Thưa quí vị, mới đây chính phủ Campuchia đã ra lệnh cấm những người đàn ông nước ngoài trên 50 tuổi không được kết hôn với phụ nữ Campuchia. Chính phủ Campuchia nói rằng lệnh cấm này là để nhằm làm giảm tình trạng buôn bán phụ nữ ra nước ngoài, tuy nhiên một số người chỉ trích rằng qui định mới này phân biệt đối xử đối với phụ nữ.
Trong phúc trình năm 2010, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt kê Campuchia vào danh sách các nước hạng hai về buôn bán người và nhận định rằng một số những phụ nữ Campuchia di cư sang Đài Loan và Nam Triều Tiên thông qua các hoạt động môi giới hôn nhân quốc tế có thể đã bị buộc trở thành gái mại dâm hoặc bị cưỡng bức lao động. Phúc trình cũng nhận định rằng chính phủ Campuchia chưa hoàn toàn tuân thủ với các tiêu chuẩn tối thiểu trong việc loại bỏ tình trạng buôn người, tuy nhiên đã có nỗ lực đáng kể để giảm bớt tình trạng này.
Thừa nhận tình trạng phụ nữ Campuchia có thể bị bán vào các đường dây mại dâm hoặc trở thành “nô lệ” sau khi kết hôn với người nước ngoài qua các hoạt động môi giới hôn nhân quốc tế, chính phủ Campuchia trong những năm vừa qua đã ban hành một số qui định nhằm triệt phá các đường dây môi giới hôn nhân giả mạo này.
Cách đây hai năm, chính phủ Campuchia đã ra lệnh cấm tạm thời toàn bộ các cuộc hôn nhân giữa người nước ngoài và người Campuchia sau khi Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) ra một phúc trình trong đó cho thấy ngày càng có nhiều phụ nữ Campuchia sang định cư ở Nam Triều Tiên thông qua các cuộc hôn nhân chớp nhoáng được sắp xếp bởi những công ty môi giới hôn nhân, vốn được cho là thu về những khoản lợi nhuận lớn. Chính phủ cũng nói rằng trong một số trường hợp các cô dâu người Campuchia đã bị ngược đãi ở nước ngoài và đã phải bỏ về quê hương.
Tuy nhiên, lệnh cấm này đã gặp phải nhiều sự chỉ trích là vi phạm luật hôn nhân và vi phạm nhân quyền nên vài tháng sau đã bị hủy bỏ.
Ðến tháng 3 năm 2010, chính phủ Campuchia lại một lần nữa ban hành lệnh cấm tạm thời những người đàn ông Nam Triều Tiên không được phép kết hôn với phụ nữ Campuchia sau khi một người phụ nữ bị bắt vì đã tập hợp hơn 25 cô gái Campuchia xếp hàng để các chú rể Nam Triều Tiên lựa chọn.
Những người chỉ trích khi đó đặt câu hỏi rằng ‘tại sao qui định mới lại chỉ áp dụng đối với đàn ông Nam Triều Tiên cho dù một số người trong số họ vi phạm luật lệ nhưng họ không phải là nước duy nhất?’, và ‘tại sao những cặp đôi nghiêm túc muốn kết hôn vì tình yêu lại bị trừng phạt bởi những hành động bất hợp pháp của những người khác?’. Một tháng sau đó, lệnh cấm này cũng đã bị bãi bỏ.
Gần đây nhất, hôm 17/3/2011 chính phủ Campuchia đã ban hành lệnh cấm những người đàn ông nước ngoài trên 50 tuổi không được kết hôn với các cô gái Campuchia.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia, ông Koy Kuong, được báo chí trích lời cho biết bộ của ông đã gửi một văn thư ngoại giao tới các đại sứ quán và lãnh sự quán nước ngoài ở Campuchia trong đó nói rằng “những người đàn ông nước ngoài muốn kết hôn với phụ nữ Campuchia phải dưới 50 tuổi và có thu nhập ít nhất là 2.500 đôla/tháng.”
