Sắp tới đây trong lễ bế mạc Năm Thánh tại La Vang, một nghi thức thuần túy tôn giáo nhưng nghe đâu Chủ tịch nước hay Thủ tướng sẽ đến đọc diễn văn trong dịp này. Đây là một việc làm quái lạ chưa từng có. Trong một buổi lễ thuần túy tôn giáo, nhà cầm quyền có thể được mời nhưng chỉ đến tham dự chứ không được phát biểu gì. Có phải họ muốn chứng tỏ rằng Giáo hội Việt Nam đã hoàn toàn thần phục chế độ toàn trị? Hay là họ đang muốn biến đạo Công giáo thành một thứ tôn giáo “lễ hội” như nhận định của Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh?
Theo lịch Phụng vụ của Giáo hội, Chúa nhật tới đây là lễ Hiển linh mà trước kia thường được gọi là lễ Ba Vua. Bài Tin Mừng của Chuá nhật lễ Hiển linh được Thánh Matthêu kể lại như sau:
Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.
Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.
Bài Tin mừng trên đây phản ảnh rõ nét tình hình của Giáo hội Việt Nam hôm nay.
Xưa kia các nhà đạo sĩ tuy là những người ngoại đạo nhưng đã bất chấp xa xôi cách trở, bất chấp bao khó khăn nhọc nhằn, cùng nhau lên đường tìm kiếm và họ đã gặp được Đấng Cứu Thế. Trong khi đó vua Hêrôđê và những người có đạo thì lại chẳng biết Đấng cứu tinh đang ở giữa họ. Ngày nay cũng vậy biết bao nhiêu người đã trở thành người Kitô hữu nhưng lại tỏ ra thờ ơ không biết rằng mình có diễm phúc được làm con cái Chúa. Trong lúc hàng năm có đến hàng ngàn hàng vạn người trở thành Kitô hữu thì có biết bao nhiêu người Công giáo lại xa nhà thờ, biếng nhác việc đạo, không những không thực hành mà còn đi ngược lại lời giáo huấn của Chúa.
Tôi đọc được trong một bài suy niệm một câu nói có vẻ nghịch lý của linh mục Kard Rahner, một nhà thần học như thế này “Có những Kitô hữu ‘ngoại đạo’, trái lại có những người bên lương mà lại ‘có đạo’”.
Kitô hữu mà “ngọai đạo” là những người chỉ theo Chúa bề ngoài, chỉ nói về Chúa ngoài môi ngoài miệng còn trong thâm tâm của họ thì chẳng hề có Chúa. Loại người này ở đâu cũng có và không phải chỉ ở trong hàng ngũ những giáo dân bình thường mà ở ngay cả trong hàng ngũ những vị có vai vế trong Giáo hội.
Những người bên lương mà lại “có đạo” là những người không hề biết Chúa hoặc biết nhưng chưa trở thành Kitô hữu nhưng việc làm của họ lại đi đúng theo đường lối của Chúa. Họ không toan tính, không cầu an, không chỉ nghĩ đến cái lợi riêng cho bản thân mình. Họ không cúi đầu trước bạo quyền, không thỏa hiệp với tội ác. Họ không sợ gian khổ. Họ chấp nhận tất cả những bất lợi, những thiệt thòi về phần mình để đứng về phía người nghèo, người cô thế, người bị áp bức bóc lột. Họ dám lên tiếng chống lại bất công, dám đòi hỏi công lý và lẽ phải. Họ thực sự phục vụ tha nhân. Những mẫu người đáng ngưỡng mộ đó đã xuất hiện không ít tại Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Xưa kia các nhà đạo sĩ từ những xứ sở khác nhau đã cùng đi chung với nhau. Họ đồng một lòng ra đi với cùng một quyết tâm, cùng nhắm một mục đích tìm đến vị vua trên hết các vua. Ngày nay những người trong cùng một Giáo hội lại không thể đồng lòng, thiếu đùm bọc nhau, “đồng cảm nhưng không đồng thuận” khiến cho những tiếng nói công chính đã bị dập tắt ngay khi vừa cất lên. Và cũng chính vì không có được sự đồng tâm như các nhà đạo sĩ mà các chủ chăn không có cùng một hướng đi khiến cho Giáo hội Việt Nam lâm vào cảnh phân rẽ cách đáng lo ngại như hiện nay.
