Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, March 31, 2011

Ghép câu hoàn chỉnh

Trong một lớp học thầy giáo nói: "Thầy có các số 0 1 2 3 4 5 6 7, các em hãy thêm vào các từ cho thành một câu có ý nghĩa".
Sau vài giây suy nghĩ một học sinh giơ tay nói:

- 7 ngày 6 đêm 5 sao tầng 4 phòng 3 2 người 1 giường 0 quần 0 áo.

Và cũng sau vài giây lại có một học sinh khác giơ tay nói:

- 7 ngày 6 lần 5 giờ 4 phút ngã 3 2 đứa 1 chai 0 say 0 về.

Thầy: (lên tăng xông ngất xỉu)

Ðô la lên giá, hàng lậu lan tràn

SÀI GÒN (TT) - Chi cục Quản Lý Thị Trường (QLTT) tại Sài Gòn lên tiếng báo động về hàng nhập lậu tràn lan mà đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát hầu như bó tay.Báo Tuổi Trẻ cho biết, cán bộ Chi Cục QLTT tại Sài Gòn nói rằng rất nhiều hàng hóa gia dụng như quần áo, vải vóc, điện thoại di động, phụ tùng điện, mắt kính, giày dép, rượu bia, sữa... từ các vùng biên giới phía Bắc, miền Trung, miền Tây Nam phần ồ ạt tràn vào trong nước.

Vì là hàng lậu nên không sản phẩm nào có nhãn hiệu, và người bán cũng không có giấy tờ chứng minh về phẩm chất món hàng.

Trong đợt bố ráp hồi tháng 3 năm 2011, các đội QLTT đã khám phá gần 420 vụ buôn lậu hàng hóa, tăng vọt so với tháng trước.

Trong số hàng buôn lậu chứa đầy ắp các kho hàng ở quận 5, quận 6 Sài Gòn, người ta còn tìm thấy rất nhiều hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng của ngoại quốc.

Ðặc biệt, dân buôn lậu còn nhập cảng gas về rồi vô bình, dán nhãn giả trước khi tung ra thị trường đánh lừa người tiêu thụ. Gas lậu là loại hàng hóa hết sức nguy hiểm đối với người tiêu thụ.

Một số công ty sản xuất trong nước cũng đã lên tiếng kêu gào về nạn hàng hóa buôn lậu lan tràn sẽ đánh sập hàng nội hóa trong một tương lai không xa.

Trong khi đó, giới tiêu thụ trong nước thì cho rằng đô la Mỹ lên giá, không ai mua nổi hàng nhập cảng “chính thống” vì giá đắt thêm 5-10%.

Ða số dân Việt mê giá rẻ nên quay sang ủng hộ hàng Trung Quốc nhập lậu. Thái độ này khiến giới thương gia không còn cách nào hơn là tìm cách đưa hàng lậu tuôn về trong nước ngày càng nhiều.

F-18 nổ động cơ trên hàng không mẫu hạm

SAN DIEGO (AP) - Ðộng cơ của một chiến đấu cơ chuẩn bị cất cánh trên hàng không mẫu hạm ở ngoài khơi Thái Bình Dương bỗng phát nổ, làm bị thương 11 người, trong đó có một thủy quân lục chiến và hai nhân viên dân sự, theo nguồn tin quân sự Mỹ.



Một máy bay F/A-18C Hornet cất cánh từ hàng không mẫu hạm nguyên tử USS John C. Stennis. (Hình: US Navy)



Chiếc F/A-18C Hornet đang chuẩn bị cất cánh cho một phi vụ huấn luyện thì tai nạn xảy ra lúc 2 giờ 50 chiều Thứ Tư trên sàn phi đạo chiếc mẫu hạm USS John C. Stennis (CVN-74), theo Trung Tá Pauline Storum.

Có bốn thủy thủ được di tản về bệnh viện Naval Medical Center San Diego, nơi họ trong tình trạng ổn định. Bảy người khác được điều trị các vết phỏng trên tàu. Không ai bị thương tích nguy hiểm đến tính mạng, theo lời Trung Tá Storum.

Phi công chiếc F/A-18C này cũng không bị thương tích gì.

Ngọn lửa trên phi cơ được nhanh chóng dập tắt và tàu không bị hư hại. Tuy nhiên chiếc phi cơ bị thiệt hại tới khoảng $1 triệu, theo Trung Tá Storum. Nguyên do xảy ra vụ nổ hiện đang được điều tra.

Chiếc Stennis có bến nhà ở Bremerton, tiểu bang Washington, và đang thực hiện việc huấn luyện cất và hạ cánh trên tàu ở địa điểm cách bờ biển San Diego chừng 160 km thì xảy ra tai nạn.

Chiếc phi cơ này thuộc phi đội huấn luyện TQLC 101, có căn cứ tại Marine Corps Air Station Miramar. (V.Giang)

HRW: VN đàn áp người Thượng vì ám ảnh quá khứ

Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vừa công bố bản báo cáo chi tiết về tình hình người Thượng tại Việt Nam bị đàn áp tôn giáo nghiêm trọng.
Bản báo cáo cho thấy tình trạng đàn áp diễn ra theo chu kỳ và ngày càng có dấu hiệu xấu hơn. Vì vậy, Tổ chức HRW đã đề nghị chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) về vi phạm tự do tín ngưỡng.


Báo cáo mới nhất về tình hình đàn áp tôn giáo đối với người Thượng tại Việt Nam của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) nêu lên một cái nhìn khá bao quát về tình trạng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam trong bối cảnh một thập niên qua.


Đàn áp nghiêm trọng


Theo tổ chức HRW, tình hình đàn áp tôn giáo tại Tây Nguyên vẫn đang tiếp diễn và ngày càng có dấu hiệu gia tăng nghiêm trọng, đặc biệt đối với những người thuộc các giáo hội tại gia.


Ông Phil Robertson, Phó giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW cho biết một phần nguyên nhân của tình trạng trên:


"Tôi nghĩ một phần nguyên nhân là do khu vực tây nguyên rất khó tiếp cận. Không chỉ đối với phóng viên mà cả với những người muốn đi tham quan ở khu vực này cũng rất bị hạn chế.


Cũng chính vì lý do báo chí Việt Nam bị kiểm soát, phóng viên nước ngoài và các tổ chức nhân quyền quốc tế bị ngăn cản đến các khu vực Tây nguyên nên những vụ việc chính quyền đàn áp, bắt giữ, tra tấn người Thượng ít được biết đến theo đúng bản chất của nó mà ngược lại, các vụ việc trên thường được biết đến dưới dạng phá bỏ âm mưu chia rẽ, kích động của “các lực lượng thù địch” hoặc âm mưu ly khai chính trị của “các nhóm tôn giáo trá hình”.


Báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết các đơn vị “An ninh chuyên trách” (PA43) và lực lượng cảnh sát cơ động của trung ương đã được điều động đến Tây Nguyên để hỗ trợ các địa phương truy bắt những nhà hoạt động người Thượng.


Đối tượng bị nhắm đến nhiều nhất là các lãnh đạo hay những người Thượng tham gia vào các giáo hội tại gia.


Theo quy định của luật pháp Việt Nam thì mọi tôn giáo đều phải đăng ký với chính quyền và hoạt động dưới các tổ chức tôn giáo do chính quyền chấp thuận. Tuy nhiên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho rằng điều này vi phạm quyền tự do tín ngưỡng.


Ông Robertson cho biết thêm:
Trước đây, những vụ đàn áp thường diễn ra âm thầm nhưng bây giờ thì người ta tự tin đến độ đưa những tin tức này lên báo chí. Chính vì vậy đây là lúc mà cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng để nhắc nhở Việt Nam rằng Việt Nam đã ký kết Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nên cần phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Quyền tự do tín ngưỡng này không chỉ áp dụng đối với các nhóm tôn giáo đã đăng ký với chính quyền mà còn đối với tất cả các nhóm tôn giáo khác."


Ngoài việc thống kê khá chi tiết về những vụ việc đàn áp tôn giáo ở khu vực Tây Nguyên, báo cáo của HRW còn cho biết bối cảnh lịch sử cùng với những nguyên nhân gốc rễ của tình trạng đàn áp trên.


Theo đó, nguồn gốc của những vụ biểu tình của người Thượng và các đợt đàn áp của chính quyền Việt Nam trong suốt các thập kỷ qua thường có liên quan đến vấn đề đất đai và tôn giáo.


Ông Robertson cho biết: "Một điều thú vị là rất nhiều cuộc đàn áp của chính quyền đối với người Thượng được thông báo là vì người Thượng đã gây ra mối đe dọa đối với các nông trường cao su. Rõ ràng không phải mối nghi kỵ giữa chính quyền và người Thượng chỉ có trong quá khứ mà còn đang diễn ra trong rất nhiều vụ việc liên quan đến đất đai, đến quyền tự do tín ngưỡng và việc chính quyền kiểm soát và đàn áp cộng đồng người Thượng."


Nỗi ám ảnh quá khứ


Theo Tổ chức HRW, chính mối nghi kỵ giữa chính quyền Việt Nam và cộng đồng người Thượng đã khiến cho tình hình Tây Nguyên thêm phức tạp. Chính quyền Việt Nam luôn cho rằng người Thượng theo giáo hội tại gia là những phần tử lợi dụng tôn giáo để hoạt động chính trị. Trong khi đó, nhiều người Thượng lại không tin tưởng giáo hội Tin Lành được nhà nước cho phép hoạt động.

Trong rất nhiều vụ, chính quyền còn cho rằng những người Thượng thuộc giáo hội tại gia bị chi phối và cấu kết với các nhóm vũ trang như FULRO để chống chính quyền.


Tuy nhiên, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, không có bất cứ một bằng chứng nào cho thấy có sự tồn tại của nhóm vũ trang nào ở Tây Nguyên. Ông nói tiếp:


"Tôi nghĩ là chính quyền Việt Nam vẫn còn đang sống với quá khứ. Có thể họ vẫn còn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi từ những thập niên 70, 80.


Chúng tôi không hề thấy có dấu vết của nhóm vũ trang nào đang hoạt động trong cộng đồng người Thượng, nhưng chính quyền vẫn liên tục tuyên truyền và kết án người Thượng cấu kết với FULRO - một tổ chức vũ trang đã tồn tại vào những thập niên trước và bây giờ đã không còn nữa.


Có lẽ vì nghi kỵ mà chính quyền không tin tưởng bất cứ điều gì liên quan đến người Thượng. Còn chúng tôi thì không thấy có bất cứ dấu vết nào của nhóm vũ trang mà chính quyền nói rằng đang tồn tại ở khu vực này."

Một điểm quan trọng khác nữa trong báo cáo của HRW là tình trạng đàn áp tôn giáo đối với người Thượng đã diễn ra theo chu kỳ trong suốt một thập niên qua.


Trong đó chính quyền một mặt gia tăng lực lượng đàn áp, bắt giữ, bỏ tù và tra tấn người Thượng, ép họ từ bỏ tín ngưỡng, mặt khác, đưa ra một số chương trình cải cách về đất đai, kinh tế, giáo dục nhằm xoa dịu bức xúc của họ.
Thống kê của HRW cho thấy trong năm 2010 và đầu năm 2011, đã có hàng trăm người Thượng bị ép buộc phải từ bỏ đạo Tin Lành Dega. Từ năm 2001 đến nay đã có ít nhất 25 người Thượng chết trong tù và có ít nhất 250 người Thượng hiện vẫn đang bị giam giữ.


Chính vì những dấu hiệu gia tăng đàn áp tôn giáo nghiêm trọng trên, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã khuyến nghị chính quyền Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo.


Mặt khác, HRW cũng đề nghị Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nên đưa Việt Nam trở lại danh sách các Quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) về vi phạm tự do tôn giáo nhằm gây sức ép để Việt Nam đạt được những tiêu chuẩn trên.

Dư luận trước phiên xử TS luật Cù Huy Hà Vũ

Chỉ còn ít hôm nữa phiên xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ dự kiến sẽ diễn ra tại Hà Nội. Dư luận trong và ngoài nước tiếp tục bàn bạc đến tính pháp lý của vụ việc.Một trong những người tại nước ngoài là luật sư Vũ Đức Khanh ở Ottawa, Canada vừa qua đã có thư gửi đến thủ tướng Canada để can thiệp cho vụ ông Cù Huy Hà Vũ, ngoài ra luật sư Vũ Đức Khanh cũng đã có thư gửi đến các đại biểu quốc hội Việt Nam về vấn đề đó.


Phù hợp công ước quốc tế?


Vào trưa ngày 30 tháng 3, theo giờ miền Đông Hoa Kỳ, luật sư Vũ Đức Khanh đã dành cho biên tập viên Gia Minh của Đài Á Châu cuộc phỏng vấn trình bày về những ý kiến cũng như thông tin liên quan việc kêu gọi trả tự do cho tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Trước hết ông cho biết:

LS Vũ Đức Khanh: “Hôm 18 tháng 3 tôi có gửi đến văn phòng thủ tướng Canada một văn thư đề nghị chính phủ Canada can thiệp vào vụ án của ông Vũ ở Việt Nam. Lúc đó phiên tòa dự định khai mạc vào ngày 24 tháng 3. Vào ngày 21 tháng 3 tôi nhận được thư trả lời của văn phòng thủ tướng Canada hứa sẽ cứu xét cụ thể hồ sơ đó. Họ cũng đã chuyển hồ sơ đến văn phòng ngoại trưởng, và đến hôm nay tôi vẫn chờ trả lời của văn phòng ngoại trưởng Canada.”


Gia Minh: Ông có tin trả lời sẽ có trước khi diễn ra phiên xử không?

LS Vũ Đức Khanh: “Bây giờ là 12 giờ trưa giờ Canada, tôi có thư gửi đến văn phòng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Canada đốc thúc họ có thông cáo của ngoại trưởng. Tôi không chắc văn phòng ngoại trưởng Canada có ra thông cáo gì trước ngày 4 tháng 4 tới đây; nhưng tôi vẫn tiếp tục vận động một cách triệt để với văn phòng ngoại trưởng Canada để có thể có ‘điều gì đó’. Tôi hy vọng từ đây đến thứ sáu tôi vẫn còn thời gian để tác động vào văn phòng Ngài ngoại trưởng Canada.”


Gia Minh: Lý do vì sao phía Canada chưa có thể đưa ra những ý kiến chính thức?


LS Vũ Đức Khanh: “Chính phủ Canada nằm trong nhóm gọi là ‘Group Four’ gồm Canada, Thụy Sĩ, Tân Tây Lan, Na Uy. Nhóm này thường xuyên có đối thoại trực tiếp với chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Chính phủ Canada luôn khẳng định việc đấu tranh bảo vệ cho nhân quyền nói chung, và nhân quyền ở Việt Nam nói riêng là chính sách vô cùng quan trọng trong chính sách ngoại giao Canada đối với Việt Nam.


Theo lời của một nhân viên văn phòng ngoại trưởng Canada thì họ đang nghiên cứu cho thật kỹ hồ sơ của ông Cù Huy Hà Vũ để có thể có thông cáo chính xác hơn.


Tôi nghĩ chính phủ Canada sẽ có những động tác cụ thể, nhưng vì lý do ngoại giao với Việt Nam nên khi đưa ra quyết định không thể không có cân nhắc.”


Có hợp hiến và hợp pháp?


Gia Minh: Khi lên tiếng cho trường hợp của tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, ông nhận thấy có những ý kiến giống và khác ông ra sao?

LS Vũ Đức Khanh: “Tôi theo dõi truyền thông ở hải ngoại cũng như trong nước. Tại Việt Nam tôi không thấy hệ thống báo chí chính thống nêu về vấn đề này; tuy nhiên trên các diễn đàn Internet rất nhiều người phản đối và cho rằng chính phủ Việt Nam - tức tòa án Việt Nam, bắt buộc phải thả ông Vũ. Tuy nhiên vấn đề nhạy cảm về chính trị: nếu thả ông Vũ ra có nghĩa chính phủ Việt Nam nhượng bộ để cho tiếng nói đối lập mạnh hơn. Vì thế tòa án Việt Nam phải cân nhắc. Nếu nói ông Cù Huy hà Vũ không có tội tức có nghĩa để phía đối lập tiếp tục lên tiếng. Còn nếu kết tội ông Vũ, danh dự của không những chính phủ Việt Nam bị bôi nhọ mà cả ngành tư pháp Việt Nam nữa. Ở hải ngoại phần đông ủng hộ việc làm của ông Vũ, tôi chưa thấy có luận điểm nào ngược lại điều mà tôi nói.”


