Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, March 28, 2011

Chuyện ly kỳ kết hôn giả (Kỳ 1): Người đàn bà với hai lần làm hụt hôn thú

WESTMINSTER (NV) - “Tôi muốn nói lên những lời này để những người phụ nữ ở Việt Nam mới sang không bị gạt như tôi.”

Ðó là lý do mà Trân Nguyễn (tên nhân vật đã được đổi) tự tìm đến nhật báo Người Việt để kể lên nỗi oan ức của bà, hai lần làm giấy kết hôn mà đều bị gạt, bà nói.


Giấy tờ ngân hàng do bà Trân Nguyễn (tên nhân vật đã được đổi) cung cấp, với số tiền hơn $11,000 bỏ vô và cũng bị rút ra gần hết. (Hình: Người Việt)


Câu chuyện tưởng như đơn giản. Từ đã lâu, trong cộng đồng Việt Nam được nghe tràn đầy những câu chuyện của người làm giấy kết hôn giả.

Trong một vụ kết hôn giả, một người có quốc tịch Mỹ, nhận làm giấy hôn thú cho một người ở Việt Nam hoặc ở Mỹ với visa du lịch hay du học. Người công dân Mỹ nhận một số tiền từ $30,000 tới $50,000, người kia được thẻ xanh hay quốc tịch rồi thì hai bên làm giấy ly dị đường ai nấy đi.

Nhưng cũng có nhiều vụ đổ bể, một bên lấy tiền không làm giấy tờ, khiến người kia tiền mất tật mang và bị trở thành kẻ ở Mỹ bất hợp pháp.

Câu chuyện của bà Trân, lúc mới đầu, tưởng là một vụ như vậy.

Nhưng sau khi hỏi đến các nhân vật liên quan, thì vụ này không chỉ đơn giản là một vụ giựt tiền khi làm kết hôn giả.

Vụ này gay cấn và phức tạp hơn lời kể của bà Trân. Và có những chi tiết còn ly kỳ hơn cả những điều bà Trân nói ra.

Còn sự thật ở đâu thì khó biết. Một vụ kết hôn giả là một việc làm trái pháp luật, bằng chứng giấy tờ gần như không bao giờ có. Có chăng là một bên nói như này, bên kia nói như khác, nghe sao biết vậy.



Kế hoạch đến Mỹ mổ tim



Người phụ nữ mà chúng ta tạm gọi tên là Trân Nguyễn xuất hiện tại tòa soạn Nhật báo Người Việt vào một buổi trưa gần cuối tháng 2, năm 2011, “trước khi quyết định quay về Việt Nam” như lời bà nói.

Ðó là một phụ nữ ngoài 45, nét mặt ưa nhìn, đồng thời cũng chứa đầy sự mệt mỏi.

“Ở Việt Nam, tôi là một luật sư,” bà cho biết. Vừa nói đến đó, giọng người phụ nữ đã bắt đầu nghẹn trong nước mắt.

“Tôi có chồng và ba đứa con gái. Nhưng vì tôi bị bệnh tim, đã nhiều lần bị đột quỵ ở Việt Nam. Tôi đã đi bệnh viện Việt-Pháp, bệnh viện Tâm Ðức. Các bác sĩ khuyên là nên cố gắng sang Mỹ để mổ van tim.”

Theo lời kể của bà Trân, trước khi có ý định đến Mỹ mổ tim, bà đã qua Hoa Kỳ tổng cộng “18 lần, kể từ năm 2000,” cũng như “đã đi qua 36 nước trên thế giới” vì “công việc làm ăn” của mình.

Trong lần quyết định sang Mỹ mổ tim vào tháng 7 năm 2010, Trân Nguyễn đã bán căn nhà và chỉ “cầm theo mấy chục ngàn tiền mặt.”

Lẫn trong tiếng khóc, Trân Nguyễn kể rằng từ nhỏ bà phải “sống trong trại mồ côi khi mẹ mất, còn ba có vợ khác.” Sau đó, bà tự đi học, tự lo, tự tồn tại, không có người thân nào bên cạnh hết.

Chính vì hiểu được thân phận của đứa trẻ mồ côi nên “tôi không muốn con cái tôi đã không có cha giờ lại không có mẹ nữa. Tụi nó còn nhỏ lắm, nên tôi muốn sống.”

Sang đến California, Trân Nguyễn đã liên lạc với một người quen và người này khuyên Trân Nguyễn “nên kết hôn với một người nào có quốc tịch Mỹ thì sẽ mua được bảo hiểm, rồi mổ để chi phí rẻ hơn.”



