Chấn thương sọ não do đội mũ bảo hiểm thiếu chất lượng
Theo báo cáo từ Bộ Y Tế Việt Nam, tỷ lệ chấn thương sọ não từ những vụ tai nạn giao thông, mà người đi xe gắn máy có đội mũ bảo hiểm nhưng không đạt chất lượng và tiêu chuẩn an toàn, là gần 16%.
Báo cáo cũng nói đó là do ý thức người sử dụng chưa cao nên cần được cảnh giác nhiều hơn.
Từ giữa năm 2007, Việt Nam ban hành nghị quyết 32 người đi xe gắn máy phải đội mũ bảo hiểm. Khi qui định chính thức có hiệu lực cuối 2007, 98% người đi xe gắn máy có mũ bảo hiểm so với chỉ ba hoặc bốn phần trăm trước đó.
Tính đến cuối 2008, tỷ lệ tử vong vì tai nạn xe cộ giảm hơn 12%, tỷ lệ chấn thương sọ não trong tai nạn giao thông giảm 24%.
Có thể nói mô tô hoặc xe gắn máy vẫn là phương tiện lưu thông phổ biến nhất trong nước. Trong những dịp lễ hội hay Tết nhất, tai nạn giao thông thường tăng vọt bởi tình trạng say rượu lái xe, lái ẩu, bị xe khác tông phải, đua xe trên đường vân vân…
Số liệu của Bộ Y Tế cho thấy cứ trong một trăm vụ tai nạn xe cộ thì gần mười sáu vụ bị chấn thương sọ não do người chạy xe đội mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn chất lượng và an toàn.
Ham rẻ
Theo nhận định của các cơ quan chức năng Việt Nam, việc sử dụng mũ bảo hiểm không an toàn phát sinh từ ý thức chưa cao, chuộng giá rẻ mà không đặt nặng vấn đề an toàn như một điều kiện cần thiết.
Không chỉ Bộ Y Tế , các cơ quan chức năng khác như Bộ Khoa Học Công Nghệ hay Tổng Cục Đo Lường Chất Lượng Việt Nam, cũng nhiều lần khuyến cáo chuyện những loại mũ bảo hiểm kém chất lượng bày bán ở nhiều nơi trong thành phố.
Cô Hoàng Thị Na Hương, phó giám đốc điều hành Quĩ Phòng Chống Thương Vong Châu Á, một tổ chức phi chính phủ từ nước ngoài, chuyên hỗ trợ và vận động tích cực việc người người đội mũ bảo hiểm khi chạy xe gắn máy, cũng là phó tổng giám đốc công ty sản xuất mũ bảo hiểm Protec ở Hà Nội, cho biết:
“Trên những vỉa hè lòng đường ở các thành phố người ta vẫn bán những loại mũ bảo hiểm chỉ có giá ba mươi nghìn. Với giá như thế thì chắc chắn là chất lượng không đạt yêu cầu rồi.
Qui chuẩn QCVN 2:2008, do Bộ Khoa Học Và Công Nghệ ban hành, đưa ra những tiêu chuẩn cho nhà sản xuất, qui định với mũ một phần hai thì yêu cầu về độ va đập, độ đâm xuyên cũng như quai đeo của mũ, độ ổn định của mũ, đều rất là rõ ràng.
Tuy nhiên trong quá trình sản xuất thì đã có những đơn vị sản xuất không chú trọng. Trong công tác thử mũ thì hệ thống máy móc ở tại bên mình cũng chưa phổ biến để bất kỳ lúc nào nhà sản xuất muốn thử nghiệm chất lượng thì đều thử được. Thế thì vấn đề tất nhiên là trách nhiệm của những nhà sản xuất, trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhưng mà chính những người tiêu dùng đã tiếp tay cho những sản phẩm này được bầy bán trên thị trường.”
