Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, March 30, 2011

Chuyện ly kỳ kết hôn giả (Kỳ 2): Ba ông, một hôn thú, một hủy hôn

Vừa kể vừa khóc, người phụ nữ thuật lại câu chuyện làm kết hôn giả bị lường gạt mất trắng gia tài $250,000. Câu chuyện của Trân Nguyễn (tên nhân vật đã được đổi) có tất cả những yếu tố của một vụ làm kết hôn giả rồi bị lừa.


Tờ hôn thú giữa bà “Trân Nguyễn” (tên nhân vật đã được đổi) và ông “Năm Mươi Ngàn” là một phần của câu chuyện phức tạp. (Hình: Người Việt)



Chuyện tiền mất tật mang là chuyện vẫn thường thấy trong cộng đồng Việt Nam. Có những nạn nhân mất tiền mà không được giấy tờ, trở thành kẻ di dân lậu trên đất Mỹ mặc dù đã chi hàng chục ngàn cho người làm hôn thú. Có những người chỉ muốn làm giấy tờ, nhưng bị ép làm vợ thật, để trở thành con ở cho nhà chồng mà quốc tịch thì mãi không thấy đâu. Cũng có người cuối cùng cũng có đủ giấy tờ, nhưng số tiền phải trả lại cao hơn gấp bội, do người làm hôn thú nay đòi thêm món tiền này, mai đòi thêm món tiền khác.

Câu chuyện của một người như bà Trân Nguyễn, mất $50,000 cho một ông (hãy gọi ông này là ông “Năm Mươi Ngàn”), và mất thêm $200,000 cho một ông nữa (ông “Hai Trăm Ngàn”), không phải là không thể xảy ra.

Có thể xảy ra, đúng. Nhưng, khi ông Năm Mươi Ngàn và ông Hai Trăm Ngàn đến gặp báo Người Việt, thì họ nói là chuyện đó đã không xảy ra. Và qua họ, lại xuất hiện thêm một người nữa.

Bà Trân phủ nhận lời của hai ông này. Bà than thở: “Thì bây giờ người ta chối mình biết làm sao. Mình đâu có bằng chứng gì đâu.”

Những cuộc tiếp xúc với Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn, qua những điều họ kể, đã vẽ nên một bức tranh cuộc sống đầy những phức tạp, khó hiểu, ẩn sau sự hiền hòa, bình an thường nhật ở vùng Little Saigon.

Gặp 'tình cờ' trong tiệm massage

Một ngày Chủ Nhật đầu tháng 3, từ một tiểu bang cũng ở miền Tây Hoa Kỳ, ông Năm Mươi Ngàn trở về California và đến tòa soạn Người Việt để chia sẻ câu chuyện của ông và Trân Nguyễn, người mà ngay khi vừa nhắc tới, ông đã không ngần ngại gọi ngay là “người phù thủy đã 'screw up' cuộc đời ông.”

Năm Mươi Ngàn đã ngoài 45, sống ở Mỹ gần 30 năm, từng có một đời vợ nhưng đã ly dị từ năm 1999, và chưa có con.

Theo lời Năm Mươi Ngàn, trong một lần tình cờ đến “thay ổ khóa giùm cho một chị bạn tại một tiệm massage ở Garden Grove,” ông đã nhìn thấy Trân Nguyễn.

Lúc đó, bà đang đến đó xin việc làm. Năm Mười Ngàn chậm rãi kể:

“Nhìn thấy cổ có vẻ hiền hiền, và nghe nói cổ mới tới xin việc làm, tôi mới nói nhỏ là ‘những chỗ này không tốt cho cô đâu,’ và tôi hẹn cổ đi ra ngoài một tiệm phở gần đó nói chuyện.”

“Cổ kể là cổ từ Việt Nam mới qua Mỹ được hai ngày, ở nhà đứa em trai là một triệu phú, nhưng tự dưng đứa em gọi điện kêu cảnh sát đến đuổi cổ đi. Hiện tại cổ đang ở nhờ nhà của một người bạn gái. Cổ vừa kể vừa khóc lóc nên mình thấy thương hại lắm!” Ông Năm Mươi Ngàn nhớ lại.

