Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, March 30, 2011

Kiểm soát tăng giá - chuyện không dễ

Giá cả ở Việt Nam vẫn là câu chuyện nóng sốt vì vừa qua, giá xăng dầu bất ngờ tăng đồng loạt 10 đến 15% so với trước đó.
Báo chí trong nước số ra hôm sau đều loan tin giá xăng cao sắp kéo giá cước vận tải lên cao, trong lúc giá hàng hoá giá dịch vụ cũng chuẩn bị leo thang tiếp.


Tăng giá liên tục


Với quyết định của Bộ Tài Chính và Bộ Công Thương, nâng xăng dầu bán lẻ tăng từ hai nghìn đến hai nghìn tám trăm đồng một lít từ lúc 11 giờ đêm 29 tháng Ba khiến người dân cảm thấy bất ngờ và lo lắng.


Anh Quỳnh, tài xế tắc xi thuộc Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Thắng Lợi ở thành phố Dalat, cho biết:


"Giờ chạy tắc xi khó khăn lắm, giá cả xăng dầu lên rồi giá cước lên, thành công ty người ta cũng tăng giá. Bình thường mười hai ngàn một cây số thì giờ tăng mười bốn ngàn một cây số. Chắc là giá còn lên nữa. Giờ chạy mãi cũng nản, đời sống khó khăn, kiếm không đủ, nói chung là mệt mỏi lắm."
Từ Hà Nội, tiến sĩ Lê Chí Thành, giám đốc VITEDI Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Phát Triển Công Nghệ Cao, nói rằng giá cả tăng là đề tài câu chuyện trao đổi hàng ngày giữa các doanh nghiệp với nhau:


"Xăng dầu cứ tăng như thế thì càng khó khăn do cái chuyện hạch toán phải đảo lộn phải lật lại hết. Thực sự bây giờ các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã quen với tình trạng này, sức chịu đựng cũng phải cao, cũng đang tìm mọi cách để khắc phục. Còn đương nhiên về chuyện sản xuất ở đây thì bọn tôi đúng là khó khăn do tiếp cận nguồn vốn cũng khó. Thế nên hiện nay qui mô sản xuất đều phải thu hẹp, rồi là chờ đợi cái việc ổn định mặt bằng giá, cho nên chưa thể có kế hoạch dài hơi được."
Đối với tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế về giá cả thị trường, thì rõ ràng giá cả tăng vọt như hiện thời không chỉ động chạm đến cuộc sống của tất cả người dân và các hộ gia đình mà còn ảnh hưởng đến giới đầu tư trong nước cũng như ngoài nước chứ không đơn thuần chỉ là những con số hoặc chính sách vĩ mô xa vời nữa:


"Về nhận định chung thì giá cả bắt đầu tăng cao từ tháng Chín 2010, cho đến nay thì đã trải qua bảy tháng, giá cả liên tục tăng với mức khá cao. Đặc biệt tháng Ba vừa rồi thì chỉ số giá cũng tăng đến 2,17%. Và cùng với việc hiện nay là điện bắt đầu tăng từ ngày Một tháng Ba với mức tăng 15,28% bình quân, rồi thì giá xăng dầu tăng liên tục từ 24 tháng Hai một lần, tăng đến khoảng gần 18%, và đợt này thì tăng khoảng 10%."


Kéo theo đó, ông khẳng định tiếp, hàng hoá và các dịch vụ khác cũng có xu hướng tăng giá, nên có thể nói vấn đề kiềm chế và kiểm soát lạm phát của năm 2011 này sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.


Vẫn theo lời ông, việc giá cả biến động theo chiều hướng tăng vọt như vậy trong khi thu nhập không theo kịp, đã ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống người tiêu thụ, đặc biệt những hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình.


Vòng xoáy tăng giá


Về phía chính phủ, tiến sĩ Vũ Đình Ánh nhận định, việc điều chỉnh giá trong thời gian qua có vẻ như đi ngược lại với mục tiêu kiểm soát và kềm chế lạm phát. Tuy nhiên đối với một số mặt hàng hoá liên quan tới xăng dầu thì cực chẳng đã phải tăng giá:


"Cho đến nay Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần như toàn bộ lượng xăng dầu. Do đó, với xu thế biến động của giá cả trên thị trường quốc tế thì Việt Nam buộc phải điều chỉnh tăng giá. Đó là điểm thứ nhất."