Vẫn theo lời cô Na Hương, nếu người tiêu dùng đọc kỹ những khuyến cáo từ chính phủ, từ các phương tiện thông tin báo chí, đọc kỹ những hướng dẫn của những thương hiệu mũ bảo hiểm đã đạt tiêu chuẩn tại Việt Nam thì họ sẽ không bao giờ đồng ý mua những nón bảo hiểm với giá ba mươi nghìn đồng mà hoàn toàn không đạt chất lượng.
Thực ra không phải người trong nước thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về tầm quan trọng và độ an toàn cần thiết của mũ bảo hiểm cho mình và cho con cái, song thực tế cũng không thiếu những người đội mũ an toàn chỉ với mục đích đối phó với cảnh sát giao thông hơn là bảo vệ tính mạng của mình và của con em mình.
Thực tế cũng cho thấy vì không tin tưởng nơi chất lượng của những nón bảo hiểm bán trên hè phố, nhiều người khi đi du lịch qua Thái Lan hay Singapore chẳng hạn, đã mua về những chiếc mũ bảo hiểm trông thật kiên cố, trong lúc ở nhà cũng có những công ty sản xuất có chất lượng và độ an toàn cao.
Cách kiểm tra mũ bảo hiểm đạt chuẩn
Vẫn cô Na Hương, phó tổng giám đốc công ty sản xuất mũ bảo hiểm Protec, nói rằng sản phẩm đạt chuẩn phải có tem CR của Tổng Cục Đo Lường Chất Lượng Việt Nam.
“Trên mũ phải ghi rõ nguồn gốc xuất xứ của nhà sản xuất, để những gì người tiêu dùng thắc mắc thì có thể liên hệ.
Ngoài ra, liên quan đến nguyên vật liệu của mũ thì khách hàng cần kiểm tra lớp EPS ở phía trong. Lớp EPS ở phía trong là thành phần quan trọng nhất của chiếc mũ bảo hiểm, giúp hấp thụ lực xung động khi xảy ra sự va đập. Người tiêu dùng phải kiểm tra lớp xốp có độ bóng mịn và chắc, đảm bảo độ ghì chặt an toàn.
Còn khóa mũ và bề ngoài của mũ thì có thể nhìn và đánh giá chứ không nhất thiết phải thử nghiệm. Tuy nhiên để có cảm giác thoải mái thì dây quai mũ phải có bộ phận điều chỉnh được cho phù hợp với khuôn mặt cũng như cái dạng đầu của mình chứ không phải mua như thế nào thì đội như thế ấy luôn. Qui chuẩn QCVN2: 2008 cũng đã có qui định về phép thử rất rõ ràng để đảm bảo cái khóa mũ đấy đạt chuẩn.”
Sau ba năm luật về người chạy xe gắn máy phải có mũ bảo hiểm được ban hành thì số lượng thiếu nhi đội mũ bảo hiểm xem ra còn thấp. Theo kết quả thăm dò mới rồi của Quĩ Phòng Chống Thương Vong Châu Á, trung bình 30% trẻ em thành phố từ sáu đến mười bốn tuổi có đội mũ bảo hiểm khi được chở trên xe gắn máy. Tại thôn quê thì trung bình chỉ 18% mà thôi.
Những số liệu về tử vong hay thương vong do tai nạn xe cộ, đặc biệt bị chấn thương sọ não do chạy xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm hoặc có đội nhưng nón không đúng tiêu chuẩn, vẫn được cập nhật thường xuyên. Tại Việt Nam, cơ quan được chỉ định để thu thập những số liệu này là Bộ Công An phối hợp cùng Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia.
Tưởng cần biết 70% các vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam đến từ người chạy xe mô tô hay xe máy, 88,14% thiệt mạng do chấn thương sọ não.
Mỗi năm bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh nhận ba chục ngàn ca chấn thương sọ não trong tai nạn xe. Trung bình mỗi năm từ một ngàn tư đến một ngàn sáu trăm người chết tại bệnh viện do bị xe tông gây thương tích ở đầu.
No comments:
Post a Comment