Gia Minh: Nếu giả sử là luật sư bào chữa cho ông Vũ, điểm đầu tiên ông đưa ra để tranh luận tại tòa là gì?

LS Vũ Đức Khanh: “Trước hết tôi lập luận với tòa qui trình bắt ông Cù Huy Hà Vũ là sai. Tôi đặt vấn đề bắt ông Vũ và truy tố ông theo điều 88 Bộ Luật hình sự Việt Nam có hợp hiến và hợp pháp hay không? Nếu tòa cho là hợp hiến, hợp pháp; tôi sẽ nêu ra điều 88, và xét luật đó có phù hợp với công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự hay không?


Hôm nay tôi có văn bản gửi đến các đại biểu quốc hội Việt Nam thông qua ông Dương Trung Quốc, Nguyễn Lân Dũng, Nguyễn Minh Thuyết yêu cầu Ủy ban Thường vụ quốc hội giải thích Điều 88 có hợp hiến, hợp pháp; cũng như phù hợp với công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết hay không.


Một điểm nữa mà tôi muốn nói ở đây là những điều mà ông Vũ nói lên là những vấn đề mà xã hội quan tâm, ông Cù Huy hà Vũ không hề làm việc gì vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.”


Gia Minh: Cám ơn Luật sư Vũ Đức Khanh.

Vì sao Dự luật Thủ đô bị bác

Sau nhiều lần được chỉnh sửa và bàn thảo, Dự luật Thủ đô bị bác bỏ tại phiên họp thứ 9 Quốc hội khoá XII hôm 29/3 vừa qua.Lý do, ngoài những điều khoản thiếu tính hợp lý và xung đột với những bộ luật đang hiện hành, Dự luật Thủ đô còn có những điều khoản không phù hợp với Hiến pháp. Vậy thực tế ra sao khiến dự luật thủ đô bị quốc hội kỳ này bác?


Kết quả bỏ phiếu về dự luật Thủ đô tại phiên họp cuối cùng, chiều 29/3, Quốc hội khoá XII vừa mới kết thúc tại Hà Nội, được cho biết có gần 36% tán thành và 44% không tán thành.


Thiếu tính hợp lý


Mặc dù đã được đóng góp ý kiến từ 2 kỳ họp trước, nhưng dự luật Thủ đô với những quy định về cơ chế quản lý đất đai, cơ chế tài chính (điều 23), tăng xử phạt hành chính trong khu nội thành cao hơn mức chung trong cả nước (điều 25) hay sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán (điều 26) vẫn là những điều khoản không được sự đồng tình từ phía các đại biểu.


Trong khi đó, thì điều khoản về quản lý dân cư, một trong những điều khoản “nhạy cảm” vì được xem là không phù hợp với hiến pháp khi vi phạm vào quyền tự do di chuyển và cư trú của người dân, được thông qua vừa quá bán.
Theo đánh giá của T.S Nguyễn Ngọc Đào, đại biểu Hà Nội thì Luật Thủ đô là luật khó nhất trong tất cả các luật. Hiện tại dự luật Thủ đô đang động chạm tới 12 luật đã được ban hành, trong đó có môi trường, xây dựng, cư trú... Theo lời ông Lê Thành Long – vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về pháp luật, thuộc Bộ Tư pháp thì luật thủ đô là một luật tổng hợp, khác với các đạo luật về các vấn đề, lĩnh vực riêng… Xây dựng luật thủ đô không phải để thay thế các luật khác vì thủ đô cũng là một đơn vị hành chính.


Có ý kiến cho rằng Hà Nội mang trong mình hai yếu tố vừa là một đô thị vừa là một tỉnh thành, chịu sự tác động của các văn bản quy phạm nói chung. Nhưng do tính chất là thủ đô của một quốc gia, trung tâm chính trị của cả nước, nên Hà Nội cần phải có một hệ thống hành lang pháp lý riêng nhằm tăng cường phân cấp hành chính cũng như các chính sách chuyên biệt để đảm bảo sự ổn định cho chính mình.

Tuy nhiên, trong những phản biện từ phía các đại biểu, nhiều người cho rằng, cần phải làm rõ liệu chính sách pháp luật hiện hành có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của thủ đô và vì sao cũng là một đơn vị hành chính mà Hà Nội lại có nhiều chính sách đặc thù, hay những ưu tiên, từ đó có thể mang lại cho Hà Nội nhiều lợi ích hơn.


Về vấn đề vừa nêu, T.S Trịnh Hoà Bình, Viện Nghiên cứu Xã hội học, thuộc Viện KHXH Việt Nam cho biết:


"Nói thẳng ra là văn hoá khu vực phía Bắc bị ảnh hưởng sâu sắc của nho giáo hơn là khu vực phía Nam, rồi người ta nói là “gần lửa rát mặt” hơn, nghĩa là gần anh trung ương, rồi hàng loạt những vấn đề thuộc hệ quy chiếu làm cho cung cách ứng xử lúc nào cũng “tròn vành rõ chữ”, hàng loạt các mối quan hệ, hệ thống phức tạp, đan xen với nhau, nên không có những bước phát triển mạnh mẽ vượt bậc, cho nên người ta mới cần có một hành lang pháp lý, đảm bảo cho người ta hành xử mạnh mẽ hơn, vượt qua tất cả những gì mang tính cách thông tục đời thường.


Nhưng khi đưa ra, người ta thấy không thể nào có được một luật riêng. Ví dụ tại sao Hà Nội lại được miễn trừ nghĩa vụ này nghĩa vụ khác, mà lại được gia tăng quyền lợi trong khi tinh thần của luật pháp là mọi đối tác, mọi thành viên, mọi nhóm xã hội phải bình đẳng. Có lẽ câu chuyện ở đấy nó dẫn đến là một bộ phận lớn trong quốc hội họ không tán đồng đến dự án luật đó được thông qua."


Chưa sinh cha đã sinh con


Tuy nhiên, theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc, vì sao dự luật Thủ đô bị bác bỏ, nguyên nhân cụ thể là nằm ở chỗ chưa có luật Đô thị mà đã có luật Thủ đô. Ông nhận xét:


"Thủ đô Hà Nội bây giờ là một thành phố rất lớn, qui mô lớn của thế giới sau khi mở rộng, đòi hỏi có những chính sách và điều luật đặc thù để nó phát triển được, điều đó người ta có thể chia sẻ thông cảm được. Nhưng quan điểm của cá nhân tôi, điều quan trọng hơn, điều tiên quyết là phải có bộ luật về đô thị. Thể chế Nhà nước Việt Nam đã tồn tại hơn 60 năm, chúng ta đã hình thành các đô thị cực lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh nhưng bây giờ vẫn chưa có một luật đô thị.
Trong luật đô thị, quan trọng nhất là bộ máy chính quyền đô thị chưa có, nên bất kỳ một luật nào muốn quan tâm đến đặc thù của thủ đô Hà Nội, thì điều đó không có nền tảng. Do vậy, quan điểm của tôi cũng như một số đại biểu khác chia sẻ là trước hết ta phải làm luật đô thị trước đã."


Theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc, vấn đề lớn nhất mà Dự luật Thủ Đô không được thông qua là do chưa có một Luật Đô thị làm nền tảng. Luật đô thị cần phải được ra đời trước khi Luật thủ đô được ban hành. Đây là điểm mấu chốt để giải quyết những xung đột, bao gồm cả nhiều điều khoản riêng lẻ trong dự luật Thủ đô mà các đại biểu đang bàn thảo.


Cần thời gian và nền tảng pháp lý


Ngoài nguyên nhân chủ yếu mà ông vừa giải thích, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng nêu lên thêm một vấn đề khác không được nhiều sự đồng thuận là do các nhà nghiên cứu dự luật mới chỉ quan tâm đến phần đô thị không mà chưa chú trọng đến các vùng ngoại ô, hay thậm chí cả vấn đề hiến pháp có liên quan:

"Một trong ý kiến nêu lên là thủ đô, chỉ quan tâm đến phần đô thị mà không quan tâm đến vùng ngoại ô của nó, với rất nhiều yếu tố của các không gian, nông nghiệp, ở đó cũng có rất nhiều những di sản của lịch sử vật thể và phi vật thể. Cho nên việc cuối cùng nó không được thông qua theo tôi là sự cần thiết.


Trên cở sở đó, muốn hướng tới một thủ đô hoàn thiện thì phải có thời gian và nền tảng pháp lý. Liên quan tới nó, còn cả vấn đề hiến pháp, cho nên có lẽ phải sửa hiến pháp mới tạo được cơ sở pháp luật, để nếu luật thủ đô được thông qua thì nó có hiệu ứng phát huy vào trong đời sống phát triển được."


Nhà sử học cũng cho biết thêm, Luật thủ đô có thể là những điều khoản thêm, đặc thù riêng của Luật Đô thị và có thể tách rời riêng rẽ.


Tuy nhiên, khi nhắc đến một số vấn đề mà nhiều người đang thắc mắc là Luật Thủ đô cần phải đảm bảo nguyên tắc hợp hiến, mà trong đó có vấn đề cư trú, đang được nhiều người dân thủ đô quan tâm. Ông Trịnh Hoà Bình giải thích như sau:


"Vấn đề nhập cư tăng dân số cơ học, dẫn đến sự quá tải của cơ sở hạ tầng, cũng như các cung ứng của các hệ thống dịch vụ, làm cho Hà Nội không đủ sức, điều này làm cho mâu thuẫn với hiến pháp và pháp luật. Một mặt thì người ta nói đến quyền tự do cư trú của công dân, quyền được khám chữa bệnh của những người di cư theo kiểu “con lắc” nhập cư cơ học… thực ra xuất phát từ sức không đủ để thoả mãn hệ thống an sinh như thế, người ta tìm cách khống chế.
Nhưng khi khống chế, thì lại đối đầu với những vấn đề giấy trắng mực đen trong quyền, có thể nói là nhân quyền, phù hợp với hiến pháp và lập pháp. Thành ra chỗ đó là gỡ không ra."


Trước khi kết thúc buổi trao đổi với chúng tôi, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, Dự luật thủ đô hiện rơi vào một vào một hoàn cảnh là những vấn đề cũ chưa giải quyết xong thì hàng loạt vấn đề mới nảy sinh. Đặc biệt là do sự mở rộng đô thị, cộng với tập quán của người Việt Nam mà nhất là người Hà Nội sau một thời gian quá dài bị nông thôn hoá do cơ chế, nên Hà Nội khó có thể chấp nhận được một cái gì gọi là quy củ ngay lập tức. Ông cho rằng Dự luật thủ đô trong thời gian tới sẽ cần phải bàn thảo nữa và cần phải có những thay đổi rất cơ bản nếu muốn được phê chuẩn trong những kỳ họp Quốc hội sau.

Nguy cơ động đất và sóng thần ở VN

Sau biến cố động đất và sóng thần tại Nhật, Việt Nam đang nghiêm túc đặt lại vấn đề đối phó với hai loại thiên tai được xem là thảm khốc nhất mà thiên nhiên mang tới cho con người.Mặc Lâm có trao đổi với GSTS Cao Đình Triều hiện đang công tác tại Viện Vật Lý Địa cầu để tìm hiểu thêm chi tiết về vấn đề này.


Không nên chủ quan


Kể từ năm 2000 trở lại đây các nhà địa chất Việt Nam đã phát hiện rất nhiều điểm xuất hiện động đất ở vùng biển miền Nam Trung Bộ và đây là một hiện tượng đáng chú ý. Theo GSTS Cao Đình Triều hiện đang công tác tại Viện Vật Lý Địa cầu cho biết thì lần cuối cùng xảy ra các trận động đất là vào năm 1923 nằm ở khu Hòn Tro và sau đó thì trở nên yên tĩnh nhưng bây giờ thì đã có biểu hiện hoạt động trở lại. Mặc dù đây là chu kỳ hoạt động của thiên nhiên, nhưng các nhà địa chất học vẫn cảnh báo là chớ nên xem thường mức độ động đất nhẹ mà chủ quan vì chu kỳ hoạt động này đang có biểu hiện quay trở lại.


Vào đầu thế kỷ 21 từ năm 2000 trở đi thì trái đất đã có biểu hiện hoạt động rất mạnh. Từ trận động đất ở Sumatra, cho tới Chile, Haiti và New Zealand và gần đây nhất là Nhật Bản. Tất cả nằm trong một chuỗi tiếp nối nhau. Hai nữa cộng với động đất là hoạt động của núi lửa cũng rất mạnh, tất cả đều nói lên chu kỳ hoạt động mạnh của trái đất đang trở lại vì thông thường trái đất vẫn có những thời kỳ như thế.


Theo GSTS Cao Đình Triều thì động đất chỉ là thời kỳ giải tỏa năng lượng đã tích tụ trong lòng đất và khi mọi năng lượng được nhả ra hết thì nó lại yên tĩnh trở lại. Ông giải thích hiện tượng này như sau:


"Bất kỳ vùng nào cũng thế, sau khi nó hoạt động tích cực, giải phóng năng lượng của cái vùng đó hết đi thì nó lại chuyển sang một thời kỳ gọi là thời kỳ yên tĩnh mà người ta gọi là yên tĩnh địa chấn. Núi lửa cũng thế khi năng lượng đầy thì nó phun trào đến khi hết năng lượng rồi thì lại yên tĩnh. Sau đó giai đoạn tích tụ năng lượng lại xảy ra và cứ thế chu kỳ tiếp diễn. Người ta gọi động đất này là động đất tự nhiên."


Động đất cũng có những hình thái khác nhau mà người ta gọi là tai biến địa chất. Tai biến địa chất được phân ra ba loại gồm tai biến có nguyên nhân nội sinh, tai biến nguyên nhân ngoại sinh và cuối cùng là tai biến nhân sinh.


Đó là nói về địa chất, riêng về động đất thì không có ngoại sinh mà chỉ có nội sinh và nhân sinh. GSTS Cao Đình Triều giải thích hai loại này như sau:


"Nội sinh tức là những cái mà hoạt động bản thân vốn có của trái đất nó có như thế nó hoạt động tại vùng này mãi nên gây ra động đất. Còn động đất nhân sinh là khi có người tác động lên bề mặt của trái đất nó làm cho quá trình xảy ra động đất xảy ra nhanh hơn, chẳng hạn khi cây dựng một đập thủy điện thì cái sức nước đập xuống và sự thẩm thấu của nước thẩm thấu xuống các vết gãy và cuối cùng phá vỡ các kết cấu đất đá ở đấy nó kích hoạt cho động dất xảy ra sớm hơn. Hình thức này gọi là động đất kích thích. Trong khai thác mỏ cũng có thể gây ra hiện tượng như thế".


Dấu tích của động đất


Theo GSTS Cao Đình Triều sau nhiều chuyến đi khảo sát địa chất ông và đồng nghiệp đã phát hiện ra nhiều dấu hiệu chứng tỏ có động đất và sóng thần tại nhiều vùng duyên hải Việt Nam. Theo ông thì sóng thần khác với sóng bão. Sóng bão chỉ tác động trên bề mặt của biển còn sóng thần thì lại tác động ở bề đáy. Khi xảy ra sóng thần thì nó đi sát dưới đáy biển do đó khi tràn vào bờ thì nó mang theo những vật cuốn theo gần bờ và lôi kéo rồi hất lên bờ.

Từ hiện tượng này người ta xác định được nơi nào đã từng xảy ra sóng thần căn cứ vào những vật nằm lại trên bờ mà đa số là trầm tích bị sóng thần cuốn vào bờ có thể nằm lại trong nhiều trăm năm sau. GSTS Cao Đình Triều giải thích hiện tượng này như sau:


"Trầm tích do sóng thần lôi cuốn từ biển lên thì người ta gọi là trầm tích sóng thần. Trầm tích này nó đặc biệt khác với trầm tích lắng đọng từ từ của trái đất trong quá trình tích tụ bề mặt trái đất. Sự khác nhau ở chỗ khi sóng đưa lên như thế nó sẽ làm cho trầm tích hỗn độn tức là không thứ tự theo từng lớp và hiện tượng trầm tích đấy bị xáo trộn. Trầm tích đấy phải là trầm tích gần bờ.


