Daniel đã tốt nghiệp cao học và có 2 bằng Master về Phát triển Tâm lý và về Giáo dục Đặc biệt.
Sống tại California, Daniel thích chơi thể thao, thích âm nhạc, thích viết lách và thích dã ngoại
Bị mù bẩm sinh
“Tôi thường thức dậy lúc 4 giờ sáng. Đọc email khoảng 4 tiếng đồng hồ để trả lời báo chí. Sau đó tôi phải gọi điện thoại đến khoảng trưa. Sau đó thì tôi dạy học trò, làm công việc lặt vặt như đi nhà bank chẳng hạn.Rồi tôi viết bài trên máy vi tính đến chiều tối. Đôi khi tôi không thích viết lách ở nhà mà tìm cảm hứng bên ngoài. Và tôi thường phải trả lời báo chí hay viết lách đến khuya”.
Có thể thấy, một ngày làm việc của Daniel dù ở nhà hay lúc đi công tác, đều là những ngày bận rộn và anh phải di chuyển, đọc viết ngang bằng thậm chí hơn một người bình thường. Daniel đọc email và viết lách bằng cách nào? Quỳnh Chi đem thắc mắc này hỏi Daniel. Anh nói:
“Chúng ta sống trong một môi trường mà con người đọc chữ trên giấy và máy tính. Tôi phải phấn đấu để tìm các thứ tôi cần. Tôi có 2 cách để đọc email. Máy vi tính của tôi có thể chuyển email ra giọng nói hay chữ nổi.”
Nếu nói nhiều về Daniel mà không nói về thú tiêu khiển của anh thì quả thật là một thiếu sót. Daniel rất thích đạp xe lên núi hay các hoạt động dã ngoại trên núi:
“Tôi thích đi chơi núi hay các hoạt động dã ngoại trên núi
Leo núi bằng xe đạp, một hoạt động dã ngoại nguy hiểm đòi hỏi sự tập trung và tinh tường khi một bên là sườn núi, một bên là vực thẳm.Vậy mà khi nhìn Daniel chạy xe đạp thoai thoải trên sườn núi, mới thấy anh không nói đùa.
Làm thế nào mà người đàn ông này có thể thấy mà không nhìn gì cả?
Câu trả lời rằng Daniel dùng phương pháp “echolocation” hay nói cách khác, phương pháp “định vị bằng tiếng dội". Đó là âm thanh tiếng tặc lưỡi và tiếng chuông xe đạp lúc nào cũng phát ra khi Daniel cần thông tin để nhận biết sự vật xung quanh mình:
“Nếu mà tôi lái xe đạp thì lúc nào tôi cũng phải tắc lưỡi nhưng mà khi đi thì không cần. Khi đi hay di chuyển, tôi chỉ cần tặc lưỡi khi tôi cần thông tin mà thôi. Còn khi chạy xe đạp thì tôi di chuyển nhanh nên lúc nào cũng cần thông tin về những vật đang ở quanh mình”.
"Nhìn" giỏi như dơi.
“Echolocation” là phương pháp định vị bằng tiếng dội của âm thanh. Khi âm thanh được phát ra, nó sẽ va chạm vào vật thể và dội lại một thứ âm thanh 3 chiều.Tùy vào khoảng cách và tính chất sự vật mà âm thanh dội lại khác nhau. Và Daniel hay tặc lưỡi để nhận biết sự vật từ khi anh 2 tuổi.
Cái “click” (tặc lưỡi) khi đụng 1 vật nào đó sẽ dội lại 1 âm thanh. Khoảng thời gian để cho âm thanh vọng lại sẽ cho Daniel biết khoảng cách và vị trí của vật. Không chỉ nhận biết được sự vật và vị trí của vật, âm thanh của tiếng “click” còn mang đến thông tin cho người mù để họ có thể nhận biết được kích thước, hình dạng và cái gọi là “chiều sâu cấu trúc”, bao gồm mức đậm đặc, mức rắn hay mềm của vật thể đó.
Theo Daniel, “Flashsonar” hay còn gọi là tia sóng âm dò vật thể được phát ra như người ta mang theo một cái đèn pin để rọi vào từng vật trong đêm tối.
Trong đêm tối, người ta không nhìn thấy hết mọi vật nhưng có thể chiếu đèn pin vào từng vật để nhận biết nó. Echolocation cũng giống như vậy, dùng âm thanh để “chiếu” vào từng vật, chỉ khác là thay vì chiếu ánh sáng, người ta “chiếu” âm thanh.
Sử dụng biện pháp Echolocation hay còn gọi là phương pháp định vị bằng tiếng dội của âm thanh có vẻ mới mẻ đối với con người nhưng đối với một số loài vật, phương pháp này đã có từ lâu đời.
