Tuần trước quân cách mạng đã chiếm lại các thành phố bị mất, tiến về phía tây, còn cách Sirte khoảng 100 km. Đến thứ tư 30 tháng 3 quân đội của Tripoli đã phản công dữ dội.
Lui quân, không yểm kém hiệu quả.
Quân cách mạng chuẩn bị tấn công thị trấn Sirte, quê hương của Tổng Thống Gadaffi, vào đầu tuần này. Họ tuyên bố sẽ tiến tới Tripoli trong vòng ba ngày nữa. Trong khi đó một hội nghị quốc tế đã được triệu tập tại London để bàn thảo một kế hoạch chính trị cho Libya thời hậu Gadaffi. Nhưng từ đêm thứ ba qua sáng thứ tư 30 tháng 3 quân đội trung thành với chính phủ Tripoli pháo kích dữ dội và đẩy lui quân cách mạng Benghazi hằng trăm cây số. Quân kháng chiến được mô tả là hoảng loạn, rút chạy trên những xe tải nhỏ loại Pick-up trước mũi súng của xe tăng. Lực lượng kháng chiến rút từ vị trí tiền tuyến ở về Ras Lanuf, lui quân 100 km, nhưng quân Tripoli truy kích và sau buổi bình minh ngày thứ tư, giờ địa phưong tại Libi, thì Ras Lanuf đã rơi trở lại vào tay quân đội Gadaffi. Sáng thứ năm chiến sự diễn ra tại Brega, cách Ras Lanuf hơn 100 km đường bộ về phía đông. Quân kháng chiến vẫn cầm cự bảo vệ Brega, tính đến chiều thứ năm giờ địa phương.
Hôm thứ tư tin của AP cho hay phi cơ của NATO có bay trên không phận diễn ra chiến sự, và phóng viên AP nghe nhiều tiếng nổ, cho đó là bom oanh kích quân Gadaffi. Phát ngôn nhân quân sự của chiến dịch của NATO, đại uý Thủy quân lục chiến Mỹ Clint Gebke, nói ông không xác nhận được là có phi vụ chuyên biệt nào không nhưng máy bay của liên minh vẫn tấn công lực lượng Gadaffi. Qua ngày thứ năm, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho biết quân chính phủ Tripoli sử dụng pháo binh, hoả tiễn phóng từ dàn phóng nhiều chiếc, và những xe giả trang xe dân sự gắn hoả tiễn và súng máy trong cuộc hành quân, khiến phía đồng minh không dám oanh tạc vì sợ gây tổn thất cho thường dân. Cuộc tấn công lại diễn ra ban đêm nên hoả lực không quân của liên minh càng kém hiệu quả.
Trang bị vũ khí và huấn luyện?
Trong khi đó thì hội nghị Luân đôn bàn đến giải pháp kêu gọi Tổng Thống Gadaffi rời khỏi nước nhiều hơn là các vấn đề quân sự, trong khi chiến trường đang bất lợi cho phe cách mạng mà phương Tây muốn trợ giúp mọi mặt. Các nước không đồng ý với nhau về việc đưa vũ khí vào trang bị cho lực lượng cách mạng, một đạo quân được báo chí phương Tây mô tả là ô hợp, thiếu thốn từ quân số đến vũ khí, trang bị, huấn luyện, tinh thần tuy cao nhưng không thể gọi là thiện chiến. Ngày thứ năm các viên chức của lực lượng cách mạng đều kêu gào với báo chí vì thiếu vũ khí không thể chống nổi quân chính phủ.
Theo những tin tức do RFA thu thập được từ Washington thì Hoa Kỳ có vẻ nghiêng về ý kiến sẽ cung cấp võ khí cho lực lượng nổi dậy, cho dù đến tối thứ ba Tổng Thống Barack Obama vẫn nói rằng ông chưa có quyết định gì cả. Có những dấu hiệu của việc này. Đầu tiên, từ sáng sớm thứ hai trước khi Hội Nghị Quốc Tế về tương lai chính trị của Libi khai diễn ở Luân Đôn, đã có nhiều lời bàn tán ở Washington về việc quân cách mạng Libya cần vũ khí. Những nguồn tin lúc đó nói rằng viện trợ vũ khí là giải pháp tốt nhất và duy nhất để lực lượng kháng chiến có thể chống lại quân đội trung thành với Tổng Thống Gadaffi. Một viên chức quốc phòng Mỹ nói là không quân chỉ gây tổn thất mà không chặn được bưóc tiến của quân Tripoli. Viên chức Mỹ ẩn danh này nói rằng quân cách mạng Beghazi cần đến những "grenade propellers", tức là súng phóng hoả tiễn để chống xe tăng. Và quan chức này nói thêm, súng chống xe tăng rất dễ sử dụng nhưng vẫn phải có huấn luyện, vì lực lượng nổi dậy không phải là những binh sĩ thiện chiến, cũng chưa hề được học hỏi về quân sự. Như thế có nghĩa là phải có quân đội ngoại quốc đến Libya để huấn luyện, nhưng viên chức Mỹ nói đó không nhất thiết là người Mỹ. Tuy nhiên trong giới lập pháp Mỹ có người đặt vấn đề về vịêc cung cấp vũ khí, cho rằng đó chưa chắc là việc nên làm.
Tại hội nghị Luân Đôn Trung Quốc và Nga phản đối việc vũ trang cho quân kháng chiến, nói là làm như vậy sẽ mất sự ủng hộ của khối Á Rập. Paris có vẻ muốn đưa vũ khí vào, nhưng nói thêm là nghị quyết Liên Hiệp Quốc không cho phép, Luân đôn tuyên bố lưng chừng, rằng không phản đối cũng không chủ trương như thế. Giới quan sát cho rằng những quốc gia muốn giúp vũ khí cho quân nổi dậy bắt đầu tìm cách giải thích bản nghị quyết 1973 này cho phù hợp với điều họ định làm. Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không nói là chỉ được áp dụng lệnh cấm bay, mà cho phép thi hành mọi biện pháp cần thiết để ngăn chận những hành động tàn sát dân chúng của chính quyền Gadaffi. Vì thế, giới quan sát cho rằng chuyện đổ bộ quân cũng sẽ được xem là một giải pháp, nếu các nước quyết định làm điều này.
No comments:
Post a Comment