Đây là điều khác biệt với trầm tích bình thường của các vùng đồng bằng. Khi muốn tìm kiếm dấu tích của sóng thần thì người ta tìm dấu vết những trầm tích này."
GSTS Cao Đình Triều cũng cho biết thêm những khu vực còn những dấu vết trầm tích do sóng thần để lại như sau:


"Những vật liệu từ biển do sóng thần đưa lên thường là sỏi, cát đá cộng với sinh vật biển bị dồn lên và tấp thành đống. Hiện giờ tại Việt Nam cũng có một số bãi biển mà các nhà chuyên môn đang nghi ngờ là có khả năng đây là vật liệu do sóng thần cuốn vào chẳng hạn như sò điệp ở khu vực Nghệ Tĩnh chồng chất lên cao 7-8 mét tạo thành cồn hay phủ lên những bãi rất lớn.
Hoặc như tại những vùng ở Phan Rang người ta cũng tìm ra những vật liệu bị nghi ngờ là có sóng thần trước đây, tại thị trấn Sông Cầu chẳng hạn. Nhưng để chứng minh cho nó chuẩn thì phải tốn thời gian và hiện giờ chưa làm được."


GSTS Cao Đình Triều cũng cho biết những nơi như Hà Tĩnh, Nha Trang cũng đã có nhiều dấu vết bị nghi do sóng thần tạo ra. Riêng tại Nha Trang có những tảng đá rất to xuất hiện từ hàng trăm năm qua người ta nghi ngờ là sập núi đá do động dất.


Qua những khảo sát địa chất này đã nảy sinh ra rất nhiều vấn đề. Việt Nam có thể đã từng có sóng thần nhưng mức độ có nghiêm trọng hay không thì chưa ai biết. Việt Nam cũng đã có động đất tại nhiều khu vực duyên hải miền Trung. Mới đây hiện tượng trào bùn tại Phan Rang cũng được các nhà địa chất cho là do ảnh hưởng động dất.


Từ các kết quả khảo sát vừa nói cho thấy Phan Rang có thể đã từng xảy ra động đất và sóng thần, vậy nhà máy điện hạt nhân sắp xây dựng tại đây có an toàn hay không là điều mà các viên chức trách nhiệm cần làm rõ hơn trước khi đem ra quốc hội để xin thông qua dự án.

Việt Nam gia tăng đàn áp người sắc tộc thiểu số

Nhà cầm quyền Việt Nam gia tăng đàn áp người sắc tộc thiểu số Tây Nguyên, thường được gọi là người Thượng, theo Thiên chuá giáo lên tiếng đòi đất và đòi tự do tôn giáo.


RFA

Đa số người Thượng sống ở vùng miền Trung Tây Nguyên, Việt Nam


Phúc trình mới nhất của Human Rights Watch Giám Sát Nhân Quyền, trụ sở tại New York, Hoa Kỳ, trình bày chi tiết về những hành động đàn áp, đánh đập, tra tấn, bắt giữ , ép buộc từ bỏ đức tin mà chính quyền Việt Nam thức hiện đối với người Thượng, còn gọi là người sắc tộc trên vùng Tây Nguyên.

Đàn áp nghiêm trọng và có hệ thống
Ông Phil Robertson, phó giám đốc chuyên trách Châu Á trong Human Right Watch, nêu ra lý do người Thượng phải đối mặt với những vụ đàn áp nghiêm trọng và có hệ thống:
Tôi nghĩ một phần do khu vực Tây Nguyên rất khó tiếp cận. Không chỉ phóng viên mà ngày cả những ai muốn đi tham quan khu vực này đều bị hạn chế.
Báo cáo của Human Right Watch nêu ra những vụ công an lùng bắt người Thượng đang trốn tránh, đe dọa và bắt giữ những mục sư Tin Lành người sắc tộc, giải tán những buổi cầu nguyện tại gia. Human Rights Watch noí là hơn 70 người Thượng bị bắt giam chỉ riêng năm 2010, và có 250 người Thượng bị bắt và bị giam vì tội gọi là phá hoại an ninh quốc gia.
Vẫn ông Robertson cho biết thêm:
Trước đây những vụ đàn áp diễn ra âm thầm nhưng bây giờ thì người ta tự tin tới độ đưa tin tức này lên báo chí. Chính vì thế đây là lúc cộng đồng quốc tế cần lên tiếng để nhắc rằng Việt Nam đã ký kết công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, vì thế Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của người dân. Quyền tự do tín ngưỡng này không chỉ áp dụng với các nhóm tôn giáo đã đăng ký với nhà nước mà còn phải áp dụng cho tất cả các nhóm tôn giáo khác.
Có điểm đáng chú ý là rất nhiều vụ đàn áp người Thượng Tin Lành được chính quyền mô tả là vì người Thượng gây ra mối đe dọa đối với các nông trường cao su. Rõ ràng không phải mối nghi kỵ giữa chính quyền và người Thượng chỉ có trong quá khứ mà hiện đang diễn ra qua nhiều vụ việc liên quan tới đất đai, đền quyền tự do tín ngưỡng cùng với việc kiểm soát cộng đồng người sắc tộc.

Được hỏi về cáo buộc của Việt Nam là người Thượng Tây Nguyên phá hoại an ninh quốc gia, ông Phil Robertson khẳng định:
Chính quyền Việt Nam vẫn sống với quá khứ, có thể họ vẫn bị ám ảnh bởi nỗi sợ hãi từ thập niên 70, 80. Chúng tôi không hề thấy dấu vết của nhóm vũ trang nào trong cộng đồng người Thượng, nhưng chính quyền vẫn liên tục tuyên truyền và cáo buộc người Thượng cấu kết với Fulro, một tổ chức vũ trang của người Thượng trước kia.
Có lẽ vì sự nghi kỵ đó mà Việt Nam không tin tưởng bất cứ điều gì liên quan đến người Thượng. Còn chúng tôi không tìm thấy bất cứ dấu vết nhóm vũ trang nào mà chính quyền Việt Nam noí đang tồn tại ở khu vực này.
Phúc trình của Human Rights Watch cũng như ông Phil Robertson còn nhận định người Thượng sẽ tiếp tục trốn chạy khỏi Việt Nam chừng nào chính quyền còn vi phạm những quyền cơ bản của họ một cách có hệ thống.
Vì tình hình đã nêu, Human Rights Watch đề nghị chính quyền Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo, CPC.

Ông Gbagbo mất dần quyền kiểm soát Abidjan

Đương kim Tổng thống Côte d'Ivoire đang đứng trước những lời kêu gọi ông từ chức ngay lập tức, khi quyền lực của ông đang mất dần tại thành phố lớn Abidjan.

Nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc đã chiếm quyền kiểm soát phi trường Abidjan, trong lúc Pháp cho biết nhân viên gìn giữ hòa bình của Pháp đang tuần phòng ở nhiều nơi tại Abidjan, tại những chỗ xảy ra những vụ cướp phá hôm thứ Năm.

Hôm thứ Năm, Hoa Kỳ, Pháp, quốc gia trước đây chiếm Côte d'Ivoire làm thuộc địa, và các giới chức của Tổng thống Alassane Ouattara được quốc tế công nhận, tất cả đều lên tiếng kêu gọi ông Gbagbo từ chức.

Những chiến binh ủng hộ ông Ouattara đã kéo qua khắp Côte d'Ivoire trong tuần này, chiếm các thành phố và thị trấn mà chỉ gặp sức kháng cự yếu ớt của các lực lựng an ninh của ông Gbagbo.

Hôm thứ Năm người ta nghe thấy những tiếng súng và tiếng nổ tại Abidjan trong lúc các lực lượng của ông Ouattara tiến vào thành phố.

Trong một diễn biến, các chiến binh ủng hộ ông Ouattara đã tấn công một nhà tù và giải phóng cho tất cả những người bị giam giữ.

Ông Gbagbo vẫn chống lại những áp lực buộc ông từ bỏ quyền bính kể từ khi ông Ouattara tuyên bố thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm ngoái.

Trong một tuyên bố trên đài truyền hình riêng hôm thứ Năm, ông Ouattara kêu gọi những người trung thành với ông Gbagbo hãy thay đổi hàng ngũ. Các trợ lý của ông Ouattara tiên đoán ông Gbagbo sẽ mất quyền bính chỉ trong vài tiếng đồng hồ nữa mà thôi.

Sáng thứ Năm, Nam Phi cho biết Tham mưu trưởng quân đội của ông cùng gia đình đã xin tỵ nạn tại tư gia của đại sứ Nam Phi ở Abidjan.

Hầu hết trong 4 tháng qua, ông Ouattara đã lưu ngụ tại một khách sạn ở Abidjan được nhân viên gìn giữ hòa bình Liên hiệp Quốc bảo vệ, nhưng lại bị lực lượng an ninh thân ông Gbagbo bao vây.

Hôm thứ Tư Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã chấp thuận một nghị quyết nhắm vào ông Gbagbo, gồm chuyện cấm du hành và phong tỏa tài sản của ông, của vợ ông và của 3 trợ lý thân tín.

Nghị quyết này khuyến nghị gần 10 ngàn nhân viên gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Côte d'Ivoire hãy sử dụng tất cả những phương tiện cần thiết để bảo vệ thường dân trước nguy cơ bạo động, kể cả việc ngăn ngừa chuyện sử dụng vũ khí nặng nhắm tấn công thường dân.

Nước, thịt bò, và xác người nhiễm phóng xạ gần nhà máy điện Nhật Bản

Đã phát hiện chất phóng xạ rò rỉ từ nhà máy điện Fukushima trong nước, thịt bò, và ngay cả xác người ở khu vực gần nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản bị hư hại trong trận động đất và sóng thần hôm 11 tháng Ba.

Công ty Điện Tokyo điều hành nhà máy này nói rằng, đã phát hiện chất iodine phóng xạ trong nước ở bên dưới một trong những lò phản ứng với mức độ cao hơn bình thường 10 ngàn lần. Hãng tin Kyodo nói rằng đây là lần đầu tiên tìm thấy chất phóng xạ trong nước ngầm.

Hãng tin Kyodo cũng cho biết, lần đầu tiên các giới chức y tế phát hiện chất phóng xạ trong thịt bò sản xuất ở quận Fukushima cao hơn giới hạn luật định. Rau và sữa từ các nông trại trong khu vực này cũng bị nhiễm phóng xạ khiến chính phủ nhiều nước cấm nhập khẩu hàng hóa từ khu vực này.

Chất phóng xạ cũng lan xa tới tận Hoa Kỳ, nơi các giới chức cho biết đã thấy chất phóng xạ với phân lượng rất thấp trong sữa ở vùng duyên hải phía Tây Hoa Kỳ.

Mức phóng xạ cao cũng được phát hiện trong nước biển gần nhà máy điện Fukushima, và trong những khu vực cách xa nhà máy tới 40 kilomet, khiến chính phủ Nhật xem xét tới việc mở rộng vùng di tản 20 kilomét chung quanh nhà máy điện này.

Nhà chức trách nói rằng, họ không thể thâu hồi tới 1000 xác người gần nhà mày điện vừa kể vì e rằng những xác người này nhiễm phóng xạ quá cao.

Các nguồn tin cảnh sát cảnh cáo rằng, nếu gia đình thiêu xác các nạn nhân như thường làm ở Nhật thì việc đó sẽ khiến phóng xạ thoát ra môi trường nhiều hơn nữa.

Phe Gadhafi tiến tới, Gadhafi cảnh báo chiến tranh Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo

Lực lượng trung thành với nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi đẩy lùi phe nổi dậy tại thị trấn dầu hỏa Brega vào hôm thứ Năm trong khi nhà lãnh đạo Libya đưa ra một cảnh báo cho lực lượng liên minh.

Tin tức phương Tây cho biết những trận giao tranh dữ dội xảy ra gần Brega sau khi các lực lượng thân Gadhafi đạt được tiến bộ tại Ras Lanuf, một thị trấn để tiến sang miền tây nước này.

Trong khi đó, ông Gadhafi cảnh báo là các cường quốc phương Tây đã bắt đầu những việc nguy hiểm có thể không kiểm soát được. Trong một tuyên bố đọc trên truyền hình nhà nước, ông Gadhafi nói lực lượng liên minh có thể tạo nên một cuộc chiến tranh không kiểm soát được giữa Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo.

NATO đã đảm nhận toàn bộ quyền chỉ huy những hoạt động của không quân trên bầu trời Libya, tư lệnh NATO hôm thứ Năm cảnh báo lực lượng của chính phủ Libya là "lầm lẫn" nếu tiếp tục tấn công thường dân.

Thượng tướng Charles Bouchard của Canada nói NATO điều động hơn 100 máy bay và hơn một chục tàu khu trục trong các cuộc hành quân, với hơn 90 chuyến bay vào ngày thứ Năm.

Trong khi đó tư lệnh NATO nói sẽ điều tra về cáo buộc của Vatican là cuộc không kích vào Tripoli cuối ngày thứ Tư làm ít nhất 40 thường dân thiệt mạng.

Bộ trưởng Gates bênh vực hành động của Mỹ tại Libya

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và Đô Đốc Mike Mullen Chủ tịch Ban Tham Mưu Liên Quân đã bênh vực việc Hoa Kỳ tham gia vào những cuộc hành quân do NATO dẫn dạo tại Libya trước những nghi ngại của nhiều thành viên của Ủy ban Quân vụ Hạ viện. Bộ trưởng Gates vẫn nói là sẽ không có bộ binh Mỹ được điều động đến Libya và ông nói thêm là những quốc gia khác nên lãnh trách nhiệm trong việc trang bị và huấn luyện cho phe nổi dậy Libya. Thông tín viên Cindy Saine phụ trách về Quốc hội của Đài VOA tường trình từ Điện Capitol.Một số lãnh tụ có thế lực tại Quốc hội Mỹ lên tiếng chống lại việc vũ trang cho phe nổi dậy Libya, cảnh báo là Hoa Kỳ và đồng minh ít biết những người này là ai. Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates thừa nhận với Ủy ban là phe nổi dậy ít được biết đến và không phải là một khối có tổ chức chặt chẽ.

Ông Gates nói: “Thành thật mà nói, ngoài một số nhỏ các nhà lãnh đạo, chúng ta không biết được nhiều về những người nổi dây chống lại Gadhafi. Tuy nhiên tôi nghĩ theo một cách nào đó, dùng từ 'đối lập' là không đúng. Vì đây là một nhóm rất ô hợp, rời rạc và có lẽ mỗi thành phần đều có kế hoạch hành động riêng.”

Ông Gates nói việc thiếu thống nhất và thiếu phối hợp là một trong những vấn đề lớn nhất của phe nổi dậy trong cuộc chiến chống lại các lực lượng của ông Gadhafi. Ông nói điều phe nổi dậy cần nhất hiện nay là huấn luyện nhưng ông nói rõ là việc này không nên tùy thuộc vào Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Gates nói: “Sự thật là khi đề cập đến vấn đề huấn luyện, vấn đề trợ giúp những lực lượng này, có nhiều quốc gia có thể làm được, đây không phải chỉ một mình Hoa Kỳ có khả năng làm việc đó và theo tôi thì một quốc gia nào khác nên làm việc này.”

Đô đốc Mike Mullen đồng ý với Bộ trưởng Gates. Ông nói tốt nhất là một quốc gia không phải thành viên của NATO cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy và huấn luyện căn bản làm thế nào sử dụng những loại vũ khí này.

Bộ trưởng Gates và ông Mullen đều gặp những câu hỏi của các nhà lập pháp của cả hai đảng về việc tại sao Tổng thống Barack Obama không tham khảo ý kiến của Quốc hội trước trong tiến trình quyết định thay vì chỉ thông báo cho Quốc hội chỉ vài giờ trước khi hành động quân sự bắt đầu.

Một trong số ít những tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ việc Tổng thống Mỹ đối phó với tình hình Libya là dân biểu Dân chủ bang Tennessee Jim Cooper cho rằng một số chỉ trích Tổng thống có thể có động cơ chính trị.

