Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, March 31, 2011

Bắc Kinh gia tăng trấn áp để bảo vệ đặc quyền lãnh đạo

Lo ngại phong trào nổi dậy ở các nước Ả Rập tác động đến mình qua mạng internet, Bắc Kinh đã tung ra một chiến dịch đàn áp mạnh chưa từng thấy mà đối tượng là các nhà dân chủ. Vừa sợ hương Hoa Lài vừa e ngại dân chúng bất bình vì nạn tham nhũng và vật giá leo thang, Bắc Kinh tìm cách bảo vệ đặc quyền bằng mọi giá.




Theo bản tin của AFP từ Bắc Kinh thì từ khi xảy ra phong trào nổi dậy tại Tunisia và lan từ Bắc Phi đến Trung Cận Đông, tại Trung Quốc đã có ít nhất 25 nhà dân chủ bị công an bắt giam. Đây là những nhân vật đi tiên phong, dùng mạng internet để kêu gọi tập họp.

Nhiều người khác, nhất là thành phần luật sư, những người viết blog, nếu chưa bị bắt, thì cũng bị giám sát, bị câu lưu, hạch hỏi hoặc bị quản thúc tại gia. Trước cách mạng Hoa Lài, các sinh hoạt phát biểu ý kiến chỉ trích trên mạng tương đối còn được dung thứ.

Theo các hiệp hội nhân quyền quốc tế cũng như của người Trung Quốc thì tình trạng của các nhà nhân quyền và những người phê phán chế độ hiện nay rất khó khăn.

Ông Nicolas Becquelin, thành viên của Human Rights Watch khu vực châu Á thẩm định : "chỉ trong một thời gian ngắn chính quyền đã tàn phá phần lớn những thành tựu mà cả một thế hệ tranh đấu đã thực hiện được".

Thành viên của Hiệp hội Mỹ bảo vệ nhân quyền nhận định thêm là cường độ đàn áp hiện nay phản ánh chính sách "bàn tay sắt" ban hành từ thời kỳ chuẩn bị Thế Vận Hội 2008. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đánh đổi chiếc vé tổ chức Thế Vận Hội với lời hứa hẹn "cải thiện nhân quyền".

Gọng kềm phản dân chủ đã được biểu hiện qua vụ án Lưu Hiểu Ba, khi vị giáo sư đại học này được chọn trao giải Nobel hòa bình hồi tháng 10 năm ngoái. Tuần này , công an ở các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đã truy tố hàng loạt giới ly khai trong đó có những nhân vật đấu tranh kỳ cựu như Nhiễm Vân Phi, Đinh Mậu và Trần Vệ.

Những nhà dân chủ này cũng như ông Lưu Hiểu Ba bị quy tội "âm mưu lật đổ chế độ", một tội danh thường được chính quyền Trung Quốc sử dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán. Tuần trước, một công dân tên Lưu Hiền Bân bị kết án 10 năm tù vì lời kêu gọi dân chủ.

Trong tháng hai, chính quyền đã bắt một loạt luật sư, chuyên gia nhân quyền, dựa vào chính luật của Trung Quốc để bảo vệ dân oan và những nhà dân chủ . Các luật sư Đằng Bưu, Giang Thiên Dũng và Đường Cát Điền bị bắt giam mà không bị truy tố từ giữa tháng hai đến nay.

Hiệp Hội bảo vệ Nhân quyền tại Trung Quốc có cơ sở đặt tại Hồng Kông cho biết là ngày nào cũng có người mất tích, bị dẫn đi, bị giam hay bị truy tố. Đây là đợt đàn áp thô bạo nhất từ 15 năm nay.

Chính quyền đã thẳng tay trừng phạt dân chúng từ khi trên mạng internet có lời kêu gọi tập họp mỗi chủ nhật để phản đối tình trạng tham ô, vật giá leo thang, kẻ giàu càng giàu lên, người nghèo càng nghèo thêm. Những nguyện vọng không khác gì đòi hỏi của người dân Ả Rập.

Trong một bức thư ngỏ kêu gọi biểu tình và gởi Quốc hội Trung Quốc, một tác giả ẩn danh nhấn mạnh "mỗi cá nhân chỉ cần đi ngang qua điểm hẹn cũng đủ làm chế độ độc tài run sợ". Những tổ chức đề xướng "tập họp Hoa lài" yêu cầu một "nền tư pháp độc lập", đòi hỏi chính phủ "chấp nhận để cho dân kiểm soát và đảng Cộng Sản phải ra đi".

"không phải là chế độ Kadhafi nhưng đời sống người dân không được bảo đảm…"

Theo dự báo của nhà nước, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới giảm từ hơn 10% hiện nay xuống 7%. Trong tháng 1 chỉ số giá cả tăng 4,9%. Thủ tướng Ôn Gia Bão nhìn nhận là nỗi bất mãn trong dân chúng đã tăng cao và chính ông thừa nhận là khó có thể chặn đà lạm phát.

Trong cuộc biểu tình hồi cuối tháng hai tại Thượng Hải, một thanh niên nói với phóng viên Pháp Brice Pedroletti rằng : "người dân đã thấy rõ trong chế độ do đảng Cộng sản cầm quyền, không thể giải quyết được tệ nạn tham ô, móc ngoặc và đời sống đắt đỏ .Tuy không phải là chế độ Kadhafi, nhưng người dân chúng tôi cảm thấy tài sản, cuộc sống không được bảo đảm, không có an ninh".

Cảm thấy bị đe dọa từ nhiều mặt, chính quyền Trung Quốc tăng cường trấn áp bằng bộ máy công an. Tỏ chức Ân xá Quốc tế cho biết không phải chỉ có các nhà ly khai có tiếng tăm mà ngay dân thường vô danh cũng bị sách nhiễu. Mục tiêu của chính quyền là không để vươn lên một thế hệ phản kháng mới.

Nhận định về thái độ của chính quyền Trung Quốc, một nhân vật lãnh đạo tại Á châu có kinh nghiệm và tiếng tâm là ông Lý Quang Diệu tuyên bố như sau hồi tuần qua trên một đài truyền hình Mỹ : "Chế độ tại Bắc Kinh bất cần thế giới nghĩ sao về họ. Điều làm họ quan tâm là sự ổn định của chế độ". Khẩu hiệu "ổn định" cũng đã được các nhà lãnh đạo Ả Rập bị lật đổ hoặc đang bị dân chúng phản đối nhiều lần nhấn mạnh.

No comments:

Post a Comment