Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, March 1, 2011

Chuyện về ‘Người hầu bàn giả danh’




Chúng tôi mượn tên cuốn phim của điện ảnh phương Tây, “Người hầu bàn giả danh,” để gọi chàng trai Vũ Hoàng Tuấn, sinh viên năm thứ 2 - ban Anh văn, trường Ðại Học Sư Phạm (Sài Gòn) đang cặm cụi lau sàn quán nhậu Hương Cau ở quận 4.Thật ra, nếu chúng tôi không hỏi, không quen, cũng có thể đoán biết Vũ Hoàng Tuấn đang là học sinh-sinh viên; và nhiều thanh niên như Tuấn, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phải làm thêm công việc gì đấy, kiếm đồng tiền để tiếp tục học hành. Những học sinh-sinh viên này thường phục vụ trong các nhà hàng, quán nước sang trọng, có tổ chức quy mô.


Chúng tôi chú ý tới Vũ Hoàng Tuấn, ngoài vẻ thư sinh “trói gà không chặt,” phục sức chỉnh tề, luôn luôn vận áo sơ-mi trắng sạch tinh tươm, lại rất chăm chú vào công việc mình làm, một công việc mà ít học sinh-sinh viên nào lại không thấy là bất đắc dĩ, vì cuộc sống bắt buộc phải làm.
Quán Hương Cau là nhà hàng sang trọng, tọa lạc trên đường phố mới, lớn rộng của quận 4, Khánh Hội. Ða số ở đây là dân giàu, thuộc giới kinh doanh và cán bộ; quán Hương Cau không xa ngôi biệt thự nguy nga tráng lệ của một vị phó chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố. Thỉnh thoảng chúng tôi có dịp vào quán Hương Cau khi một người bạn lãnh nhuận bút bài viết hoặc sách in, hoặc những bạn là Việt kiều về thăm quê nhà, rủ chúng tôi đi nhà hàng, quán tiệm.

Chúng tôi biết tên tuổi “người hầu bàn giả danh” Vũ Hoàng Tuấn, do một lần gặp chàng trai, sau khi lau xong sàn quán nhậu, ngồi đọc cuốn truyện bằng tiếng Anh, “I Want to Live” của Vasily Shukshin (1929-1974), một nhà văn Nga nổi tiếng, thời Liên Bang Xô Viết. Chúng tôi từng đọc tập truyện ngắn rất hay này, nên đã hỏi chuyện chàng trai. Từ lần đó, chúng tôi và chàng trai hầu-bàn-giả-danh trở thành người quen thân thiết.

Vũ Hoàng Tuấn năm nay vừa đúng 22 tuổi. “Cháu bị trễ một năm, lẽ ra năm nay cháu phải học năm thứ 3 đại học,...” Tuấn nói. Lý do Tuấn bị trễ một năm, là vì gia đình Tuấn đã bị một đại họa - tai nạn giao thông - vào đầu năm 2008. Cha mẹ Tuấn chở nhau trên xe gắn máy, đang chạy trên đường Ðiện Biên Phủ ở khu vực Hàng Xanh, bị một xe ben trượt thắng, lao thẳng chiếc xe vào lề đường, gây tử vong cho hai người. Từ đó Tuấn phải cáng đáng gia đình, nuôi hai em còn nhỏ dại. “Lúc đó cháu làm đủ thứ công việc, bất kể việc gì, miễn có tiền để tụi cháu tồn tại. Và cháu tưởng phải bỏ học, vì kiếm sống khó khăn quá, không thể có điều kiện tiếp tục học nữa, dù cháu rất thích môn tiếng Anh, muốn trở thành một thầy giáo Anh ngữ...”

Lúc đang làm phụ hồ, công việc nặng nhọc đối với một thư sinh “trói gà không chặt,” thân thể ốm yếu lại bị hen suyễn như Tuấn, thì có người bạn dắt vào làm “người hầu bàn giả danh” ở nhà hàng. Với vẻ mặt sáng sủa, cử chỉ đường hoàng, Tuấn được chủ nhân nhà hàng Hương Cau sắp đặt làm trưởng nhóm ca đêm, gồm chục thanh niên chạy bàn, phục dịch việc ăn nhậu của thực khách. Ðể có thêm đồng tiền, Tuấn không nề hà, nhận luôn cả việc vệ sinh hàng quán.

