Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, March 31, 2011

HRW: VN đàn áp người Thượng vì ám ảnh quá khứ

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa công bố bản báo cáo chi tiết về tình hình người Thượng tại Việt Nam bị đàn áp tôn giáo nghiêm trọng.
Bản báo cáo cho thấy tình trạng đàn áp diễn ra theo chu kỳ và ngày càng có dấu hiệu xấu hơn. Vì vậy, Tổ chức HRW đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) về vi phạm tự do tín ngưỡng.


Báo cáo mới nhất về tình hình đàn áp tôn giáo đối với người Thượng tại Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu lên một cái nhìn khá bao quát về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam trong bối cảnh một thập niên qua.


Đàn áp nghiêm trọng


Theo tổ chức HRW, tình hình đàn áp tôn giáo tại Tây Nguyên vẫn đang tiếp diễn và ngày càng có dấu hiệu gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt đối với những người thuộc các giáo hội tại gia.


Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW cho biết một phần nguyên nhân của tình trạng trên:


"Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do khu vực tây nguyên rất khó tiếp cận. Không chỉ đối với phóng viên mà cả với những người muốn đi tham quan ở khu vực này cũng rất bị hạn chế.


Cũng chính vì lý do báo chí Việt Nam bị kiểm soát, phóng viên nước ngoài và các tổ chức nhân quyền quốc tế bị ngăn cản đến các khu vực Tây nguyên nên những vụ việc chính quyền đàn áp, bắt giữ, tra tấn người Thượng ít được biết đến theo đúng bản chất của nó mà ngược lại, các vụ việc trên thường được biết đến dưới dạng phá bỏ âm mưu chia rẽ, kích động của “các lực lượng thù địch” hoặc âm mưu ly khai chính trị của “các nhóm tôn giáo trá hình”.


Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các đơn vị “An ninh chuyên trách” (PA43) và lực lượng cảnh sát cơ động của trung ương đã được điều động đến Tây Nguyên để hỗ trợ các địa phương truy bắt những nhà hoạt động người Thượng.


Đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất là các lãnh đạo hay những người Thượng tham gia vào các giáo hội tại gia.


Theo quy định của luật pháp Việt Nam thì mọi tôn giáo đều phải đăng ký với chính quyền và hoạt động dưới các tổ chức tôn giáo do chính quyền chấp thuận. Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng điều này vi phạm quyền tự do tín ngưỡng.


Ông Robertson cho biết thêm:
Trước đây, những vụ đàn áp thường diễn ra âm thầm nhưng bây giờ thì người ta tự tin đến độ đưa những tin tức này lên báo chí. Chính vì vậy đây là lúc mà cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng để nhắc nhở Việt Nam rằng Việt Nam đã ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nên cần phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Quyền tự do tín ngưỡng này không chỉ áp dụng đối với các nhóm tôn giáo đã đăng ký với chính quyền mà còn đối với tất cả các nhóm tôn giáo khác."


Ngoài việc thống kê khá chi tiết về những vụ việc đàn áp tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên, báo cáo của HRW còn cho biết bối cảnh lịch sử cùng với những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng đàn áp trên.


Theo đó, nguồn gốc của những vụ biểu tình của người Thượng và các đợt đàn áp của chính quyền Việt Nam trong suốt các thập kỷ qua thường có liên quan đến vấn đề đất đai và tôn giáo.


Ông Robertson cho biết: "Một điều thú vị là rất nhiều cuộc đàn áp của chính quyền đối với người Thượng được thông báo là vì người Thượng đã gây ra mối đe dọa đối với các nông trường cao su. Rõ ràng không phải mối nghi kỵ giữa chính quyền và người Thượng chỉ có trong quá khứ mà còn đang diễn ra trong rất nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, đến quyền tự do tín ngưỡng và việc chính quyền kiểm soát và đàn áp cộng đồng người Thượng."


Nỗi ám ảnh quá khứ


Theo Tổ chức HRW, chính mối nghi kỵ giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng người Thượng đã khiến cho tình hình Tây Nguyên thêm phức tạp. Chính quyền Việt Nam luôn cho rằng người Thượng theo giáo hội tại gia là những phần tử lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị. Trong khi đó, nhiều người Thượng lại không tin tưởng giáo hội Tin Lành được nhà nước cho phép hoạt động.

Trong rất nhiều vụ, chính quyền còn cho rằng những người Thượng thuộc giáo hội tại gia bị chi phối và cấu kết với các nhóm vũ trang như FULRO để chống chính quyền.


Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy có sự tồn tại của nhóm vũ trang nào ở Tây Nguyên. Ông nói tiếp:


"Tôi nghĩ là chính quyền Việt Nam vẫn còn đang sống với quá khứ. Có thể họ vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi từ những thập niên 70, 80.


Chúng tôi không hề thấy có dấu vết của nhóm vũ trang nào đang hoạt động trong cộng đồng người Thượng, nhưng chính quyền vẫn liên tục tuyên truyền và kết án người Thượng cấu kết với FULRO - một tổ chức vũ trang đã tồn tại vào những thập niên trước và bây giờ đã không còn nữa.


Có lẽ vì nghi kỵ mà chính quyền không tin tưởng bất cứ điều gì liên quan đến người Thượng. Còn chúng tôi thì không thấy có bất cứ dấu vết nào của nhóm vũ trang mà chính quyền nói rằng đang tồn tại ở khu vực này."

Một điểm quan trọng khác nữa trong báo cáo của HRW là tình trạng đàn áp tôn giáo đối với người Thượng đã diễn ra theo chu kỳ trong suốt một thập niên qua.


Trong đó chính quyền một mặt gia tăng lực lượng đàn áp, bắt giữ, bỏ tù và tra tấn người Thượng, ép họ từ bỏ tín ngưỡng, mặt khác, đưa ra một số chương trình cải cách về đất đai, kinh tế, giáo dục nhằm xoa dịu bức xúc của họ.
Thống kê của HRW cho thấy trong năm 2010 và đầu năm 2011, đã có hàng trăm người Thượng bị ép buộc phải từ bỏ đạo Tin Lành Dega. Từ năm 2001 đến nay đã có ít nhất 25 người Thượng chết trong tù và có ít nhất 250 người Thượng hiện vẫn đang bị giam giữ.


Chính vì những dấu hiệu gia tăng đàn áp tôn giáo nghiêm trọng trên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã khuyến nghị chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo.


Mặt khác, HRW cũng đề nghị Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) về vi phạm tự do tôn giáo nhằm gây sức ép để Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn trên.

No comments:

Post a Comment