Bản tin báo Thanh Niên hôm Chủ Nhật cho hay: “Sáng 25 tháng 12, 2010, Phòng An Ninh Kinh Tế, công an tỉnh Ðồng Nai đã tạm giữ hình sự N.C.B (SN 1987, ngụ tỉnh Nghệ An, tạm trú P. Long Bình, TP Biên Hòa) để làm rõ hành vi kích động công nhân đình công.”
Báo Thanh Niên nói: “Theo điều tra ban đầu, B. làm công nhân tại công ty TNHH Namyang (100% vốn nước ngoài, đóng tại KCN Amata, P. Long Bình, TP Biên Hòa). Ngày 23 tháng 12, B. soạn đơn rồi photocopy khoảng 200 bản nhờ người rải trong và ngoài công ty Namyang để kích động công nhân, dẫn đến khoảng 4,000 người ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi.”
Theo nguồn tin này: “Lợi dụng việc đình công, nhiều kẻ quá khích đã vào công ty Namyang đập phá, gây mất an ninh trật tự.”
Công nhân công ty Namyang vốn Hàn Quốc đã từng đình công nhiều lần trước đây để đòi tăng lương.
Ngoài công nhân các công ty TaeKwang Vina, Namyang từ ngày 23 tháng 12, 2010 với hơn 20,000 công nhân tham gia, hơn 300 công nhân công ty TNHH Great Super (chuyên may áo thun, vốn Ðài Loan ), đóng tại KCN Suối Tre, xã Suối Tre, thị xã Long Khánh (Ðồng Nai) cũng đã đình công đòi tăng lương từ ngày 24 tháng 12, 2010.
Việc bắt giữ công nhân nói trên rập cùng một khuôn với các vụ bắt giữ những người bị tình nghi cầm đầu các vụ khiếu kiện đất đai, hay các chuyện chống đối khác ở Việt Nam . Những người này thường bị qui chụp cho các tội danh xúi giục hay cầm đầu chống đối với các án tù nặng nề.
Luật lệ CSVN tròng tréo nên không thể không có biểu tình, khiếu kiện hay đình công nếu không phải do nhà nước cầm đầu dù Hiến Pháp xác nhận quyền đình công, tự do hội họp, tự do biểu tình, lập hội.
Ngày 27 tháng 10, 2010 vừa qua các ông Ðoàn Huy Chương, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Ðỗ Thị Minh Hạnh đã bị các bản án tù mỗi người từ 7 năm đến 9 năm tù chỉ vì vận động thành lập công đoàn độc lập.
Hệ thống công đoàn ở Việt Nam là do đảng CSVN thành lập và hoạt động theo nhu cầu của đảng, không bảo vệ quyền lợi của công nhân nên hầu như các cuộc đình công tự phát từ chính ý thức quyền lợi của người công nhân đều bị coi là “trái pháp luật.”
No comments:
Post a Comment