Ðó là lời của ông Năm Mươi Ngàn kể lại, còn bà Trân thì nói bà chưa hề bao giờ nói gì về một người em trai nào như vậy cả.

Ðộng lòng trắc ẩn, ông Năm Mươi Ngàn đã “cho cổ $100. Nhưng cổ không lấy. Cổ nói nếu muốn nhận cổ làm bạn thì đừng đưa tiền như vậy.”

Năm Mươi Ngàn đã bắt đầu một “tình bạn” với Trân Nguyễn như vậy. “Khi đó là khoảng tháng 8, năm 2010.”

Chủ giới thiệu

Trong khi Năm Mươi Ngàn gặp bà Trân một cách rất tình cờ, thì ông Hai Trăm Ngàn được người khác giới thiệu tới bà Trân.

Khác với thái độ điềm tĩnh của Năm Mươi Ngàn, ông Hai Trăm Ngàn xuất hiện tại tòa soạn Người Việt, bằng một thái độ khá bực tức khi nghe nói đến tên Trân Nguyễn.

Người đàn ông này cũng trạc tuổi ngoài 45, cao lớn, giọng nói giận dữ và mạnh mẽ, ông cho biết: “Tôi làm ở tiệm furniture, còn 'she' thì quen qua bà chủ tiệm. Ông bà chủ giới thiệu với tôi là 'she' không có xe nên nhờ tôi chở đưa đi đây đi đó.” Khi đó là khoảng cuối năm 2010.

Rồi sau đó, bà Trân ngỏ ý muốn tìm người giúp bà ở lại Mỹ.

Hai Trăm Ngàn bực tức với đề nghị của bà Trân, “Tôi có vợ nhưng 'she' kêu tôi ly dị vợ để làm giấy tờ với 'her'.”

Ông còn kể: “Cổ nói có thương thì 'take care' giùm đi, chứ không phải nói làm trả tiền. Cô ta đâu có tiền. Mà dù có tiền thì tôi cũng không làm chuyện phạm pháp như vậy.”

Ðã có bạn gái, vẫn giúp làm hôn thú

Ông Năm Mươi Ngàn thì khác. Ông nói ông nhận lời làm hôn thú, “vì nghĩa, vì tình bạn.”

Năm Mươi Ngàn kể, sau khi quen biết nhau được 2, 3 tuần thì Trân Nguyễn cho biết “cổ muốn dọn ra ngoài ở cho thoải mái.”

Theo đề nghị của Trân, Năm Mươi Ngàn đã tìm thuê giúp cô ta một căn phòng ở thành phố Westminster.

Sau đó, Trân Nguyễn lại nói “ý định tìm người giúp cổ ở lại Mỹ.”

Ông Năm Mươi Ngàn nghĩ: “Thôi thì giúp ai cũng giúp, mà bây giờ thấy hoàn cảnh cổ như vậy, sang đây lại bị em trai đuổi đi, nên tôi đồng ý giúp cổ. Ngày 7 tháng 9, tôi dẫn cổ đi làm giấy tờ.”

Trong câu chuyện, Năm Mươi Ngàn luôn khẳng định: “Tôi không nhận tiền bạc gì của cô ta hết. Tôi làm tất cả vì tình người thôi.”

Thêm vào đó, lý do để Năm Mươi Ngàn nhiệt tình giúp Trân Nguyễn là vì “trước khi làm giấy kết hôn, cổ rất là 'nice,' rất là trầm tính, đàng hoàng, nói chuyện rất lễ phép. Mình thấy cô này có thể là bạn lâu dài không chừng, những chuyện đó mình không thể biết trước được.”

Ông Năm Mươi Ngàn cũng cho biết rằng ông “cũng đã có bạn gái.”

“Tôi có nói trường hợp của Trân Nguyễn và ý định giúp cổ cho bạn gái tôi nghe. Bạn gái tôi đồng ý, cổ chỉ khuyên tôi nên cẩn thận.” Ông kể.

Tiền ngân hàng

Giống như lời kể của Trân Nguyễn, ông Năm Mươi Ngàn nói sau khi làm giấy kết hôn xong, “Tôi và cô ta cùng mở một account ở Bank of America trên đường Bolsa và Magnolia.”

