Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, March 31, 2011

Chuyện ly kỳ kết hôn giả Tiền, quốc tịch, và 'play game'

WESTMINSTER (NV) -Trong câu chuyện bà Trân Nguyễn (tên nhân vật đã được đổi) kể chuyện đến Mỹ định mổ tim nhưng lại bị lừa mất $250,000, bà kể về một người lừa của bà $50,000 (gọi là ông Năm Mươi Ngàn), một người lừa của bà đến $200,000 (gọi là ông Hai Trăm Ngàn).



Ðơn xin hủy hôn sau 3 tuần, mà bà Trân Nguyễn (tên nhân vật đã được thay đổi) nói đã đưa cho Sở Di Trú để tố cáo vụ kết hôn giả. (Hình: Người Việt)



Nhưng có một nhân vật khác mà bà không kể lại, cũng liên quan trong vụ này. Và rất tình cờ, cả hai ông Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn đều biết người đàn ông này.

Sau khi hỏi lại, bà Trân cũng xác nhận là có nhân vật này.

Người này mỗi ngày khoảng 7 giờ chiều thì tới đón bà Trân đi. Ông Năm Mươi Ngàn nói bà bảo bà đi thăm em bà trong bệnh viện. Bà Trân bác bỏ lời này và nói bà không hề kể chuyện em bị vô bệnh viện hay gì cả.

Người đàn ông này, hãy gọi ông là ông Bảy Giờ, đã đến gặp báo Người Việt, và câu chuyện của ông gồm nhiều điều phức tạp, khó hiểu, cũng như những tình tiết “như phim” của các mối quan hệ qua lại chồng chéo.



Cuộc hẹn hò qua điện thoại



Trong trang phục của nhân viên làm việc tại một hãng sửa xe hơi, Bảy Giờ, người đàn ông chưa đến 40 tuổi, xuất hiện tại tòa soạn Người Việt ngay sau giờ tan sở, đúng như lời hẹn.

Bằng thái độ tự tin, cởi mở, Bảy Giờ bắt đầu kể lại “hành trình” 2 tháng rưỡi từ lúc quen biết đến khi chấm dứt mối quan hệ với bà Trân Nguyễn.

Khoảng tháng 9 hay tháng 10 năm 2010, theo lời ông, một ông chú quen đã giới thiệu cho Bảy Giờ làm quen với Trân Nguyễn bằng cách cho số điện thoại của cô ta. Lúc đó, theo lời người giới thiệu, bà Trân “đang ở Chicago.” Ðiều này có vẻ trùng hợp với chi tiết Năm Mươi Ngàn đã kể, rằng “ba ngày sau khi làm giấy kết hôn, Trân Nguyễn nói có việc phải đi Chicago.”

Trong những lần chuyện trò qua điện thoại, Bảy Giờ được nghe kể rằng Trân Nguyễn có một người chị sinh đôi cùng tên Trân, đã sang Mỹ từ năm 1975 và hiện là một luật sư.

Khoảng 1 tuần sau khi quen biết, Trân Nguyễn nói sẽ từ Chicago bay về Cali vào buổi trưa, và quanh quẩn đâu đó gần chỗ làm việc của Bảy Giờ để chờ anh tan sở và gặp nhau.

“Vì tính hiếu kỳ nên trong buổi chiều đó tôi cứ vừa làm việc vừa cứ nhìn nhìn ra ngoài đường xem có ai mặc áo thun quần jean, mang bata trắng như cô ta tả hay không,” Bảy Giờ nhớ lại.

Ðến khoảng 3 giờ chiều, có một người phụ nữ đến tìm Bảy Giờ xưng là “chị của Trân Nguyễn” và cho biết “Trân không thể bay về Cali được vì đã bị tai nạn tối qua.” Người phụ nữ xưng là “chị” đó nói rằng sẽ lấy vé để bay qua Chicago coi tình trạng của em gái mình.

Bảy Giờ kể: “Tôi không biết mặt của Trân cũng như chị của cô ta, nên nghe vậy thì tôi cũng chỉ hỏi thăm, cho cô ta số cell phone và nói khi bay qua bên kia có tin tức gì của Trân thì cho tôi hay.”

