Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, December 30, 2010

Tiền chính phủ sắp giống... tiền địa phủ

Lạm phát chóng mặt ở Việt Nam


Khi người dân cầm tiền mà mất tự tin

Liêu Thái/Người Việt

QUẢNG NAM - Không cần phải nhắc đến con số lạm phát tăng mức 11.75% trong tháng 12 năm 2010 mà hãy nhìn vào thực tế khi cầm đồng tiền Việt Nam trên tay.

Ðốt vàng mã đang là ‘niềm tin khác’ ở Việt Nam. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Trước đây vài tháng, cầm một trăm ngàn đồng (khoảng $5) ra khỏi nhà, có thể tạm ổn. Ðổ xăng xe 20 ngàn đồng, nếu nhớt cũ thì thay bình nhớt hết 60 ngàn đồng, uống một ly cà phê, hút một điếu thuốc, và có thể ăn thêm ổ bánh mì bán bên đường với giá 3 ngàn đồng. Nếu không thay nhớt thì còn được 60 ngàn đồng bỏ túi. Tạm yên tâm một chút. Nhưng bây giờ, chuyện ấy không còn nữa.
Hiện nay, cầm một trăm ngàn đồng ra đường, cũng có thể làm được một số việc tương tự sau khi đã nhịn ăn sáng và nghỉ uống cà phê. Nhưng không thể có chút tự tin nào khi cầm ngần ấy tiền đi ra đường. Nhất là trong lúc hàng hóa mỗi lúc một tăng, năm hết, Tết cận kề.
Dạo một vòng vào các chợ, hàng hóa vẫn có, nhiều nữa là khác. Nhưng dường như thứ hàng nào cũng bấp bênh giá cả, có người muốn bán quách cho xong (nông sản chẳng hạn!), cũng có người ghìm hàng lại đợi tăng giá. Tùy vào độ khan hàng, chạy hàng của mỗi loại mà người bán quyết định ghìm hay bán tháo.
Mọi mặt hàng đều bất ổn, duy có một mặt hàng vẫn bán chạy như thường lệ dù có nâng giá chút đỉnh, và đặc biệt là khi mọi thứ mua-bán trên thị trường đều chựng lại thì mặt hàng này vẫn mua bán sôi động, thậm chí nhu cầu tăng cao, mẫu mã thêm mới: Tiền địa phủ và vàng mã.
Tiền địa phủ và vàng mã được bày bán khắp nơi, từ chợ phố cho đến chợ quê, từ cửa hàng cho đến sạp bán lẻ, đủ chủng loại, từ đôi dép, cái nón lá bài thơ, đến chiếc xe máy, xe hơi... và đô la. Mặc dù nhà nước cấm bán nhưng hàng vẫn cứ bày bán một cách đắt đỏ, mau lẹ.

Những người sản xuất tiền địa phủ

Anh Trần Tiến, một chủ cơ sở làm tiền địa phủ, vàng mã nói: “Mặt hàng này gần đây bán rất chạy, chuyện đốt vàng mã vốn có từ thời Tây Hạ bên Tàu, nhưng nó đạt đỉnh cao ở Việt Nam, và nó cũng được sáng tạo ở Việt Nam, vì theo tôi biết thì chỉ có Việt Nam mới nghĩ ra đồng đô-la địa phủ và in giống hệt đồng thật. Hình như các nước khác có làm thì cũng sau mình, bắt chước mình thôi!”

