Một ngày nào đó, người Việt lớn tuổi sẽ không còn đọc được và hiểu ngôn ngữ tiếng Việt của thế hệ trẻ, bởi bây giờ tuổi trẻ đang “chế tạo” ra một tiếng Việt khác, thật… xa lạ như câu chuyện dưới đây:
Một bộ phận giới trẻ đang say sưa chế biến và sử dụng “ngôn ngữ @” bằng cách lai ghép, thay thế vô lối từ ngữ tiếng Việt, làm giảm đi sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ.
Hiện nay, kiểu sử dụng ngôn ngữ này xuất hiện tràn lan ở hầu hết các diễn đàn, nhật ký trực tuyến, nhất là khi tán gẫu qua mạng, tin nhắn điện thoại. Đối tượng sử dụng chủ yếu là giới trẻ, thuộc nhóm tuổi teen, trong đó phần lớn là học sinh phổ thông. Mối nguy hại lớn chính là ngôn ngữ này lan vào nhà trường một cách âm thầm.
Kiểu ngôn ngữ khó hiểu như vậy hiện đang được giới trẻ sử dụng ngày càng rầm rộ trong việc giao tiếp, nó xa lạ với tiếng phổ thông và cũng chẳng giống với một ngôn ngữ nào trên thế giới. Nó bao gồm những ký hiệu phức tạp, tiếng lóng, xen lẫn ngoại ngữ và đặc biệt là nhiều từ được viết theo âm đọc, nhưng lại bị biến tướng một cách cực kỳ sai chính tả.
Một sinh viên cho rằng, gần như tất cả lứa tuổi teen điều hiểu được thứ ngôn ngữ mà mình đang viết. Nhìn có vẻ khó đoán, nhưng lại là một kiểu giao tiếp thịnh hành. “Nếu em viết đúng chính tả quá, bạn bè chê lạc hậu. Thường viết vậy cho thấy nó xì tin một chút”. Đinh Trúc Ly, Sinh viên nói.
Trang zing me - blog chữ teen. Người ta tạm gọi nó là ngôn ngữ tuổi teen hay ngôn ngữ @, nó xuất hiện với mật độ ngày càng dày đặc trên các mạng xã hội, các diễn đàn dành cho giới trẻ. Ở đây, tiếng Việt đã được viết lại với một kiểu khác mà chỉ có những thế hệ tuổi 8X hay 9X mới có thể hiểu.
Công nghệ thông tin ngày càng phát triển thì theo đó, một bộ phận trong giới trẻ cũng ngầm phát triển ngôn ngữ teen. Đem vấn đề này trao đổi với các nhà ngôn ngữ, chúng tôi nhận được những ý kiến thú vị.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyên Trưởng phòng ngôn ngữ học xã hội, Viện Ngôn ngữ học cho rằng: “Chúng ta hãy bình tĩnh trước hiện tượng xã hội mới mẻ này. Chúng ta cần lưu tâm đến nó, hướng dẫn cho các em khi nào cần sử dụng nó vì nó cũng có chức năng nhất định, sử dụng đúng sẽ phát huy tác dụng. Nếu sử dụng ra ngoài thì gây phản cảm”.
Những giáo viên phổ thông là người hàng ngày tiếp xúc với các em lại có cách nghĩ hoàn toàn khác. Họ có cơ sở để lo lắng rằng, ngôn ngữ này đã vượt ra khỏi phạm vi những diễn đàn dành cho giới trẻ. Và thực tế nó bắt đầu xuất hiện trong tập vở của học sinh, sinh viên. Có thể chưa đến mức báo động, nhưng với ngôn ngữ cần có một cái nhìn xa hơn hiện tại.
Thầy giáo Nguyễn Thanh Phong, Giáo viên Trường THPT Phú Thịnh, Tam Bình (Vĩnh Long) cho biết: “Tôi thấy các em sử dụng ngôn ngữ tuổi teen trong các bài viết tập ghi chép rất nhiều, thậm chí các em viết quên bỏ dấu và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là nhiệm vụ chung của người Việt Nam, quan trọng nhất là học sinh, sinh viên, bởi vì đối tượng này giao tiếp rất nhiều trong xã hội”.
Ngôn ngữ teen còn có một tác dụng khác là tránh sự kiểm soát của người lớn, bởi yếu tố phức tạp của ký hiệu. Thử hỏi một ngôn ngữ ra đời với mục đích thiếu trong sáng như vậy sẽ có ích gì cho giới trẻ? Những bạn trẻ thừa nhận, rất khó từ bỏ ngôn ngữ teen, bởi nó đã trở thành một thói quen. Người xưa đã nói, thói quen hình thành nên nhân cách.
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Khoa học - Xã hội Việt Nam đánh giá: “Vấn đề sử dụng ngôn ngữ tuổi teen nếu không khéo sẽ ảnh hưởng rất lớn, nó giống như hiệu ứng domino vậy. Giới trẻ xem nó là một trò chơi sành điệu”.
Từ câu chuyện ngôn ngữ teen có một chân lý cần phải được lật lại. Tất cả mọi thứ trong thế giới hội nhập điều có thể giống nhau, riêng ngôn ngữ thì không. Tiếng Việt của chúng ta, bản thân nó đã bao hàm tất cả những gì chắt lọc và súc tích. Sử dụng Quốc ngữ là thể hiện lòng tự hào của một đất nước, nhìn chữ viết là nhìn thấy cả dân tộc.
Sẽ ra sao khi có một lớp trẻ đang cố tình viết sai chính tả để khẳng định mình. Và sẽ ra sao khi mai này có một thế hệ thích làm điều sai trái cũng chỉ để khẳng định mình?
No comments:
Post a Comment