Trong Giáo hội có những người chủ trương đi theo con đường “Phúc âm – Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội” với ý định ly khai khỏi giáo hội “Duy nhất – Thánh thiện – Công giáo và Tông truyền”. Chủ trương ly khai này dĩ nhiên chẳng được người Công giáo chân chính nào chấp nhận. Thế nhưng Giáo hội Việt Nam vẩn còn bị quấy nhiễu bởi cái tổ chức Ủy Ban “Đàn két”. Một sự thật “thực” đáng buồn là cái tổ chức này vì được sự bao che công khai hoặc ngấm ngầm của một số chức sắc nên nó vẫn còn có thể tồn tại để phá hoại Giáo hội.
Xưa kia các đại giáo trưởng và các luật sĩ là những người am tường Thánh Kinh, biết rất rõ lời của các tiên tri đã chép. Có lẽ họ thuộc làu làu từng câu, từng đoạn trong Kinh Thánh bằng chứng là khi Hêrôđê vừa hỏi tới thì họ lập tức bẩm báo rành rọt rằng Đấng Cứu Thế sinh ra tại Bêlem xứ Giuđa. Thế nhưng cho đến khi các nhà đạo sĩ đã tìm được đến nơi hài nhi hạ sinh thì họ vẫn mù tịt, chẳng biết đích xác hài nhi đang hiện diện ở nơi nào. Họ là những người chỉ giỏi lý thuyết, chỉ là con mọt sách chứ không biết áp dụng những hiểu biết của mình trong cuộc sống.
Ngày nay cũng vậy, có nhiều “đại giáo trưởng và luật sĩ” tinh thông lời Chúa. Nhưng đáng tiếc là lời Chúa chưa thực sư thấm nhập vào tim óc để họ đem ra thực hành trong đời sống. Họ nói rất hay, giảng trong nhà thờ rất hùng hồn nhưng những lời giảng dạy và việc làm của họ lại là một khoảng cách một trời một vực. Các mục tử, “Chúa Giêsu thứ hai” lẽ ra phải mang hình ảnh của Chúa Giêsu là hiền lành và khiêm nhường nhưng lời nói và việc làm của một số mục tử đã tạo ra cái hố ngăn cách giữa chủ chăn và con chiên. Đã có những lời than phiền của giáo dân về thái độ hống hách của chủ chăn. Đã có những linh mục sợ Giám mục đến nỗi không dám ghé vào tòa giám mục. Vậy đâu là hiền lành và khiêm nhường như Chúa Giêsu đã dạy?
Cũng có vị chủ chăn có vẻ rất hăng hái với công việc truyền giáo đã sáng chế ra những kiểu mục vụ rất lạ để cống hiến cho công việc truyền giáo. Thế nhưng chính vị đó lại đồng lõa trước âm mưu xóa sổ một xứ đạo đã có lịch sử cả trăm năm. Chắc chắn các mục tử đã nhiều lần giảng dạy về bác ái yêu thương, về việc bênh vực người cô thế . Nhưng khi con chiên bị đàn áp, bị khủng bố đến hoảng loạn thì chẳng hề nói được một lời bênh đỡ lại còn hùa với bạo quyền lên án con chiên của mình. Hành xử với con chiên như vậy mà còn dám mạnh miệng nói đến truyền giáo? không biết truyền giáo cho ai đây?
Tôi còn nhớ cách nay đã khá lâu, trong một dịp đến Sài gòn, tôi được hai người bạn dẫn đi nghe giảng ở nhà thờ Đức Bà. Chúng tôi đều mãn nguyện với bài giảng hôm đó. Sau thánh lễ người ta phát ra bản tóm tắt nội dung của bài giảng. Ba người chúng tôi chỉ nhận được một bản cho nên ba anh em đã phải cuốc bộ qua mấy con phố mới tìm được tiệm photo copy sao thêm hai bản để mỗi người có được một bản. Tôi đã đem bản tóm tắt bài giảng hôm đó sang Mỹ và giữ mãi cho đến cách đây ít lâu khi nghe cũng vị giảng thuyết hôm đó “chửi” trang Nữ Vương Công Lý. Nghe những lời lẽ cao ngạo, không một chút khiêm nhường và bác ái khiến tôi qúa thất vọng. Thì ra giảng thuyết là một việc còn thực hành lời giảng lại là việc khác. Đúng là tin đạo chứ đừng làm theo người giảng đạo.
Xưa kia Hêrôđê xảo quyệt và độc ác. Ngoài miệng ông ta nài nỉ ba nhà đạo sĩ khi tìm được nơi haì nhi sinh ra thi báo cho ông ta biết để ông ta cũng đến triều bái Người nhưng thực tế ông ta đang âm mưu một việc khác. Và vì không tìm được hài nhi mới sinh và vì lo sợ mất ngai vàng ông ta đã ra lệnh tàn sát bao nhiêu trẻ thơ vô tội.
