HÀ NỘI (TH) - Quốc Hội Việt Nam, vốn hầu hết đều là đảng viên cộng sản, đã bác “Luật Thủ Ðô,” một dự luật từng bị đả kích là trái Hiến Pháp cũng như biến thủ đô Hà Nội thành một “khu tự trị” cho một số những người có đặc quyền, đặc lợi.
Truyền thông trong nước cho hay, vào chiều ngày Thứ Ba, 29 tháng 3 năm 2011, chỉ có 35% đại biểu Quốc Hội bỏ phiếu tán thành dự luật này trong khi có tới 44% đại biểu hiện diện chống lại. Ðặc biệt, có gần 11% đại biểu hiện diện nhưng đã không bỏ phiếu.
Ðây là lần thứ hai Quốc Hội khóa 12 của Việt Nam bỏ phiếu bác một dự luật. Những việc như vậy hiếm thấy xảy ra trong một chế độ mà tất cả các đại biểu Quốc Hội đều là “đảng cử dân bầu.”
Tháng 6 năm ngoái, Quốc Hội Việt nam cũng đã bác bỏ dự án đường sắt cao tốc vì quá tốn kém, mà nếu xây dựng sẽ để lại món nợ lớn cho các thế hệ sau này.
Dự luật “Luật Thủ Ðô” đã được đưa ra bàn thảo ở Quốc Hội một số lần hồi năm ngoái, dự tính thông qua trước khi tổ chức kỷ niệm “Ngàn Năm Thăng Long” nhưng rồi phải đình hoãn vì có quá nhiều chỉ trích.
Trong kỳ họp hồi tháng 11 năm ngoái, đại biểu Trần Du Lịch của Sài Gòn kêu rằng nếu luật này được thông qua là có sự nhầm lẫn giữa đặc quyền và đặc lợi dành cho thủ đô. Còn đại biểu Lê Văn Học ở Lâm Ðồng thì cho luật đó sẽ biến Hà Nội thành một khu tự trị.
Dự luật nói trên nhằm giới hạn người nhập cư và buôn bán kinh doanh, kiếm việc làm ở Hà Nội khi đòi người ta phải có giấy phép, tức là trái với Hiến Pháp.
Cuối tháng 5, 2008, Quốc Hội Hà Nội đã thông qua một nghị quyết mở rộng địa giới thủ đô Hà Nội rộng hơn diện tích hiện nay 3.6 lần, với tổng diện tích 3,300km2.
Sau khi được mở rộng, thủ đô Hà Nội nuốt gọn tỉnh Hà Tây, lấy thêm huyện Mê Linh của tỉnh Vĩnh Phúc, 4 xã của tỉnh Hòa Bình.
Với Hà Nội mở rộng, theo ông Trần Trọng Hanh, nguyên hiệu trưởng trường Ðại Học Kiến Trúc nói trên Bee.net ngày 2 tháng 4, 2010 cho biết có đến 70% dân chúng thủ đô sống ở các khu vực nông thôn. Họ là nông dân sống với đồng ruộng nhưng cái dự luật thủ đô không đả động gì tới cái khối người đông đảo nhất này, và cả khu vực nông thôn.
No comments:
Post a Comment