Sau nhiều lần được chỉnh sửa và bàn thảo, Dự luật Thủ đô bị bác bỏ tại phiên họp thứ 9 Quốc hội khoá XII hôm 29/3 vừa qua.Lý do, ngoài những điều khoản thiếu tính hợp lý và xung đột với những bộ luật đang hiện hành, Dự luật Thủ đô còn có những điều khoản không phù hợp với Hiến pháp. Vậy thực tế ra sao khiến dự luật thủ đô bị quốc hội kỳ này bác?
Kết quả bỏ phiếu về dự luật Thủ đô tại phiên họp cuối cùng, chiều 29/3, Quốc hội khoá XII vừa mới kết thúc tại Hà Nội, được cho biết có gần 36% tán thành và 44% không tán thành.
Thiếu tính hợp lý
Mặc dù đã được đóng góp ý kiến từ 2 kỳ họp trước, nhưng dự luật Thủ đô với những quy định về cơ chế quản lý đất đai, cơ chế tài chính (điều 23), tăng xử phạt hành chính trong khu nội thành cao hơn mức chung trong cả nước (điều 25) hay sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán (điều 26) vẫn là những điều khoản không được sự đồng tình từ phía các đại biểu.
Trong khi đó, thì điều khoản về quản lý dân cư, một trong những điều khoản “nhạy cảm” vì được xem là không phù hợp với hiến pháp khi vi phạm vào quyền tự do di chuyển và cư trú của người dân, được thông qua vừa quá bán.
Theo đánh giá của T.S Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu Hà Nội thì Luật Thủ đô là luật khó nhất trong tất cả các luật. Hiện tại dự luật Thủ đô đang động chạm tới 12 luật đã được ban hành, trong đó có môi trường, xây dựng, cư trú... Theo lời ông Lê Thành Long – vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về pháp luật, thuộc Bộ Tư pháp thì luật thủ đô là một luật tổng hợp, khác với các đạo luật về các vấn đề, lĩnh vực riêng… Xây dựng luật thủ đô không phải để thay thế các luật khác vì thủ đô cũng là một đơn vị hành chính.
Có ý kiến cho rằng Hà Nội mang trong mình hai yếu tố vừa là một đô thị vừa là một tỉnh thành, chịu sự tác động của các văn bản quy phạm nói chung. Nhưng do tính chất là thủ đô của một quốc gia, trung tâm chính trị của cả nước, nên Hà Nội cần phải có một hệ thống hành lang pháp lý riêng nhằm tăng cường phân cấp hành chính cũng như các chính sách chuyên biệt để đảm bảo sự ổn định cho chính mình.
Tuy nhiên, trong những phản biện từ phía các đại biểu, nhiều người cho rằng, cần phải làm rõ liệu chính sách pháp luật hiện hành có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thủ đô và vì sao cũng là một đơn vị hành chính mà Hà Nội lại có nhiều chính sách đặc thù, hay những ưu tiên, từ đó có thể mang lại cho Hà Nội nhiều lợi ích hơn.
Về vấn đề vừa nêu, T.S Trịnh Hoà Bình, Viện Nghiên cứu Xã hội học, thuộc Viện KHXH Việt Nam cho biết:
"Nói thẳng ra là văn hoá khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng sâu sắc của nho giáo hơn là khu vực phía Nam, rồi người ta nói là “gần lửa rát mặt” hơn, nghĩa là gần anh trung ương, rồi hàng loạt những vấn đề thuộc hệ quy chiếu làm cho cung cách ứng xử lúc nào cũng “tròn vành rõ chữ”, hàng loạt các mối quan hệ, hệ thống phức tạp, đan xen với nhau, nên không có những bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc, cho nên người ta mới cần có một hành lang pháp lý, đảm bảo cho người ta hành xử mạnh mẽ hơn, vượt qua tất cả những gì mang tính cách thông tục đời thường.
Nhưng khi đưa ra, người ta thấy không thể nào có được một luật riêng. Ví dụ tại sao Hà Nội lại được miễn trừ nghĩa vụ này nghĩa vụ khác, mà lại được gia tăng quyền lợi trong khi tinh thần của luật pháp là mọi đối tác, mọi thành viên, mọi nhóm xã hội phải bình đẳng. Có lẽ câu chuyện ở đấy nó dẫn đến là một bộ phận lớn trong quốc hội họ không tán đồng đến dự án luật đó được thông qua."
