Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, March 1, 2011

Phụ nữ Việt tại Macau

Với sự gia tăng đáng kể những người Việt đi lao động nước ngoài khoảng10 năm gần đây, ngày càng nhiều phụ nữ Việt cũng tìm đường ra nước ngoài lao động để cải thiện cuộc sống gia đình.
Họ ra đi với hy vọng đổi đời cho mình, cho con cái nhưng không phải ai cũng đạt được ước muốn. Tạp chí phụ nữ kỳ này xin gửi tới quý thính giả câu chuyện của những người phụ nữ Việt Nam đang lao động tại Macau.

Nặng gánh gia đình

Macau là một đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc, vốn nổi tiếng thế giới về dịch vụ du lịch và các sòng bài. Đây cũng là nơi thu hút khá đông người lao động nước ngoài từ Philippines, Indonesia và Việt Nam. Đa số người Việt đến Macau làm việc là các chị em phụ nữ, vì công việc phổ biến mà người dân Macau cần ở những lao động nhập cư là giúp việc nhà, vốn phù hợp với phụ nữ.
Người ta không biết chính xác người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đến Macau lao động là khi nào, nhưng làn sóng các lao động Việt sang đây đông nhất là vào khoảng giữa những năm 2000. Các chị em thường sang đây theo hai con đường chính là du lịch rồi ở lại lao động hoặc qua môi giới công ty từ Việt Nam.
Theo anh Thoại, người đã sinh sống tại Macau từ khoảng năm 2007 và cùng với các anh em tu sĩ Việt Nam phục vụ một cộng đoàn Công giáo của người Việt tại đây thì phần lớn những người phụ nữ Việt sang đây lao động đến từ các vùng quê nghèo ở miền Bắc như Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định hay Hải Dương.
Nguyên nhân mà các chị sang Macau lao động là để cải thiện cuộc sống cho gia đình ở Việt Nam. Chị Đỗ Thị Ngân, quê Hải Dương, người đã sang Macau đến nay được gần 4 năm, nói về nguyên nhân chị chọn sang Macau lao động như sau:
"Cuộc sống ở nông thôn công ăn việc làm không có mà bây giờ nhu cầu xã hội đã khác, con cái thì phải học hành mà ở nhà thì không có đủ nên phải đi lao động thôi."
Chị nói chị cũng chẳng muốn đi lao động, xa chồng xa con, thiếu thốn tình cảm. Nhưng nếu không đi thì không còn cách nào để nuôi con bởi chồng chị không thể nào kiếm được đủ tiền lo cho gia đình ở Việt Nam. Chị nói chồng chị rất buồn khi chị quyết định ra đi nhưng cũng phải chịu. Chị Ngân cho biết:
"Nói chung anh buồn thì cũng buồn thật, nhưng bây giờ anh cao tuổi nên cũng không đi đâu được nữa. Nếu anh lên Hà Nội xách vữa thuê thì mỗi tháng được 2 triệu đồng thì không đủ để lo cho con. Cũng xác định chấp nhận xa nhau để làm kiếm tiền thôi chứ chẳng ai muốn xa."

Thành công thì ít

Công việc của các chị em phụ nữ ở đây chủ yếu là trông trẻ, chăm sóc người già và giúp việc nhà. Thường các chị phải làm cả 7 ngày trong tuần, mỗi ngày từ 12 đến 13 tiếng. Thế nhưng cũng tùy từng gia đình chủ mà cuộc sống của những người giúp việc khác nhau. Có gia đình chủ tôn trọng người làm thì người giúp việc còn có chút tự do cá nhân, còn nếu gia chủ khó khăn, hống hách thì người giúp việc không những đã làm việc vất vả, lương thấp mà còn không được tôn trọng và không có tự do cá nhân.
Lương của các chị ở đây cũng không nhiều so với thu nhập của người dân địa phương. Chị Ngân cho biết, chị may mắn gặp gia đình chủ tốt, nên được trả lương cũng khá, khoảng 500 đô la Mỹ một tháng, còn trung bình đa số các chị em chỉ nhận lương khoảng 300 đô la Mỹ một tháng mà thôi. Nếu so với thu nhập của người dân địa phương, thì thu nhập này chỉ bằng khoảng 1/10. Mặc dù vậy, các chị cũng vẫn cố gắng tằn tiện tích cóp gửi về cho gia đình để nuôi con cái, xây nhà và gầy dựng tương lai.