Cũng theo lời ông Koy Kuong nếu qui định mới được thực thi, phụ nữ Campuchia sẽ không bị bán làm nô lệ, không bị môi giới trong các cuộc hôn nhân giả mạo hoặc trở thành nạn nhân của hoạt động buôn người.
Nêu lý do vì sao chính phủ quyết định cấm những người đàn ông trên 50 tuổi không được kết hôn với phụ nữ Campuchia, ông Koy Kuong nói rằng những người đàn ông nước ngoài trên 50 tuổi không sớm thì muộn cũng sẽ về hưu và sẽ có thu nhập ít hơn không đủ để đảm bảo một cuộc sống đàng hoàng cho người vợ mới của họ. Ông nói thêm rằng: “Kết hôn với một người đàn ông hơn 50 tuổi giống như ông cưới cháu”, và rằng chính phủ muốn những người phụ nữ Campuchia có một cuộc sống đàng hoàng chứ không phải sống như nô lệ.
Giống như những qui định trước đây, qui định mới nhất của chính phủ liên quan đến vấn đề hôn nhân với người nước ngoài đã nhận được những phản ứng trái ngược.
Tiến sĩ Pung Chhiv Kek, người đứng đầu tổ chức Licadho, một tổ chức bênh vực nhân quyền ở Campuchia, nói rằng mặc dù ý định và mục tiêu của chính phủ nhằm ngăn chặn tình trạng buôn người là tốt, nhưng qui định này vi phạm luật Campuchia và luật quốc tế:
“Chúng tôi rất lấy làm tiếc vì chính phủ đã ban hành qui định này vì nó không tuân theo luật pháp của Campuchia. Luật pháp Campuchia không qui định cấm phụ nữ Campuchia lấy người nước ngoài. Qui định giới hạn tuổi và mức lương cũng vi phạm luật quốc tế vì Campuchia đã thông qua Công ước Quốc tế về chống mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ. Phụ nữ Campuchia có quyền kết hôn với bất cứ người đàn ông nào mà họ yêu thương, kể cả những người đàn ông trên 50 tuổi.”
Tiến sĩ Pung cũng nói thêm rằng biện pháp này còn phân biệt đối xử với phụ nữ ở chỗ qui định mới không cấm những người đàn ông Campuchia lấy vợ nước ngoài trên 50 tuổi trong khi qui định này đồng nghĩa với việc những người phụ nữ ngoài 50 tuổi hay 60 tuổi không được lấy những người đàn ông nước ngoài cùng lứa tuổi với họ.
Theo tiến sĩ Pung lệnh cấm này sẽ không giải quyết được nạn buôn người, bà cho rằng điều chính phủ nên làm là tạo điều kiện cho phụ nữ Campuchia có điều kiện được học hành và cải thiện đời sống:
“Thay vì lệnh cấm, chính phủ nên tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận các chương trình giáo dục tốt để phụ nữ có thể kiếm được việc làm và tự quyết định chọn cho mình người đàn ông mà họ yêu thương và để họ có thể hiểu và tuân thủ theo luật pháp. Vấn đề của những người phụ nữ trở thành nạn nhân của nạn buôn người là tình trạng nghèo khó và thiếu độc lập. Nếu phụ nữ được giáo dục tốt hơn thì họ sẽ biết cân nhắc và cẩn trọng hơn trong vấn đề hôn nhân với người nước ngoài. Những phụ nữ này không biết về người chồng tương lai của họ vì họ kết hôn thông qua môi giới và thường là họ kết hôn bất hợp pháp nên khi định cư ở nước ngoài họ cũng không thể tiếp cận được các hoạt động hỗ trợ pháp lý.”
Tiến sĩ Pung cho biết tổ chức của bà đang vận động và hy vọng, cũng như những lần ban hành qui định gây nhiều tranh cãi trước, chính phủ Campuchia sẽ sớm bãi bỏ lệnh cấm lần này.
Quí vị nghĩ sao về qui định mới này của Campuchia? theo quí vị Việt Nam có nên áp dụng qui định này để ngăn chặn hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp hay không? Hãy chia sẻ ý kiến với chúng tôi ở dưới bài viết này. Xin cảm ơn quí vị.
No comments:
Post a Comment