Thành công
Theo một giáo sư thuộc trường đại học Bloomington, Indiana, Hoa Kỳ, thì một số sinh viên Việt Nam đang học hỏi tại đây, thường đứng đầu nhóm sinh viên quốc tế về thành quả gặt hái được.Từ vùng Bắc Âu, nơi có ít người Việt đến sinh sống, ông Đỗ Duy Huỳnh, Hội Trưởng Hội Cao Niên Người Việt tỵ nạn tại Na Uy giải thích, trước đây người bản xứ chưa hiểu rõ về dân tộc Việt Nam, bây giờ ai cũng thấy là tuổi trẻ Việt Nam, trong đó có những du sinh thành công rực rỡ nơi xứ lạ:
“Ban đầu người Na Uy cứ tưởng dân Việt Nam viết chữ giống như Trung Quốc, Đại Hàn hay Campuchia, nên sinh viên Việt Nam vào đại học khó khăn, hiện giờ trong các trường đại học, trong các sinh viên Việt Nam đã có người làm đến Khoa trưởng, đã có nhiều giáo sư Việt Nam dạy ở những trường đại học nổi tiếng.
Nói về tỷ lệ sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại đây, có rất nhiều bác sĩ, được sĩ. Theo tôi được biết hiện có một số sinh viên Việt Nam được học bổng của Na Uy, họ học rất tài. Ban đầu các em chỉ học lấy bằng kỹ sư, sau khi tốt nghiệp thì có thể học lên và trình luận án tiến sĩ, được nhận tiền trợ cấp thêm.
Có nhiều em học được 7 năm rồi, chưa về Việt Nam, tôi có gặp và tâm sự với các em, vì con tôi cũng dạy trường đại học, qua câu chuyện thì đa số các em muốn học thêm để tiếp thu khoa học, kỹ thuật tại Na Uy, sau này về giúp cho quê nhà.”
Một giáo sư người Mỹ gốc Việt trực tiếp giảng dạy cho các du sinh Việt Nam, từ đại học Maine, Hoa Kỳ, tiến sĩ Ngô Vĩnh Long góp ý về chuyện học hành cùng những sinh hoạt của các em:
“Trường đại học này có rất ít sinh viên Việt Nam, mỗi năm có khoảng 10 hay 12 sinh viên thôi, cũng có em học giỏi, có em học không giỏi. Tôi cũng biết nhiều sinh viên Việt Nam tại các trường khác, có một số học rất giỏi, nhưng một số khác sang đây, vì tình cảnh gia đình của họ, có quan hệ tốt thì được nhận vào học các trường, nhưng không thể nói là đặc biệt giỏi. Những em nào có chuẩn bị sẵn trong nước thì sang đây học tốt.
Có một điều tôi thấy là phần lớn sinh viên Việt Nam học được điểm cao, chú ý học để lấy điểm cao, nhưng họ không nghĩ rằng những năm học đại học là cần tìm hiểu thêm về đất nước mình đang theo học, và tạo quan hệ. Tôi thấy về điều này, sinh viên Việt Nam còn rất yếu, lấy điểm cao nhưng quan hệ với người nước khác, hay với người Mỹ thì yếu chỗ đó.”
Được khen ngợi
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thanh Tùng, từ thủ đô Bruxelles, vương quốc Bỉ cho rằng dù sinh viên Việt Nam học giỏi, được ngợi khen, nhưng cũng không nên tự mãn:“Sinh viên Việt Nam rất hiếu học, điều đó luôn luôn đúng, kiên nhẫn, cố gắng, đúng là sinh viên Việt Nam học giỏi so với sinh viên của thế giới, mình nói vậy thôi, chứ mình đâu có dẫn đầu. Chắc phải sửa lại, luôn luôn mình nói, cái gì xứ mình cũng giỏi hơn thiên hạ, như vậy có thể nói là tự mãn. Tánh khiêm tốn của người làm khoa học thì mình cũng tránh nói cái đó, không nên, vì là tự hào quá độ, dù có giỏi thiệt, cũng không nên nói ra, có vẻ phô trương quá.”Theo bác sĩ Trương Tấn Trung, hiện hành nghề tại Paris, Pháp thì thế hệ trẻ Việt Nam dù, sinh ra lớn lên bên Pháp hay được cấp học bổng từ Việt Nam sang đây học hỏi, đều thành công trong học vấn và trên con đường tiến thân:
“Cái phần đúng là thế nào, các em thuộc thế hệ thứ 2, hoặc sau 1975, ở lại đây, quyết tiến thân khi thấy bậc cha anh có nhiều khó khăn, nên các em có nhiều ý chí, học hỏi, tiến lên, hòa nhập, ở xứ sở mới. Nói chung, đa số đều thành công, hiếm thấy người nào trong thế hệ đó mà thất nghiệp.
Lúc sau này, có một số sinh viên Việt Nam qua đây, gọi là du sinh, do những cơ quan hay tư nhân Pháp cấp học bổng, hoặc cũng có các em gia đình có khả năng, khá giả gởi sang Pháp du học, tự mình đài thọ chi phí. Các em này học hành rất sốt sắng để có bằng cấp về bên nhà được công việc khá. Nói chung, du sinh học hành thành công, ít khi nào thất bại.”
Sinh viên Việt Nam thường được đánh giá là xuất sắc không những về chương trình học vấn, rèn luyện mà trong bất cứ ngành nghề, bộ môn khác như văn hóa, nghệ thuật, thể thao, hay trong lãnh vực quân sự, sinh viên Việt Nam, xưa nay vẫn luôn được ngợi khen về đức tính, phong cách, trí tuệ và đạo đức.
No comments:
Post a Comment