Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, March 1, 2011

Tình hình người Việt tại Libya

Tình hình biến động tại Libya buộc nhiều người ngoại quốc đang làm việc tại đó phải rời khỏi đất nước này. Trong số đó có chừng 10 ngàn công nhân Việt được đưa sang lao động tại đó.
Vậy công tác đưa lao động Việt Nam về nước ra sao trong khi thân nhân của họ đang ngóng chờ tin tức từng ngày từng giờ?

Được hỗ trợ ra sao?

Cục Lao động Ngoài nước, cơ quan chủ quản của Việt Nam về lao động xuất khẩu đã có một số động thái để trợ giúp lực lượng lao động xuất khẩu Việt Nam, sau khi tình hình chính trị tại một số quốc gia Bắc Phi và Trung Đông diễn biến xấu đi như ở Libya khi mà chính quyền Gadhafi thẳng tay đàn áp dân chúng biểu tình.
Cục này cho biết đã thành lập năm đoàn công tác đến khu vực có biến động để phối hợp cùng các đại sứ quán Việt Nam ở những quốc gia liên hệ nhằm đưa công nhân lao động xuất khẩu Việt Nam đến nơi an toàn chờ máy bay đưa về nước.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, vào sáng ngày 28 tháng 2 cho Đài chúng tôi biết một số thông tin liên quan:
"Bây giờ đã có 936 lao động về đến Việt Nam rồi. Sắp có khoảng 90 người nữa đến sân bay. Các đoàn công tác đã đến những nước lân cận với Libya để làm việc với các sứ quán đưa lao động về. Trước mắt Quĩ Hỗ trợ Việc làm sẽ hỗ trợ cho mỗi người khi đến sân bay 1 triệu đồng, các công ty đưa người lao động đi cũng hỗ trợ 1 triệu đồng, còn sau đó sẽ tính…"
Như lời ông Nguyễn Ngọc Quỳnh thì đến sáng thứ hai, đã có hơn 900 lao động Việt làm việc tại Libya đã được đưa về nước. Tuy nhiên, số đó chỉ mới chừng một phần mười tổng số có mặt tại Libya. Cho nên thân nhân của những người chưa về đến Việt Nam rất bồn chồn, lo lắng cho tính mạng của người thân khi mà họ chưa thấy thân nhân về mà lại không liên lạc được. Chị Liên, có chồng sang Libya làm công nhân xây dựng sáu tháng qua cho biết tâm trạng cũng như tình cảnh gia đình:
"Cách đây hai hôm có liên lạc được nhưng sau đó không còn liên lạc được nữa. Khi liên lạc được, anh ấy kể không biết gì cả. Khi đang ngủ, người ta đánh kẻng, báo có bạo loạn rồi tập trung di dời đi. Gia đình rất lo lắng, không biết anh đang ở đâu vì không liên lạc được. Gia đình cũng gọi điện thoại cho công ty đưa đi lao động, nhưng những số họ cho đều không có người trả lời máy.
Chúng tôi là người ở quê, do có khó khăn nên mới phải vay mượn để đi xuất khẩu lao động. Nay không may xảy ra chuyện đó nên khi về không biết làm cách nào để mà trả nợ đây. Công ty Airserco yêu cầu đặt cọc 38 triệu. Sang làm được sáu tháng, mà hai tháng cuối này chưa nhận được lương, không biết có lấy được hay không, công ty có trả cho hay không?"

Trách nhiệm của công ty môi giới
Libya là điểm nóng thu hút mọi chú ý. Tuy nhiên ở một số nơi khác trong khu vực cũng diễn ra những cuộc biểu tình của người dân đòi thay đổi chính trị như Bahrain, Yemen, Oman… Tại những nước đó cũng có công nhân Việt sang làm ăn, và họ cũng lo ngại cho sự an nguy của bản thân. Một công nhân làm việc tại Bahrain cho biết:

"Mong muốn của chúng tôi là ai đưa chúng tôi đi họ phải có trách nhiệm với chúng tôi. Suốt hai năm nay, chúng tôi không hề thấy đại diện của công ty AIC đưa chúng tôi sang đây. Hiện nay tình hình ở Bahrain dân biểu tình đòi truất phế vua… vậy mà công ty đưa chúng tôi không hề gọi điện hỏi chúng tôi, chúng tôi sống chết ra sao mặc…!"
Đối với ý kiến cho rằng cơ quan chức năng và nhiều đơn vị đưa công nhân đi xuất khẩu lao động đã bỏ mặc họ ngay cả trong lúc bình yên, chứ chưa nói đến lúc ‘dầu sôi, lửa bỏng’ như hiện nay, ông Cục trưởng Nguyễn Ngọc Quỳnh có ý kiến:
"Không thể nhận định là các công ty đưa lao động sang bên đó rồi không lo lắng gì cho họ. Có thể có trường hợp nọ, trường hợp kia công ty chưa theo dõi được, thiếu trách nhiệm; chúng tôi thường xuyên kiểm tra và xử lý những việc đó. Ngoài ra, tại mỗi nước đều có đại sứ quán Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ công dân trong những lúc gặp khó khăn hay những vấn đề cần phải giải quyết. Tất cả đều có cơ chế để làm việc đó."


Hiện nay đối với những công nhân xuất khẩu Việt Nam ở những nơi có biến động đều mong mỏi được trở về an toàn, vì mạng sống là trên hết. Tuy nhiên, sau niềm vui trở về họ phải đối mặt với cuộc sống cơm áo gạo tiền, mà chính vì nó họ phải vay mượn cầm cố để ra đi lao động ở xứ người.
Trước mắt cơ quan chức năng hứa sẽ hỗ trợ cho mỗi người trở về một triệu đồng, tuy nhiên nếu ai còn nợ chưa trả hết do phải vay mượn để được đi xuất khẩu lao động, thì đó là một ám ảnh và rồi chuyện tìm công ăn việc làm trước mắt ở quê nhà trong tình hình khó khăn hiện nay để nuôi sống bản thân và gia đình cũng là bài toán nan giải.
Thiên tai, địch họa được xem là những trường hợp bất khả kháng đối với con người. Tuy nhiên, nếu chúng được xem xét đưa vào kế hoạch đối phó trước thì hẳn nhiên khi xảy ra tình huống xấu, việc giảm thiểu tác hại sẽ không bị động.

No comments:

Post a Comment