Giá lúa tăng...
Những ngày cuối năm, Tổng cục Thống kê Việt Nam công bố mức tăng giá tiêu dùng CPI, cho thấy lạm phát cả năm 2010 là 11,75% so với cùng kỳ năm 2009. Nếu so với kết quả tăng trưởng GDP tổng sản phẩm nội địa ước đạt gần 7% thì rõ ràng con ngựa lạm phát bất kham đã vượt quá xa.Cùng với những đánh giá như thế, lần đầu tiên trong lịch sử nông nghiệp của mình, Việt Nam xuất khẩu tới 6 triệu 880 ngàn tấn gạo trị giá 3 tỷ 230 triệu USD, đạt kỷ lục cao nhất trong hai thập niên vừa qua. Thông tin này do Trung tâm Tin học và Thống kê Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn công bố cho báo chí.
Thành quả đầy ấn tượng này được Bộ NN-PTNT tính toán tăng 15,4% về số lượng và hơn 21% về giá trị cùng kỳ năm ngoái. Tuy xuất khẩu nhiều, giá bán cũng tăng nhưng người nông dân là thành phần hưởng lợi ít nhất trong cả chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu gạo. Phần lợi nhuận lớn nhất nằm trong tay các doanh nghiệp xuất khẩu và các khâu trung gian, từ khi hạt lúa rời khỏi đồng ruộng cho đến khi được xay xát vô bao và xuống tàu ra nước ngoài.
Với lạm phát gần 12%, nông dân thành phần nghèo và dễ bị tổn thương nhất của xã hội đã phải chống đỡ với cơn bão giá bủa vây mình. Một nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Vật giá tất cả đều tăng, giá lúa cũng tăng so với năm rồi và các năm trước, nhưng tôi thấy thu nhập của mình vẫn vậy. Bán lúa được nhiều tiền hơn nhưng khi mua lại các thứ cũng cao hơn. Cụ thể phân bón tăng khoảng gần 30%, có một số loại phân tăng trên 30%, thuốc sâu thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 20% đến 30%. Cuộc sống bây giờ khó khăn vật giá cái gì cũng lên hết kể cả con cái đi học, tiền học phí tiền mua sách, tất cả mọi thứ linh tinh đều tăng.”
... nông dân vẫn nghèo
Người nông dân chúng tôi hỏi chuyện may mắn hơn xóm giềng vì gia đình ông đã bỏ công khai phá đất đai từ hàng chục năm trước, diện tích canh tác được vài héc-ta. Đối với đại đa số nông dân, những người có ít ruộng đất, chỉ làm từ vài công tới một héc-ta thì cuộc sống bị cuốn vào vòng xoáy của bão giá:“Những người nhiều ruộng đất tuy thu nhập thực tế giảm nhưng vẫn sống được. Còn những người đất ruộng ít cuộc sống khó khăn nhiều hơn những năm trước đây. Thí dụ đi làm mướn trước đây khoảng 60 ngàn một ngày, nhân công lao động bây giờ 100 ngàn một ngày thì chi phí hết cho cuộc sống một ngày. Thanh niên bỏ lên Saigon, Bình Dương vào làm nhân công trong nhà máy, lao động ở vùng quê bây giờ ít lắm.”
Nhận định về tình trạng vật giá gia tăng ảnh hưởng đời sống và sản xuất của nông dân, đặc biệt là vật tư nông nghiệp đầu vào, TS Phạm Văn Dư Cục phó Cục Trồng trọt nhận định:
“Chỉ số trượt giá được thông báo rồi, ai cũng biết điều đó, riêng đối với bà con nông dân tôi nghĩ là tương đối sẽ khó khăn một chút, đặc biệt là vật tư phân bón thuốc trừ sâu … nhưng tôi nghĩ vấn đề này hiện nay chưa phải là cái lớn lắm vì mức giá vẫn trong vòng kiểm soát. Về các vấn đề khác tôi nghĩ là theo tình hình chung thôi, Việt Nam cũng như các nước khác. Tuy nhiên giá lúa thì cao nhất so với từ trước đến nay điều này giúp cho bà con nông dân vẫn giữ được lợi nhuận cao.”
Năm nay sản xuất lúa của cả nước đạt 40 triệu tấn, trong đó đồng bằng sông Cửu Long đạt một nửa tổng sản lượng. Người nông dân 13 tỉnh thành miền Tây Nam bộ đầu tắt mặt tối, mỗi năm canh tác từ 2 tới 3 vụ lúa góp phần vào 90% sản lượng gạo xuất khẩu, nhắn gởi tới chính phủ những ý nguyện nhỏ nhoi nhưng xem ra khó thực hiện:
“Người nông dân lúc nào cũng trông đợi Nhà nước đảm bảo giá lúa cao, ngoài ra chính phủ phải kiềm chế lạm phát để cho vật giá đừng tăng mà đặc biệt là phân bón và thuốc trừ sâu. Người nông dân chỉ có bao nhiêu đó thôi.” Những lời than thở của nông dân là sự phản ảnh trung thực từ thực tế đồng ruộng và cuộc sống, điều mà Hội Nông dân Việt Nam mô tả trên trang mạng của mình là bão giá và hệ lụy làm cho nông dân bị cuốn vào vòng xoáy luẩn quẩn.
No comments:
Post a Comment