“Ðến khoảng 5 giờ, cô ta gọi đến nói bác sĩ gọi báo Trân chết rồi nên cổ không cần phải bay sang bên kia nữa.” Bảy Giờ tiếp tục. “Lúc đó tôi đang rất bận nên hẹn sau giờ tan sở, về nhà tắm rửa xong tôi sẽ gặp cô ta nói chuyện nhiều hơn.”

Tuy nhiên, Bảy Giờ cho rằng, trên đường ra điểm hẹn là quán Denny's ở đường Brookhurst mà người phụ nữ đó chọn, ông đã cảm thấy có điều nghi ngờ.

Ông nghi ngờ vì cách nói tiếng Anh của bà chị này, cũng như cách chỉ đường.

“Nếu người đó là chị ruột của Trân Nguyễn, thì người đó phải là luật sư và đã ở Mỹ từ lâu, như lời Trân đã kể. Thế nhưng cách cô ta chỉ đường cho mình đi, và cách nói tiếng Anh của cô ta lại không chứng tỏ được điều đó.” Bảy Giờ lý giải sự nghi hoặc.

“Nhưng, vì tò mò, tôi muốn xem người ta 'play game' như thế nào” - coi người ta ló mòi gì đây.

Ðể phân biệt giữa hai phụ nữ cùng tên, hãy gọi bà chị sinh đôi này là bà “Trân-Chị”.



Nhận tiền để làm giấy tờ



Thời gian tiếp theo, khi Bảy Giờ thắc mắc tại sao Trân-Chị không tự lái xe mà phải nhờ chở tới lui chỗ này chỗ kia thì được người phụ nữ đó giải thích rằng “cô ta là luật sư ở Virginia sang Cali làm việc, chưa kịp đổi bằng lái nhưng lại chạy xe gây tai nạn nên bị thu bằng.”



Tờ hôn thú với ông Năm Mươi Ngàn. Trong thời gian ở nhà ông Năm Mươi Ngàn, mỗi ngày khoảng 7 giờ ông Bảy Giờ đến đón bà Trân đi. (Hình: Người Việt)



Gần một tháng sau khi quen biết, Trân-Chị lại nói cho Bảy Giờ hay rằng người đàn ông mà cô ta đang ở chung nhà (tức Năm Mươi Ngàn) hứa làm giấy kết hôn cho cô ta, “đã nhận của cô ta 20 ngàn” nhưng chỉ mới làm hôn thú thôi chứ chưa chịu mang đi nộp ở INS (Sở Di Trú).

“Tới lúc này tôi cảm thấy đã đủ cho cô ta nói dối nên mới yêu cầu cô ta đừng có 'play game' nữa, có chuyện gì thì nói đi, đừng xem tôi như con nít. Tôi hỏi nếu cổ là luật sư ở Mỹ thì tại sao cổ lại phải mướn người làm giấy tờ.” Bảy Giờ tiếp tục câu chuyện.

Ðến lúc đó, Trân-Chị “mới nói thiệt là từ Việt Nam mới sang.”

Và, theo lời kể của ông Bảy Giờ, thì Trân-Chị hay Trân Nguyễn gì cũng đều là một người.

Trân Nguyễn nêu ý định muốn gửi chiếc xe Lexus LX 300 đã mua sang nhà Bảy Giờ cũng như nhờ ông ta đứng tên giùm vì “sợ ông Năm Mươi Ngàn giựt xe.”

“Tôi không quan tâm chuyện cổ, cổ cũng không phải là người để mình tin, nhưng thấy cổ từ Việt Nam mới sang nên cô ta nhờ thì tôi giúp,” Bảy Giờ lập luận.

Trong câu chuyện, Bảy Giờ đã kể một chi tiết về Năm Mươi Ngàn, “Một lần đến mượn chiếc xe Luxes để đi, Năm Mươi Ngàn có nói với tôi rằng 'Bảy Giờ quen với Trân thì nên cẩn thận vì nó mướn tôi làm giấy tờ mà nó đưa tôi mới có mấy ngàn à, chứ chưa có đưa đủ mà nó lại đi rêu rao là tôi gạt nó hai mươi mấy ngàn.'”

Bảy Giờ nói: “Tôi chẳng biết tin ai.”