Ðồng đô la địa phủ đang lưu hành trên thị trường Việt Nam. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chị Thúy, chủ một cơ sở làm vàng mã khác nói: “Cái hay của người làm vàng mã Việt Nam nằm ở chỗ họ có thể nghĩ ra thêm nhiều mặt hàng như xe máy, xe hơi và làm giống y hệt như thật, đốt xuống cho người thân dưới âm phủ có cái mà đi lại, chơi bời, du ngoạn. Tui còn nghĩ chuyện sắp tới sẽ thiết kế một cây xăng vàng mã, vì chưa có ai đốt cây xăng gửi xuống cho ông bà, xe nhiều mà không có xăng thì cũng hơi kẹt!”
Anh Việt, chủ một cơ sở sản xuất khác lại nói, “Nghề này cũng như làm dâu trăm họ, lúc thị trường bấp bênh hoặc gần Tết thì kiếm được kha khá, chứ những lúc người ta no cơm ấm áo thì ít hơn. Làm cật lực, có nhiều đầu mối thì kiếm cũng được khá tiền, có ngày cả triệu đồng (tương đương $50). Nhưng không phải lúc nào cũng kiếm được chừng đó đâu, có khi cả tuần không có đồng nào. Hàng ‘siêu hình’ mà!”
Chị Liên, chủ cửa hàng Tâm Liên ở một thị trấn miền núi cho biết: “Giá mỗi xấp đô-la lấy vào là 4.5 ngàn đồng, bán ra là 5 ngàn đồng. Tiền lãi bằng y một tờ vé số. Còn giấy tiền, vàng bạc thì lấy vào với giá 2.3 ngàn đồng, bán ra 3 ngàn đồng, lãi hơn chút đỉnh. Binh đất (áo bằng giấy cho người âm) lấy vào 3.6 ngàn đồng, bán ra 4 ngàn đồng... Nói chung thì khi cúng, tùy giàu nghèo và mức độ quan trọng của lễ cúng mà tốn ít hay nhiều tiền. Ít thì vài chục ngàn đồng, nhiều lên cả chục triệu đồng”.
Tôi hỏi sao lại có chuyện cúng tiền giấy, áo giấy mà lên đến cả chục triệu đồng, chị có nhớ nhầm vài trăm ngàn với vài trăm đô la không. Chị Liên cười: “Em không biết đó thôi, có nhiều nhà giàu, nhà quan chức, mỗi lần cúng đốt cả vài chục triệu nữa chưa ăn thua chi. Ví dụ như họ cúng lễ cho cha mẹ, thì phải cúng luôn bà con, họ hàng, khấn mời cùng về...”
Chị nói thêm, “Cúng cho cha mẹ một hoặc hai chiếc xe vàng mã bốn bánh hiệu Camry, giống hệt như thật, giá rẻ chi cũng năm triệu đồng một chiếc (tương đương 250 đô la), rồi cúng thêm vài chiếc xe hai bánh cho họ hàng, mỗi chiếc cũng năm sáu trăm ngàn đồng cho đến một triệu rưỡi (tương đương 25 đến 75 đô la). Vậy thì hết cả mười mấy hai chục triệu là bình thường!”
Chị Liên nói không sai, vì sau ba ngày đi tìm hiểu, khảo sát giá ở các tỉnh Quảng Nam, Ðà Nẵng, Thừa Thiên Huế và gọi điện hỏi thăm giá ở nhiều tỉnh khác thì những chiếc xe vàng mã bốn bánh, hai bánh đều có giá tiền từ 600 ngàn đồng đến 6 triệu đồng.
Chồng chị Liên nói thêm: “Nếu đặt chiếc xe vàng mã đứng cạnh chiếc xe thật vào buổi tối, đứng xa một chút, sẽ không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Giống hệt nhau! Mà phần lớn vợ cán bộ cao cấp đặt loại hàng này!”

Chiếc xe Dream vàng mã này giá 600 ngàn đồng (khoảng $30). (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Các chủ sản xuất hàng cho biết là cả năm mới trúng được vài người khách sộp vậy thôi, phần đông vẫn chỉ mua giấy tiền, vàng bạc, đô-la, áo thế (một tấm giấy có vẽ mặt người, dùng để đốt cho người quá cố với mục đích người trong áo giấy này sẽ xuống âm phủ chịu tội thay cho người quá cố), binh đất...
Các lễ cúng của người nghèo cũng có giá khác nhau: Cúng đám giỗ tốn chừng 25 ngàn đồng ($1.2); Cúng Tất Niên tốn 30 tới 40 ngàn đồng ($1.4-$2); Cúng đầu năm tốn 20 đến 25 ngàn đồng ($1-$1.3); Riêng cúng chạp mả thì tốn cao hơn, từ 200 đến 300 ngàn đồng ($10-$15). Ðó là mức cúng của người nghèo.
Những năm làm ăn thuận buồm xuôi gió thì việc đốt vàng mã ít rầm rộ hơn năm thất bát, mất mùa.