Bộ trưởng Gates đảm bảo với các nhà lập pháp là sẽ không có bộ binh Mỹ tại Libya chừng nào ông còn là bộ trưởng quốc phòng.

Ông nói Hoa Kỳ và thế giới có thể không biết nhiều về lực lượng đối lập tại Libya nhưng họ biết rất rõ là nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi có khả năng làm những gì.

Bộ trưởng Gates nói: “Ông ta là một vấn đề rất lớn đối với Hoa Kỳ trong một thời gian dài. Và lý do mà Liên đoàn Ả Rập đến với nhau, lý do Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu và lý do NATO đã hỗ trợ không phải vì họ biết nhiều về đối lập nhưng vì họ biết nhiều về ông Gadhafi. Và không những họ biết những gì ông Gadhafi có thể làm đối với chính người dân Libya, mà còn biết rõ tiềm năng của ông ta có thể phá vỡ mọi sự đang xảy ra tại Trung Đông vào lúc này.”

Bộ trưởng Gates nói các nước Ả Rập trong vùng quyết định là ông Gadhafi đã trở thành một mối đe dọa đối với họ, và Anh và Pháp lo ngại về chuyện thường dân có thể bị giết hàng loạt, cũng như vấn đề hàng ngàn người tị nạn ồ ạt vượt biên giới sang Tunisia và Ai Cập.

Ông nói thêm là liên minh quốc tế nhắm tạo áp lực lên Gadhafi để ngăn ông ta giết chính dân của ông cũng như ngăn chặn ông ta bất ổn cho toàn vùng. Ông Gates nói Hoa Kỳ tin là áp lực quân sự, kinh tế và chính trị sẽ đẩy ông Gadhafi ra khỏi quyền hành.

Chuyện ly kỳ kết hôn giả Tiền, quốc tịch, và 'play game'

WESTMINSTER (NV) -Trong câu chuyện bà Trân Nguyễn (tên nhân vật đã được đổi) kể chuyện đến Mỹ định mổ tim nhưng lại bị lừa mất $250,000, bà kể về một người lừa của bà $50,000 (gọi là ông Năm Mươi Ngàn), một người lừa của bà đến $200,000 (gọi là ông Hai Trăm Ngàn).



Ðơn xin hủy hôn sau 3 tuần, mà bà Trân Nguyễn (tên nhân vật đã được thay đổi) nói đã đưa cho Sở Di Trú để tố cáo vụ kết hôn giả. (Hình: Người Việt)



Nhưng có một nhân vật khác mà bà không kể lại, cũng liên quan trong vụ này. Và rất tình cờ, cả hai ông Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn đều biết người đàn ông này.

Sau khi hỏi lại, bà Trân cũng xác nhận là có nhân vật này.

Người này mỗi ngày khoảng 7 giờ chiều thì tới đón bà Trân đi. Ông Năm Mươi Ngàn nói bà bảo bà đi thăm em bà trong bệnh viện. Bà Trân bác bỏ lời này và nói bà không hề kể chuyện em bị vô bệnh viện hay gì cả.

Người đàn ông này, hãy gọi ông là ông Bảy Giờ, đã đến gặp báo Người Việt, và câu chuyện của ông gồm nhiều điều phức tạp, khó hiểu, cũng như những tình tiết “như phim” của các mối quan hệ qua lại chồng chéo.



Cuộc hẹn hò qua điện thoại



Trong trang phục của nhân viên làm việc tại một hãng sửa xe hơi, Bảy Giờ, người đàn ông chưa đến 40 tuổi, xuất hiện tại tòa soạn Người Việt ngay sau giờ tan sở, đúng như lời hẹn.

Bằng thái độ tự tin, cởi mở, Bảy Giờ bắt đầu kể lại “hành trình” 2 tháng rưỡi từ lúc quen biết đến khi chấm dứt mối quan hệ với bà Trân Nguyễn.

Khoảng tháng 9 hay tháng 10 năm 2010, theo lời ông, một ông chú quen đã giới thiệu cho Bảy Giờ làm quen với Trân Nguyễn bằng cách cho số điện thoại của cô ta. Lúc đó, theo lời người giới thiệu, bà Trân “đang ở Chicago.” Ðiều này có vẻ trùng hợp với chi tiết Năm Mươi Ngàn đã kể, rằng “ba ngày sau khi làm giấy kết hôn, Trân Nguyễn nói có việc phải đi Chicago.”

Trong những lần chuyện trò qua điện thoại, Bảy Giờ được nghe kể rằng Trân Nguyễn có một người chị sinh đôi cùng tên Trân, đã sang Mỹ từ năm 1975 và hiện là một luật sư.

Khoảng 1 tuần sau khi quen biết, Trân Nguyễn nói sẽ từ Chicago bay về Cali vào buổi trưa, và quanh quẩn đâu đó gần chỗ làm việc của Bảy Giờ để chờ anh tan sở và gặp nhau.

“Vì tính hiếu kỳ nên trong buổi chiều đó tôi cứ vừa làm việc vừa cứ nhìn nhìn ra ngoài đường xem có ai mặc áo thun quần jean, mang bata trắng như cô ta tả hay không,” Bảy Giờ nhớ lại.

Ðến khoảng 3 giờ chiều, có một người phụ nữ đến tìm Bảy Giờ xưng là “chị của Trân Nguyễn” và cho biết “Trân không thể bay về Cali được vì đã bị tai nạn tối qua.” Người phụ nữ xưng là “chị” đó nói rằng sẽ lấy vé để bay qua Chicago coi tình trạng của em gái mình.

Bảy Giờ kể: “Tôi không biết mặt của Trân cũng như chị của cô ta, nên nghe vậy thì tôi cũng chỉ hỏi thăm, cho cô ta số cell phone và nói khi bay qua bên kia có tin tức gì của Trân thì cho tôi hay.”

“Ðến khoảng 5 giờ, cô ta gọi đến nói bác sĩ gọi báo Trân chết rồi nên cổ không cần phải bay sang bên kia nữa.” Bảy Giờ tiếp tục. “Lúc đó tôi đang rất bận nên hẹn sau giờ tan sở, về nhà tắm rửa xong tôi sẽ gặp cô ta nói chuyện nhiều hơn.”

Tuy nhiên, Bảy Giờ cho rằng, trên đường ra điểm hẹn là quán Denny's ở đường Brookhurst mà người phụ nữ đó chọn, ông đã cảm thấy có điều nghi ngờ.

Ông nghi ngờ vì cách nói tiếng Anh của bà chị này, cũng như cách chỉ đường.

“Nếu người đó là chị ruột của Trân Nguyễn, thì người đó phải là luật sư và đã ở Mỹ từ lâu, như lời Trân đã kể. Thế nhưng cách cô ta chỉ đường cho mình đi, và cách nói tiếng Anh của cô ta lại không chứng tỏ được điều đó.” Bảy Giờ lý giải sự nghi hoặc.

“Nhưng, vì tò mò, tôi muốn xem người ta 'play game' như thế nào” - coi người ta ló mòi gì đây.

Ðể phân biệt giữa hai phụ nữ cùng tên, hãy gọi bà chị sinh đôi này là bà “Trân-Chị”.



Nhận tiền để làm giấy tờ



Thời gian tiếp theo, khi Bảy Giờ thắc mắc tại sao Trân-Chị không tự lái xe mà phải nhờ chở tới lui chỗ này chỗ kia thì được người phụ nữ đó giải thích rằng “cô ta là luật sư ở Virginia sang Cali làm việc, chưa kịp đổi bằng lái nhưng lại chạy xe gây tai nạn nên bị thu bằng.”



Tờ hôn thú với ông Năm Mươi Ngàn. Trong thời gian ở nhà ông Năm Mươi Ngàn, mỗi ngày khoảng 7 giờ ông Bảy Giờ đến đón bà Trân đi. (Hình: Người Việt)



Gần một tháng sau khi quen biết, Trân-Chị lại nói cho Bảy Giờ hay rằng người đàn ông mà cô ta đang ở chung nhà (tức Năm Mươi Ngàn) hứa làm giấy kết hôn cho cô ta, “đã nhận của cô ta 20 ngàn” nhưng chỉ mới làm hôn thú thôi chứ chưa chịu mang đi nộp ở INS (Sở Di Trú).

“Tới lúc này tôi cảm thấy đã đủ cho cô ta nói dối nên mới yêu cầu cô ta đừng có 'play game' nữa, có chuyện gì thì nói đi, đừng xem tôi như con nít. Tôi hỏi nếu cổ là luật sư ở Mỹ thì tại sao cổ lại phải mướn người làm giấy tờ.” Bảy Giờ tiếp tục câu chuyện.

Ðến lúc đó, Trân-Chị “mới nói thiệt là từ Việt Nam mới sang.”

Và, theo lời kể của ông Bảy Giờ, thì Trân-Chị hay Trân Nguyễn gì cũng đều là một người.

Trân Nguyễn nêu ý định muốn gửi chiếc xe Lexus LX 300 đã mua sang nhà Bảy Giờ cũng như nhờ ông ta đứng tên giùm vì “sợ ông Năm Mươi Ngàn giựt xe.”

“Tôi không quan tâm chuyện cổ, cổ cũng không phải là người để mình tin, nhưng thấy cổ từ Việt Nam mới sang nên cô ta nhờ thì tôi giúp,” Bảy Giờ lập luận.

Trong câu chuyện, Bảy Giờ đã kể một chi tiết về Năm Mươi Ngàn, “Một lần đến mượn chiếc xe Luxes để đi, Năm Mươi Ngàn có nói với tôi rằng 'Bảy Giờ quen với Trân thì nên cẩn thận vì nó mướn tôi làm giấy tờ mà nó đưa tôi mới có mấy ngàn à, chứ chưa có đưa đủ mà nó lại đi rêu rao là tôi gạt nó hai mươi mấy ngàn.'”

Bảy Giờ nói: “Tôi chẳng biết tin ai.”

Tuy vậy, Bảy Giờ lại tin một chuyện: Trân Nguyễn cầm tiền sang Mỹ để mổ tim và có ước mơ được ở lại Mỹ.

“Theo như em nói, nếu mổ tim thì phải tốn hai trăm mấy chục ngàn, cũng đau chứ. Vậy thì 'make deal': anh không có vợ, anh có công ăn việc làm, anh có quốc tịch, em muốn ở Mỹ, anh bảo lãnh em ở Mỹ, và mua insurance để em mổ tim, số tiền đó anh lấy một nửa.”

Ðó là cuộc mặc cả giữa Bảy Giờ và Trân Nguyễn.

Trân Nguyễn đồng ý.

Trong thời gian chờ đủ 181 ngày hoàn tất thủ tục ly hôn cùng Năm Mươi Ngàn thì mới có thể làm giấy hôn thú với Bảy Giờ, Trân Nguyễn đã được Bảy Giờ cho về sống chung nhà với ông ta.

Người đàn ông này cho biết: “Tôi có một nguyên tắc muốn lấy tiền thì đừng đụng đến 'body' người ta, còn đụng đến 'body' người ta thì đừng lấy tiền.”

Và mục đích của Bảy Giờ là: Lấy tiền, bởi “ một trăm ngàn đâu dễ kiếm.”



“Tham thì trời không cho”



Ông Bảy Giờ thổ lộ: “Thực ra mình làm trong nghề sửa xe này lâu rồi, nhưng mình chỉ là người làm công thôi. Mình muốn có một số tiền mở tiệm cho riêng mình. Mình lấy đâu ra một trăm ngàn? Trong khi ca mổ của 'she' là 240 ngàn. Mình làm hôn thú cho 'her', mua bảo hiểm theo hãng mình cho her thì she sẽ được mổ free. Mình chỉ lấy nửa số tiền mà she phải bỏ ra. Ðó là 'good deal'.”

Nhưng, Bảy Giờ vừa cười vừa nói tiếp: “Người ta nói tham là không có được. Ông trời không có cho.”

Theo lời kể của Bảy Giờ, khi dọn về ở chung nhà với ông, đó là một căn nhà thuê chung với nhiều người, “cô ta hay xạo xạo với mấy người trong nhà, nhưng tôi chỉ nhắc chừng và cũng mặc kệ cổ vì họ cũng chẳng ruột rà gì với mình.”

Tuy nhiên, từ khi Trân Nguyễn xin số điện thoại của mẹ Bảy Giờ để gọi chuyện trò, tâm sự với bà thì người đàn ông này càng lúc càng cảm thấy khó chịu.

“Cô ta nói làm sao mà mẹ tôi cứ nghĩ rằng cô ta là bạn gái của tôi, rồi mẹ tôi còn nhận cổ làm con nuôi nữa. Khi tôi không chịu nổi cô ta nữa, tôi yêu cầu cô ta dọn ra khỏi nhà, thì 'she' lại giả bộ gọi điện thoại sang cho mẹ tôi và nói rằng cô ta uống thuốc tự tử, khiến cho cả gia đình tôi nháo nhào, trong khi cô ta có tự tử đâu! Mẹ tôi lo lắng phải từ bên Hawaii bay về đây xem sự thể thế nào,” Bảy Giờ ngán ngẩm nhớ lại.

Không chỉ vậy, Bảy Giờ còn cho rằng: “Tôi phát hiện ra cô ta giả bộ đau tim và cứ xỉu lên xỉu xuống hoài. Ðến lần thứ 4, khi gọi 9-1-1 kêu xe ambulance đến, họ đã kêu mẹ tôi ra để nói rằng cô ta giả bộ đó.”

Cũng theo lời kể của Bảy Giờ, Trân Nguyễn còn có một hành động “mất dạy” đó là cô ta đã đánh cắp những số điện thoại của thân nhân Bảy Giờ còn ở Việt Nam để gọi về nói xấu ông ta. Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn cũng tố cáo bà Trân làm cùng hành động đó đối với họ.

“Thay vì phải chờ đến đầu tháng 3 này mới đủ ngày làm giấy tờ cho cô ta, nhưng đến tháng 11 vừa rồi là tôi đã không thể chịu đựng nổi nữa. Có đưa một triệu tôi cũng không làm.” Với suy nghĩ đó, Bảy Giờ quyết định chấm dứt cuộc làm ăn với Trân Nguyễn.

Bà Trân bác bỏ hết những cáo buộc này, và nói bà bị những người đàn ông này lường gạt vì bà không thể có bằng chứng ngược lại, như hầu hết các phi vụ kết hôn giả khác.



Bằng chứng



Tuy gọi là không có bằng chứng, nhưng thật ra bà Trân Nguyễn có bằng chứng. Ít nhất, đó là những giấy tờ bà mang đến tòa soạn Người Việt, cũng như lời chứng của bà.

Và bà nói, bà đã báo lên Sở Di Trú về sự lường gạt của Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn trong vấn đề làm thủ tục kết hôn giả, và họ đang điều tra.

Bà nói: “Tôi đi về Việt Nam luôn, tôi không sợ gì nữa, tôi báo hết cho Sở Di Trú.”

Ông Bảy Giờ thì lại có một loại bằng chứng khác.

Sau khi chấm dứt mối quan hệ với Trân Nguyễn, tất cả ba người đàn ông - Năm Mươi Ngàn, Hai Trăm Ngàn và Bảy Giờ - đều nói họ bị liên tiếp nhận những lời mà họ gọi là “chửi rủa kinh khủng” của người phụ nữ này để lại trên điện thoại. Năm Mươi Ngàn phải đổi số điện thoại 5 lần, Hai Trăm Ngàn đổi số điện thoại 3 lần.

Riêng Bảy Giờ thì hơn hai người kia một bậc. Bị bà Trân để lại lời chửi rủa trong điện thoại, ông chép lại toàn bộ những voicemail có giọng nói của bà, và ông khiếu nại với cảnh sát Santa Ana để nhờ sự can thiệp và ngăn chặn sự quấy rối tiếp tục.

Nhưng trong những lời bà Trân nói trong voicemail, cũng không có lời nào cho thấy bà lừa ai. Bà nói rất nhiều, nói rất nhanh, dùng những lời lẽ rất nặng nề, nhưng không lúc nào bà nói bà lường gạt gì ông Bảy Giờ.

Ông Bảy Giờ có nói bà gạt mẹ ông, lấy của mẹ ông $1,000. Trong voicemail, bà Trân, dùng lời lẽ “mày,” “tao,” nói tiền của bà mẹ đưa, bà vẫn còn giữ đó, không mất đi, bà không lừa gạt.