Chị Ngân cho biết chị gửi phần lớn số tiền kiếm được hàng tháng về cho gia đình. Và cũng nhờ vậy mà kinh tế nhà chị đã khá lên rất nhiều. Vợ chồng chị xây được nhà hai tầng, sắm sửa đầy đủ tiện nghi, con cái được học hành đến nơi đến chốn:
"Thường là em ăn tiêu ít thôi. Ăn uống thì gia đình chủ lo rồi, chỉ có tiền gọi điện cho chồng con thôi, hoặc thỉnh thoảng có người đau yếu thì em bỏ ra khoảng 50 hay 100 đồng tiền macau, còn thì em gửi về hết. Em xây nhà hai tầng, tiện nghi trong nhà đầy đủ."
Sang hơn ba năm, chị thậm chí đã về thăm nhà được 2 lần và có một lần mang cả chồng và 2 con sang Macau chơi.
Thế nhưng những người phụ nữ Việt Nam ở Macau mà lo được cho gia đình như chị Ngân lại không phải là nhiều. Chị nói:
"Theo như em được biết trong số các chị em mà em đã từng gặp gỡ thì trường hợp con cái học hành đến nơi đến chốn rồi gia đình thuận hòa như thế này thì rất ít."

Thất bại thì nhiều

Anh Thoại nói rằng phần lớn các chị em có gia đình tan vỡ bởi nguyên nhân chính là trong khi các chị lao động vất vả gửi tiền về cho gia đình thì các ông chồng ở Việt Nam lại không biết chăm lo con cái, tiết kiệm tiền. Không những thế, mỗi khi có dịp gặp vợ, các ông chồng lại đánh vợ chửi con do rượu chè, hay ghen tuông vô cớ. Anh nói:
"Nhiều chị phải đi tìm đường cứu gia đình. Các chị theo bạn bè giới thiệu sang đây. Họ cũng làm được việc, kiếm được ít tiền mang về cho gia đình. Nhưng nó như một vòng luẩn quẩn. Khi có tiền gửi về tưởng gia đình khá hơn, nhưng không. Có tiền rồi gửi về thì các đức ông chồng ở nhà ăn chơi nhiều hơn nữa. Nếu ngày xưa chỉ đánh vợ không thôi, thì giờ đánh cả con, rồi nghiện xì ke, hút chích, rồi đánh bạc, bán nhà. Bao nhiêu tiền vợ gửi về là tiêu xài hết."
Được các chị tin tưởng chia sẻ và tìm kiếm lời ủi an mỗi khi có dịp gặp nhau tại cộng đòan Công giáo vào ngày lễ Chủ nhật, anh Thoại khuyên họ về nhà đoàn tụ gia đình, chịu cảnh nghèo, có mắm ăn mắm có muối ăn muối nhưng hạnh phúc có nhau. Thế nhưng các chị cũng không thể về lại nhà với chồng vì sợ bị chồng đánh đến chết. Đã có những chị thử tìm cách về đoàn tụ nhưng rồi vẫn phải quay lại Macau lao động mà không thể giải quyết được chuyện gia đình.
Cộng đoàn công giáo Việt Nam tại Macau hiện đã thu hút được khoảng 150 chị em phụ nữ, trong đó chỉ có vài chục người thường xuyên gặp gỡ, tham dự Thánh lễ và chia sẻ Lời chúa vào mỗi Chủ nhật. Đây cũng là dịp mà họ có thể chia sẻ cuộc sống và nâng đỡ tinh thần cho nhau nơi đất khách quê người. Theo anh Thoại rất nhiều người trong số họ đang gặp phải hoàn cảnh gia đình tan vỡ, con cái bỏ học như trường hợp của chị Thành, một phụ nữ tại Nghệ An, người đã đến Macau được hơn 2 năm. Chị Thành cho biết chị cũng tìm đường sang Macau tính chuyện đổi đời cho con nhưng vì người chồng bạo hành và lười biếng mà giờ đây chị chả còn gì. Chị nói:


"Vì kinh tế gia đình, trước đây em đi Đài Loan về thì chồng bài bạc hết, mà một mình em ở nhà làm thì không đủ nuôi ba đứa con ăn học nên em quyết định ra đi để cho con ăn học. Nhưng không may em ra đi thì hai con em lại không được ăn học nữa, bỏ học sớm, chỉ có một đứa lớn đi học. Trước khi em ra đi em nghĩ hy sinh đời mẹ để cho con nhưng quay lại thì hóa ra hy sinh đời mẹ mà con cũng mất hết. Cuộc sống của em ra đi là con số 0 mà về cũng là con số 0."
Thế nhưng bao năm ròng chị Thành vẫn cắn răng chịu đựng những mong chồng thay đổi. Năm ngoái khi về nước thăm gia đình, chị còn ngồi nói chuyện nhẹ nhàng khuyên chồng thay đổi, chăm lo con cái. Chị mua cho chồng một cái xe máy. Nhưng tết năm nay, chồng chị đã đang tâm bán xe máy đi đánh bạc, không những thế còn đánh bạc hết số tiền mà chị gửi về cho các con ăn tết. Chị vừa khóc vừa nói:
"Em có nói với ông chồng là chẳng thà em lấy người chồng ốm đau để em chăm sóc, còn lấy một người chồng có sức khỏe chẳng thua kém ai mà vợ làm được đồng nào thì đưa cho anh nuôi con thiên hạ hết. Con em tết năm nay chẳng có gì, em chẳng biết nói làm sao."
Ngày ngày lao động vất vả, đêm đêm chị Thành lại khóc thương cho những đứa con ở nhà thiếu tình cảm cha mẹ. Chị lo đứa đầu đi học xa nhà, không có người trông nom có còn ngoan như khi xưa chị ở nhà. Chị lo hai đứa nhỏ không được học hành tử tế, không có cha mẹ gần bên rồi có nên người.
Nhưng có lẽ điều đáng buồn là ở chỗ, phần đông các chị trong tình cảnh của chị Thành lại không thể ly dị chồng. Họ cắn răng chịu đựng, hy vọng chồng thay đổi hoặc chờ đợi con cái lớn khôn thì sẽ chở về Việt Nam. Chị Ngân cho biết:
"Họ không dám ly hôn vì nhiều lý do, từ chuyện cha mẹ, họ hàng rồi dư luận xã hội, rồi sợ ảnh hưởng đến con cái nên họ không vượt qua được nên họ phải cam chịu. Đại đa số là cam chịu."

Không lối thoát

Cũng có những chị em gặp cảnh gia đình tan tác, thì lại buông xuôi, ở lại Macau lao động, kiếm được đồng nào thì chơi bạc hết đồng đó. Chị Ngân cho biết tiếp:
"Đại đa số chị em không có chỗ mà về vì chồng cờ bạc rượu chè, mà cha hỏng thì con cái hỏng luôn. Gia đình tan tác. Có người còn xác định ở lại đây thoát thân đến cuối đời."
Macau ngày nay là nơi của những cám dỗ và lạc thú. Đây cũng là cái bẫy khiến không ít chị em phụ nữ Việt Nam đã sa ngã vào cờ bạc, tình cảm ngoài hôn nhân, vì thế mà cũng tan vỡ gia đình. Có người thậm chí sinh con tại đây rồi bỏ con lại. Có người tìm cách tự tử vì nghĩ không còn lối thoát cho cuộc đời.
Thực trạng những người lao động Việt sang Macau, dù tự phát hay do bị rơi vào đường dây buôn người, bên cạnh những đóng góp cho sự phát triển xã hội của địa phương, cũng góp phần gây nên những tệ nạng xã hội như cờ bạc, nợ nần, môi giới lao động và buôn bán sản phẩm bất hợp pháp. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ Macau kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2010 quyết định ngưng cấp visa tại chỗ cho Việt Nam sang Macau.
Dù visa cho người Việt đã bị xét duyệt gắt gao hơn nhưng người ta vẫn không thể biết được liệu còn bao nhiêu phụ nữ Việt nữa sẽ tiếp tục tìm đường sang Macau theo các ngả khác nhau, vì suy cho cùng, nơi đây vẫn là vùng đất cơ hội việc làm cho họ. Điều đáng tiếc là chính phủ và các tổ chức xã hội Việt Nam chưa có văn phòng đại diện tại đây để giúp các chị em khi gặp khó khăn. Và cứ thế, cái vòng luẩn quẩn của kiếp nghèo sẽ còn tiếp tục theo bám những thân cò tha hương này cho đến bao giờ?

No comments:

Post a Comment