Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập VietnamNet, một trong những trang web tin tức có tiếng nhất tại Việt Nam đã nộp đơn xin thôi việc.
Nguồn tin từ VietnamNet xác nhận với BBC hôm 02/3/2010 rằng ông Tuấn đã nộp đơn lên Bộ Thông tin - Truyền thông và hiện chờ quyết định của cơ quan chủ quản của trang báo điện tử này.'Nhạy cảm'
Có nguồn tin từ giới làm báo tại Hà Nội cho rằng việc ông Tuấn phải ra đi chỉ là vấn đề thời gian, nhất là trong bối cảnh hiện có nhiều chủ đề trở nên nhạy cảm sau Đại hội Đảng và trước kỳ họp Quốc hội tháng 5/2011.
Dự kiến các sắp xếp nhân sự sau Đại hội Đảng sẽ được thông qua ở các vị trí chính quyền.
Đây cũng không phải là lần đầu ông Nguyễn Anh Tuấn, có thời gian đi học ̉ở Mỹ, xin thôi việc khỏi VietnamNet.
Nhiều báo Việt Nam đã đưa tin này và đánh giá rằng ông Tuấn là người có công lao "gây dựng VietNamNet trở thành một trong những tờ báo điện tử Việt Nam có lượng truy cập lớn" thuộc loại hàng đầu ở Việt Nam.
Với giới quan sát từ bên ngoài, VietnamNet được cho là báo theo xu hướng thúc đẩy đổi mới chính trị và cải tổ cơ chế quản lý thông tin tại Việt Nam sao cho bắt kịp các trào lưu bên ngoài.
Trang Tuần Việt Nam, cũng thuộc VietnamNet đã có nhiều bài của các nhân vật trong và ngoài nước, thể hiện công khai xu thế yêu cầu cải cách chính trị.
Gần đây nhất, trước kỳ Đại hội Đảng 11 là bài phỏng vấn dài với Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về nhu cầu cải tổ hiến pháp, gây xôn xao dư luận.
VietnamNet cũng thường phỏng vấn trực tuyến các đại sứ nước ngoài, từ Hoa Kỳ, Anh nhưng có cả Trung Quốc và các giáo sư M̃y đến Việt Nam nói chuyện về kinh tế hoặc các chủ đề toàn cầu.
Điều này đã dẫn tới các va chạm mạnh giữa VietnamNet và một số cấp quản lý theo đường lối cũ.
Ngoài ra, báo này đã nhiều lần phải gỡ xuống các bài chỉ đăng lên được vài tiếng đồng hồ vì lý do "nhạy cảm", cả về chuyện nội bộ Việt Nam và về quan hệ với Trung Quốc.
Ông Nguyễn Anh Tuấn nói với BBC từ London rằng dù ai làm lãnh đạo tờ báo, ông chỉ mong "VietnamNet tiếp tục phục vụ bạn đọc, phục vụ dân tộc một cách tốt nhất".
Sức ép
Từng làm việc tại Bưu điện tỉnh Khánh Hòa, rồi Hà Nội giữ chức Phó Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), sự nghiệp báo chí của ông Nguyễn Anh Tuấn, nổi bật lên với chức Tổng biên tập VietNamNet kiêm Giám đốc VASC (thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam).
Tuy nhiên, sau đó, tờ báo được đưa về Bộ Thông tin - Truyền thông theo một quyết định của chính phủ Việt Nam.Bên cạnh áp lực từ hệ thống, trang báo gần đây còn bị nhiều vụ tin tặc nhắm vào báo.
Từ tháng 11/2010, VietNamNet nhiều lần bị hacker tấn công, có thời điểm đã xóa sạch nội dung của báo này hoặc làm tê liệt tờ báo. Đến nay, cơ quan điều tra vẫn chưa tìm ra thủ phạm của các vụ tấn công trên.
Trả lời BBC hồi tháng 12/2010, Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn cho rằng tin tặc tấn công báo của ông là để 'tờ báo ngưng hoạt động'.
Các hacker cũng từng để lại nội dung tố cáo VietnamNet về "đấu tranh nội bộ", khiến một số giới am hiểu về truyền thông mạng đi đến nhận định rằng vụ tấn công có nhiều khả năng là do người thông hiểu tình hình nội bộ thực hiện.
Trong cuộc trao đổi với một tờ báo mạng vào ngày 8/12/2010, ông Tuấn từng cho biết “thấy cần thiết phải chuyển giao việc lãnh đạo tờ báo cho những anh em trẻ hơn. Họ sẽ tập sự làm lãnh đạo, kể cả việc tập sự làm tổng biên tập…”
Báo Anh Financial Times ngày 19/01/2011 có bài với tựa 'Phóng viên Việt Nam tìm được tiếng nói' bình luận rằng VietnamNet, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Anh Tuấn, là một trong số ít báo thử nghiệm giới hạn của tự do ngôn luận tại Việt Nam.
Bài này nói nhà báo 48 tuổi rõ ràng tiếp thu các ý tưởng lượm được từ các quán cà phê và hiệu sách trong thời gian học ở Mỹ, tự hào đeo chiếc nhẫn có phù hiệu của trường ông theo học tại đây và kỳ vọng rằng rồi có ngày Việt Nam sẽ có “dân chủ, tính minh bạch và tự do ngôn luận”.
Hồi năm 2007 ông Tuấn viết nghiên cứu về Bấm một thập niên báo điện tử tại Việt Nam trong bối cảnh thành lập và phát triển của VietnamNet, đăng trên trang của Harvard Kennedy School.
Phần cuối của nghiên cứu bàn về thách thức cho VietnamNet có đoạn nói "Các yếu tố chính trị và luật lệ sẽ vẫn còn là thách thức trong tương lai gần".
"Mặc dù nhìn chung dường như ngày càng có xu hướng tự do báo chí hơn thì chính phủ sẽ vấn tiếp tục giám sát chặt chẽ nội dung trên mạng", ông Tuấn viết trong nghiên cứu vào mùa thu 2007.
No comments:
Post a Comment