Mặt khác, cũng trong voicemail này, bà thú nhận là bà có gọi về Việt Nam cho thân nhân ông Bảy Giờ và “kể hết rồi” và từ giờ, theo lời trong voicemail, ông Bảy Giờ “hết đường về.”

Tuy trải qua một kinh nghiệm mà, theo như lời ông kể, là rất phiền phức và “không thể chịu đựng nổi nữa,” nhưng ông Bảy Giờ - khác với hai ông Năm Mươi Ngàn và Hai Trăm Ngàn - khá điềm tĩnh khi nhìn lại sự việc.

“Tôi nghĩ, ý chính của cô ta không phải là đi lường gạt người ta mà mục đích cô ta chỉ muốn ở lại Mỹ,” ông Bảy Giờ kết luận. “Nhưng cô ta không có tiền nên cô ta tìm cách tạo cho người ta có cảm tưởng là cô ta có cái này cái kia.”




Những Bài Liên Quan:

Chuyện ly kỳ kết hôn giả (Kỳ 1): Người đàn bà với hai lần làm hụt hôn thú (Monday, March 28, 2011 7:52:08 PM)
“Tôi muốn nói lên những lời này để những người phụ nữ ở Việt Nam mới sang không bị gạt như tôi.”

Chuyện ly kỳ kết hôn giả (Kỳ 2): Ba ông, một hôn thú, một hủy hôn (Tuesday, March 29, 2011 3:43:41 PM)
Chuyện tiền mất tật mang là chuyện vẫn thường thấy trong cộng đồng Việt Nam. Có những nạn nhân mất tiền mà không được giấy tờ, trở thành kẻ di dân lậu trên đất Mỹ mặc dù đã chi hàng chục ngàn cho người làm hôn thú.

Libya trong một tuần qua.

Tuần trước quân cách mạng đã chiếm lại các thành phố bị mất, tiến về phía tây, còn cách Sirte khoảng 100 km. Đến thứ tư 30 tháng 3 quân đội của Tripoli đã phản công dữ dội.


Lui quân, không yểm kém hiệu quả.
Quân cách mạng chuẩn bị tấn công thị trấn Sirte, quê hương của Tổng Thống Gadaffi, vào đầu tuần này. Họ tuyên bố sẽ tiến tới Tripoli trong vòng ba ngày nữa. Trong khi đó một hội nghị quốc tế đã được triệu tập tại London để bàn thảo một kế hoạch chính trị cho Libya thời hậu Gadaffi. Nhưng từ đêm thứ ba qua sáng thứ tư 30 tháng 3 quân đội trung thành với chính phủ Tripoli pháo kích dữ dội và đẩy lui quân cách mạng Benghazi hằng trăm cây số. Quân kháng chiến được mô tả là hoảng loạn, rút chạy trên những xe tải nhỏ loại Pick-up trước mũi súng của xe tăng. Lực lượng kháng chiến rút từ vị trí tiền tuyến ở về Ras Lanuf, lui quân 100 km, nhưng quân Tripoli truy kích và sau buổi bình minh ngày thứ tư, giờ địa phưong tại Libi, thì Ras Lanuf đã rơi trở lại vào tay quân đội Gadaffi. Sáng thứ năm chiến sự diễn ra tại Brega, cách Ras Lanuf hơn 100 km đường bộ về phía đông. Quân kháng chiến vẫn cầm cự bảo vệ Brega, tính đến chiều thứ năm giờ địa phương.
Hôm thứ tư tin của AP cho hay phi cơ của NATO có bay trên không phận diễn ra chiến sự, và phóng viên AP nghe nhiều tiếng nổ, cho đó là bom oanh kích quân Gadaffi. Phát ngôn nhân quân sự của chiến dịch của NATO, đại uý Thủy quân lục chiến Mỹ Clint Gebke, nói ông không xác nhận được là có phi vụ chuyên biệt nào không nhưng máy bay của liên minh vẫn tấn công lực lượng Gadaffi. Qua ngày thứ năm, phát ngôn viên quân đội Mỹ cho biết quân chính phủ Tripoli sử dụng pháo binh, hoả tiễn phóng từ dàn phóng nhiều chiếc, và những xe giả trang xe dân sự gắn hoả tiễn và súng máy trong cuộc hành quân, khiến phía đồng minh không dám oanh tạc vì sợ gây tổn thất cho thường dân. Cuộc tấn công lại diễn ra ban đêm nên hoả lực không quân của liên minh càng kém hiệu quả.

Trang bị vũ khí và huấn luyện?
Trong khi đó thì hội nghị Luân đôn bàn đến giải pháp kêu gọi Tổng Thống Gadaffi rời khỏi nước nhiều hơn là các vấn đề quân sự, trong khi chiến trường đang bất lợi cho phe cách mạng mà phương Tây muốn trợ giúp mọi mặt. Các nước không đồng ý với nhau về việc đưa vũ khí vào trang bị cho lực lượng cách mạng, một đạo quân được báo chí phương Tây mô tả là ô hợp, thiếu thốn từ quân số đến vũ khí, trang bị, huấn luyện, tinh thần tuy cao nhưng không thể gọi là thiện chiến. Ngày thứ năm các viên chức của lực lượng cách mạng đều kêu gào với báo chí vì thiếu vũ khí không thể chống nổi quân chính phủ.
Theo những tin tức do RFA thu thập được từ Washington thì Hoa Kỳ có vẻ nghiêng về ý kiến sẽ cung cấp võ khí cho lực lượng nổi dậy, cho dù đến tối thứ ba Tổng Thống Barack Obama vẫn nói rằng ông chưa có quyết định gì cả. Có những dấu hiệu của việc này. Đầu tiên, từ sáng sớm thứ hai trước khi Hội Nghị Quốc Tế về tương lai chính trị của Libi khai diễn ở Luân Đôn, đã có nhiều lời bàn tán ở Washington về việc quân cách mạng Libya cần vũ khí. Những nguồn tin lúc đó nói rằng viện trợ vũ khí là giải pháp tốt nhất và duy nhất để lực lượng kháng chiến có thể chống lại quân đội trung thành với Tổng Thống Gadaffi. Một viên chức quốc phòng Mỹ nói là không quân chỉ gây tổn thất mà không chặn được bưóc tiến của quân Tripoli. Viên chức Mỹ ẩn danh này nói rằng quân cách mạng Beghazi cần đến những "grenade propellers", tức là súng phóng hoả tiễn để chống xe tăng. Và quan chức này nói thêm, súng chống xe tăng rất dễ sử dụng nhưng vẫn phải có huấn luyện, vì lực lượng nổi dậy không phải là những binh sĩ thiện chiến, cũng chưa hề được học hỏi về quân sự. Như thế có nghĩa là phải có quân đội ngoại quốc đến Libya để huấn luyện, nhưng viên chức Mỹ nói đó không nhất thiết là người Mỹ. Tuy nhiên trong giới lập pháp Mỹ có người đặt vấn đề về vịêc cung cấp vũ khí, cho rằng đó chưa chắc là việc nên làm.
Tại hội nghị Luân Đôn Trung Quốc và Nga phản đối việc vũ trang cho quân kháng chiến, nói là làm như vậy sẽ mất sự ủng hộ của khối Á Rập. Paris có vẻ muốn đưa vũ khí vào, nhưng nói thêm là nghị quyết Liên Hiệp Quốc không cho phép, Luân đôn tuyên bố lưng chừng, rằng không phản đối cũng không chủ trương như thế. Giới quan sát cho rằng những quốc gia muốn giúp vũ khí cho quân nổi dậy bắt đầu tìm cách giải thích bản nghị quyết 1973 này cho phù hợp với điều họ định làm. Nghị quyết 1973 của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc không nói là chỉ được áp dụng lệnh cấm bay, mà cho phép thi hành mọi biện pháp cần thiết để ngăn chận những hành động tàn sát dân chúng của chính quyền Gadaffi. Vì thế, giới quan sát cho rằng chuyện đổ bộ quân cũng sẽ được xem là một giải pháp, nếu các nước quyết định làm điều này.

Người Nhật đáng kính- người Việt?

Sự can đảm và lòng tự trọng của người dân Nhật sau thảm hoạ kép động đất-sóng thần đã khiến cả thế giới hết lòng ngưỡng phụcNhững Samurai, Kinh Kha Nhật Bản.

Hồi đầu tuần này (29 tháng 3-2011), cư dân Tokyo lặng lẽ đón mùa hoa Anh Đào khi vô vàn đoá hoa sắc trắng nhuốm hồng hồn nhiên nở rộ kéo dài khoảng 1 tuần trong khung trời “ chỉ thấy hoa đào cợt gió đông”, giữa lúc tâm trạng bi thương của người dân Xứ Phù Tang tiếp tục trĩu nặng theo hậu quả thiên tai động đất, sóng thần khiến, cho tới giờ, gần 30 ngàn người tử vong và mất tích. Và nhất là tình trạng thoát chất phóng xạ từ những lò phản ứng nguyên tử tiếp diễn ngày càng đáng ngại.
Tình cảnh đó không khỏi làm chạnh lòng nhà thơ Khuất Đẩu khi tác giả cảm kích lòng dũng cảm hy sinh của những chuyên viên Nhật liều chết làm “Kinh Kha Tráng Sĩ” tới khu nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang nhiễm xạ trầm trọng để tìm cách ngăn chận tình trạng lan toả này.

Những dòng thơ ấy như sau:
Chưa bao giờ tôi thấy cái chết vĩ đại Như ở Fukushima
Những công nhân điện lực đến tuổi nghỉ hưu
Đi vào nơi trùng trùng huỷ diệt
Như Kinh Kha đi qua sông Dịch
Fukusima
Fukushima
Còn hơn Kinh Kha
Không có 3 ngàn tân khách tiễn đưa
Chỉ có người vợ hơn 30 năm tay ấp
Nói trong nước mắt
Anh hãy uống một chút sakê cho ấm bụng
Chỉ có những đứa con
Nói con sẽ đợi cha về
Thưa qúy vị, giữa lúc cảnh điêu tàn, đổ nát, nguy cơ nhiễm phóng xạ cao độ tiếp tục hoành hành nạn nhân thiên tai như vậy thì nhiều câu chuyện cảm động xen lẫn tinh thần dũng cảm, kỹ luật, đức tính hy sinh, bất khuất…tiếp tục gây xúc động nhân tâm, khuất phục lòng người.


Đức tự trọng của toàn xã hội.

Có lẽ 1 trong những chuyện cảm động nhất được nhiều mạng nhật ký phổ biến là về lời kể của một người gốc Việt làm cảnh sát ở Nhật, tên là Hà Minh Thành đang công tác ở cách nhà máy điện hạt nhân lâm nạn Fukushima chừng 25 km, liên quan tình cảnh của một em bé 9 tuổi, với bộ đồ mỏng manh dù tiết trời giá rét, lau vội dòng nước mắt khi được hỏi đến thân nhân; Em đang đứng trong hàng người rồng rắn chờ nhận phần ăn ít ỏi. Cảm động trước tình cảnh đó, người đàn ông gốc Việt ấy đã khoát lên tấm thân bé nhỏ của em chiếc áo khoác cảnh sát cùng gói lương khô của mình và tưởng rằng em sẽ chụp lấy ăn ngấu nghiến vì đói. Nhưng không, em đã âm thầm đem nộp cho những người phân phát thực phẩm và trở lại xếp hàng, giải thích rằng “vì chắc còn có nhiều người còn đói hơn con”. Và tấm lòng cao cả của em nhỏ ấy khiến người cảnh sát gốc Việt này không cầm được nước mắt.
Qua nhiều mạng nhật ký, trong bài tựa đề “Nhật Và Việt Sao Khác Nhau Đến Thế ?”, tác giả Mạc Việt Hồng mô tả:
không hề có cướp phá, hôi của ở Nhật. Chuyện dòng người dài, xếp hàng im lặng để lấy nước, lấy thức ăn, dầu thắp sáng không hề chen lấn, xô đẩy, cãi cọ. Người khỏe tự giác chăm sóc, giúp đỡ người già yếu, có những người già được cõng trên lưng hàng cây số. Chuyện 30 đứa bé mồ côi ở một trường học vẫn lặng lẽ chờ cha mẹ tới đón mà mỗi tiếng kẹt cửa có thể làm lóe lên những hy vọng mong manh của chúng, chúng im lặng chịu đựng mà không hề than khóc dù có thể đã biết bố mẹ không bao giờ quay lại đón chúng nữa. Hay 50 kỹ sư và công nhân Nhật tình nguyện bám trụ ở nhà máy điện hạt nhân sau khi 4 tổ máy đã phát nổ và hàng trăm ngàn người cũng như hầu hết công nhân nhà máy phải sơ tán. Trong số người tình nguyện ở lại, có người chỉ còn 6 tháng nữa về hưu. Người công nhân sắp hưu trí ấy đã nhắn tin cho vợ mình, “Em đừng buồn, nếu anh không về”. Những người tình nguyện ở lại đều biết rằng mình có thể hy sinh. Rồi hình ảnh những người gói hàng cứu trợ làm việc hết sức khẩn trương. Các đội tìm kiếm nạn nhân miệt mài không kể đêm ngày, hối hả, lo lắng như đang tìm chính thân nhân của mình. Còn nhiều lắm những câu chuyện cảm động.


Một đất nước thực sự vĩ đại

“Bài Học Nhật Bản” trên Blog Quê Choa cũng đề cập tới chính thảm cảnh ở xứ Phù Tang, về phương diện nào đó, đã “làm cho thế giới ngạc nhiên và khâm phục là người Nhật đã giữ được sự bình tĩnh lạ kỳ trước thảm hoạ có thể so với Ngày Tận Thế”. Khác với những thảm hoạ ở Haiti (2010), Pakistan (2005) hay Tứ Xuyên- Trung Quốc (2008) và nhiều nơi khác trên thế giới, ở đây không có sự hoảng loạn dày xéo nhau, không có cướp bóc và hôi của, ngay cả sự đầu cơ tích trữ, đục nước béo cò cũng không. Tất cả đang gấp rút phối hợp nhịp nhàng, bài bản giữa dân chúng và chính quyền trong trật tự. Một nhà báo kể lại: Dòng người xếp hàng chờ được cấp nước uống, vì quá đông nên người ta đã vẽ vạch sơn chạy vòng ngoằn ngoèo và người dân đã xếp thứ tự theo vạch vẽ ngoằn ngoèo đó chứ không phải xếp hàng theo đường thẳng.Thật quá tuyệt vời. Vẫn biết tinh thần Samurai trung thành, can đảm, danh dự 130 năm trước đây vẫn tiềm tàng trong tính cách Nhật, bản lĩnh Nhật. Vẫn biết người Nhật vốn nổi tiếng về tính kỉ luật và ý thức cộng đồng rất cao. Nhưng điều gì làm cho dân chúng Nhật đủ niềm tin để giữ vững những phẩm chất tốt đẹp nói trên trước thảm hoạ kinh khủng này? Đó là vì dân Nhật tin chắc rằng sau lưng họ là những tấm lòng hết mực yêu dân và tinh thần vì nước quên thân, vì dân phục vụ của quan chức Nhật từ cơ sở đến trung ương.
Blogger Nguyễn Đình Đăng, 1 nhà khoa học đang làm việc ở Nhật Bản, nhấn mạnh đến các đức tính bình thản, lịch sự, giữa phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau…của người dân Phù Tang trong cảnh điêu đứng khốn cùng này, để đi đến nhận xét tổng quát rằng “Nhật Bản: Một Đất Nước Thật Sự Vĩ Đại”:
Họ rất bình thản. Các cửa hiệu tại Tokyo vẫn bán hàng. Thức ăn, đồ dùng vẫn đầy ắp. Người bán hàng vẫn lễ phép cúi rạp người chào khách. Người tính tiền vẫn quay mặt đi không nhìn lúc khách hàng bấm mật mã sau khi quẹt thẻ tín dụng để trả tiền.
Xem trên TV thấy một cụ già được quân lính cõng ra khỏi khu nhà đổ nát, vẫn mỉm cười trả lời phóng viên. Mấy phụ nữ nhận cơm nắm người ta phát trong căn nhà mất điện tối om, vẫn cúi lạy cảm ơn dưới ánh đèn pin. Cũng thấy có người khóc (cụ già và trẻ con). Toàn bộ nội các Nhật Bản làm việc hầu như 24/24 từ thứ Sáu. Tất cả, từ thủ tướng, chánh văn phòng chính phủ, các bộ trưởng đều vận đồng phục bảo hộ lao động màu xanh nước biển khi xuất hiện trên truyền hình. Các nữ phát thanh viên ngày thường vốn đã xinh đẹp, bây giờ trông lại càng tao nhã hơn bởi vẻ mặt nghiêm trang, áo ngoài đen màu áo tang, áo lót trắng, đọc tin rõ ràng, giọng không hề xúc động. Một đất nước mà người dân thực sự bình thản, lịch sự, giữ phẩm cách, rất trật tự, tử tế với nhau trong thảm hoạ có thể so với ngày tận thế là một đất nước thực sự vĩ đại.
Trước hình ảnh tuyệt vời một cách phi thường và đáng khâm phục đó, có lẽ câu hỏi cần được nêu lên là những yếu tố nào khiến người dân xứ Phù Tang có được những đức tính ấy ? Blogger Hiệu Minh giải thích qua lăng kính văn hoá và thể chế chính trị, như sau:
Nhiều người nói, văn hóa dân tộc là nền tảng cho phát triển. Hành xử thế nào trước một thảm họa kinh hoàng chính là văn hóa và bản lĩnh của dân tộc đó. Báo chí, bloggers khâm phục dân tộc Nhật kiên cường, kỷ luật, bình tĩnh, nhẫn nại, và can đảm trước tai họa… Cả thế giới thừa nhận, thảm họa xảy ra mà nước Nhật không có cướp bóc như cơn bão Katrina New Orleans(Mỹ), trận lụt kinh hoàng năm 2007 ở West Country (Anh). Động đất vừa ngớt, cướp bóc xảy ra ngay lập tức ở Chile và Haiti….
Tại Nhật, tôn ti trật tự, có trên có dưới, có trước có sau, tôn trọng người già, khuyến khích trẻ, cúi gập khi chào nói lên điều gì. Phải chăng nền tảng đạo lý đó giúp nước Nhật vượt qua thất bại, không quá kiêu với chiến thắng và biết gồng mình lúc khó khăn. Văn hóa truyền thống Nhật làm nên sức mạnh này chăng? Hay là chính lớp người Nhật sống theo kiểu dân chủ phương Tây làm nên thương hiệu Made in Japan. Báo chí tự do, dân được biểu tình, hạ bệ chính phủ bằng lá phiếu nếu cần, dân được quyền làm chủ vận mệnh của mình. Họ tự lựa chọn một chính quyền vì chính quyền lợi của họ.Hay đó là cả hai, dân chủ hiện đại phương Tây kết hợp với văn hóa truyền thống… Và VN học được gì khi nhìn nước Nhật hôm nay.