Ðồng chính phủ, đồng địa phủ

Trong lúc chính phủ Việt Nam ra sức bù trượt giá, khống chế lạm phát và ra lệnh bài trừ mê tín dị đoan, không được sản xuất, mua bán tiền địa phủ, vàng mã thì người dân lại thi nhau đốt nhiều vàng mã, cúng kính. Ðiều này do đâu?
Một sinh viên năm ba Ðại Học Sư Phạm Ðà Nẵng nói: “Trong chừng mực về niềm tin, độ an toàn tâm lý thì có vẻ như người dân tin vào đồng tiền địa phủ hơn đồng tiền chính phủ. Vì lẽ, xét về độ an toàn khi cầm đồng tiền Việt Nam trên tay trong thời bão giá chẳng có chút gì lấy làm yên tâm. Bữa nay một ngàn đồng mua được một lon gạo, vài hôm sau mua được một điếu thuốc, vài tháng sau một ngàn đồng chỉ mua được một ly trà đá...”
Một sinh viên khác nói, “Trong khi đó, mỗi khi gặp chuyện rắc rối, không may, người ta thường nghĩ đến vấn đề trục trặc phía cõi âm, sắm một mâm lễ vật để cúng vái, cầu xin. Ðương nhiên thứ quan trọng nhất trong mâm lễ vật ấy phải là tiền địa phủ, vàng mã và gạo muối”.
Sinh viên này nói thêm: “Cúng vái xong, đốt xong tiền địa phủ, áo giấy, vàng mã, tâm lý người cúng thường thảnh thơi, an tâm hơn vì đã ‘giải quyết’ được những trục trặc âm phần”.
Lê Thanh, một sinh viên năm hai Ðại Học Ðà Nẵng nói: “Em thường hay mua tiền địa phủ, áo giấy, vàng mã về đốt cúng mỗi khi gặp khó khăn, mỗi khi rằm, mồng một. Làm vậy em có cảm giác an tâm lắm. Vì em tin rằng nếu có nợ nần gì ở cõi khác thì cũng có thể giải quyết, nếu không có nợ thì em xem như mình bỏ tiền vào ngân hàng, sau này ra trường, ông bà phò hộ làm ăn, đỡ bớt khổ!”
Khi tôi hỏi các bạn có dự đoán nào về tình hình đồng tiền Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam sắp tới, đặc biệt là sau Ðại hội XI. Các bạn đều im lặng, lắc đầu.

Niềm tin ở đâu?

Cô Năm bán hàng tạp hóa ngoài chợ Vĩnh Ðiện, Ðiện Bàn, Quảng Nam, nói: “Cúng ông bà ông bà đãi, cúng ông sải ông sải dâng. Tốn mấy chục ngàn mà cảm thấy bình an, yên tâm làm ăn thì nên lắm chứ! Còn như đóng thuế, đóng xong trôi sông trôi biển, mua công trái, tham gia xã viên hợp tác xã, lúc bỏ tiền ra, hồi đó tôi bán cả chỉ vàng mới được năm chục đồng đóng vào hợp tác xã nông nghiệp, nhưng bây giờ lấy ra mua không được mấy lon gạo. Rồi công trái, mất hết! Vậy tiền địa phủ đáng tin hơn chứ!”
Câu nói của cô Năm bán tạp hóa ở chợ quê có thể tóm lược, khái quát tình trạng mất giá của đồng tiền Việt Nam. Và cũng qua câu nói này, cho thấy sự mất niềm tin vào nhà nước. Bởi họ đã mất quá nhiều thời gian để thấp thỏm, thăng trầm, khốn đốn theo mệnh giá tiền, theo nền kinh tế Việt Nam.
Chuyện tiền chính phủ - tiền địa phủ đặt cạnh nhau để so sánh nghe có vẻ như đùa. Nhưng ở Việt Nam nó thành sự thật. Vì niềm tin vào tiền địa phủ chiếm rất lớn. Nhất là khi đồng tiền chính phủ làm mất lòng tin nhân dân.
Và hình như dưới cõi âm cũng không tin vào đồng Việt Nam mấy, nên gần đây, mỗi khi đốt cúng, người ta chọn đồng đô la địa phủ.
Ðồng đô la địa phủ chiếm toàn bộ thị trường vàng mã.

No comments:

Post a Comment