Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Monday, December 27, 2010

Chính sách tiền tệ Việt Nam 'rất lộn xộn'

HÀ NỘI (TH) - Ngân Hàng Nhà Nước VN đã không có chính sách tiền tệ nhất quán và rõ ràng đã dẫn tới quá nhiều nợ xấu cho hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh cũng như nạn lạm phát phi mã đang làm cho nhân dân khốn đốn.

“Các chính sách (tài chính) rất lộn xộn trong năm 2010” đã ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế, Võ Trí Thành, phó viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương của Hà Nội nói như vậy trong cuộc điều trần hiếm hoi của Nguyễn Văn Giàu, thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, tại Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội hôm Thứ Bảy 25 tháng 12, 2010.
Ðây là một hình thức điều trần ở Quốc Hội rất phổ biến ở Hoa Kỳ mới thấy áp dụng ở Việt Nam không phải ở các khóa họp.
Ông Giàu trả lời rằng các chính sách tài chính được đưa ra “không gây ra lạm phát...” dù thừa nhận “những căng thảng về lãi suất trong thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống kinh tế,” theo sự tường thuật của VNExpress.
Theo sự tường thuật của hãng tin tài chính Bloomberg News, ở cuộc điều trần nói trên, ông Võ Trí Thành chỉ trích rằng sự thiếu nhất quán của chính sách điều hành tiền tệ và ngoại hối của Ngân Hàng Nhà Nước ảnh hưởng đến độ tin cậy về chính sách của các giới kinh doanh và đầu tư.
Lãi suất ký thác và tín dụng ở Việt Nam gia tăng theo cung cách “phức tạp” nhất là trong hai tháng qua, theo lời ông Hà Văn Hiền, chủ tịch Ủy Ban Kinh Tế của Quốc Hội, nói trong cuộc họp. Một số ngân hàng từng tăng lãi suất ký thác lên đến 18% nhằm thu hút tiền đồng, hồi tháng 11, tờ Thời báo Kinh Tế Việt Nam nói ngày 8 tháng 12, 2010.
Nhà cầm quyền Hà Nội tìm cách đối phó với lạm phát tăng nhanh những tháng cuối năm nhưng lại vẫn cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để có các con số thống kê đẹp đẽ làm thành tích khoe trong đại hội đảng. Hệ quả, giá thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu gia tăng vùn vụt trong khi đồng bạc thì cũng mất giá nhanh chóng.
Lạm phát trong tháng 12, 2010 lên đến 11.75%, mức độ lạm phát cao nhất trong suốt cả năm nay và cũng là mức cao nhất kể từ tháng 2, 2009. Chịu đựng không nổi, hàng chục ngàn công nhân đã đình công ở các tỉnh Bình Dương và Ðồng Nai.
“Nhà nước có vẻ như đã không theo các nguyên tắc dùng chính sách tiền tệ để kềm chế lạm phát.” Trần Du Lịch, một chuyên viên kinh tế và cũng là thành viên của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội lên tiếng chỉ trích.
Những gì ông Võ Trí Thành cũng như Trần Du Lịch nói ra cũng chỉ là lập lại những khuyến cáo, lời phê bình của chuyên viên kinh tế tài chính những tháng gần đây đối với nền kinh tế Việt Nam.
Tổ chức tham vấn đầu tư Moody's Investors Service ngày 15 tháng 12, 2010 đã hạ thấp hạng của Việt Nam trên bảng thang điểm ngoại hối từ B1 xuống còn Ba3, viện dẫn lý do khủng hoảng cán cân chi trả ngoại quốc cũng như dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã xuống quá thấp. Moody's cũng hạ thấp vị thế trên bảng thang điểm đánh giá tập đoàn Vinashin và các ngân hàng của Việt Nam, vì đống công nợ “khó đòi” của Vinashin đè trên hệ thống ngân hàng quốc doanh.
Hậu quả tất nhiên là chi phí vay nợ ngoại quốc của Việt Nam sẽ tốn kém hơn nhiều, nếu còn được người ta cho vay.
Trong cuộc điều trần nói trên, ông Giàu cho hay nợ xấu mà hệ thống ngân hàng quốc doanh đang phải ôm chiếm 2.5% tín dụng. Riêng nợ xấu gây ra bởi Vinashin đã chiếm tới 0.7% hay 26 tỉ đồng (tương đương lối $1.3 tỉ USD).
Tổng số tín dụng mà hệ thống ngân hàng nội địa cung cấp chiếm 27.65%. Các định chế tài trợ quốc tế đều khuyến cáo siết chặt tín dụng xuống bên dưới 20% hay thấp hơn để chống lạm phát.
Chế độ Hà Nội đã phá giá đồng bạc 3 lần kể từ tháng 11, 2009 đến nay. Nhiều chuyên gia quốc tế tin rằng, giờ này, Hà Nội đã phải phá giá tiền lần nữa rồi, nhưng vì lý do chính trị, mà phải ráng nín đến sau Tết Tân Mão và cũng là sau đại hội đảng.
Thay vì tăng giá xăng dầu theo nhịp giá đầu thế giới, Hà Nội đã phải trợ giá cho sản phẩm xăng dầu nhập cảng bằng cách hạ thuế nhập cảng. Nếu xăng tăng giá, mọi loại hàng hóa, thực phẩm và dịch vụ vùn vụt tăng theo. Sự phẫn uất, kêu ca của đám đông quần chúng nghèo khổ vốn dĩ đã phải thắt lưng buộc bụng, không biết sẽ dẫn đến đâu vào dịp đại hội đảng gần đến là điều Hà Nội không muốn xảy ra.
Từ ngày 1 tháng 12, 2010, thuế nhập cảng xăng giảm từ 17% xuống còn 12%, dầu diesel từ 10% xuồng còn 5%. Nhưng đến 23 tháng 12 thì giảm thuế dầu diesel thêm, từ 5% xuống còn 2%. Giảm thuế dầu hôi (kerosene từ 10% xuống còn 4%), xăng máy bay từ 12% xuống còn 6%.

No comments:

Post a Comment