Việt Nam học được gì?

Chưa rõ VN sẽ học được gì khi nhìn nước Nhật hôm nay, nhưng, theo tác giả Mạc Việt Hồng qua bài “Nhật Và Việt Sao Khác Nhau Đến Thế”, thì “không ít người đã ngậm ngùi so sánh với VN” như sau:

Thì:
- Động đất có khi chết 200 nhưng giẫm đạp lên nhau mà chạy, chết thêm nghìn nữa.
- Các ban ngành sẽ họp bàn cách cứu hộ từ ngày này qua ngày kia.
- Cướp giật sẽ phổ biến, hoa người ta còn cướp giật nói chi tới đồ ăn hay tiền bạc vào lúc hỗn quan hỗn quân như vậy.
- Người đi hôi của sẽ nhiều hơn người đi cứu hộ.
- Nếu có phát khẩu phần ăn sẽ chẳng có hàng lối gì, bà già trẻ nhỏ sẽ bị chen cho bẹp ruột, ai thắc mắc hay nhìn đểu mấy kẻ chen lấn, thì bố cho mày mấy chưởng”.

- Sẽ xuất hiện đủ loại cò: Cò mua, cò bán, cò di tản, cò cứu trợ, cò bệnh viện, cò nghĩa địa…tha hồ chặt chém đồng bào.
- Tiền và hàng cứu trợ sẽ vào tay dân thì ít, cửa quan thì nhiều.
- Ai muốn người nhà mình đang kẹt trong đống đổ nát được đào bới, tìm kiếm trước thì hãy chi đẹp cho đội cứu hộ.
- Khu nào có quan chức ở thì được ưu tiên cứu hộ trước, khu nào dân đen sinh sống thì cứu sau.
- Cửa hàng sẽ thi nhau tăng giá, bắt chẹt những người khốn khổ.
- Tổ chức nào, tôn giáo nào muốn cứu trợ thì phải được sự đồng ý của Mặt trận Tổ quốc và các cấp chính quyền kẻo các thế lực thù địch lợi dụng..v.v.
Theo tác giả Mạc Việt Hồng thì bức tranh toàn cảnh động đất ở Việt Nam, nếu có, nó sẽ na ná như vậy. Và nhiều người sẽ tự hỏi rằng tại sao dân Việt Nam lại tha hóa như thế, có khi cả thế kỷ nữa họ cũng không theo kịp nước Nhật về văn hóa ứng xử. Tác giả lưu ý là sao họ không đặt câu hỏi rằng quan chức Việt Nam ra sao, giáo dục của Việt Nam thế nào?
Qua bài “Nhìn Nhật Bản Tự Thấy Mình”, Blogger Nguyễn Hưng Quốc tóm tắt rằng “…đằng sau sự ngưỡng mộ ấy cũng là một nhận thức văn hóa và chính trị sâu sắc: người ta thấy rõ tất cả những ưu điểm trong tính cách của người Nhật cũng là những khuyết điểm nặng nề của người Việt Nam. Thành ra, nhìn người Nhật, những người có chút lương tri và tự trọng đều tự thấy và hiểu rõ về mình. Ở những chỗ mình cần phải khắc phục. Và phải học từ người Nhật. Nhưng phải học bằng cách nào? Đó mới chính là vấn đề”

Hai năm tù giam vì tội gây rối trật tự công cộng

Sáng ngày 31 tháng 3, Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn, tiến hành xét xử sơ thẩm một người Khmer Krom tên Chau Hêng, 57 tuổi, quê quán ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, sau khi ông này bị Cơ quan cảnh sát điều tra huyện này tạm giam hết 104 ngày.

Ông Chau Hêng bị Tòa án huyện Tri Tôn kết án 2 năm tù giam vì tội hủy hoại cố ý làm hư hỏng tài sản, và gây rối tật tự công cộng, thông tín viên Quốc Việt có thêm chi tiết:

Lời cảnh báo nghiêm khắc
Bà Neáng Thuôn, vợ của bị cáo nói với Đài Á Châu Tự Do sau khi kết thúc phiên tòa rằng, đã có gần 30 người tham dự tại phiên Tòa, gồm có hai vị sư sãi đại diện cho đồng bào người sắc tộc Khmer ở Việt Nam, còn phía thân nhân gia đình thì Công an mời 4 người, tuy nhiên họ không có Luật sư bào chữa. Những người này cũng không được phép phát biểu, và vợ bị cáo cũng vậy.
Thẩm phán của tòa sơ thẩm tuyên phạt 2 năm tù giam đối với ông Chau Hêng. Gia đình bị cáo có quyền kháng án lên Tòa trong vòng 15 ngày. Bà Thuôn nói rằng, tình trạng sức khỏe của chồng bà suy kém rất đáng lo ngại. Tại phiên tòa, ông không thể cử động, không nhận ra mẹ con, thậm chí không hề cất tiếng trả lời và nhiều lần ngất xỉu.
Nhưng căn cứ vào lời khai được chiếu lại tại phiên tòa mà Công an điều tra được trong trại giam, ông Chau Hêng thừa nhận đã tổ chức gây rối trật tự công cộng, và làm hư hỏng tài sản. Tại phiên tòa, vợ bị cáo liên tục kêu oan và phủ nhận tội trạng bị cáo buộc. Sức khỏe bị cáo suy kém trầm trọng như vậy, ông ấy sẽ không thể chịu đựng được mức án 2 năm tù.
Một trong số 4 người phụ nữ được Công an mời đến tham dự tại phiên tòa xin không tiết lộ danh tính nói rằng, vụ án của ông Chau Hêng là một vụ án được sắp xếp trước bởi cơ quan thẩm quyền vì họ có ý đồ đàn áp, khủng bố tinh thần những người dân tộc tham gia tổ chức khiếu kiện đất đai hoặc chống đối chính phủ Cộng sản Việt Nam. Bà nói:
“Người ta mời có bốn người. Tôi đi, tôi cũng muốn nói dữ lắm nhưng người ta không hỏi. Người ta hỏi bằng chứng người ta không.
Mình không được phát biểu gì hết, bên chính quyền đã mời Luật sư nhưng bên mình đâu có luật sư đâu. Biết ai là Luật sư của mình, không có ai hỏi tới mình nữa…Người ta đổ tội cho mình không à. Bây giờ người ta dứt khoát phải bỏ tù hai năm. Không biết sẽ ra sao chú ơi, người ta bắt buộc…Người ta xử ông ấy (Chau Hêng) như vậy, ông ấy không nói chuyện được. Ông thở không được mà người ta nói ông ấy làm bộ…Chú ơi, chú ! Người ta (công an an ninh đến giám sát không cho nói chuyện với phóng viên) lại tới rồi…Dạ! Da! Họ tới rồi! Tới rồi…”
Quốc Việt tường trình từ Campuchia

Tù nhân khiếu kiện đất đai đang trong tình trạng nguy kịch

Một người Khmer Krom bị bắt sau khi trở về từ Thái Lan đang bị bênh rất nặng trong lúc ông này đang bị tạm giam tại nhà tù huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.


Chính quyền sẽ đưa ra tòa truy tố vào sáng thứ Năm trong khi có tin rằng, ông này bị Công an tra tấn dã man trong tù lao.

Phương thức khai thác, giam cầm kinh hoàng và dã man
Nguồn tin từ gia đình ông Chau Hêng, một người Khmer ở miền Nam của Việt Nam bị vu cáo đứng đầu nhiều cuộc biểu tình và tổ chức khiếu kiện đất đai lâu nay đang bị giam giữ tại trại giam huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, ông Chau Hêng đang có sức khỏe suy kém, bị khủng bố tinh thần, rất đáng lo ngại.

Bà Neáng Thuôn, nói với Đài Á Châu Tự Do sau khi đến thăm nuôi người chồng vào sáng thứ Tư, ngày 30 tháng 3 rằng, ông Chau Hêng bị cơ quan cảnh sát điều tra huyện tạm giam hơn ba tháng nay tuy nhiên phía gia đình vẫn không được phép đến thăm nuôi. Ngày 29 tháng 3, Cơ quan cảnh sát huyện Tri Tôn mời bà cùng gia đình đến gặp mặt ông ấy trong lúc có Công an Sở đến điều tra người tù đang bị tạm giam tại trại huyện. Buổi thăm nuôi đầu tiền kể từ ngày ông ấy bị bắt vào hôm 17 tháng 12 năm 2010 được diễn ra trong khung cảnh nước mắt đầm đìa vì ông ấy không thể nhận ra vợ con, sức khỏe suy kém và tinh thần bị khủng bố.
Bà Thuôn kể lại về cảm thông lần thăm nuôi đầu tiên rằng:
-“Lần đầu tiên tôi được phép đến thăm nuôi ông ấy, nhưng ông ấy không thể mở mắt nhìn chúng tôi, và cũng không thể nghe, hiểu hay trả lời chúng tôi. Tình trạng sức khỏe của ông ấy giống như một người bị chích thuốc mê, bị khủng bố tinh thần, ông ấy chỉ biết ngồi yên tại chỗ dù tôi hỏi thăm ông ấy nhiều lần. Hôm qua, họ mời tôi đến gặp mặt ông ấy trong lúc Công an Tỉnh xuống làm việc, nhưng tôi không thể tưởng tượng được Công an dã man như vậy vì khi sức khỏe ông ấy còn tốt thì họ không cho phép tôi đến thăm nuôi. Ngược lại trong lúc ông ấy không thể nói chuyện, Công an lại gọi tôi đến gặp mặt ông ấy. Tôi nghĩ rằng, ông ấy bị chích thuốc vì ông ấy không biết chúng tôi nói gì với ông ta.”
Bà Neáng Thuôn cho biết thêm rằng, vào sáng thứ Tư, bà tới Cơ quan cảnh sát điều tra để xin phép đến thăm nuôi chồng bà lần hai sau khi bà nhận thấy tình trạng sức khỏe ông ấy suy kém như vậy, tuy nhiên bà bị Công an huyện từ chối và bảo rằng hãy chờ gặp mặt ông ấy tại phiên tòa xét xử vào lúc 7 giờ sáng thứ Năm, ngày 31 tháng 3. Bà nói rằng, Công an đối xử với chồng bà dã man chỉ vì ông ấy tham gia khiếu kiện đất đai.
Bà nói thêm, “Việt Nam đàn áp chúng tôi, bắt giam giữ chúng tôi khi họ nói chỉ tạm giam 3 tháng nhưng cho giam đến bây giờ chưa thả cho dù ông ấy bị bệnh rất nặng, họ cũng không chịu tha, tôi kêu gọi thế giới giúp đỡ can thiệp. Ông ấy không làm gì sai, ông ấy chỉ khiếu kiện đất đai. Người khiếu kiện đất đai không phải chỉ một mình ông ta mà đã có 400-500 trăm đơn. Vậy tại sao, Công an bắt một mình ông ta.”

Không phải chỉ có trường hợp ông Chau Hêng
Sư Danh Tôl, hiện đang định cư tại Thụy Điển, trước đó bị Chính phủ Sóc Trăng bắt bỏ tù hơn 22 tháng sau khi tham gia biểu tình chống chính phủ Việt Nam vào ngày 8 tháng 2 năm 2007 kể lại rằng, trong thời gian ông bị giam cầm tại tù ngục của Việt Nam, ông thường bị Công an điều tra đưa ra tra tấn, đánh đập, treo giò, buộc phải uống thuốc hay bị chích thuốc để lấy lời khai vào lúc 12 giờ đêm. Trong quá trình điều tra, Công an buộc ông phải nói theo lời khai đã được viết sẵng trên tờ giấy là có tham hoạt động chính trị và kết cấu với bọn phản động ở ngoài nước, khi không có kết quả xác đáng, thì Công an vu cáo về tội làm rối loạn xã hội, gây rối trật tự công cộng; còn đối với những người tù lương tâm khác cũng không có trường hợp ngoại lệ.
Sư Danh Tôl kể lại lần bị tra tấn trong trại giam, “theo kinh nghiệm tôi từng bị tù Việt Nam, 100% trong thời gian lấy lời khai họ sẽ chích thuốc hoặc cho uống thuốc. Hơn nữa, ở trong trại giam chỉ có một mình thôi, vừa bị chích thuốc, vừa bị áp bức tinh thần do giam giữ trong một phòng kín gọi là tù ngục(biệt giam). Mình không thể ở trong một cái tù đơn giản đâu mà là tù ngục.
Do vậy, mình rất nguy hiểm về tinh thần và sức khỏe vì bị đánh đập và chích thuốc đến phạm nhân như chúng tôi. Lúc 12 giờ khuya họ đưa ra tra tấn, đánh đập. Họ muốn làm gì thì làm, chẳng có ai biết, chẳng có ai nghe gì cả. Trong những thời gian bị tra tấn, đánh đập đó, mình không thể nói lên những tiếng nào được. Những lời khai họ ghi ra hết rồi, nhưng họ bắt buộc mình phải nói theo lời khai của họ. Trường hợp mình phản đối, mình không chấp nhận lời khai đó, họ sẽ đánh đập mình.”
Đối với trường hợp ông Chau Hêng, sư Danh Tôl nhận định rằng ông ấy đương nhiên bị tra tấn dã man trong tù ngục của Công an huyện Tri Tôn vì ông ấy từng là người đứng lên khiếu kiện vụ đất đai, là người từng bị chính quyền chụp mũ có tham gia tổ chức phản động ở ngoài nước, thậm chí ông ấy là người từng chạy sang Campuchia và Thái Lan để xin tỵ nạn vì trước đó Chính quyền địa phương truy nã. Sư Danh Tôl nói:
“Không phải chỉ cá nhân tôi, nhưng mọi người đều nhìn thấy trường hợp ông Chau Hêng là một trường hợp không bình đẳng, bị ép buộc. Trường hợp ông Chau Hêng này hoàn toàn không bình đẳng đối với nhân quyền, quyền của còn người sống trên đất nước Việt Nam. Do vậy, nhà nước Việt Nam đã vi phạm nhân quyền con người, làm mất sự bình đẳng đến ông Chau Hêng.”