Khi bay, dơi phát ra siêu âm với tần số từ 14 ngàn đến 100 ngàn hertz, loài người không nghe được hoặc nghe được rất ít (vì âm vực của thính giác con người là từ 20 hertz đến 16 ngàn hertz, ít người nghe được tới 20 ngàn hertz) nhưng tiếng đó vọng lại đôi tai rất thính của dơi và chuyển hình ảnh 3 chiều đến não.
Đây là cách để dơi, cá voi, hay có heo có thể “thấy" mà không cần nhìn.
Daniel không phải là người phát hiện ra phương pháp này nhưng có thể nói là người duy nhất áp dụng thành công phương pháp này trong cuộc sống con người.
Khi đến 1 phòng nào đó, nếu tặc lưỡi, Daniel sẽ lập tức cảm nhận được kích thước và hình dạng của căn phòng, sau đó là nhận biết được đồ đạc trong phòng. Nói chung, khi đi đến một nơi nào đó, anh nhận biết môi trường từ vật lớn đến vật nhỏ và chi tiết hơn.
Thử tài
Bất cứ ai khi phỏng vấn Daniel đều muốn thử tài anh, và Quỳnh Chi cũng không ngoại lệ. Mời quý vị nghe một đoạn trao đổi ngắn giữa Quỳnh Chi và Daniel trên điện thoại:Quỳnh Chi: Daniel có thể nói cho Quỳnh Chi biết là xung quanh Quỳnh Chi có những gì không?
Daniel: Tôi có thể nói cho cô biết âm thanh tiếng nói của cô như thế nào nhưng mà tôi không thể nói chính xác cái gì đang ở xung quanh cô bởi vì âm thanh không phản ảnh tốt qua điện thoại. Nghe cô nói thì tôi nghĩ là cô đang nói chuyện trong một phòng thật yên tĩnh mà xung quanh có xốp hay thảm gì đấy, nói chung nó là 1 chất có thể thu hút âm thanh.
Quỳnh Chi: Đúng rồi, Quỳnh Chi đang ở trong phòng thu, và xung quanh tường được dán một loại thảm mềm có nhiều lông để giữ âm thanh.
Daniel: Ồ thật vậy à?
Và cứ thế, Daniel thấy mà không cần nhìn là như vậy. Anh "nhìn" thông qua âm thanh chuyển đến đôi tai của mình. Daniel còn cho biết khi tặc lưỡi, cái tặc lưỡi lớn có thể dùng để nhận biết sự vật ở xa, ở môi trường rộng lớn, hay các vật thể không ở trong môi trường kín.
Còn khi ở trong một môi trường bên trong hay ở một nơi yên tĩnh như thư viện chẳng hạn thì tiếng “click” nhỏ hơn. Khi tiếng “click” cao hơn và lớn hơn thì nó phản ánh sự vật rõ ràng hơn và xa hơn.
Sống không giới hạn?
Bị mù từ lúc 1 tuổi, thế nhưng Daniel sống như bất kỳ một đứa trẻ bình thường nào khác và lớn lên như bất kỳ một người đàn ông nào khác:“May mắn là cha mẹ tôi không đối xử với tôi như một đứa trẻ mù mãi mãi mà như một đứa trẻ đang bị mù. Ho đã cho tôi tiếp xúc với mọi thứ trên đời như một đứa trẻ bình thường và chuẩn bị cho tôi hành trình cuộc đời mà một người bình thường cần phải sống”.
Nếu ai hỏi mẹ tôi mục tiêu của bà dành cho tôi là gì, bà sẽ nói đó là muốn tôi dọn ra sống riêng và trả thuế cho chính phủ như bất kì một người trưởng thành nào. Cha mẹ tôi cho rằng khi còn nhỏ tôi có thể làm những gì mà những đứa trẻ bình thường khác làm thì khi lớn lên tôi có thể làm những gì mà một người trưởng thành bình thường có thể làm”
Và Daniel đã sống một cuộc sống của một đứa trẻ bình thường, mỗi ngày thức dậy tự đánh răng rửa mặt, tự chuẩn bị bữa ăn cho mình và tự đến trường.
Daniel trưởng thành cũng như một người đàn ông bình thường, từ học hành cho đến công việc và giải trí.
Sau khi làm việc một thời gian với công việc trợ giảng cho nhiều trường học và trung tâm phục hồi ở Hoa Kỳ và thế giới, Daniel thành lập một tổ chức thiện nguyện để dạy bảo và giúp đỡ trẻ em mù và hướng dẫn cha mẹ cách tin tưởng để phát triển hết khả năng của trẻ em mù.
