Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, December 29, 2010

Năm 2010, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6.78%

HÀ NỘI - Kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh trong tam cá nguyệt thứ tư, tạo thêm áp lực cho Ngân Hàng Trung Ương phải đối phó với việc ngăn chận sự gia tăng điểm tín dụng, theo tin của Bloomberg News.
Tổng Sản Phẩm Quốc Gia (GDP) tăng 7.34% trong ba tháng, tính đến tháng 12, so với năm trước. Trong tam cá nguyệt thứ ba, con số này là 7.18%, theo con số do Văn Phòng Tổng Thống Kê ở Hà Nội đưa ra hôm Thứ Tư.
Tính chung, GDP tăng 6.78% trong năm 2010, tăng từ 5.32% của năm 2009.
Năm nay mức vay mượn có tăng 27.7% khiến mức lạm phát đạt gần mức cao trong hai năm liền, tạo điều kiện cho sự quan ngại đến nguy cơ bùng vỡ tín dụng, đưa đến tình trạng trả nợ trễ.

Trong 13 tháng qua, đồng bạc Việt Nam bị phá giá đến ba lần, công ty đóng tàu lớn nhất nước chật vật với việc trả nợ và Investors Service của Moody cùng Standard & Poor (S&P) hồi tháng 12 giảm điểm tín dụng của Việt Nam xuống mức thấp hơn.
Ngày 15 tháng 12, Moody's hạ điểm tín dụng của Việt Nam một bậc, xuống còn B1, tức bốn nấc dưới điểm đầu tư, do rủi ro trong việc trả nợ, cùng với tình trạng “nợ nần hiểm nghèo” ở Vietnam Shipbuilding Industry Group, hay thường gọi là Vinashin. Công ty quốc doanh này không chịu trả lời phỏng vấn của Bloomberg rằng, liệu họ có chịu trả nợ đúng kỳ hạn không, và theo Moody's, Việt Nam cùng các công ty ở đây sẽ gặp khó khăn khi mượn tiền trở lại trong tương lai.
Mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được coi là nhanh nhất tính từ năm 2007, tuy nhiên việc khuyến khích nhập cảng đã dẫn đến mức thâm thủng mậu dịch lên đến $12.4 tỉ. Ðồng bạc Việt Nam bị phá giá hồi tháng 8 không ngoài nỗ lực nhằm lấp bớt hố thâm thủng đó.
Hối đoái chính thức vào lúc 10 giờ 54 sáng Thứ Tư ở Hà Nội là một dollar ăn 19,490 đồng, so với 19,099 trước lần phá giá gần đây nhất. Trên thị trường chợ đen ở Sài Gòn, một dollar đổi được 21,090, theo dịch vụ thông tin điện thoại do công ty quốc doanh Bưu Chính và Viễn Thông quản lý.
Mức lạm phát ở Việt Nam tăng 11.8% trong tháng 12, được xem là nhanh nhất tính từ tháng 2, 2009, do đồng tiền yếu đi cộng với giá thực phẩm cao hơn.
Theo S&P, sự gia tăng vay mượn cộng với sự dễ bị biến động giá cả của nền kinh tế vĩ mô, làm yếu đi sự cân bằng của hệ thống ngân hàng nhà nước. S&P hạ mức tín dụng của Việt Nam xuống một điểm ở BB-, tức ba nấc dưới điểm đầu tư, đặt Việt Nam ngang với Bangladesh và Mông Cổ.
Tính đến tháng 6, Vinashin mang nợ tổng cộng 86 ngàn tỉ đồng ($4.4 tỉ), theo nguồn tin của chính quyền đưa ra hồi tháng 8. Thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trong tháng này rằng, Vinashin sẽ được vay nợ không trả lãi để có tiền trả lương cho công nhân.
Chính phủ đang nhắm đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 7% cho năm tới và không dự trù mức lạm phát vượt quá mức 7%.
Kevin Snowball, tổng giám đốc của PXP Vietnam Asset Management ở Sài Gòn nói: “Tiền lời cần phải tăng để kiểm soát mức lạm phát và bảo đảm cho tiền tệ.”
Kỹ nghệ và xây cất là hai ngành chiếm hết 41% của nền kinh tế trong năm 2010, đã tăng trưởng 7.7%, theo báo cáo đưa ra hôm Thứ Tư.
Ngành dịch vụ chiếm 38% của nền kinh tế, tăng trưởng 7.52%. Ngành nông, lâm và ngư nghiệp chiếm 21% của Tổng Sản Phẩm Nội Ðịa, tăng 2.78%. (T.P.)

No comments:

Post a Comment