Đâu là sự thật
Tuy nhiên, phát ngôn viên Đại sứ Việt Nam Lê Minh Ngọc tại Campuchia nói rằng, vẫn có một số tổ chức mượn các vấn đề tôn giáo, nhân quyền, dân tộc để thực hiện âm mưu kích động bạo loạn và khủng bố chống phá cuốc sống yên lành ở Việt Nam. Chính sách dân tộc nhất quán của nhà nước Việt Nam là các dân tộc bình đẳng, tôn trọng giúp nhau cùng tiến bộ. Ông Ngọc nói:

“Đối với người Khmer Krom, đã rất nhiều lần người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã nói Việt Nam tôn trọng tất cả các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam như nhau, mọi người đều bình đẳng trước Pháp luật. Hầu hết ở Việt Nam đã có đại dịch mà làm đúng theo Pháp luật, không có vụ nào Việt Nam làm oan sai. Từ xưa đến nay, tất cả vụ án được xét xử đều theo đúng trình độ pháp luật và không hề có phân biệt đối xử.”
Ông Chau Hêng bị Công an xã Châu Lăng bắt tạm giam từ ngày 17 đến 20 tháng 12 năm 2010. Sau đó, Trung tá Đào Văn Hùng, Trưởng cơ quan cảnh sát điều tra huyện Tri Tôn, ra thông báo quyết định tạm giam thêm 87 ngày vì vi phạm điều 143 tội hủy hoại, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, và điều 245 gây rối trật tự công cộng theo Bộ Luật hình sự của Việt Nam. Tòa án nhân dân huyện Tri Tôn sẽ tiến hành xét xử vụ án này vào lúc 7 giờ sáng, ngày 31 tháng 3 năm 2011.

Sống đạo trong mọi hoàn cảnh

Hoàn cảnh kinh tế, xã hội, chính trị, văn hoá của một nước ảnh hưởng nhiều đến người dân của nước ấy về mọi phương diện. Vì thế, sống trong hoàn cảnh nào phải dựa theo những hoàn cảnh đó để sống cho thích hợp. Vậy, phải có những điều kiện nào mới sống cho thích hợp được .



1. Chấp nhận hoàn cảnh không thuận tiện

Điều kiện thứ nhất là chấp nhận hoàn cảnh không thuận tiện, nếu không muốn nói là éo le. Điều này đúng không phải cho bây giờ mà cho mọi thời, vì con đường theo Chúa không phải lúc nào cũng phẳng phiu và có những khúc rất gập ghềnh. Đó là định luật cho những ai muốn theo Người : “Ai muốn theo tôi, phải tư bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9,23)

Kinh nghiệm của những người theo Chúa cho thấy có những trường hợp theo Người rất gay go và đòi hỏi, có khi phải mất mát thiệt thòi và nguy hiểm cả đến tính mạng nữa.

2. Thờ Chúa trong tinh thần và chân lý

Nhiều người dựa vào một câu trong Tin Mừng theo thánh Gio-an “thờ Chúa trong tinh thần và chân lý”, (Ga 4,23-24) để nói rằng giữ đạo tại tâm chứ không cần lễ nghi hình thức bên ngoài. Điều này có phần đúng theo nghĩa phải chú trọng đến nội dung hơn hình thức, phẩm chất hơn số lượng. Nhưng không phải vì thế mà loại bỏ mọi lễ nghi, hình thức bên ngoài được. Thánh Gia-cô-bê nói : “ Thưa anh em, ai bảo rằng mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì ? Đức tin có thể cứu người ấy được chăng ? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ : “Hãy đi bình an. Mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?” Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2,14-17) Người theo Nho giáo cũng có câu : “Dĩ lễ tồn tâm”, lấy lễ nghi bên ngoài làm cho cái tâm bên trong tồn tại.

Vậy phải hiểu cấu “thờ Chúa trong tinh thần và chân lý thế nào” ? Trong tinh thần nghĩa là trong cái gì cao quí nhất, nội tâm nhất, hợp với ý Thiên Chúa hơn cả, và trong chân lý là trong cái gì phù hợp với ý Chúa Cha, do Đức Giê-su chỉ dạy. Bởi thế, thờ Chúa trong tinh thần và trong chân lý không chỉ có nghĩa là đạo tại tâm mà chính là lấy cái cao quí nhất, nội tâm nhất, hợp với ý Chúa hơn cả như nói trên, và lấy Đức Ki-tô làm mẫu mực trong mọi việc thờ phượng. Vì vậy, Đức Ki-tô phải là hệ điểm cho tín hữu xoay quanh, mỗi khi nói đến việc tôn thờ. Hội thánh dạy phải nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, hợp nhất với Chúa Thánh Thần mà dâng lên Chúa Cha mọi lời tôn vinh chúc tụng. Và khi không có hoàn cảnh hay điều kiện để bày tỏ lòng thờ kính ra bên ngoài thì đừng quên rằng “Đã đến thời người ta thờ Chúa không phải trên ngọn núi này hay ở Giê-ru-sa-lem” (Ga 4,21) nghĩa là không còn tùy thuộc ở nơi chốn mà nội tại trong tinh thần, không phải lệ thuộc vào thời gian và không gian nhưng tự do, siêu việt.

3. Xác tín về lòng tin của mình

Có những lúc tín hữu không dễ gì giữ vững được lòng tin, vì bên trong thì bị khủng hoảng, bên ngoài thì gặp trở ngại, hoặc do hoàn cảnh, thời cuộc, hoặc do công việc làm ăn chi phối. Cần phải biết như vậy để nuôi dưỡng lòng tin của mình và xác tín về lòng tin đó, nghĩa là biết tại sao mình tin, lòng tin của mình dựa trên nền tảng nào để không nao núng khi bị người khác mỉa mai hay chất vấn. Điều này rất cần để tránh những mặc cảm, khi bị người khác cho là chậm tiến về mặt trí thức hay mê tín dị đoan. Nhiều người đã cảm thấy ngột ngạt hay chột dạ trước những luận điệu kia.

Kết luận

Vậy, để có thể sống đạo trong mọi hoàn cảnh dù thuận tiện háy không thuận tiện, điều cần, thiết tưởng là hiễu đạo và biết đạo. Nếu hiểu đạo và biết đạo cho kỹ thì trong hoàn cảnh nào cũng có thể sống đạo được mà sống một cách sâu xa nghĩa lý. Chính vì thế, khi còn nhỏ thì phải học giáo lý, khi lớn lên phải tiếp tục trau dồi qua sách báo đạo hay theo các buổi hội học, khi chưa có đạo mà vào đạo phải có đủ thời gian để học cho kỹ. Nhưng cần hơn cả là ơn Chúa để giữ cho mình gắn bó với đạo, vì đạo là con đường đưa tới hạnh phúc thật và sự sống đời đời.

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

Nghịch cảnh hai loại ứng cử viên Quốc hội tiếp xúc cử tri

Từng thấy báo chí đưa tin những người tự ứng cử vào Quốc hội đa số đã xin tự rút vì những lý do trời ơi đất hỡi như “không có thời gian” nào là không được tổ dân phố tín nhiệm vì không chào hỏi bà con dân phố, không quét ngõ… và mới đây nhất, một người tự ứng cử ở Hải Phòng cũng đã ra về giữa chừng khi cuộc họp góp ý chưa kết thúc.



Hôm qua, xem trên truyền hình, thấy các ông Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Hồng Anh… tiếp xúc cử tri mà thấy mát lòng mát dạ. Dân chúng đến hoan hỉ, phấn khởi, hoa hòe đẹp đẽ, hội trường rộng rãi, thoáng đãng… và tất cả 100% cử tri phát biểu cũng như giơ tay nhất trí các ứng cử viên này xứng đáng tái đắc cử nhiệm kỳ nữa phục vụ nhân dân. Đúng là nhân dân ở đây quá sáng suốt và nhất trí cao, trí tuệ nhân dân được phát huy thế này thì Quốc hội hẳn là sẽ không còn gì để phàn nàn như nhiều người đã từng kêu Quốc hội khóa vừa qua.
Lại đọc trên tờ Đại Đoàn kết, cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nơi tổ chức giới thiệu, hiệp thương các ứng cử viên cho Quốc hội bài viết “Trân trọng người tự ứng cử” thì “Bản chất bầu cử là sự lựa chọn của cử tri, là sự khẳng định tín nhiệm của nhân dân. Nếu không có số đại biểu dư so với đại biểu do trung ương và địa phương giới thiệu thì MTTQ chỉ còn cách 100% biểu quyết để đủ chỉ tiêu bầu như cơ cấu” nên nghĩ rằng kỳ này mấy ông tự ứng cử chắc được trọng vọng lắm.



Thậm chí tờ báo còn trích nguyên cả “Tư tưởng HCM” như sau “Như vậy, trong tư tưởng của Ct HCM thì không phải chỉ đại biểu do trung ương hay các địa phương giới thiệu mới đủ uy tín để cử tri lựa chọn, mà cả những người tự ứng cử, dám dũng cảm ra ứng cử cũng là những người cần được quan tâm và trân trọng”.
Như vậy thì còn gì dân chủ hơn và chẳng còn lý do gì mà người công giáo không tham gia thật sôi nổi?



Tối nay, được luật sư Lê Quốc Quân mời đến dự với anh một cuộc họp tổ dân phố để gặp gỡ lấy tín nhiệm khi anh tự ứng cử vào Đại biểu Quốc hội.



Một vài anh bạn bảo: “Thôi, không nên đi làm gì, tất cả chỉ là diễn hết đấy mà, kịch bản soạn sẵn rồi, làm gì có chuyện như trên truyền hình với người tự ứng cử?”



Một người cãi lại: “Thì làm gì cũng phải đúng luật lệ chứ, người tự ứng cử được báo chí Mặt trận nói lên quan điểm rõ ràng là trân trọng, tại sao không đi xem nó thế nào chứ, không đến mà xem lại cứ nghĩ tiêu cực thế là không nên, nhà nước ta là nhà nước dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản, không học thuộc bài à?”.
sản, không học thuộc bài à?”.






Mấy anh em nghĩ rằng, chắc lại được vào hội trường rộng rãi, thoáng đãng, có hoa, có báo chí, truyền hình… cũng như các vị ứng cử nêu trên. Vì theo luật pháp quy định, mọi công dân bình đẳng trước pháp luật. Luật không ghi điều quy định nào là Tổng Bí thứ, Thủ tướng, Bộ trưởng hoặc Ủy viên Bộ chính trị mới được có hoa, có truyền hình… còn người khác tự ứng cử thì nhất định không được.



Vậy là chúng tôi đến. Đi cùng chúng tôi có một Phó chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo Thành phố Hà Nội, ủy viên Mặt trận Tổ quốc TPHN.



Lê Quốc Quân ở chung cư tổ 64, theo anh cho biết, thường họp tổ dân phố thì họp ngay tại trong chung cư, nhưng hôm nay, chắc buổi họp quan trọng nên Ban tổ chức là Mặt trận Tổ quốc Phường quyết định thuê phòng họp của Tổ 50.



Trước đó, trong cuộc họp ở cơ quan, nhân viên của anh, những người bị anh “bóc lột” vốn có mâu thuẫn đối kháng với anh (theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê) vẫn bầu cho anh với 100% số phiếu tín nhiệm cao. Có lẽ họ là người hiểu rõ nhất về anh, về con người, lòng nhiệt tình, hành động và tư tưởng của anh.



Khác với những gì chúng tôi được nghe, được đọc, khi đến đây, chúng tôi mới thấy sự thật nó tàn nhẫn hơn nhiều.



Một căn nhà hai tầng, cửa đóng kín mít, một cầu thang hẹp gần cửa ra vào được một đoàn người mặc sắc phục bảo vệ, đeo băng và không đeo băng, gậy gộc giơ loạn xạ ngăn chặn tất cả chúng tôi đứng dưới đường và nhất định không cho ai vào.
Ngạc nhiên, mọi người hỏi lý do, thì bảo vệ cứ một mực “Ai có giấy thì vào, ai không có giấy ra ngoài”.



Bên ngoài, một đoàn người khác, không sắc phục nhưng nhìn rõ thì ai cũng biết là ai, làm loạn lên rằng thì là chúng tôi là cử tri, rằng thì là luật không ai được vào, là thế này, thế khác, thậm chí xỉa xói những người đi cùng chúng tôi.



Đặc biệt, đội ngũ quay phim, chụp ảnh rất đông không phải để quay cảnh tiếp xúc cử tri, mà để quay những cảnh ở trước cửa ra vào bị bảo vệ giơ gậy chặn lại. Không biết ngày mai, VTV có tường thuật lại những hình ảnh này không?
Chúng tôi đề nghị ông Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo giải thích, vì ông cũng là người trong Mặt trận, ông bảo làm thế là không được, luật chỉ quy định những người trong tổ mới bỏ phiếu, không cấm cử tri khác tham dự… Nhưng, tất cả đều bị bỏ ngoài tai.



Chúng tôi không yêu cầu vào cuộc họp mà chúng tôi chỉ muốn vào quan sát, xem cuộc họp như thế nào để may ra sau này có thể tự ứng cử chăng?
Nhưng, ông Chủ tịch Mặt trận Phường và tổ trưởng dân phố thì nhất định phải có giấy mời mới được vào.



Chúng tôi hỏi người công an khu vực: “Anh thấy việc tiếp xúc cử tri mà làm thế này, có đúng không”? anh ta trả lời, tôi không biết, cái đó hỏi ban tổ chức. Một nhân viên bảo vệ giơ gậy tuyên bố “Tôi là bảo vệ ở đây, tôi có quyền cho ai vào thì được vào, không thì không được vào”.



Một đám cô hồn xuất hiện, chỉ tay vào mặt những người đến mong để tham dự cuộc họp và gầm gừ, nhưng tất cả anh em đã không nao núng trước đòn này. Mọi người vẫn bình tĩnh, ôn tồn và đàng hoàng.



Cuối cùng thì những người “có giấy mời” cũng vào nhà qua khung cửa sắt hẹp với một đoàn bảo vệ ngồi bu kín bịt ngang lối vào.



Cuộc họp của những công dân được chọn khá lâu, nội dung cuộc họp là những người cả đời anh Quân chưa hề biết mặt, lại phát biểu và lên án mãnh liệt. Trong khi đó, những người thân, những nhân viên cơ quan… hiểu nhất về anh và những cử tri nhiệt liệt ủng hộ anh thì phải đứng ngoài.



Rốt cuộc thì cũng màn giơ tay, và hầu hết những cử tri được chọn đồng ý loại ứng cử viên này.



Một kết quả không ngoài dự đoán, một cách hành xử không mấy tế nhị. Một người dân ngay trong tổ 64 đứng cạnh chúng tôi, chúng tôi hỏi sao chị không vào họp, chị bảo những người như tôi làm sao được phiếu mời mà vào. Chị nói tiếp: “Chỉ một thời gian nữa thôi các anh ạ, đâu sẽ ra đó, cái mặt nạ mang lâu nó cũng sẽ rơi ra mà thôi”.



Hôm qua, trên truyền hình không thấy đưa cảnh những người đến dự họp thì như thế nào, có phải qua một đoàn bảo vệ với dùi cui, gậy gộc và đám cô hồn như ở đây không? Họ có phải cãi nhau mới được vào gặp mặt và phát biểu ý kiến với người ứng cử hay không? Họ có được chọn để phát giấy mời hay không?








Nếu cũng có những màn này, thì quả là những người được vào họp những cuộc họp đó để phát biểu, ca ngợi ứng cử viên là lãnh đạo xuất sắc, tài tình… và thật vinh dự khi được giơ tay biểu quyết 100%. Cũng thảm thương thay cho những thứ cử tri không được chọn để gặp ứng cử viên quốc hội như thế.