Chưa sinh cha đã sinh con
Tuy nhiên, theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc, vì sao dự luật Thủ đô bị bác bỏ, nguyên nhân cụ thể là nằm ở chỗ chưa có luật Đô thị mà đã có luật Thủ đô. Ông nhận xét:
"Thủ đô Hà Nội bây giờ là một thành phố rất lớn, qui mô lớn của thế giới sau khi mở rộng, đòi hỏi có những chính sách và điều luật đặc thù để nó phát triển được, điều đó người ta có thể chia sẻ thông cảm được. Nhưng quan điểm của cá nhân tôi, điều quan trọng hơn, điều tiên quyết là phải có bộ luật về đô thị. Thể chế Nhà nước Việt Nam đã tồn tại hơn 60 năm, chúng ta đã hình thành các đô thị cực lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhưng bây giờ vẫn chưa có một luật đô thị.
Trong luật đô thị, quan trọng nhất là bộ máy chính quyền đô thị chưa có, nên bất kỳ một luật nào muốn quan tâm đến đặc thù của thủ đô Hà Nội, thì điều đó không có nền tảng. Do vậy, quan điểm của tôi cũng như một số đại biểu khác chia sẻ là trước hết ta phải làm luật đô thị trước đã."
Theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc, vấn đề lớn nhất mà Dự luật Thủ Đô không được thông qua là do chưa có một Luật Đô thị làm nền tảng. Luật đô thị cần phải được ra đời trước khi Luật thủ đô được ban hành. Đây là điểm mấu chốt để giải quyết những xung đột, bao gồm cả nhiều điều khoản riêng lẻ trong dự luật Thủ đô mà các đại biểu đang bàn thảo.
Cần thời gian và nền tảng pháp lý
Ngoài nguyên nhân chủ yếu mà ông vừa giải thích, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nêu lên thêm một vấn đề khác không được nhiều sự đồng thuận là do các nhà nghiên cứu dự luật mới chỉ quan tâm đến phần đô thị không mà chưa chú trọng đến các vùng ngoại ô, hay thậm chí cả vấn đề hiến pháp có liên quan:
"Một trong ý kiến nêu lên là thủ đô, chỉ quan tâm đến phần đô thị mà không quan tâm đến vùng ngoại ô của nó, với rất nhiều yếu tố của các không gian, nông nghiệp, ở đó cũng có rất nhiều những di sản của lịch sử vật thể và phi vật thể. Cho nên việc cuối cùng nó không được thông qua theo tôi là sự cần thiết.
Trên cở sở đó, muốn hướng tới một thủ đô hoàn thiện thì phải có thời gian và nền tảng pháp lý. Liên quan tới nó, còn cả vấn đề hiến pháp, cho nên có lẽ phải sửa hiến pháp mới tạo được cơ sở pháp luật, để nếu luật thủ đô được thông qua thì nó có hiệu ứng phát huy vào trong đời sống phát triển được."
Nhà sử học cũng cho biết thêm, Luật thủ đô có thể là những điều khoản thêm, đặc thù riêng của Luật Đô thị và có thể tách rời riêng rẽ.
Tuy nhiên, khi nhắc đến một số vấn đề mà nhiều người đang thắc mắc là Luật Thủ đô cần phải đảm bảo nguyên tắc hợp hiến, mà trong đó có vấn đề cư trú, đang được nhiều người dân thủ đô quan tâm. Ông Trịnh Hoà Bình giải thích như sau:
"Vấn đề nhập cư tăng dân số cơ học, dẫn đến sự quá tải của cơ sở hạ tầng, cũng như các cung ứng của các hệ thống dịch vụ, làm cho Hà Nội không đủ sức, điều này làm cho mâu thuẫn với hiến pháp và pháp luật. Một mặt thì người ta nói đến quyền tự do cư trú của công dân, quyền được khám chữa bệnh của những người di cư theo kiểu “con lắc” nhập cư cơ học… thực ra xuất phát từ sức không đủ để thoả mãn hệ thống an sinh như thế, người ta tìm cách khống chế.
Nhưng khi khống chế, thì lại đối đầu với những vấn đề giấy trắng mực đen trong quyền, có thể nói là nhân quyền, phù hợp với hiến pháp và lập pháp. Thành ra chỗ đó là gỡ không ra."
Trước khi kết thúc buổi trao đổi với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Dự luật thủ đô hiện rơi vào một vào một hoàn cảnh là những vấn đề cũ chưa giải quyết xong thì hàng loạt vấn đề mới nảy sinh. Đặc biệt là do sự mở rộng đô thị, cộng với tập quán của người Việt Nam mà nhất là người Hà Nội sau một thời gian quá dài bị nông thôn hoá do cơ chế, nên Hà Nội khó có thể chấp nhận được một cái gì gọi là quy củ ngay lập tức. Ông cho rằng Dự luật thủ đô trong thời gian tới sẽ cần phải bàn thảo nữa và cần phải có những thay đổi rất cơ bản nếu muốn được phê chuẩn trong những kỳ họp Quốc hội sau.
No comments:
Post a Comment