Công việc này chẳng có ai dành giựt; các chàng trai, cô gái bưng bê đồ ăn thức uống thấy nhẹ nhàng sạch sẽ hơn làm vệ sinh hàng quán, nhất là buổi nhậu nào cũng thường gặp những thực khách say rượu ói mửa.

Buổi tối làm “người hầu bàn giả danh,” một vài buổi trong tuần, kèm tại gia môn tiếng Anh ở vài ba chỗ, tạm thời Tuấn lo được cơ bản cho hai em ăn học; và Tuấn sẽ chưa thể có quyết tâm tiếp tục học ở Ðại Học Sư Phạm để sau này làm thầy giáo, nếu không gặp một người anh kết nghĩa với Tuấn.

Chàng trai nói: “Tình cờ cháu quen anh Hạo nhà ở Lộc Ninh, khi anh Hạo về Sài Gòn, tới thăm thầy cũ tại trường Ðại Học Sư Phạm. Anh Hạo từng học hết năm thứ 3, nhưng vì hoàn cảnh sao đó, anh phải nghỉ học, và về Lộc Ninh chăn nuôi dê, bò. Tuy không ra trường làm thầy giáo môn tiếng Anh, nhưng anh Hạo vẫn tiếp tục đọc sách, lại dịch sách tiếng Anh sang tiếng Việt...” Nghe Tuấn nói thế, chúng tôi ngờ ngợ, hỏi chàng trai: “Có phải là Hạo cháu quen là Nguyễn Khôi Hạo không?”

Tuấn cho biết đúng là Nguyễn Khôi Hạo. Chúng tôi vốn quen thân nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ, là mẹ của Hạo. Từ lúc này, chúng tôi xem Tuấn cũng như Hạo, chàng trai mà chúng tôi đã gặp ở Lộc Ninh, đã ngồi chuyện trò cả buổi, ở một quán cà phê miệt núi rừng biên giới Việt Nam-Campuchia, lần chúng tôi tới thăm nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ.

“Kết nghĩa anh em với anh Hạo, cháu quyết tâm học cho tốt nghiệp môn tiếng Anh ở Ðại Học Sư Phạm. “Không thầy đố mày làm nên,” anh Hạo nhắc đi nhắc lại với cháu câu phương ngôn đó... Ðiều thú vị nữa, là cũng từ anh Hạo mà cháu muốn đi vào công việc dịch thuật. Cháu đang tính dịch cuốn truyện ngắn “I Want to Live” sang Việt ngữ, luôn mang theo cuốn truyện, đọc bất cứ lúc nào rảnh, để nội dung các truyện ngắn này thấm vào mình... Cuốn truyện này của anh Hạo cho cháu đó.”

Thân với Tuấn, chúng tôi được biết chàng trai là người sống có lý tưởng, muốn làm những việc tốt đẹp, có ý nghĩa, dù phải chịu đựng kham khổ trong cuộc sống hằng ngày. Ban đêm đọc sách, học bài, Tuấn mang bàn ghế đặt dưới ánh đèn cao áp trước ngõ để tiết kiệm điện nhà. Kết quả thi kiểm tra học kỳ 1 thời gian trước Tết, chúng tôi biết Tuấn đã đạt điểm cao nhất lớp.

Bữa nhậu với bạn mừng tân niên vừa qua ở quán Hương Cau, chúng tôi ghi hình chủ ý không rõ khuôn mặt “người hầu bàn giả danh,” để thầm hẹn, chắc chắn sẽ có dịp chụp ảnh chân dung, giới thiệu dịch giả Vũ Hoàng Tuấn, bởi Tuấn đã dịch gần xong tập truyện I Want to Live.

Chúng tôi đã nói với Tuấn, khi nào Tuấn hoàn thành bản dịch, chúng tôi sẽ xin giấy phép xuất bản, và liên hệ nơi in ấn phát hành quen biết để in cho Tuấn.

Nhìn vẻ phấn khởi bừng trên khuôn mặt sáng láng của Vũ Hoàng Tuấn, chúng tôi thấy đó cũng chính là lời hứa hẹn của chúng tôi với chàng trai, là niềm hy vọng kết quả như ý mong muốn trong năm mới.

No comments:

Post a Comment