LONG AN 28-3 (TT) - Sáng 27 tháng 3, người dân các tỉnh miền Tây bu kín các trạm xăng với can, thùng lỉnh kỉnh, xếp hàng chờ mua dầu.
Tình trạng bán dầu nhỏ giọt đã làm hầu hết ngư trường, nông trại nhiều tỉnh như Long An, An Giang, Kiên Giang, Ðồng Tháp tê liệt. Phần lớn trạm xăng tư nhân ở vùng biên giới đóng cửa, treo bảng “hết dầu”. Tại một trạm xăng ở huyện Vĩnh Hưng (Long An), nông dân đứng xếp hàng dài từ 5 giờ sáng, nhiều người đặt dưới chân gần 100 can nhựa loại 20 lít. Nhiều nông dân chép miệng than: “Chúng tôi cần dầu diesel chạy máy bơm nước gieo sạ vụ Hè Thu. Nhích từng bước suốt 2 tiếng đồng hồ, mỗi người chỉ mua được 10 lít dầu. Họ nói chỉ bán tối đa bấy nhiêu thôi. Ai cần nữa thì mai đến xếp hàng tiếp tục.” Báo Tuổi Trẻ cho biết, mùa gặt vụ Ðông Xuân đang rộ, lúa chín vàng ngoài đồng nhưng tìm không ra máy gặt thuê. Hàng loạt máy gặt, máy suốt... nằm ụ ở nhiều vùng Tri Tôn (An Giang), Hòn Ðất, Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang) vì thiếu dầu. Riêng tại Rạch Giá (Kiên Giang), tàu nối nhau nằm dài ở cảng. Ông chủ tàu tên Trần Hon than thở: “Hỏi mua dầu khắp nơi không có, bó tay.” Mỗi chuyến tàu ra khơi đánh bắt xa bờ cần đến 30,000 lít dầu. Không có đủ dầu, tàu phải “nằm bờ.” Một số ghe cào cũng đành chịu chung số phận. Ông Ðàm Bá Văn, giám đốc công ty xăng dầu tỉnh Long An xác nhận tình trạng khan hiếm dầu trong những ngày gần đây. Ông này nói: “Hiện nay là thời gian cao điểm thu hoạch lúa và xuống giống vụ Hè Thu. Ai cũng bu mua trong khi dầu không nhiều cho nên thiếu dầu là cái chắc. Một số đại lý xăng dầu bị xiết hoa hồng, lời ít nên không muốn bán ra. Giá xăng dầu ở Cambodia cao hơn Việt Nam gần 5,000 đồng (tương ứng với khoảng 25 cents) mỗi lít nên thương buôn gom xăng dầu bán qua bên kia biên giới. Tất cả những yếu tố đó gộp lại làm tràn ly nước đã đầy.” Chi nhánh tổng công ty xăng dầu lớn nhất trong nước tại tỉnh Long An đã được chỉ thị bán xăng dầu nhỏ giọt. Tình trạng “bán hàng theo phiếu” đã bắt đầu tại tỉnh này. Nông dân muốn mua số dầu nhiều hơn “tiêu chuẩn” 10 lít mỗi ngày phải có giấy xác nhận của chính quyền địa phương. Tình hình này làm sống lại sức mạnh quyền lực “quen biết” của thời kỳ bao cấp sau ngày 30 tháng 4 năm 1975: “Nhất thế, nhì thân, tam quyền, tứ chế” của nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Cũng theo báo Tuổi Trẻ ngày 27 tháng 3, một viên chức cao cấp của Bộ Công Thương CSVN đã “ngộ” ra rằng cần phải “đa dạng hóa việc cấp phép các trạm xăng,” ngăn ngừa tình trạng độc quyền phân phối ở từng vùng cho một đại lý để chống lại nạn “ghìm hàng, nâng giá.” Ông này là Nguyễn Lộc An, vụ phó Vụ Thị Trường trong nước của Bộ Công Thương cũng đồng thời khẳng định: “Không thiếu xăng dầu cho nhu cầu của thị trường.” Ðiều thực tế xảy ra trước mắt cho thấy cán bộ lãnh đạo nhà nước tuyên bố vung vít thì quá dễ, nhưng vận hành guồng máy kinh tế trơn tru để người dân bớt khổ là chuyện hình như “không thể nào.” | |
|
No comments:
Post a Comment