Triết lý sống của Daniel là “no limits”, nghĩa là “không giới hạn”. Và đối với Daniel, trẻ em mù và cha mẹ chúng cần hiểu rằng, sự mù lòa không thể lấy đi cơ hội sống bình thường, sống bình đẳng và sống thành công của bất cứ một người nào. Và để làm được điều đó, đối với Daniel, chỉ cần sự rèn luyện:
“Khi mới sinh ra, người sáng mắt cũng không biết nhìn là gì cả. Chúng ta học nhìn từ kinh nghiệm sống, từ cách người khác giao tiếp với chúng ta, và học nhìn từ sai lầm nữa. Trẻ em phản ứng lại những gì mình thấy và đó là cách mà trẻ em biết cách nhìn thế giới và biết tương tác với thế giới. Một đứa bé không bị mù học cách nhìn thấy thể giới như thế nào thì tôi học nhìn thấy thế giới như thế ấy.”
“Echolocation là một trong những điều chúng tôi dạy trẻ em. Tuy nhiên, có những trẻ em rất nhỏ, chừng 1 hay 2 tuổi, chúng tôi dạy các em cách sử dụng 1 cái lon chẳng hạn, dạy các em sử dụng đôi tay của mình để các em hiểu được các em các sự vật mà các em chạm vào hay sự vật mà các em cảm nhận.
Chúng tôi muốn tự do, tự lập cho các trẻ em mù. Chúng tôi muốn các trẻ em mù có thể nghĩ cho chính họ và khám phá những gì chung quanh họ.”
Thành công cho mọi người
Cứ như thế, Daniel dạy echolocation và triết lý sống “không giới hạn” cho hơn 1 ngàn trẻ em mù. Nhiều người trở thành bạn Daniel cùng đi ngắm cảnh, cùng cưỡi xe đạp leo núi; nhiều người trở thành huấn luyện viên dạy “echolocation” và họ đều có chung một triết lý sống đó là “no limits”:“Nếu cô gọi tôi vào 15 năm trước, tôi không hề biết leo núi là gì. Nếu cô gọi cho tôi 10 năm trước đây, tôi không thể leo núi 1 mình. Nếu cô gọi tôi cách đây 5 năm, tôi chỉ đi nước ngoài vài lần.
Còn bây giờ, tôi đã đi đến 18 nước trên thế giới rồi. Cho nên, chúng ta đều phải học hỏi nếu biết thử thách chính mình và biết vượt qua giới hạn bất kể giới hạn đó đặt ra bởi chính bạn hay ai đó”.
Một học trò của Daniel, Juan Ruiz, đã từng chia sẻ rằng anh không bao giờ nghĩ mình có thể đạp xe lên núi với đôi mắt không nhìn thấy gì:
“Tôi không bao giờ tưởng tượng là mình sẽ leo núi bằng xe đạp trong điều kiện vách núi không bẳng phẳng, đá lởm chởm”
Thế nhưng, bây giờ anh chính là người thường xuyên cùng Daniel chạy xe lên núi. Và Juan Ruiz chỉ là một trong nhiều trường hợp tương tự.
Daniel Kish, người đàn ông thú vị mà khi nói chuyện, khó có ai muốn dừng lại bởi anh có quá nhiều điều để chia sẻ và nhắn nhủ. Gía trị con người, sự tôn trọng, sự tự lập – dignity, respect và self-reliance là những giá trị mà Daniel Kish luôn theo đuổi.
Nhưng chắc chắn, nó không đến từ sự thương hại như nhiều người vẫn thường nghĩ bởi theo Daniel “Mù không phải là sợ bóng tối, là tổn thương hay là chịu đựng. Nó chắc chắn không phải là những gì chúng ta không thể làm hay những ước muốn.
Mù là thích ứng, là tháo vát, là có mục đích, là giá trị con người, là tự lập, là niềm vui, là tự do, là thành đạt”.
Và dĩ nhiên, mù còn là sự mãn nguyện khi họ chiếm lĩnh được thế giới và làm người khác biết những điều chưa biết.
--------------------------------------------
Cám ơn quý thính giả đã đến với chương trình “Câu chuyện hằng tuần”. Rất mong quí vị email cho Quỳnh Chi tại địa chỉ Quynhchi@rfa.org và chia sẻ với Quỳnh Chi trên Facebook hoặc Twitter những câu chuyện có ý nghĩa mà quý vị biết hoặc của chính quý vị. Xin kính chào tạm biệt và hẹn gặp lại vào kỳ tới.
No comments:
Post a Comment