Theo lời ông thì số tiền bỏ vào nhà băng lúc đó trước sau “tổng cộng khoảng $7,000. Cô ta có nhờ tôi rút ra $500 để gửi về Việt Nam cho hai người con của cô ta. Còn lại số tiền là $6,500 tôi rút ra và mua giùm cô ấy chiếc xe Lexus RX300 đời 1999.”

Khi được đưa cho xem giấy tờ của ngân hàng, do bà Trân Nguyễn cung cấp, với số tiền bỏ vô là $11,614.13, và số tiền rút ra là $11,306.00, ông bật ngửa vì vượt xa số tiền ông nghĩ. “Tôi không biết số tiền này ở đây ra,” ông băn khoăn.

Năm Mươi Ngàn kể, ba ngày sau khi làm giấy kết hôn, Trân Nguyễn nói có việc phải đi Chicago một tháng và ông dọn qua ở coi nhà giùm.

Nhưng Trân Nguyễn không đi Chicago một tháng như bà nói, mà chỉ khoảng một tuần sau bà cấp tốc quay về với một câu chuyện ly kỳ. Năm Mươi Ngàn kể lại: “Cổ nói em trai triệu phú của cổ chuyên làm về xây dựng bị mấy thằng ganh ghét bắn vào đầu, bị thương, nên mỗi tối cổ phải vào bệnh viện coi thằng em. Cổ nói dù còn sống nó hắt hủi cổ nhưng bây giờ nó bị trầm trọng thì mình không thể không chăm sóc nó.”

Bà Trân bác bỏ lời ông Năm Mươi Ngàn. Bà nói bà không hề kể chuyện gì như vậy.

“Thực sự đến giờ những gì cổ nói tôi không biết là có điều nào thật không, vì tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy mặt người em trai mà cổ nói,” Năm Mươi Ngàn nhận xét.

Mỗi buổi tối, khoảng 7 giờ, có người đến chở bà Trân đi thăm em trong bệnh viện.

Cho rằng chuyện làm giấy tờ cho Trân Nguyễn chỉ mang tính giúp đỡ hình thức nên Năm Mươi Ngàn không quan tâm đến chuyện riêng tư của bà.

Nhưng rồi, chuyện đổ bể tùm lum.

‘Quậy’

Một buổi sáng, “cổ tới nhà bạn gái tôi quậy, nói cổ là vợ của tôi,” ông Năm Mươi Ngàn kể. “Tôi gọi điện hỏi cổ làm gì kỳ cục vậy, thì cổ nói: ‘Bây giờ mày biết tao là ai chưa!’”

Năm Mươi Ngàn vừa cười vừa lộ vẻ ngạc nhiên đến sững sờ khi nhớ lại điều đó. “Tôi nghe cách cổ nói chuyện vậy tôi cũng chưng hửng luôn!”

Không ngờ hơn nữa, ông Năm Mươi Ngàn nói bà Trân đã sao chép được thẻ SIM trong điện thoại di động của ông, gọi cho hết bạn bè ông, tố cáo ông giựt tiền của bà.

Theo lời ông: “Cổ gọi cho hết mọi người thân thuộc, bạn bè của tôi, khắp hết từ Mỹ đến Việt Nam, nói tôi lừa cổ 26 ngàn, trong khi tôi có lấy tiền gì của cổ đâu.”

Sau những cuộc gây gổ, cuối cùng Năm Mươi Ngàn quyết định phải ra tòa làm thủ tục hủy hôn.

Ông nói: “Tôi nghĩ nếu tôi vẫn tiếp tục dính líu đến cô này thì mai mốt sẽ còn liên lụy nhiều thứ không có lợi. Do đó tôi quyết định phải ly hôn với cô ta.”

Tờ giấy xin hủy hôn của ông Năm Mươi Ngàn đưa ra cũng giống tờ của Trân Nguyễn từng gửi lại tòa soạn Người Việt trước đó. Theo đó, ngày mà ông Năm Mươi Ngàn nộp giấy xin hủy hôn chỉ đúng 3 tuần sau khi làm giấy kết hôn.

