Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, March 31, 2011

Nguy cơ động đất và sóng thần ở VN

Sau biến cố động đất và sóng thần tại Nhật, Việt Nam đang nghiêm túc đặt lại vấn đề đối phó với hai loại thiên tai được xem là thảm khốc nhất mà thiên nhiên mang tới cho con người.Mặc Lâm có trao đổi với GSTS Cao Đình Triều hiện đang công tác tại Viện Vật Lý Địa cầu để tìm hiểu thêm chi tiết về vấn đề này.


Không nên chủ quan


Kể từ năm 2000 trở lại đây các nhà địa chất Việt Nam đã phát hiện rất nhiều điểm xuất hiện động đất ở vùng biển miền Nam Trung Bộ và đây là một hiện tượng đáng chú ý. Theo GSTS Cao Đình Triều hiện đang công tác tại Viện Vật Lý Địa cầu cho biết thì lần cuối cùng xảy ra các trận động đất là vào năm 1923 nằm ở khu Hòn Tro và sau đó thì trở nên yên tĩnh nhưng bây giờ thì đã có biểu hiện hoạt động trở lại. Mặc dù đây là chu kỳ hoạt động của thiên nhiên, nhưng các nhà địa chất học vẫn cảnh báo là chớ nên xem thường mức độ động đất nhẹ mà chủ quan vì chu kỳ hoạt động này đang có biểu hiện quay trở lại.


Vào đầu thế kỷ 21 từ năm 2000 trở đi thì trái đất đã có biểu hiện hoạt động rất mạnh. Từ trận động đất ở Sumatra, cho tới Chile, Haiti và New Zealand và gần đây nhất là Nhật Bản. Tất cả nằm trong một chuỗi tiếp nối nhau. Hai nữa cộng với động đất là hoạt động của núi lửa cũng rất mạnh, tất cả đều nói lên chu kỳ hoạt động mạnh của trái đất đang trở lại vì thông thường trái đất vẫn có những thời kỳ như thế.


Theo GSTS Cao Đình Triều thì động đất chỉ là thời kỳ giải tỏa năng lượng đã tích tụ trong lòng đất và khi mọi năng lượng được nhả ra hết thì nó lại yên tĩnh trở lại. Ông giải thích hiện tượng này như sau:


"Bất kỳ vùng nào cũng thế, sau khi nó hoạt động tích cực, giải phóng năng lượng của cái vùng đó hết đi thì nó lại chuyển sang một thời kỳ gọi là thời kỳ yên tĩnh mà người ta gọi là yên tĩnh địa chấn. Núi lửa cũng thế khi năng lượng đầy thì nó phun trào đến khi hết năng lượng rồi thì lại yên tĩnh. Sau đó giai đoạn tích tụ năng lượng lại xảy ra và cứ thế chu kỳ tiếp diễn. Người ta gọi động đất này là động đất tự nhiên."


Động đất cũng có những hình thái khác nhau mà người ta gọi là tai biến địa chất. Tai biến địa chất được phân ra ba loại gồm tai biến có nguyên nhân nội sinh, tai biến nguyên nhân ngoại sinh và cuối cùng là tai biến nhân sinh.


Đó là nói về địa chất, riêng về động đất thì không có ngoại sinh mà chỉ có nội sinh và nhân sinh. GSTS Cao Đình Triều giải thích hai loại này như sau:


"Nội sinh tức là những cái mà hoạt động bản thân vốn có của trái đất nó có như thế nó hoạt động tại vùng này mãi nên gây ra động đất. Còn động đất nhân sinh là khi có người tác động lên bề mặt của trái đất nó làm cho quá trình xảy ra động đất xảy ra nhanh hơn, chẳng hạn khi cây dựng một đập thủy điện thì cái sức nước đập xuống và sự thẩm thấu của nước thẩm thấu xuống các vết gãy và cuối cùng phá vỡ các kết cấu đất đá ở đấy nó kích hoạt cho động dất xảy ra sớm hơn. Hình thức này gọi là động đất kích thích. Trong khai thác mỏ cũng có thể gây ra hiện tượng như thế".