Tuy vậy, Bảy Giờ lại tin một chuyện: Trân Nguyễn cầm tiền sang Mỹ để mổ tim và có ước mơ được ở lại Mỹ.

“Theo như em nói, nếu mổ tim thì phải tốn hai trăm mấy chục ngàn, cũng đau chứ. Vậy thì 'make deal': anh không có vợ, anh có công ăn việc làm, anh có quốc tịch, em muốn ở Mỹ, anh bảo lãnh em ở Mỹ, và mua insurance để em mổ tim, số tiền đó anh lấy một nửa.”

Ðó là cuộc mặc cả giữa Bảy Giờ và Trân Nguyễn.

Trân Nguyễn đồng ý.

Trong thời gian chờ đủ 181 ngày hoàn tất thủ tục ly hôn cùng Năm Mươi Ngàn thì mới có thể làm giấy hôn thú với Bảy Giờ, Trân Nguyễn đã được Bảy Giờ cho về sống chung nhà với ông ta.

Người đàn ông này cho biết: “Tôi có một nguyên tắc muốn lấy tiền thì đừng đụng đến 'body' người ta, còn đụng đến 'body' người ta thì đừng lấy tiền.”

Và mục đích của Bảy Giờ là: Lấy tiền, bởi “ một trăm ngàn đâu dễ kiếm.”



“Tham thì trời không cho”



Ông Bảy Giờ thổ lộ: “Thực ra mình làm trong nghề sửa xe này lâu rồi, nhưng mình chỉ là người làm công thôi. Mình muốn có một số tiền mở tiệm cho riêng mình. Mình lấy đâu ra một trăm ngàn? Trong khi ca mổ của 'she' là 240 ngàn. Mình làm hôn thú cho 'her', mua bảo hiểm theo hãng mình cho her thì she sẽ được mổ free. Mình chỉ lấy nửa số tiền mà she phải bỏ ra. Ðó là 'good deal'.”

Nhưng, Bảy Giờ vừa cười vừa nói tiếp: “Người ta nói tham là không có được. Ông trời không có cho.”

Theo lời kể của Bảy Giờ, khi dọn về ở chung nhà với ông, đó là một căn nhà thuê chung với nhiều người, “cô ta hay xạo xạo với mấy người trong nhà, nhưng tôi chỉ nhắc chừng và cũng mặc kệ cổ vì họ cũng chẳng ruột rà gì với mình.”

Tuy nhiên, từ khi Trân Nguyễn xin số điện thoại của mẹ Bảy Giờ để gọi chuyện trò, tâm sự với bà thì người đàn ông này càng lúc càng cảm thấy khó chịu.

“Cô ta nói làm sao mà mẹ tôi cứ nghĩ rằng cô ta là bạn gái của tôi, rồi mẹ tôi còn nhận cổ làm con nuôi nữa. Khi tôi không chịu nổi cô ta nữa, tôi yêu cầu cô ta dọn ra khỏi nhà, thì 'she' lại giả bộ gọi điện thoại sang cho mẹ tôi và nói rằng cô ta uống thuốc tự tử, khiến cho cả gia đình tôi nháo nhào, trong khi cô ta có tự tử đâu! Mẹ tôi lo lắng phải từ bên Hawaii bay về đây xem sự thể thế nào,” Bảy Giờ ngán ngẩm nhớ lại.

Không chỉ vậy, Bảy Giờ còn cho rằng: “Tôi phát hiện ra cô ta giả bộ đau tim và cứ xỉu lên xỉu xuống hoài. Ðến lần thứ 4, khi gọi 9-1-1 kêu xe ambulance đến, họ đã kêu mẹ tôi ra để nói rằng cô ta giả bộ đó.”

Cũng theo lời kể của Bảy Giờ, Trân Nguyễn còn có một hành động “mất dạy” đó là cô ta đã đánh cắp những số điện thoại của thân nhân Bảy Giờ còn ở Việt Nam để gọi về nói xấu ông ta. Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn cũng tố cáo bà Trân làm cùng hành động đó đối với họ.

“Thay vì phải chờ đến đầu tháng 3 này mới đủ ngày làm giấy tờ cho cô ta, nhưng đến tháng 11 vừa rồi là tôi đã không thể chịu đựng nổi nữa. Có đưa một triệu tôi cũng không làm.” Với suy nghĩ đó, Bảy Giờ quyết định chấm dứt cuộc làm ăn với Trân Nguyễn.

