Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Tuesday, December 28, 2010

Vai trò của thư viện chưa được coi trọng

Thư viện là phương tiện học tập hay nghiên cứu không thể thiếu tại đại học, nhưng theo ý kiến của sinh viên trong nước thì các thư viện của nhiều đại học xem ra không mấy hiệu quả vì chỉ mang tính thời vụ, vắng vẻ những ngày thường và quá tải trong mùa thi, cung cách phục vụ cũng chưa tốt lắm.

Những trang bị và lề lối làm việc quá lỗi thời

Đại  học Kinh tế Quốc Dân ở Hà Nội có hai mươi sáu nghìn sinh viên, nhưng thư viện của trường chỉ có khoảng hai trăm chỗ ngồi. Vào mùa thi, kiếm được một ghế  trong thư viện này quả là vất vả.
Đó là chưa kể phòng vi tính của thư viện chỉ có hai mươi cái PC, mạng Internet thì chậm, computer không có ổ cắm USB để sinh viên có thể copy tài liệu mang về nhà.

Đại Học XâyDựng cũng lâm tình trạng tương tự, đầu sách lại thiếu, qui định của trường cũng có phần hạn chế.
Cô Thùy Anh, sinh viên Đại Học Kinh Tế thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét về thư viện của trường, nơi cô nói có nhiều chi nhánh khác nhau mà cái thư viện lớn nhất nằm trên đường Nguyễn Tri Phương :
Đa  số ngày thường  vắng sinh viên bởi vì giờ được mượn sách hay giờ đọc là theo những giờ hành chính,  mà giờ đó thì sinh viên lên học ở giảng đường hết rồi.  Những ngày thứ Bảy, Chúa Nhật mà sinh viên rãnh thì thư viện không phục vụ, cho nên rất bất tiện cho sinh viên.
Cái thứ hai là một số những đầu sách thì không có nhiều. Thí dụ về kinh tế chính  trị chỉ khoảng  ba đến bốn đầu sách thôi, thành khi cần thì mình phải mượn các bạn đã mượn trước.
Trên nguyên tắc, Thùy Anh nói tiếp, sinh viên có thể mượn hai ba lọai sách khác nhau khi cần, nhưng mười ngày hay một tuần thì phải trả lại nên cũng không đủ thời gian để nghiên cứu. Vì thế, trừ những tài liệu quá hiếm phải mượn từ thư viện, việc chung tiền mua sách để cả nhóm cùng học xem ra tiện lợi hơn.
Còn thư viện điện tử thì số máy khoảng mười lăm đến hai chục cái, giờ sử dụng thì mỗi sinh viên được một tiếng hoặc nhiều hơn nếu không có người. Mà trong vòng một tiếng đồng hồ làm sao mình có thể thu thập hết thông tin mà mình cần. Điều đó cũng khó khăn nên thường các sinh viên đều phải ra những tiệm Internet  hoặc là dùng máy ở nhà. Còn tính ra thì mạng cũng khá chậm, thường phải chờ  lâu. Cho nên đa phần sinh viên chỉ đến thư viện khi nào làm bài luận hoặc có kỳ thi mà thôi. Bình thường em cũng như các bạn rất ít đến thư viện.
Theo Khánh Vi, sinh viên đại học Duy Tân, một trường dân lập ở thành phố Đà Nẵng, thư viện trong trường  cô đang học tương đối khá hơn thư viện những đại học khác:  
Trang bị máy tính thì cũng tạm được nhưng vấn đề mạng thì cũng gặp nhiều rắc rối vì nhiều lúc không truy cập được, hai nữa người ta hay dùng phương tiện an toàn để chận mấy trang web với chận không cho sinh viên sử dụng gmail với yahoo. Vì vậy truy cập Internet ở trường thì không được tiện dụng như ở ngoài.

Một lớp học của trường đại học Văn Hóa ở Hà Nội. Ảnh minh họa RFA
Một lớp học của trường đại học Văn Hóa ở Hà Nội. Ảnh minh họa RFA
Về sách vở trong thư viện, Khánh Vi nói thư viện của đại học dân lập Duy Tân tương đối nhiều và đầy đủ hơn thư viện của một số đại học công.
Vẫn theo lời Khánh Vi, đại học Duy Tân với trên dưới mười hai ngàn sinh viên các khoa,  nghành,  các hệ trung cấp hoặc đại học hay cao đẳng:
Cho nên số sinh viên so với số sách với không gian thư viện thì em nghĩ không gian thư viện quá nhỏ nhưng mà do  các bạn ít đi thư viện. Em thấy trên thư viện còn trống chỗ nhiều nhưng nếu đa số đi hết thì chắc chắn không đủ, số lượng máy tính cũng không đủ luôn. Buổi chiều một giờ thì phải có mặt rồi chứ nếu đợi tới hai giờ thì không còn máy để dùng nữa.
Theo tiến sĩ Trần Thanh Bình, viện trưởng Viện Nghiên Cứu Thiết Kế Trường Học thuộc  Bộ Giáo Dục Đào Tạo,  nhìn chung thì hiện tượng biến phòng của thư viện  thành phòng học đã xảy ra nơi một số trường do lượng sinh viên tăng cao những năm về sau này.
Điển hình là thư viện của Đại Học Công Đoàn gồm bốn tầng lầu nhưng chỉ có một trăm chỗ ngồi học. Theo sơ đồ, , thư viện Đại Học Công Đoàn có quầy sách sinh viên, phòng đọc sách, phòng đọc luận văn, kho sách  vân vân… Thế nhưng ba trong số các  phòng đó đã  biến thành  phòng học bởi sinh viên quá đông.

