Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, March 28, 2011

Thảm hoạ Nhật Bản với kỹ nghệ xe hơi

Thảm hoạ kép động đất, sóng thần tại Nhật Bản đã ảnh hưởng mạnh, trực tiếp đến ngành sản xuất ô tô- công nghiệp mũi nhọn của Xứ Phù Tang. Từ tác động tại Nhật, ngành sản xuất ô tô toàn thế giới cũng bị tác động dây chuyền.

Nhà máy phụ trợ đóng cửa

Nhắc đến nền sản xuất ô tô Nhật Bản, người tiêu dùng trên toàn thế giới sẽ nghĩ ngay đến những thương hiệu nổi tiếng về chất lượng, độ bền và sự tin cậy như Honda, Toyota hay Nissan. Thế nhưng thảm hoạ sóng thần và động đất mới diễn ra hôm 11/3 đã khiến ngành công nghiệp ô tô ở nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Theo tin của AP, đầu tiên chính là tình trạng thiếu hụt các linh kiện cũng như các phụ tùng đi kèm do đình trệ sản xuất tại các nhà máy cung ứng vật tư. Đã hơn 2 tuần kể từ sau vụ thảm hoạ diễn ra, các nhà sản xuất linh kiện quan trọng, chẳng hạn chíp máy tính hay màu sơn, vẫn chưa quay trở lại hoạt động bình thường, khiến việc khan hiếm linh kiện càng trở nên khó kiểm soát hơn. Theo lời ông Kojo Endo, giám đốc của Trung tâm nghiên cứu cấp cao Nhật Bản thì tình trạng gián đoạn sản xuất các đồ phụ tùng và linh kiện là tác động lớn chưa từng có trong lịch sử ngành công nghiệp sản xuất xe hơi nước này.
Tình trạng cắt điện và cắt nước vẫn xảy ra thường xuyên khiến nhiều nhà máy trong khu vực vẫn còn bị tê liệt. Một số nhà phân tích xe hơi tại nước này cho biết, hiện tượng này có thể kéo dài đến tận cuối mùa hè này.

Toyota, Nissan: mất bạc tỷ đô la.

Để có được một chiếc xe hơi hoàn chỉnh trămngười ta cần đến khoảng 3,000 chi tiết khác nhau. Mỗi một chi tiết này lại được cấu thành từ hàng trăm các linh kiện nhỏ lẻ do rất nhiều các nhà cung cấp khác nhau đảm trách, và chỉ cần thiết hụt một linh kiện nào đó, là chiếc xe không thể hoàn thành. Việc cung cấp thiếu ổn định các linh kiện khiến cả một dây chuyền sản xuất vào bậc phức tạp nhất thế giới bị ảnh hưởng theo.
Theo hãng tin Reuters hôm cuối tuần rồi, công ty Toyota, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, đã phải ngưng hoạt động tại 18 nhà máy lắp ráp xe Toyota và dòng cao cấp Lexus, dẫn tới giảm sản lượng 140,000 chiếc. Ngoài ra 7 nhà máy sản xuất thiết bị và các phụ tùng đi kèm của công ty này cũng bị ảnh hưởng ở những mức độ thiệt hại khác nhau. Theo ước tính, mỗi ngày, Toyota mất khoảng 6.5 tỷ yên (tương đương 81 triệu đô la) do giảm sản lượng 13,000 chiếc mỗi ngày.


Trong khi đó, thì Nissan thì tổn thất chi phí sản xuất tính theo ngày cũng lên tới 2 tỷ yên hay 25 triệu đô la. Goldman Sachs ước tính việc đóng cửa sản xuất khiến các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản thiệt hại khoảng 200 triệu đô la mỗi ngày, tăng lên mức 2,8 tỷ đô la trong vòng chỉ 2 tuần vừa qua.
HIS Automotive ước lượng rằng năm nay, 1/3 sản lượng ô tô toàn cầu sẽ bị cắt giảm do những gián đoạn trong dây chuyền sản xuất. Điều này có nghĩa rằng người ta sẽ ngừng sản xuất khoảng 5 triệu xe hơi trên tổng số 72 triệu xe hơi dự kiến được sản xuất trên toàn thế giới năm 2011.
Ngoài ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô do thiếu hụt linh kiện, người mua xe cũng sẽ có ít hơn lựa chọn về màu sắc. Một số màu sắc sẽ khó kiếm hơn bởi một nhà sản xuất màu sơn tại Nhật Bản bị phá huỷ. Đặc biệt là màu sơn đen phổ biến sẽ khó kiếm hơn do thiếu hụt hàng cung cấp. Bên cạnh đó, các khách hàng mua xe cũng phải đối mặt với giá cả tăng cao, chẳng hạn dòng xe như Prius, thân thiện với môi trường, của Toyota, dòng xe duy nhất được sản xuất tại Nhật Bản sẽ không còn giá chiết khấu 5-10% nữa.

