Trái với tình hình ở Thái Lan hay Cam Bốt, số người phải sống với HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Theo số liệu mới nhất của cơ quan UNAIDS, có khoảng 280.000 người Việt Nam đang ở trong tình trạng này. Để đảo ngược tình thế, chính quyền Việt Nam bắt đầu tìm cách xóa bỏ hiện tượng kỳ thị những người bị nhiễm HIV. Thông tín viên Lucie Moulin ghi nhận các cố gắng này trong bài phóng sự từ Hà Nội.Trực tiếp trên đài Truyền hình Việt Nam, cô Trần Thị Huệ được bầu làm Hoa hậu HIV đầu tiên của Việt Nam. Đây là một diều chưa từng thấy tại Việt Nam. Vài ngày sau, đến lượt một sự kiện đầu tiên khác : một cuộc triển lãm được mở ra tại Hà Nội để tố cáo các hành vi kỳ thị người bị nhiễm SIDA.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hương, thuộc hiệp hội phi chính phủ đã đứng ra tổ chức cuộc triển lãm này thì các chiến dịch phòng chống trước đây đã để lại nhiều vết tích không hay. Theo bà, các tờ bích chương chống SIDA vẽ hình đầu lâu, sọ người, chẳng hạn, đã nêu bật những cảnh tượng ghê rợn, khiến cho người ta gắn liền những người bị nhiễm HIV với căn bệnh bị cho là khủng khiếp đó. Hồi xưa, những người bị bệnh hủi cũng thế, họ cũng bị gạt ra bên lề xã hội.
Để chống bệnh SIDA, chính quyền Việt Nam cũng dựa trên cộng đồng Phật giáo. Tại chùa Pháp Vân ngay trung tâm Hà Nội, Đại đức Thích Thanh Huân thường xuyên tiếp đón những người bị nhiễm bệnh. Theo anh Cường, 24 tuổi, một người thường tham gia các buổi họp tại chùa, thì những người bị nhiễm virút HIV vẫn chưa được xã hội chấp nhận, đặc biệt là ở thôn quê.
Với chiến lược thông tin tích cực hơn về bệnh Sida, chính quyền Việt Nam hy vọng ổn định được con số người bị nhiễm HIV. Thế nhưng, cũng phải xóa bỏ một vài điều cấm kỵ, Một ví dụ cụ thể : quảng cáo bao cao su vẫn bị cấm trên đài truyền hình.
No comments:
Post a Comment