Thư viện không cần tòa nhà đồ sộ mà cần con người làm việc trong đó

Giám đốc thư viện Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, thuộc  Đại Học Quốc Gia thành phố Hồ Chí Minh, thạc  sĩ Nguyễn Minh Hiệp, nhận định là  trước đây vai trò của thư viện không được coi trọng lắm, khối thư viện đại học chỉ bắt đầu được chú ý và đầu tư nhiều những năm sau này:
Nhưng mà đầu tư lại thiếu đồng bộ ở chỗ người đầu tư để làm thì người của thư viện không được tham gia vào trong đầu tư đó, cho nên việc xây dựng không đúng kiểu cách và phục vụ không tốt lắm. Những thư viện tư thì lại thiếu thốn. Càng ngày  người ta càng cố gắng để hoàn thiện cho nên bức tranh thư viện bây giờ tốt hơn hồi xưa.
Được hỏi về thư viện của Đại Học Khoa HọcTự Nhiên  mà ông đang làm giám đốc, thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, được đào tạo từ Hoa Kỳ,  trình bày:
Thư  viện này có một đặc thù là ngay từ đầu nó được xây dựng theo mô hình mới, được xem như là đầu tàu cho vấn đề đổi mới. Chính một chuyên gia Hoa Kỳ, bà Judy Green,bang Washington, khi đến thăm thư viện bà đã nói là “ đến đây tôi mới hình dung được hình ảnh của cái mà tôi quen thuộc ở bên Mỹ”
Không chỉ thư viện của Đại Học Khoa Học Tự Nhiên, thạc sĩ Hiệp cho biết tiếp, một vài thư viện đại học khác cũng đạt tiêu chuẩn là thư viện trung tâm Đại Học Quốc Gia, thư viện đại học Cần Thơ, thư viện đại học Đà Nẵng, thư viện đại học Huế:
Đó là những thư viện mà những người quản lý ở đó hầu hết được đào tạo ở nước ngoài. Còn thực sự đào tạo trong nước

Học sinh, Sinh viên vẫn phải đi mua sách cũ. Ảnh minh họa AFP
Học sinh, Sinh viên vẫn phải đi mua sách cũ. Ảnh minh họa AFP
bây giờ chưa đủ đáp ứng những yêu cầu quản lý như vậy.
Nói đến quản lý thì không thể không nhắc đến cung cách điều hành của quản thủ thư viên cũng như cung cách tiếp đãi của nhân viên trong thư viện. Thực tế chứng minh rằng  tâm lý của  sinh viên đến thư viện không chỉ đơn thuần kiếm một chỗ yên tĩnh để học mà là hòa mình vào cái không gian học hành nghiêm túc của thư viện.
Đối với bạn Thùy Anh, một  trong những yếu tố cần thiết là thái độ ứng xử chuyên môn của nhân viên thư viện:
Những người quản thủ thư viện hoặc những nhân viên ở đó giống như chỉ làm công ăn lương thôi, người lo về sách thì chỉ ghi thẻ rồi đưa sách cho mình thôi chứ không có được cái gọi là cao cấp hơn là khuyến khích mình đọc sách gì hoặc sách gì cần tham khảo.Đôi khi họ cũng tỏ ra rất khó chịu nếu mình tới hơi trể một chút. Nói chung họ không hết mình hỗ trợ  mà đôi khi còn gây khó khăn cho sinh viên. Em cảm thấy cách phục vụ không như mình mong muốn là giới thiệu hướng dẫn cho mình như là một người  phục vụ mà thư viện của một trường đại học cần có.
Về những điểm bất cập vừa nêu, giám  đốc thư viện Đại Học Khoa Học Tự Nhiên Nguyễn Minh Hiệp  một lần nữa nhấn mạnh quan điểm của ông là:
 Điều tôi muốn nói là vấn đề đào tạo. Tại vì đào tạo bên này nó còn theo lối Liên Xô cũ  nên không còn phù hợp, do đó kinh nghiệm tổ chức không tốt.
Hiện  có một chương trình đào tạo tốt là Đại Học Sài Gòn, họ cố gắng xây dựng một chương trình tương đối gọi là đổi mới nhất, thì mới ra trường được hai khóa, còn nói chung lại vấn đề đào tạo hãy còn lạc hậu lắm, tổ chức thư viện mặc dù tốn nhiều tiền nhưng vẫn chưa đáp ứng được.
Vẫn theo lời thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp, xây dựng một thư viện không có nghĩa là xây dựng một tòa nhà đồ sộ mà còn phải đào tạo con người làm việc trong đó. 
Từ năm 2006, Bộ Thông Tin Văn Hóa Việt Nam đã đề ra tiêu chí  để các thư viện noi theo,  chứng tỏ sự quan tâm của chính phủ trong lãnh vực này. Thế nhưng, theo thạc sĩ Nguyễn Minh Hiệp,  khối thư viện trường học đã không làm theo các chuẩn này, và đó là trở ngại trong  công tác đào tạo thư viện ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment