ông Nguyễn Xuân Vui, giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Lao động và Thương mại Hàng không (Airserco), nói năm ngoái, Airserco gửi sang Libya 200 lao động, đa phần là công nhân kỹ thuật cao về xây dựng.
Chúng tôi cập nhật tin tức thường xuyên, có thể nói là hàng giờ với chủ xây dựng là một tập đoàn của Trung Quốc ở Libya."
Theo ông Vui, có hai điều lo ngại chính là phương án sơ tán công nhân khi cần thiết, và bảo đảm lương thực thực phẩm dự trữ cho công nhân trong hoàn cảnh hiện nay.
Về lương thực dự trữ, chủ xây dựng đã lo chủ động mang hàng từ Trung Quốc sang để cung cấp cho các công nhân hiện đang trú trong một nhà nghỉ và không đi làm. Kịch bản sơ tán cũng đã được hoạch định:
"Về di chuyển thì hai bên đã thống nhất là nếu Thủ tướng Việt Nam và Trung Quốc đồng ý cho sơ tán toàn bộ công nhân về nước thì Trung Quốc sẽ đưa máy bay quân sự sang chở cả công nhân Trung Quốc và công nhân Việt Nam đi."
"Có thể đưa về Trung Quốc rồi từ đó về Việt Nam, hoặc chở tàu sang Hy Lạp rồi từ đó về Việt Nam."

'Thị trường tiềm năng'

Theo ông Nguyễn Xuân Vui, lao động Việt Nam tại địa phương phải liên lạc trực tiếp và thường xuyên với người sử dụng lao động để đòi hỏi và tìm ra giải pháp tối ưu về cả an ninh và các quyền lợi khác.
"Trong trường hợp có khó khăn, phải yêu cầu Cục Quản lý Lao động tác động tới Chính phủ để có biện pháp bảo vệ, vì con số lao động Việt Nam ở Libya hiện rất lớn."
"Nếu có vấn đề gì xảy ra với 10.000 con người này thì đây là chuyện rất lớn.'
Libya gần đây nổi lên trong số các quốc gia Trung Đông như một địa chỉ tiềm năng cho lao động xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện còn khoảng 1.000 người đang trong quá trình học nghề, làm thủ tục để chuẩn bị sang nước này, nhưng theo nhiều đánh giá, có thể việc đưa người sang Libya với mục tiêu 5.000-7.000 lao động trong năm nay sẽ không thực hiện được.

No comments:

Post a Comment