SIM của ông Hai Trăm Ngàn

Người đàn ông thứ nhì, ông Hai Trăm Ngàn, cũng tố cáo bà Trân sao chép thẻ SIM của ông. “'She' ăn cắp cái SIM card điện thoại trong cái phone cũ của tôi,” ông này nói. “Rồi 'she' gọi mọi người có số trong đó để 'harass' quấy rối họ, nói tôi gạt tiền của cổ.”

Do không có những thủ tục giấy tờ phức tạp như Năm Mươi Ngàn, nên với ông Hai Trăm Ngàn thì “chỉ quen nhau chừng mấy tuần” và “thấy 'she' nói dối nhiều quá, dựng lên nhiều câu chuyện quá, rồi cứ hay hăm dọa tự tử nên tôi 'stop' luôn.”

Hai Trăm Ngàn thốt lên: “Cô ta là một con quỷ!”

Hai Trăm Ngàn đưa ra một tờ giấy của hãng xe Toyota gửi cho ông rồi nói một cách giận dữ, “Cổ gài tôi. Chiếc xe tôi còn thiếu hơn 4 ngàn. Cổ nói cổ ký check trả hết cho hãng Toyota rồi tôi sẽ đưa tiền mặt lại cho cổ. Nhưng cái check đó bị 'bounced,' check lủng, nên Toyota nó gửi giấy đòi đưa tôi ra tòa nè!”

“Nói tôi lấy của cổ hai trăm ngàn thì hai trăm ngàn đó từ đâu ra? Bằng chứng đâu? Trong khi nói trả tiền xe có hơn bốn ngàn mà còn đưa check bị 'bounced' thì tiền đâu?” Càng nói, Hai Trăm Ngàn càng biểu lộ sự tức giận.

Nhắc lại là sợ

Còn Năm Mươi Ngàn thì thổ lộ: “Trong suốt thời gian 4 tháng chờ đợi hoàn tất thủ tục ly hôn, không đêm nào tôi ngủ ngon, chỉ nghĩ đến người đó là thấy sợ rồi.”

Phải đổi số điện thoại 5 lần, rời khỏi California sang tiểu bang khác “như chạy trốn,” chưa kể danh dự bị đánh mất - đó là những gì mà ông Năm Mươi Ngàn cho rằng mình đã phải trả cho cuộc hôn nhân xuất phát “vì tình người, vì nhân đạo và tình cảm.”

Ông nói một cách cay đắng: “Tôi học được câu của Khổng Tử là ‘không nên hối hận nhưng hãy làm tốt hơn.’ Bây giờ làm bất cứ chuyện gì tôi cũng suy nghĩ đắn đo. Từ nhỏ tới giờ lớn, chưa bao giờ tôi gặp trường hợp này. Ðương nhiên là mình đã dại dột rồi. nhưng cũng hên là mạng mình vẫn bình an.”

Người tới lúc 7 giờ

Trong khi ông Năm Mươi Ngàn, ông Hai Trăm Ngàn, và cả người “bồ” của ông Hai Trăm Ngàn đều đã được bà Trân Nguyễn nói tới, thì trong câu chuyện của hai người, xuất hiện một nhân vật mới mà bà Trân chưa hề nhắc.

Ðó là người tới đón bà mỗi buổi tối, mà ông Năm Mươi Ngàn nói là để bà đi thăm người em trong bệnh viện.

Ông này cũng đã gặp báo Người Việt. Hãy gọi ông là ông “Bảy Giờ.”

Sau đó, qua một người bạn của Trân Nguyễn, Năm Mươi Ngàn nói ông biết ra ông Bảy Giờ là “bồ của cổ.”

Ông Bảy Giờ này cũng được ông Hai Trăm Ngàn đề cập tới. Vì một sự trùng hợp lạ lùng, ông Bảy Giờ quen gián tiếp với cả ông Năm Mươi Ngàn lẫn ông Hai Trăm Ngàn.

Và câu chuyện ông kể, kèm theo cả CD thâu giọng nói của bà Trân Nguyễn khi bà để lại lời nhắn trong điện thoại của ông, là cả một câu chuyện phức tạp.

(Kỳ 3: Cuộc trả giá: 'Tôi lấy tiền và cô sẽ được ở Mỹ')

No comments:

Post a Comment