Vấn đề thứ hai là câu chuyện giá các hàng hoá khác tăng, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh giải thích là nó liên quan đến xu thế lạm phát đang gia tăng. Theo ông, mặc dù các biện pháp thắt chặt thì một mặt có thể tác động đến vấn đề kiểm soát lạm phát, tuy nhiên các chính sách ấy cần phải có cái độ trễ nhất định:

"Cái vấn đề thứ hai nữa là khi thắt chặt như vậy thì các chi phí đầu vào của sản xuất kinh doanh cũng lại có xu hướng tăng cao và kéo theo đó nếu như không có các biện pháp tốt phối hợp với nhau thì rõ ràng sẽ tạo ra vòng xoáy tăng giá, việc kiểm soát lạm phát sẽ cực kỳ khó khăn."


Dưới mắt các chuyên gia kinh tế, trong đó có tiến sĩ Vũ Đình Ánh chuyên phân tích về giá cả và thị trường, bất kể trong trường hợp nào từ phía góc độ người tiêu dùng thì việc tăng giá những mặt hàng thiết yếu như xăng dầu đều tác động tiêu cực tới họ:


"Đặc biệt xăng dầu sử dụng trong nông nghiệp như là đầu vào cho sản xuất, do đó nó không chỉ tác động đến tiêu dùng mà tác động đến cả sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình, đặc biệt trong khu vực nông nghiệp nông thôn."


Để khắc phục, ông Vũ Đình Ánh gợi ý là cần sự kết hợp từ ba phía. Đối với chính phủ, ông nói tiếp, cần phải cắt giảm những khoản liên quan mà có thể làm dịu bớt tình trạng tăng giá xăng dầu trong bối cảnh thị trường thế giới biến động.


Đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, theo ông, điều cần thiết là làm sao cắt giảm chi phí hầu giảm thiểu và hạn chế việc tăng giá đến mức độ cao như hiện nay:


"Ví dụ như đợt trước đã tới hai nghìn chín một lít A92, lần này cũng hai nghìn đồng cho một lít A92, rồi dầu cũng rất là cao. Đứng về phía tiêu thụ, rõ ràng tăng giá cao như vậy qua hai đợt đã xấp sỉ tới 30% thì việc người tiêu dùng kể cả các hộ gia đình hay các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu thì họ cũng phải thực hiện cắt giảm, nói cách khác là tiết kiệm việc tiêu thụ năng lượng, như vậy sẽ hạn chế bớt tác động mà tôi cho là không tích cực như hiện nay."
Hôm thứ Tư, một ngày sau xăng dầu được liên bộ Tài Chính-Công Thương quyết định tăng giá, cục trưởng Cục Quản Lý Giá thuộc Bộ Tài Chính, ông Nguyễn Tiến Thoả , cũng tuyên bố rằng tăng giá xăng dầu là việc bất khả kháng.


Theo dự kiến, với vật giá chực chờ leo thang tiếp như hiện giờ, chỉ số giá tiêu dùng CPI cũng sẽ nhích lên 0,4% nữa. Được yêu cầu giải thích trực tiếp về vấn đề lạm phát trong những ngày tới, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh trả lời:


"Câu chuyện kiềm chế và kiểm soát lạm phát của Việt Nam năm 2011 này có điểm khác so với 2010 hay 2008. Tác động kinh tế thế giới đối với kinh tế Việt Nam vẫn lớn, năm nay rõ ràng những tác động ấy rất khó dự đoán."


Tóm lại, ông kết luận, có khá nhiều yếu tố không lường được cho Việt Nam mà phát xuất từ những sự việc khó lường ở bên ngoài. Theo ông, chính phủ Việt Nam cần thắt chặt chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, đặc biệt hướng đến chỉ tiêu cụ thể về việc thắt chặt tiền tệ, hạn chế nhập siêu, ổn định cán cân về tỷ giá hối đoái. Ông nhấn mạnh rằng nếu triển khai những điều vừa kể một cách tích cực thì mới có thể kiềm chế lạm phát trong chừng mực nào đó của năm 2011 này.

No comments:

Post a Comment