Hợp đồng kết hôn trị giá $50,000



Theo lời khuyên và sự giới thiệu của người quen đó, khoảng tháng 8 năm 2010, Trân Nguyễn làm quen với một người đàn ông gần 50 tuổi, “từng có một đời vợ, và có nhiều bằng cấp”. Hai bên đồng ý làm giấy kết hôn với giá $50,000.


Ðơn hủy hôn của “Ông Năm Mươi Ngàn” ghi thời gian kết hôn là 3 tuần. (Hình: Người Việt)


Báo Người Việt đã tiếp xúc với người đàn ông này. Ông không đồng ý tiết lộ danh tánh trên báo, nên hẵng gọi ông là ông “Năm Mươi Ngàn.”

Ðầu tháng 9, Trân Nguyễn và Năm Mươi Ngàn đi làm hôn thú. Bà trưng cho báo Người Việt xem tờ giấy hôn thú làm tại tòa thị chính.

“Tôi đưa xuống 25 ngàn đô tiền mặt lúc tôi mang qua. Tôi thuê một cái nhà ở Garden Grove để ở. Anh đó cũng tới ở chung nhưng giữa tôi và ảnh không có quan hệ tình cảm gì hết,” Trân kể.

Tiếp sau đó, hai người cùng đến ngân hàng mở một trương mục. “Tôi bỏ vào nhà bank $25,000 tên chung của hai người. Xong, ảnh và tôi đi mua chiếc xe hơi Lexus 300 với giá $8,000 bằng tiền mặt. Mua bảo hiểm cho chiếc xe có tên tôi và tên ảnh chung luôn.”

Bằng giọng nói rành rọt, Trân Nguyễn tiếp tục câu chuyện: “Khi đó tôi chưa có giấy tờ gì hết. Tôi hỏi khi nào thì đi nộp giấy tờ ra INS (Sở Di Trú) thì ảnh nói khi nào giấy hôn thú gửi về thì mới nộp.”

Mười ngày sau khi làm hôn thú thì bản chính được gửi về nhà. Trân Nguyễn đề nghị Năm Mươi Ngàn đi nộp lên Sở Di Trú thì “ảnh kêu mình để 3 ngày sau vì ảnh phải đi Texas có việc.”

Chờ đến hơn một tuần không thấy Năm Mươi Ngàn quay về, Trân Nguyễn đã gọi điện thoại khắp nơi tìm nhưng không ai biết người đàn ông đó ở đâu.

“Linh tính, tôi ra nhà bank thì mới biết ảnh đã lấy hết số tiền. Chiếc xe ảnh cũng bán luôn. Coi như tôi mất trắng $50,000, chưa tính khoản tiền $1,000 ảnh mượn cho mẹ ảnh.” Người phụ nữ ôm ngực khóc nấc.

Bà đưa ra giấy tờ ngân hàng, với số tiền hơn $11,000 bỏ vào và hơn $11,000 rút ra chỉ vài ngày sau đó.

Chờ cho cơn xúc động lắng xuống, Trân Nguyễn tiếp tục: “Lúc đó thật sự tôi chao đảo lắm! Bệnh tim tôi phát triển, tôi xỉu lên xỉu xuống. Tôi đã uống thuốc tự tử và bị nhốt 24 tiếng trong trại tâm thần.”

Bà lại khóc tức tưởi khi lôi từ đống giấy tờ ra một tờ giấy của Orange County Health Care Agency - Mental Health Services đề ngày 29 tháng 10, 2010, có tên bà là bệnh nhân.

“Khi được thả ra, thực sự tôi đã không biết đi về đâu. Căn nhà cũ thuê ở Garden Grove chỉ còn một ngày nữa là hết tiền nhà, trong người tôi lúc đó không có một penny,” Trân Nguyễn kể tiếp khi nước mắt vẫn không ngừng chảy, và tay vẫn đặt trên ngực, cố dằn xuống cơn xúc động mạnh.

Trân kể một người ở cạnh phòng đã thương tình cho bà $200 và bà cầm tiền đó thuê một căn phòng khác để ở trên đường Chapman.

Thời gian sau, Trân Nguyễn biết Năm Mươi Ngàn đã “tự ý làm giấy hủy hôn chỉ đúng 3 tuần sau khi làm giấy kết hôn.”



Mất thêm $200,000



Trong thời gian tiếp theo ở Mỹ, Trân Nguyễn đọc báo và làm một số công việc như chăm sóc người già hay giữ con nít trong thời gian ngắn.

