Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, March 28, 2011

lan dan doi rong bien

Mỗi người một ngày chỉ 30 ngàn



Ngay tại trên con đường đi vào khu du lịch sang trọng Rusalka thuộc thành phố Nha Trang, có một gia đình gồm 11 người sống trong 3 cái bạt dựng thành lều. Họ làm nghề mò rong, đến từ xã Ninh Thủy, cách đó 30km.


Họ gọi nghề mò rong biển là “nghề đi mơ”. Ông Võ Mót, 70 tuổi là người già nhất trong gia đình. Ông nói ở làng ông cũng có nghề đi mơ nhưng “ở ngoài đó nhiều người làm quá nên rong biến dần dần hết.”

Ông Mót với bà vợ Nguyễn Thị Bầu 67 tuổi dắt díu con cái vào Nha Trang, dựng mấy tấm bạt làm lều, 11 người lớn bé sống trong đó, mò rong kiếm sống.

Khánh Hòa cũng như nhiều vùng đất khác tại miền Trung khác có rất nhiều dãy hoành sơn từ dãy núi Trường Sơn đâm ra, chạy dài đến tận biển Ðông. Từ điểm cuối của những dãy hoành sơn này tạo ra nhiều ghềnh đá, đó là nơi rong biển sinh sôi và phát triển, một loại thực vật được con người sử dụng như một loại thuốc quý để chữa những bịnh về thận và gan. Ðể lấy được những loại rong biển này, người dân phải lặn sâu dưới biển, sát những ghềnh đá để mò bứt chúng.

Ðó là những ngư dân nghèo, họ không có ghe thuyền để đánh bắt hải sản ngoài biển cũng như nuôi trồng hải sản gần bờ, mà chỉ biết dựa vào sức khỏe và ông trời. Dân chuyên đi mò rong biển gọi đó là nghề Ði Mơ.

Nghề đi mơ kiếm về không được bao nhiêu. Hái rong biển thôi thì không đủ sống, người ta còn lụm ve chai và làm lặt vặt kiếm thêm tiền.

Rong biển thường phát triển mạnh nhất vào từ khoảng tháng 2 đến tháng 7 Âm lịch. Vào những tháng này, dọc theo triền biển có rất nhiều người đi mò rong và phơi đầy trên đường cái. Họ thường đi thành nhóm, có thể là thân bằng quyến thuộc hoặc hàng xóm với nhau vì công việc không cho phép họ làm việc một mình đơn độc mà phải cần ít nhất là hai người.

Một người lặn, còn người kia ở trên mặt nước kéo lên. Cứ thế, họ thay đổi công việc cho nhau. Bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 2-3 giờ chiều, tùy thuộc vào thời tiết, khí hậu. Nếu như ngày hôm đó trời ít gió, biển lặng, nắng to họ có thể làm sớm hơn và kết thúc muộn hơn. Cá biệt có những ngày trời mưa gió thì chỉ biết ngồi ở nhà mong ngày mai trời sẽ nắng.

Là những ngư dân nghèo khổ, cho nên dù cái nghề mò rong buộc họ phải lặn sâu dưới ghềnh đá sâu tận 5-6 sải tay, nhưng vào những ngày trời nhiều gió họ chẳng cần sử dụng bất kỳ thiết bị hỗ trợ lặn nào. Những thứ thiết bị dường như cần thiết đó là một thứ xa xỉ và đôi khi còn gây nguy hiểm cho họ. Tuy thế, vào những ngày trời đứng gió, để việc mò rong đạt được nhiều sản lượng hơn, họ cũng sử dụng thiết bị tạo khí từ bình ắc-quy rồi dùng ống dẫn khí cho vào miệng để lặn được lâu hơn.
Ðể lặn được xuống dưới sâu, họ sỏ một sợi dây qua 3-4 cục đá quấn quanh người thay cho những cục chì làm cho cơ thể nặng hơn để dễ dàng xuống sâu dưới biển. Rồi từ đó sử dụng đôi bàn tay để mò, bứt rong biển mọc trên đá. Dường như đôi kính để lặn dưới nước là thiết bị duy nhất họ phải mua để khi lặn dưới nước sâu thấy được rong biển mà bứt.