Hêrôđê ngày nay chính là bạo quyền đang nắm quyền sinh sát nhân dân Việt Nam. Họ gian manh và tàn ác chẳng khác Hêrôđê ngày xưa. Chỉ vì quyền lợi của phe nhóm họ đã bất chấp ngay cả những thủ đoạn đê hèn nhằm đạt cho bằng được ý đồ của họ. Họ đã gây nên bao nhiêu tội ác khi cướp đất đai tài sản của người dân thấp cổ bé miệng, xô đẩy người dân vào cảnh bần hàn. Họ đã cưỡng đoạt bao nhiêu cơ sở vật chất của các tôn giáo để làm giàu cho bản thân. Họ đã thẳng tay đàn áp, đánh đập tàn nhẫn, không nương tay ngay cả với người gìa, phụ nữ và trẻ con .
Thâm độc không kém Hêrôđê khi ngoài miệng họ nói ngon nói ngọt, ra vẻ đề cao người Công giáo chẳng hạn họ nói người Công giáo đã “đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đã “thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước”, “đất nước chúng ta đang trên con đường hội nhập quốc tế đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, trong đó có phần đóng góp tích cực của đồng bào Công giáo.”, “Những thành tích đồng bào Công giáo đạt được trên nhiều lĩnh vực được Đảng, Chính phủ và đồng bào cả nước ghi nhận, đánh giá cao” vân vân và vân vân.
Thế nhưng trên thực tế họ chỉ coi người Công giáo là công dân hạng hai và luôn nghi ngờ. Cho tới bây giờ mà vẫn còn nhiều nơi người Công giáo bị ngăn cản, gây khó dễ trong việc hành đạo vả giữ đạo. Chỉ mới đây thôi tại Kontum khi Giám mục đến dâng lễ cho giáo dân, nhà cầm quyền địa phương đã không cho tập trung khoảng 40 gia đình Công giáo với lý luận chầy cối rằng “Giám mục có quyền dâng lễ, nhưng mỗi nhà một lễ, mỗi lễ không qúa 1 tiếng đồng hồ”. Họ hô hào người Công giáo “đồng hành với dân tộc” nhưng họ luôn đố kỵ và trù dập không cho người Công giáo ngóc đầu lên. Đồng hành cái kiểu đó như nhận định của một đại biểu tham dự ĐHDC “Cùng đi mà bị trói tay, buộc chân tức là bị ‘dẫn độ’ chứ không phải đồng hành”.
Thâm độc còn hơn Hêrôđê khi họ dùng chính người có đạo để phá đạo. Nhóm quốc doanh được họ nuôi dưỡng và điều khiển đang là mũi dao nhọn đâm vào Giáo hội. Nhóm này được sự hậu thuẫn của nhà cầm quyền vừa gửi một thông điệp Giáng sinh như muốn thay thế tiếng nói của Giáo hội Việt Nam mà theo nhận định của Asia News thì đó chính là “báo hiệu cho một làn sóng các nỗ lực mới của Hà Nội nhằm hiện thực hóa khao khát khôn nguôi của họ là nắm được Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.”
Sắp tới đây trong lễ bế mạc Năm Thánh tại La Vang, một nghi thức thuần túy tôn giáo nhưng nghe đâu Chủ tịch nước hay Thủ tướng sẽ đến đọc diễn văn trong dịp này. Đây là một việc làm quái lạ chưa từng có. Trong một buổi lễ thuần túy tôn giáo, nhà cầm quyền có thể được mời nhưng chỉ đến tham dự chứ không được phát biểu gì. Có phải họ muốn chứng tỏ rằng Giáo hội Việt Nam đã hoàn toàn thần phục chế độ toàn trị? Hay là họ đang muốn biến đạo Công giáo thành một thứ tôn giáo “lễ hội” như nhận định của Linh mục Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh?
Bạo quyền đã, đang và sẽ còn gây nhiều khó khăn cho Giáo hội. Họ sẽ còn bày ra nhiều mưu ma chước qủy nhằm khống chế để đưa Giáo hội đi theo con đường do họ vạch ra. Nhưng rồi cũng sẽ như xưa kia, mưu đồ của Hêrôđê đã không thành khi các nhà đạo sĩ được báo mộng không trở lại với tên bạo chúa. Khi Thiên Chúa ra tay can thiệp thì qủy hỏa ngục cũng không làm gì được Giáo hội. Giáo hội của Chúa sẽ trường tồn.
Lại Thế Lãng
No comments:
Post a Comment