Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, December 29, 2010

Học sinh sinh viên mệt mỏi với bảo hiểm y tế

Người dân cả nước nói chung, Sài Gòn nói riêng, ai ai cũng từng là nạn nhân của sự đối xử tệ hại và khám chữa bệnh qua loa, từ những thẻ bảo hiểm y tế, tại các cơ sở, trung tâm y tế, bệnh viện.
Chủ ý của bài ghi nhận này, chúng tôi muốn nói tới thực tế trong giới học sinh-sinh viên với chính sách bảo hiểm y tế của nhà nước, một thực tế đáng phàn nàn, học sinh-sinh viên mệt mỏi khi sử dụng thẻ bảo hiểm y tế để khám, chữa bệnh.
Luật bảo hiểm y tế đã được Quốc Hội ban hành từ cuối năm 2008; giữa năm 2009, chính phủ đã có những quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của luật bảo hiểm y tế đối với học sinh-sinh viên.
Tới nay đã hơn một năm, mà vẫn còn nhiều bất cập, hầu như bất khả thi.
Một cán bộ thuộc Sở Giáo Dục-Ðào Tạo thành phố cho biết: Ða số học sinh-sinh viên gặp khó khăn trong việc sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh, do chưa có sự thống nhất được danh sách cụ thể về đối tượng học sinh-sinh viên là do ai quản lý, địa phương hay các cơ sở giáo dục? Chỉ khi nào xác định được đối tượng này do ai quản lý, như các trường học quản lý chẳng hạn, mới có thể lập hồ sơ cho các học sinh-sinh viên. Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn và thống nhất trong việc bảo hiểm y tế riêng cho giới học sinh-sinh viên, quy định cho những đối tượng thuộc gia đình cận nghèo và không thuộc gia đình cận nghèo...
Nhà cầm quyền địa phương - ủy ban nhân dân thành phố - cũng từng có qui định về việc thực hiện chính sách mua thẻ bảo hiểm y tế bắt buộc cho học sinh-sinh viên là thành viên của những gia đình nghèo, có mức thu nhập từ 8 triệu đồng/người/năm trở xuống, được ngân sách nhà nước thành phố hỗ trợ 100%. Ðồng thời hỗ trợ 50% cho các đối tượng là thành viên của những gia đình có thu nhập trên 8 triệu đồng tới 12 triệu đồng/người/năm, theo phương thức tổ chức vận động các đối tượng này trả 50% chi phí mua thẻ bảo hiểm y tế.
Thế nhưng trong thực tế không thực hiện được, lý do như vị cán bộ của sở giáo dục đã nêu ra ở trên. Thế nên hầu hết học sinh-sinh viên đã mua thẻ bảo hiểm y tế tại các địa phương, nơi thường trú, nghĩa là thẻ bảo hiểm y tế bán đại trà cho mọi người dân, mỗi địa phương có một danh sách trung tâm y tế, bệnh viện đã quy định sẵn.
Ðầu năm 2010, đứa cháu chúng tôi là học sinh, mua thẻ bảo hiểm y tế, chọn bệnh viện Nguyễn Trãi, là một trong số những bệnh viện công khá lớn và lâu đời. Vừa qua, đứa cháu tới ủy ban nhân dân phường, đóng tiền mua thẻ bảo hiểm cho năm sau. Ủy ban nhân dân phường bảo là trễ hạn, không thể mua tiếp thẻ bảo hiểm y tế theo bệnh viện Nguyễn Trãi, chỉ còn một bệnh viện tư, và trung tâm y tế quận. Từng khám, chữa bệnh ở trung tâm y tế quận, việc khám bệnh sơ sài, thiếu dụng cụ phương tiện chữa trị bệnh, nên đứa cháu không mua tiếp thẻ bảo hiểm y tế nữa.
Bác Sĩ Ngô Hoàng Quốc Tuấn, làm việc tại bệnh viện Hoàn Mỹ, một bệnh viên tư khá lớn, có nhiều cơ sở khám, chữa bệnh ở Sài Gòn và các tỉnh thành phía Nam, cho biết, đồng nghiệp của ông phụ trách nguồn thu phí bảo hiểm y tế thu từ học sinh-sinh viên tại sở y tế thành phố nói rằng: Quỹ bảo hiểm y tế có kết dư. Như vậy, hiển nhiên quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đã chi tiêu rất nhỏ giọt, nên quyền lợi của học sinh-sinh viên quá thiệt thòi!
Bác Sĩ Ngô Hoàng Quốc Tuấn từng chứng kiến cũng như nghe nhiều lời ca thán của học sinh-sinh viên hoặc phụ huynh của các em, tại các bệnh viện, theo bảo hiểm y tế: Thủ tục chuyển tuyến nhiêu khê phiền hà; chờ đợi cả buổi để lãnh vài thứ thuốc sơ sài rẻ tiền, không đảm bảo cho việc chữa trị bệnh...
“Tôi còn nghe trực tiếp vị trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế thành phố nói rằng: ‘Không loại trừ có những bác sĩ tích cực kê đơn thuốc ngoài danh mục bảo hiểm y tế cho bệnh nhân mua thuốc trực tiếp, để bác sĩ được hưởng hoa hồng từ nhà thuốc.’ Việc này không những có thực, mà có rất nhiều bác sĩ đã kê đơn như vậy, ở khắp các bệnh viện công và tư tại Sài Gòn.” Bác Sĩ Tuấn cũng khuyên đứa cháu của chúng tôi, mua một thẻ bảo hiểm y tế ở trung tâm y tế quận cũng được: “Khi khám, chữa bệnh thông thường, thì ở trung tâm y tế quận hay bệnh viện lớn như bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Nguyễn Trãi cũng khám chữa bệnh như nhau mà thôi. Còn khi gặp bệnh ngặt nghèo, cần đưa đi cấp cứu, thì cứ tới đây, bệnh viện Hoàn Mỹ. Sau đó sẽ chuyển chi trả viện phí theo bảo hiểm y tế, từ trung tâm y tế quận sang bệnh viện này...”
Ðấy là lời khuyên của vị bác sĩ quen thân, để đứa cháu chúng tôi có được thuận tiện dễ dàng như vậy. Còn nói chung, làm sao các học sinh-sinh viên không phải chịu những nỗi phiền hà khó khăn về “chuyển tuyến”? Nói chung thì hiện nay, ít tai mà không ngần ngại đi khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế, nhất là giới học sinh-sinh viên.

No comments:

Post a Comment