Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, March 29, 2011

Cần sản phẩm thay thế thực phẩm nhiễm phóng xạ

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Lương Lê Phương: “Phải nghiên cứu thêm sản phẩm thay thế nếu thực phẩm từ Nhật nhiễm phóng xạ”.
Trước tình hình một số loại thực phẩm của Nhật được công bố nhiễm phóng xạ vượt mức cho phép, Bộ Nông nghiệp Việt Nam vừa có công văn yêu cầu kiểm tra hàm lượng phóng xạ trong sản phẩm nông nghiệp được nhập khẩu từ Nhật Bản.

Kiểm soát nhưng không cấm

Khánh An phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Lương Lê Phương về quy trình kiểm tra này và được ông cho biết:
Ô. Lương Lê Phương: “Vừa qua, Thủ tướng Việt Nam cũng như các tổ chức đoàn thể Việt Nam rất thông cảm hoàn cảnh của Nhật và có vận động ủng hộ dân Nhật. Chúng tôi rất quý trọng, kính trọng tinh trọng giúp đỡ, tương ái của người dân Nhật và tổ chức kỷ cương của người dân Nhật. Vừa qua, chúng tôi đã vận động ủng hộ là cái thứ nhất. Thứ hai, sản phẩm nhập từ Nhật thì chúng tôi không cấm, tuy nhiên phải có sự kiểm soát chất phóng xạ vì sức khỏe của cộng đồng.
Thứ nhất, Nhật muốn xuất khẩu sản phẩm sang Việt Nam thì cơ quan thẩm quyền của Nhật phải kiểm tra miễn nhiễm phóng xạ và cấp giấy đi theo lô hàng, phải thông báo cho chúng tôi về lô hàng đó phải không nằm trong vùng 4 tỉnh nhiễm phóng xạ. Trước mắt, chúng tôi cũng chưa dám cho phép nhập khẩu sản phẩm từ 4 tỉnh đó.
Thứ hai, khi về Việt Nam, tuy bên Nhật có kiểm tra nhưng phía Việt Nam khi nhập khẩu vào, chúng tôi có kết hợp để kiểm tra phóng xạ, đó là vì sức khỏe của cộng đồng người Việt Nam.

Riêng các doanh nghiệp có nhập khẩu, xuất hàng hóa Việt Nam thì chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp này giúp đỡ đối tác của mình là doanh nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản sang Việt Nam thì trong điều kiện như thế này thì tạo điều kiện thuận lợi nhất, làm thế nào để giúp đỡ các doanh nghiệp là đối tác của mình vì chúng tôi đánh giá rất cao uy tín làm ăn của các doanh nghiệp Nhật.
Thành thật mà nói, chúng tôi cũng có khách hàng của nhiều nước nhưng riêng khách hàng Nhật, các doanh nghiệp Nhật là chúng tôi rất tôn trọng vì họ làm ăn rất uy tín. Cho nên chúng tôi rất quý. Không phải về thực phẩm không mà còn những mặt hàng công nghiệp khác.
Phải nói đây là một thiên tai rất lớn, người Nhật phải gánh chịu thiệt hại quá lớn ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi rất quý trọng và thấy là mình có trách nhiệm và tình nghĩa với người Nhật. Một vấn đề quan trọng nữa là thủ tướng hai nước Việt Nam và Nhật đã ký kết môt hiệp định đối tác chiến lược của nhau. Chúng tôi không phải giúp người Nhật như một người ngoài nhưng như người anh em rất thân trong gia đình. Đó là chủ trương của Bộ Nông Nghiệp.”


Theo thông lệ quốc tế

Khánh An: Ông có đề cập đến việc phía Việt Nam sẽ kiểm tra, cụ thể quy trình kiểm tra như thế nào?
Ô. Lương Lê Phương: “Trước hết, kiểm tra về phóng xạ, chúng tôi có cơ quan năng lượng hạt nhân. Ở đây có 4 trung tâm có khả năng kiểm được. Chúng tôi sẽ có những quy định về quy trình kiểm. Cái này do Bộ Khoa học Công nghệ sẽ quy định tiêu chuẩn và chúng tôi sẽ sớm công bố. Tuy nhiên, các tiêu chuẩn này chúng tôi căn cứ vào tiêu chuẩn của Nhật là chính và có tham khảo với tổ chức Codex quốc tế. Đó là tiêu chuẩn mà chúng tôi căn cứ để kiểm nghiệm, chứ chúng tôi không đặt ra một tiêu chuẩn nào khác với thông lệ quốc tế hiện nay. Về phía Nhật chúng tôi cũng rất tin tưởng là người ta sẽ bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của dân Nhật và sức khỏe của người tiêu dùng. Hàng hóa của Nhật thì chúng tôi cũng sẽ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan thẩm quyền của Nhật để làm tốt nhất việc xuất nhập khẩu, kể cả hàng Việt Nam qua Nhật hay hàng của Nhật vào Việt Nam, đặc biệt là thực phẩm.”
Khánh An: Thưa ông, mình sẽ kiểm tra ngẫu nhiên hay tất cả hàng hóa từ Nhật đều được kiểm tra?
Ô. Lương Lê Phương: “Trước mắt là Bộ Nông nghiệp kiểm tra nông sản thực phẩm, thủy sản, các loại thực phẩm từ Nhật trước. Sau đó, các bộ khác có khả năng là người ta cũng sẽ kiểm tra các hàng hóa khác.”
Khánh An: Vậy đối với những loại thực phẩm, sản phẩm được nhập khẩu qua trung gian, chẳng hạn sản phẩm là của Nhật nhưng nhập khẩu qua trung gian các nước khác rồi vào Việt Nam thì mình có kiểm tra những sản phẩm này không?
Ô. Lương Lê Phương: “Phải có chứ. Cái đó phải có giấy chứng nhận xuất xứ. Nếu xuất xứ từ Nhật, đặc biệt là từ 4 tỉnh thì kiểm tra chặt và hàng hóa cũng kiểm tra giống như từ Nhật xuất khẩu qua Việt Nam chứ không loại trừ.”
Khánh An: Nếu sắp tới đây, một số sản phẩm của Nhật bị nhiễm phóng xạ vượt mức cho phép thì mình sẽ có phương án nào đối phó với tình trạng này không?
Ô. Lương Lê Phương: “Trước mắt bây giờ là nếu nhiễm phóng xạ là không được vào Việt Nam. Chúng tôi sẽ kiểm, có thì chúng tôi xin phép trả về hoặc là chủ hàng đó phải chịu trách nhiệm đưa ra khỏi Việt Nam để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Tôi nghĩ chính phủ Nhật cũng muốn như thế. Không phải là mình làm khó khăn vì chúng tôi xác định Nhật là một người bạn giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong thời gian qua. Riêng sản phẩm thay thế và chuyển thị trường thì có lẽ phải nghiên cứu thêm để thay thế nguồn từ Nhật có khả năng giảm sút, cái này có lẽ phải nghiên cứu thêm. Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng phải tính toán.”
Khánh An: Cám ơn thứ trưởng Lương Lê Phương đã dành thời gian cho Đài RFA.

No comments:

Post a Comment