Dấu tích của động đất


Theo GSTS Cao Đình Triều sau nhiều chuyến đi khảo sát địa chất ông và đồng nghiệp đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu chứng tỏ có động đất và sóng thần tại nhiều vùng duyên hải Việt Nam. Theo ông thì sóng thần khác với sóng bão. Sóng bão chỉ tác động trên bề mặt của biển còn sóng thần thì lại tác động ở bề đáy. Khi xảy ra sóng thần thì nó đi sát dưới đáy biển do đó khi tràn vào bờ thì nó mang theo những vật cuốn theo gần bờ và lôi kéo rồi hất lên bờ.

Từ hiện tượng này người ta xác định được nơi nào đã từng xảy ra sóng thần căn cứ vào những vật nằm lại trên bờ mà đa số là trầm tích bị sóng thần cuốn vào bờ có thể nằm lại trong nhiều trăm năm sau. GSTS Cao Đình Triều giải thích hiện tượng này như sau:


"Trầm tích do sóng thần lôi cuốn từ biển lên thì người ta gọi là trầm tích sóng thần. Trầm tích này nó đặc biệt khác với trầm tích lắng đọng từ từ của trái đất trong quá trình tích tụ bề mặt trái đất. Sự khác nhau ở chỗ khi sóng đưa lên như thế nó sẽ làm cho trầm tích hỗn độn tức là không thứ tự theo từng lớp và hiện tượng trầm tích đấy bị xáo trộn. Trầm tích đấy phải là trầm tích gần bờ.


Đây là điều khác biệt với trầm tích bình thường của các vùng đồng bằng. Khi muốn tìm kiếm dấu tích của sóng thần thì người ta tìm dấu vết những trầm tích này."
GSTS Cao Đình Triều cũng cho biết thêm những khu vực còn những dấu vết trầm tích do sóng thần để lại như sau:


"Những vật liệu từ biển do sóng thần đưa lên thường là sỏi, cát đá cộng với sinh vật biển bị dồn lên và tấp thành đống. Hiện giờ tại Việt Nam cũng có một số bãi biển mà các nhà chuyên môn đang nghi ngờ là có khả năng đây là vật liệu do sóng thần cuốn vào chẳng hạn như sò điệp ở khu vực Nghệ Tĩnh chồng chất lên cao 7-8 mét tạo thành cồn hay phủ lên những bãi rất lớn.
Hoặc như tại những vùng ở Phan Rang người ta cũng tìm ra những vật liệu bị nghi ngờ là có sóng thần trước đây, tại thị trấn Sông Cầu chẳng hạn. Nhưng để chứng minh cho nó chuẩn thì phải tốn thời gian và hiện giờ chưa làm được."


GSTS Cao Đình Triều cũng cho biết những nơi như Hà Tĩnh, Nha Trang cũng đã có nhiều dấu vết bị nghi do sóng thần tạo ra. Riêng tại Nha Trang có những tảng đá rất to xuất hiện từ hàng trăm năm qua người ta nghi ngờ là sập núi đá do động dất.


Qua những khảo sát địa chất này đã nảy sinh ra rất nhiều vấn đề. Việt Nam có thể đã từng có sóng thần nhưng mức độ có nghiêm trọng hay không thì chưa ai biết. Việt Nam cũng đã có động đất tại nhiều khu vực duyên hải miền Trung. Mới đây hiện tượng trào bùn tại Phan Rang cũng được các nhà địa chất cho là do ảnh hưởng động dất.


Từ các kết quả khảo sát vừa nói cho thấy Phan Rang có thể đã từng xảy ra động đất và sóng thần, vậy nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng tại đây có an toàn hay không là điều mà các viên chức trách nhiệm cần làm rõ hơn trước khi đem ra quốc hội để xin thông qua dự án.

No comments:

Post a Comment