Ðôi bao tay được làm bằng len dày không giúp họ tránh được những cạnh đá bén nhọn. Làm nghề này, đứt tay chảy máu là chuyện thường xảy ra. Chân mang những đôi giày vải hoặc bằng nhựa để tránh đạp phải vật nhọn dưới nước.

Trong những lều bạt tạm bợ nơi chứa những cặp vợ chồng con cái sống chung với nhau, ông Võ Mót cho biết:

“Ở làng chúng tôi có hàng trăm người cũng làm nghề đi mơ này. Nhưng vì ở ngoài đó nhiều người làm quá nên rong biển dần dần hết nên chúng tôi phải dắt díu nhau vào đây, chui rúc trong những túp lều tạm bợ này ngày ngày lặn mò rong biển để kiếm tiền sống qua ngày.”

Mỗi ngày cứ một nhóm 6 người đi mò rong biển thì họ mang về được khoảng 30-40kg rong. Sau đó đem phơi khô bán cho thương lái ở trong thành phố, cứ mỗi kilogram sau khi đã phơi được bán với giá là 6,000 đồng.

Anh Nguyễn Quang Hải 32 tuổi, là thành viên trong gia đình trên đi cùng với người vợ và đứa con gái nhỏ khoảng 3 tuổi nói về nỗi khổ sống trong căn lều không có nước để uống:

“Ðời sống của chúng tôi khó khăn và cực lắm. Nước ngọt để uống và tắm được mua từ những người dân trong làng, cứ mỗi can nhựa 20 lít nước họ bán với giá 1,000 đồng.”

Tiền nước quá cao, người ta không dám tắm, không dám giặt giũ. Anh Hải kể:

“Mà đàn ông thì rất ít khi tắm chỉ thỉnh thoảng gội đầu cho đỡ ngứa thôi. Chỉ có phụ nữ 3-4 ngày họ mới tắm một lần, mà 20 lít nước đó phải là dành cho 4 người tắm, chứ một người thì chịu không nổi tiền đâu. Còn giặt giũ quần áo thì chỉ có quần áo của phụ nữ và trẻ con, chứ đàn ông thì không cần, cứ đem phơi khô rồi sau đó mặc vào là được.”

“Ðàn ông khỏe hơn, cần gì mấy thứ đó,” and Hải nói rồi cười hề hề một cách tự nhiên.

Cái nghề mò rong biển này rất bạc, vì sau hết tháng 7 thì chẳng còn rong để mà lặn mò, họ phải quay về quê để đi làm thuê kiếm sống.

Vào buổi tối, họ phải ngủ trong những căn lều mà chẳng có mùng, mùng chỉ để dành cho trẻ con. Cứ mối tối muỗi cắn chịu không nổi phải chui vào trong những chiếc bạt nhựa, quấn quanh người cho muỗi khỏi cắn. Anh Hải chỉ vào tấm bạt nhựa còn rất mới cho tôi biết thêm:
“Cái bạt mới mua kia là do anh Việt kiều một lần đi ngang qua đây để ngắm cảnh, thấy đời sống khổ cực của chúng tôi bèn lấy một triệu đồng ra để tặng. Tôi dùng số tiền đó để mua bạt để che nắng che mưa.”

Cái nghề mò rong biển của họ chẳng biết còn được làm trong bao lâu nữa, vì theo họ cho biết nghe đâu phong phanh chính quyền bắt đầu nghiêm cấm việc mò lặn rong biển, vì đó là việc khai thác không được phép, nó làm nguy hại đến môi trường biển. Những loại giáp sát như: Tôm, cua, ghẹ... mà thức ăn chủ yếu là rong biển sẽ không sinh sôi nảy nở được. Chỉ nghe thế thôi cũng đã buồn. Chính quyền Việt Nam cứ thấy việc gì khuất tất là cấm đoán nhưng chẳng bao giờ nghĩ đến việc sau khi cấm đoán thì cuộc sống của người dân sẽ ra sao? Ít ra thì họ cũng phải định hướng hoặc giúp đỡ những con người này có một công việc nào đó để có thể kiếm tiền đặng nuôi sống gia đình của họ.

No comments:

Post a Comment