Bà Trân bác bỏ hết những cáo buộc này, và nói bà bị những người đàn ông này lường gạt vì bà không thể có bằng chứng ngược lại, như hầu hết các phi vụ kết hôn giả khác.



Bằng chứng



Tuy gọi là không có bằng chứng, nhưng thật ra bà Trân Nguyễn có bằng chứng. Ít nhất, đó là những giấy tờ bà mang đến tòa soạn Người Việt, cũng như lời chứng của bà.

Và bà nói, bà đã báo lên Sở Di Trú về sự lường gạt của Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn trong vấn đề làm thủ tục kết hôn giả, và họ đang điều tra.

Bà nói: “Tôi đi về Việt Nam luôn, tôi không sợ gì nữa, tôi báo hết cho Sở Di Trú.”

Ông Bảy Giờ thì lại có một loại bằng chứng khác.

Sau khi chấm dứt mối quan hệ với Trân Nguyễn, tất cả ba người đàn ông - Năm Mươi Ngàn, Hai Trăm Ngàn và Bảy Giờ - đều nói họ bị liên tiếp nhận những lời mà họ gọi là “chửi rủa kinh khủng” của người phụ nữ này để lại trên điện thoại. Năm Mươi Ngàn phải đổi số điện thoại 5 lần, Hai Trăm Ngàn đổi số điện thoại 3 lần.

Riêng Bảy Giờ thì hơn hai người kia một bậc. Bị bà Trân để lại lời chửi rủa trong điện thoại, ông chép lại toàn bộ những voicemail có giọng nói của bà, và ông khiếu nại với cảnh sát Santa Ana để nhờ sự can thiệp và ngăn chặn sự quấy rối tiếp tục.

Nhưng trong những lời bà Trân nói trong voicemail, cũng không có lời nào cho thấy bà lừa ai. Bà nói rất nhiều, nói rất nhanh, dùng những lời lẽ rất nặng nề, nhưng không lúc nào bà nói bà lường gạt gì ông Bảy Giờ.

Ông Bảy Giờ có nói bà gạt mẹ ông, lấy của mẹ ông $1,000. Trong voicemail, bà Trân, dùng lời lẽ “mày,” “tao,” nói tiền của bà mẹ đưa, bà vẫn còn giữ đó, không mất đi, bà không lừa gạt.

Mặt khác, cũng trong voicemail này, bà thú nhận là bà có gọi về Việt Nam cho thân nhân ông Bảy Giờ và “kể hết rồi” và từ giờ, theo lời trong voicemail, ông Bảy Giờ “hết đường về.”

Tuy trải qua một kinh nghiệm mà, theo như lời ông kể, là rất phiền phức và “không thể chịu đựng nổi nữa,” nhưng ông Bảy Giờ - khác với hai ông Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn - khá điềm tĩnh khi nhìn lại sự việc.

“Tôi nghĩ, ý chính của cô ta không phải là đi lường gạt người ta mà mục đích cô ta chỉ muốn ở lại Mỹ,” ông Bảy Giờ kết luận. “Nhưng cô ta không có tiền nên cô ta tìm cách tạo cho người ta có cảm tưởng là cô ta có cái này cái kia.”




Những Bài Liên Quan:

Chuyện ly kỳ kết hôn giả (Kỳ 1): Người đàn bà với hai lần làm hụt hôn thú (Monday, March 28, 2011 7:52:08 PM)
“Tôi muốn nói lên những lời này để những người phụ nữ ở Việt Nam mới sang không bị gạt như tôi.”

Chuyện ly kỳ kết hôn giả (Kỳ 2): Ba ông, một hôn thú, một hủy hôn (Tuesday, March 29, 2011 3:43:41 PM)
Chuyện tiền mất tật mang là chuyện vẫn thường thấy trong cộng đồng Việt Nam. Có những nạn nhân mất tiền mà không được giấy tờ, trở thành kẻ di dân lậu trên đất Mỹ mặc dù đã chi hàng chục ngàn cho người làm hôn thú.

No comments:

Post a Comment