Trân kể: “Một lần tình cờ ra chợ Phước Lộc Thọ tìm việc làm, tôi gặp lại một chị bạn quen hồi ở Việt Nam. Nghe kể hoàn cảnh, chỉ giới thiệu tôi với một người bán furniture, nói là nhân viên của chỉ, để người này làm giấy tờ hợp pháp cho tôi.”

Theo lời Trân thì bà và ông này đã “thực sự cặp bồ với nhau chứ không phải là giả như lần đầu”.

“Sống chung được một tháng, tôi thấy nó cũng hiền lắm, nó đưa tôi giới thiệu với anh chị nó, thấy ai cũng nhà cửa đàng hoàng, nên tôi đã gọi điện thoại về nói con gái tôi gửi sang cho tôi $200,000 tiền bán nhà còn lại,” Trân nói.

Báo Người Việt cũng đã tiếp xúc với ông này. Ông cũng không muốn đưa tên lên báo, nên chúng ta tạm gọi ông là ông Hai Trăm Ngàn.

Vì là số tiền lớn nên con gái của Trân Nguyễn đã phải “gửi chui nhiều lần”. Tuy nhiên khi có tiền trong tay, người phụ nữ này lại “không biết bỏ đâu vì tài khoản ngân hàng không có, mà đưa cho ông này thì tôi cũng sợ vì mình đã bị lừa một lần rồi”.

Ngay lúc đó, thì theo lời bà Trân, ông Hai Trăm Ngàn đề nghị “nên đưa tiền đó cho anh nó làm ăn lấy lời. Ðợi đến khi có giấy ly dị với ông (Năm Mươi Ngàn) gửi về thì sẽ làm giấy hôn thú với nó và lấy lại số tiền đó đi mua nhà”.

Nghe cũng “có lý” nên Trân Nguyễn đã đưa cho người đàn ông đó “hai trăm ngàn tiền mặt mà không có giấy tờ gì làm bằng chứng hết, chỉ vì mình tin nó thôi.”

Rồi, theo lời bà Trân, cũng chỉ ba ngày sau, ông Hai Trăm Ngàn đã trốn mất.

Người phụ nữ thất thần tìm kiếm người đàn ông đó khắp nơi. Khi biết “nó trốn ở nhà chị gái nó, tôi đã đến trước nhà đó quỳ lạy trước cửa từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng, năn nỉ họ trả tiền lại cho tôi nhưng chị em nó không mở cửa”. Kể lại việc này, Trân Nguyễn gục đầu vào đôi tay đang chống trên bàn, nức nở.

Uất hận, Trân Nguyễn đã tiếp tục đi tìm kiếm tin tức của Hai Trăm Ngàn, thông qua những số điện thoại mà cô lấy được từ việc “copy lại SIM card” từ trong điện thoại di động của ông ta.

“Qua nhiều bạn bè của Hai Trăm Ngàn, tôi mới biết nó từng kết hôn giả với nhiều phụ nữ khác để lấy tiền. Hiện tại cũng còn đang có hôn thú với một cô sinh viên du học, nên không thể nào làm giấy tờ cho tôi được.”

Ðể chứng minh cho lời nói của mình, Trân Nguyễn cũng đưa ra thêm một tờ giấy do chính cô viết để “nộp lên Sở Di Trú tố cáo” Hai Trăm Ngàn đã thực hiện những cuộc kết hôn giả cùng những số điện thoại của những người có liên quan.

Quay trở lại mục đích tìm đến báo Người Việt, Trân Nguyễn thổ lộ: “Tôi muốn nói lên sự thật để những người ở Việt Nam mới sang như tôi đừng có tin vào những người đàn ông mang quốc tịch Mỹ, công dân Mỹ nữa khi họ nói sẽ làm giấy tờ cho mình. Khi mình đưa tiền cho người ta, mình đâu có bằng chứng gì lưu lại, giờ họ không trả liệu mình làm gì được bây giờ.”

Trân Nguyễn kết luận trong sự phẫn uất, “Họ tàn nhẫn quá!”

***

Ðó là câu chuyện của bà Trân Nguyễn, một câu chuyện đẫm nước mắt của một phụ nữ bị trấn lột toàn bộ tài sản hàng trăm ngàn đô la.

Nhưng đến khi liên lạc được với ông Năm Mươi Ngàn, câu chuyện lại chạy sang một khúc quanh khác rất bất ngờ.

1 comment:

  1. Khi post bài người khác thì vui lòng dẫn link và ghi tên tác giả dùm để tránh hiểu lầm.

    ReplyDelete