Từng thấy báo chí đưa tin những người tự ứng cử vào Quốc hội đa số đã xin tự rút vì những lý do trời ơi đất hỡi như “không có thời gian” nào là không được tổ dân phố tín nhiệm vì không chào hỏi bà con dân phố, không quét ngõ… và mới đây nhất, một người tự ứng cử ở Hải Phòng cũng đã ra về giữa chừng khi cuộc họp góp ý chưa kết thúc.



Chung quy lại, đã nghe nhiều về những màn đấu tố như Cù Huy Hà Vũ và một số người đã trải qua, khi với lòng nhiệt tình của mình lại đi ứng cử Quốc hội vì nghe đài, báo thông tin mà tưởng bở.



Với Lê Quốc Quân, dù sao lần này cũng là lần để anh hiểu rõ hơn những gì phải đối mặt trong “cuộc chơi Quốc hội” mà anh mê say từ nhiều năm trước và đã mấy lần toan tính ứng cử để mang sức mình phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Cứ tưởng có tài, có sức,có nhiệt tình, tâm huyết là được phục vụ và ai cũng được làm đầy tớ nhân dân sao? Đây quả là sự nhầm lẫn và ngây thơ.



Ra về, gặp tổ trưởng dân phố nơi Lê Quốc Quân ở, tôi nói với anh ta rằng: “Kết quả thì tốt đẹp như dự định, nhưng vỡ diễn hơi vụng anh ạ”. Anh ta bảo rằng: “Tôi có biết gì đâu, cái này do Mặt trận tổ quốc Phường tổ chức đấy chứ”.



Ông Phó chủ tịch UBĐKGC Hà Nội trước khi ra về nói với chúng tôi: “Không biết ai chỉ đạo việc này mà kém thế?”.



Tôi định hỏi ông, với linh mục Phan Khắc Từ được chỉ định vào quốc hội kỳ này và tự xưng là đại diện cho “giới công giáo”(?), không hiểu khi tổ chức cho giáo dân gặp gỡ lấy phiếu tín nhiệm tại Vườn Xoài hoặc khu vực nào để giáo dân góp ý, nhà nước có cần tổ chức kiểu này không?



Và giáo dân nào được tham dự buổi gặp gỡ đó có mạnh dạn thẳng thắn vạch rõ ra những khuất tất trong cuộc sống của ông, những điều không rõ ràng trong lý lịch của ông cũng như đời tư của ông thế nào như ở buổi họp lấy tín nhiệm giáo dân Lê Quốc Quân hôm nay không?



Trước hết, có giáo dân nào tín nhiệm ông, một linh mục tự xưng danh đại diện cho người công giáo, nhưng đã không minh bạch, rõ ràng và nhất là nhiều dư luận đã thẳng thừng chỉ ra ông không còn xứng là linh mục?.



Cũng xin linh mục Phan Khắc Từ đừng kêu gọi thêm những người tự ứng cử nữa, đừng tưởng ai cũng được nhà nước và đảng ưu ái như ông. Để rồi họ phải chứng kiến những màn không đẹp như chúng tôi đã phải chứng kiến hôm nay. Điều đó chỉ càng làm nản lòng những người mong muốn kéo níu chút lòng tin còn sót lại cho cuộc đời họ bớt ảm đạm.



Đi một lần để biết, đến một lần để hay rằng: Cái thứ dân chủ của chúng ta là cái thứ gì.



Hà Nội, ngày 30/3/2011.

Bắc Kinh gia tăng trấn áp để bảo vệ đặc quyền lãnh đạo

Lo ngại phong trào nổi dậy ở các nước Ả Rập tác động đến mình qua mạng internet, Bắc Kinh đã tung ra một chiến dịch đàn áp mạnh chưa từng thấy mà đối tượng là các nhà dân chủ. Vừa sợ hương Hoa Lài vừa e ngại dân chúng bất bình vì nạn tham nhũng và vật giá leo thang, Bắc Kinh tìm cách bảo vệ đặc quyền bằng mọi giá.




Theo bản tin của AFP từ Bắc Kinh thì từ khi xảy ra phong trào nổi dậy tại Tunisia và lan từ Bắc Phi đến Trung Cận Đông, tại Trung Quốc đã có ít nhất 25 nhà dân chủ bị công an bắt giam. Đây là những nhân vật đi tiên phong, dùng mạng internet để kêu gọi tập họp.

Nhiều người khác, nhất là thành phần luật sư, những người viết blog, nếu chưa bị bắt, thì cũng bị giám sát, bị câu lưu, hạch hỏi hoặc bị quản thúc tại gia. Trước cách mạng Hoa Lài, các sinh hoạt phát biểu ý kiến chỉ trích trên mạng tương đối còn được dung thứ.

Theo các hiệp hội nhân quyền quốc tế cũng như của người Trung Quốc thì tình trạng của các nhà nhân quyền và những người phê phán chế độ hiện nay rất khó khăn.

Ông Nicolas Becquelin, thành viên của Human Rights Watch khu vực châu Á thẩm định : "chỉ trong một thời gian ngắn chính quyền đã tàn phá phần lớn những thành tựu mà cả một thế hệ tranh đấu đã thực hiện được".

Thành viên của Hiệp hội Mỹ bảo vệ nhân quyền nhận định thêm là cường độ đàn áp hiện nay phản ánh chính sách "bàn tay sắt" ban hành từ thời kỳ chuẩn bị Thế Vận Hội 2008. Vào thời điểm đó, chính quyền Trung Quốc đánh đổi chiếc vé tổ chức Thế Vận Hội với lời hứa hẹn "cải thiện nhân quyền".

Gọng kềm phản dân chủ đã được biểu hiện qua vụ án Lưu Hiểu Ba, khi vị giáo sư đại học này được chọn trao giải Nobel hòa bình hồi tháng 10 năm ngoái. Tuần này , công an ở các tỉnh Tây Nam Trung Quốc đã truy tố hàng loạt giới ly khai trong đó có những nhân vật đấu tranh kỳ cựu như Nhiễm Vân Phi, Đinh Mậu và Trần Vệ.

Những nhà dân chủ này cũng như ông Lưu Hiểu Ba bị quy tội "âm mưu lật đổ chế độ", một tội danh thường được chính quyền Trung Quốc sử dụng để trừng phạt những tiếng nói phê phán. Tuần trước, một công dân tên Lưu Hiền Bân bị kết án 10 năm tù vì lời kêu gọi dân chủ.

Trong tháng hai, chính quyền đã bắt một loạt luật sư, chuyên gia nhân quyền, dựa vào chính luật của Trung Quốc để bảo vệ dân oan và những nhà dân chủ . Các luật sư Đằng Bưu, Giang Thiên Dũng và Đường Cát Điền bị bắt giam mà không bị truy tố từ giữa tháng hai đến nay.

Hiệp Hội bảo vệ Nhân quyền tại Trung Quốc có cơ sở đặt tại Hồng Kông cho biết là ngày nào cũng có người mất tích, bị dẫn đi, bị giam hay bị truy tố. Đây là đợt đàn áp thô bạo nhất từ 15 năm nay.

Chính quyền đã thẳng tay trừng phạt dân chúng từ khi trên mạng internet có lời kêu gọi tập họp mỗi chủ nhật để phản đối tình trạng tham ô, vật giá leo thang, kẻ giàu càng giàu lên, người nghèo càng nghèo thêm. Những nguyện vọng không khác gì đòi hỏi của người dân Ả Rập.

Trong một bức thư ngỏ kêu gọi biểu tình và gởi Quốc hội Trung Quốc, một tác giả ẩn danh nhấn mạnh "mỗi cá nhân chỉ cần đi ngang qua điểm hẹn cũng đủ làm chế độ độc tài run sợ". Những tổ chức đề xướng "tập họp Hoa lài" yêu cầu một "nền tư pháp độc lập", đòi hỏi chính phủ "chấp nhận để cho dân kiểm soát và đảng Cộng Sản phải ra đi".

"không phải là chế độ Kadhafi nhưng đời sống người dân không được bảo đảm…"

Theo dự báo của nhà nước, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong 5 năm tới giảm từ hơn 10% hiện nay xuống 7%. Trong tháng 1 chỉ số giá cả tăng 4,9%. Thủ tướng Ôn Gia Bão nhìn nhận là nỗi bất mãn trong dân chúng đã tăng cao và chính ông thừa nhận là khó có thể chặn đà lạm phát.

Trong cuộc biểu tình hồi cuối tháng hai tại Thượng Hải, một thanh niên nói với phóng viên Pháp Brice Pedroletti rằng : "người dân đã thấy rõ trong chế độ do đảng Cộng sản cầm quyền, không thể giải quyết được tệ nạn tham ô, móc ngoặc và đời sống đắt đỏ .Tuy không phải là chế độ Kadhafi, nhưng người dân chúng tôi cảm thấy tài sản, cuộc sống không được bảo đảm, không có an ninh".

Cảm thấy bị đe dọa từ nhiều mặt, chính quyền Trung Quốc tăng cường trấn áp bằng bộ máy công an. Tỏ chức Ân xá Quốc tế cho biết không phải chỉ có các nhà ly khai có tiếng tăm mà ngay dân thường vô danh cũng bị sách nhiễu. Mục tiêu của chính quyền là không để vươn lên một thế hệ phản kháng mới.

Nhận định về thái độ của chính quyền Trung Quốc, một nhân vật lãnh đạo tại Á châu có kinh nghiệm và tiếng tâm là ông Lý Quang Diệu tuyên bố như sau hồi tuần qua trên một đài truyền hình Mỹ : "Chế độ tại Bắc Kinh bất cần thế giới nghĩ sao về họ. Điều làm họ quan tâm là sự ổn định của chế độ". Khẩu hiệu "ổn định" cũng đã được các nhà lãnh đạo Ả Rập bị lật đổ hoặc đang bị dân chúng phản đối nhiều lần nhấn mạnh.

Tập đoàn ExxonMobil sẽ bắt đầu thăm dò dầu khí ngoài khơi Việt Nam

Tập đoàn dầu khí Mỹ ExxonMobil sẽ bắt đầu khoan thăm dò ở Biển Đông, ngoài khơi bờ biển Việt Nam kể từ tháng Tư tới, tái khởi động dự án đã làm cho Bắc Kinh giận dữ trước đây. Hãng thông tấn Pháp AFP dẫn thông tin từ tờ báo chính thức của nhà nước, Vietnam News, đã cho biết như trên.




Việc khoan thăm dò sẽ được tiến hành ở bloc 119 ngoài khơi Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Quyết định này đã được đưa ra sau cuộc họp giữa tập đoàn với các viên chức thành phố Đà Nẵng. Tập đoàn ExxonMobile không đưa ra lời bình luận nào.

Xin nhắc lại, vào tháng 7/2008, Bắc Kinh đã yêu cầu ExxonMobil từ bỏ dự án thăm dò trên, đe dọa nếu tiếp tục sẽ ảnh hưởng đến các hợp đồng tương lai của tập đoàn này tại Trung Quốc. Trước đó vào năm 2007, Bắc Kinh cũng đã chỉ trích việc Việt Nam và tập đoàn BP của Anh ký hợp đồng hợp tác dầu khí gần quần đảo Trường Sa.

Ông Ian Storey, chuyên gia về an ninh khu vực thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhận định : « Khó thể biết được Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao. Đây là một thử nghiệm thú vị về việc xung đột sẽ diễn tiến theo hướng nào ».

Bắc Kinh và Hà Nội đang tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ, đặc biệt về chủ trương giải quyết các tranh chấp biên giới trong khu vực trên cơ sở đa phương.

Philippines, Bruney, Malaysia và Đài Loan cũng đòi chủ quyền một phần quần đảo Trường Sa. Mới đây Philippines đã phản đối việc tàu bè của mình bị Hải quân Trung Quốc đe dọa. Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã lên tiếng chỉ trích hành động trấn áp nước khác của Trung Quốc. Cũng theo chuyên gia Ian Storey, thì các tập đoàn dầu khí Mỹ được sự ủng hộ mạnh mẽ của chính phủ Hoa Kỳ.

Chính quyền Việt nam bị tố cáo đàn áp người Thượng Tây nguyên

Trong bản phúc trình công bố hôm nay 31/03/2011, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch khẳng định là chính quyền Việt nam đã gia tăng đàn áp các sắc dân thiểu số ở cao nguyên miền Trung Việt Nam. Những người Thượng theo đạo Tin lành bị cưỡng bách bỏ đạo. Chỉ trong năm 2010, có 70 người bị bắt giam và hiện còn 250 người đang bị tù và bị quy tội vi phạm an ninh quốc gia.




Bản báo cáo dài 45 trang của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch được các hãng tin quốc tế trích dẫn ghi nhận rằng « chính quyền Việt Nam đã gia tăng đàn áp tín đồ Thiên chúa giáo ở Tây Nguyên và ép buộc hàng trăm người bỏ đạo ».

Chính quyền đã dàn dựng những vụ tín đồ từ chối đức tin, giải tán các buổi hội họp cầu nguyện tại tư gia và phong tỏa biên giới để không cho người Thượng chạy sang Cam Bốt lánh nạn. Trong năm 2010 và trong những tháng đầu năm nay , khoảng 70 tín đồ Tin lành Dega mà Hà Nội cho là « vỏ bọc » của một phong trào đòi độc lập bị « an ninh chuyên trách PA43 » phối hợp với công an địa phương xách nhiễu, truy bắt, điều tra, giam giữ. Bên cạnh đó, hiện có 250 người Thượng cũng đang bị giam với tội danh liên quan đến « an ninh quốc gia ».

Bản báo cáo cũng nêu lên lời kể của một nhân chứng đã từng qua trại tù T-20 ở Gia Lai , bị công an uống rượu tra tấn giữa đêm khuya, vỗ vào hai lổ tai làm trào máu, dí roi điện vào đầu gối để trừng phạt tội xuống đường biểu tình. Human Rights Watch cũng dẫn chứng nhiều thông tin của đảng Cộng Sản tại địa phương như báo Gia Lai nói về « Đấu tranh loại trừ Tin Lành Dega » hay bộ đội biên phòng tham gia triệt phá « các nhóm phản động ».

Tổ chức bảo vệ nhân quyền Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt đàn áp , phải công nhận các hội thánh , các nhóm tôn giáo độc lập để họ được tự do theo đạo và thực hành tín ngưỡng.

Ngoài tín đồ Tin lành bị Hà Nội gây khó khăn từ nhiều năm qua, gần đây có một giáo xứ Công giáo , dòng Hà Mòn, cũng trở thành đối tượng trấn áp, bị xem là do cộng đồng người Thượng tỵ nạn tại Mỹ lợi dụng kích động phá hoại « đoàn kết dân tộc ». Chính quyền Việt Nam cho là phần lớn tín đồ Tây nguyên trung thành với chế độ.

Tổ chức Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Mỹ đưa Việt Nam trở lại danh sách đen các nước cần quan tâm về tự do tôn giáo. AFP nhắc lại là hồi đầu thập niên 2000 đã xảy ra nhiều đợt biểu tình đòi tự do tôn giáo và đòi nhà nước trả lại đất đai canh tác. Các cuộc đàn áp sau đó đã làm khoảng 2000 người Thượng chạy sang Cam Bốt tỵ nạn.

Vụ xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ

Văn phòng Luật sư Cù Huy Hà Vũ ở Hà Nội hôm nay đã công bố danh sách đợt ba những người ký tên vào kiến nghị đòi giải oan và trả tự do cho ông Cù Huy Hà Vũ. Danh sách này có chữ ký của 121 người. Cộng thêm với hai đợt đầu, số người ủng hộ kiến nghị này đã vượt quá 400.

Còn Dòng Chúa Cứu Thế, Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, thứ ba vừa thông báo là theo lời yêu cầu của gia đình, Giáo xứ sẽ cử hành hai thánh lễ vào tối thứ bảy 2/4 lúc 19 giờ và tối Chủ nhật 3/4 lúc 20 giờ, tại Đền Mẹ Hằng Cứu Gìúp, để cầu nguyện cho tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, mà theo họ sẽ bị đem ra xử trái pháp luật.

Ông Cù Huy Hà Vũ sẽ bị đem ra xử ngày 4/4 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam », do ông đã có những bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài về vấn đề dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.