Chuyển sản xuất sang Mỹ?

Một số nhà chế tạo đang tính đến việc chuyển việc hoạt động sản xuất của mình sang nước khác. Chẳng hạn, Nissan đang tính đến việc chuyển sản xuất động cơ sang Tennessee, Hoa Kỳ. Tuy thế việc này không dễ dàng vì những yêu cầu về an toàn hay những tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe khiến việc di chuyển gặp nhiều trở ngại và không thể thực hiện một sớm một chiều.
Sự tác động của việc thiếu hụt hàng linh kiện từ Nhật Bản, đã ảnh hưởng sang nhiều quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ, quốc gia phụ thuộc vào 14% tổng sản lượng đồ phụ tùng để sản xuất ô tô từ Nhật Bản.
Trong lần trả lời phỏng vấn hãng tin FoxNews của Hoa Kỳ hôm 15/3, bà Rebecca Lindland, Giám đốc của HIS Automative nhận xét về dây chuyền sản xuất nào bị tác động mạnh nhất, bà cho biết: 

Chúng ta đang nói đến các thành phần điện tử, động cơ, bộ phận chuyển số của xe, chíp điện tử là tất cả những thành tố được sử dụng cho một chiếc xe. Và tất cả những linh kiện này đều bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ ở Nhật Bản. Về mặt ngắn hạn, ngay trước mắt thì chưa có gì xảy ra, nhưng trong một vài tuần tới, thì chúng ta sẽ không có xe mới được chuyển tới. Và sự ảnh hưởng này cũng khác nhau ở những công ty sản xuất khác nhau. Chẳng hạn, Honda, hầu hết các linh kiện được sản xuất ở vùng Bắc Mỹ, thì sẽ không bị tác động nhiều như Toyota nhập dòng xe Lexus hay Nissan nhập dòng xe Infiniti. 
Quay về với thị trường ô tô của Việt Nam, câu hỏi đặt ra là liệu những gián đoạn về thiết bị lắp ráp cũng như các đồ phụ kiện sản xuất tại Nhật Bản có ảnh hưởng gì đến thị trường Việt Nam hay không, chúng tôi hỏi ông Phạm Văn Tuấn, phó Tổng trưởng phòng của Hiệp Hội các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam, ông cho biết như sau:Theo chúng tôi được biết thì tháng vừa rồi chưa bị ảnh hưởng, nhưng sang tháng tới thì một số doanh nghiệp sẽ phải dừng sản xuất vì không có linh kiện hoặc là không nhập được hàng từ bên Nhật Bản. Khu vực bị ảnh hưởng nhất là khu vực họ có các nhà cung cấp phụ tùng nằm ở đó. Một số các part hoặc linh kiện điện tử thì bây giờ vẫn đang tận dụng hàng tồn kho. Sang tháng tới, có thể sẽ bị thiếu một số linh kiện lắp ráp xe. Bên cung cấp hàng họ đang cảnh báo là có thể sẽ bị thiếu một số mặt hàng chứ chưa biết là sẽ thiếu những mặt hàng gì và thiếu trong bao lâu.
Với những hậu quả khá nặng nề từ thảm hoạ kép vừa qua, nhưng người ta tin rằng, đây chỉ là những hậu quả về mặt ngắn hạn. Thậm chí, các hãng đánh giá chỉ số tín dụng không hề hạ điểm các công ty như Honda, Nissan và cả Toyota. Người ta tin rằng, sự gián đoạn các dây chuyền cung cấp linh kiện, cũng như mất điện chỉ là tạm thời và họ hoàn toàn tin rằng các nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản sẽ khởi động mạnh trở lại trong nửa cuối năm 2011. Mong sao những thách thức trước mắt sẽ sớm qua đi, để người tiêu dùng khắp thế giới lại được đón nhận những dòng xe mới chất lượng, đa dạng và hợp với túi tiền khi nền công nghiệp ô tô Nhật Bản đi vào hồi phục.

No comments:

Post a Comment