ĐGH đã không thay đổi giáo lý của Giáo Hội, ngay cả không ngụ ý rằng các giáo huấncủa Giáo Hội có thể được thay đổi. Đức Thánh Cha đã không kêu gọi một cuộc tranh luận mới về vấn đề luân lý của việc ngừa thai. Ngài đã không gợi ý là việc sử dụng bao cao su đôi khi có thể được cho là chính đáng về mặt đạo đức.
Nhật báo Vatican L’Osservatore Romano đã ngược đãi ĐGH
Như chúng tôi đã đưa tin giới thiệu khoảng ba tuần lễ trước đây về cuốn sách mới “Ánh Sáng Thế Gian” từ cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng Benedictô dài trọn một tuần lễ do ký giả Peter Seewald thực hiện trong tháng bảy vừa qua tại Rôma. Cuốn sách này đã được chính thức phát hành và giới thiệu ngày 24 tháng 11, 2010.
Tuy nhiên, những ngày vừa qua, cả thế giới đã xôn xao vì một trích đoạn trong cuốn sách này lại đã xuất hiện một ngày trước khi ra mắt, trên tờ L’Osservatore Romano, khi ĐGH trả lời ký giả Peter Seewald về vấn đề bao cao su. Sự việc này đã bị truyền thông thế tục đại chúng khắp thế giới lợi dụng và bóp méo tối đa nhằm gây hiểu lầm đến mức mà người theo dõi tin tức thông thường nghĩ rằng, cuốn sách của ĐGH chỉ bàn về bao cao su!
Để cung cấp những thông tin trung thực nhằm làm sáng tỏ các dư luận, chúng tôi kính mời quý vị độc giả theo dõi tóm tắt hai luận giải của Cha Joseph Fessio, SJ chủ bút nhà xuất bản Ignatius Press và học giả Phil Lawler.
ĐGH đã không thay đổi giáo lý của Giáo Hội, ngay cả không ngụ ý rằng các giáo huấncủa Giáo Hội có thể được thay đổi. Đức Thánh Cha đã không kêu gọi một cuộc tranh luận mới về vấn đề luân lý của việc ngừa thai. Ngài đã không gợi ý là việc sử dụng bao cao su đôi khi có thể được cho là chính đáng về mặt đạo đức.
Tuy nhiên, ngày hôm nay hàng triệu người trên khắp thế giới tin rằng ĐGH đã thay đổi giáo huấn của Giáo Hội, đã cho mở ra các tranh luận về vấn đề ngừa thai, và đã cho rằng việc sử dụng bao cao su là hợp lý trong một số trường hợp. Làm thế nào đã xảy ra được như thế?
Lại một lần nữa, Đức Giáo Hoàng Benedict đã bị ngược đãi một cách tồi tệ bởi các cơ quan chuyên trách về quan hệ thông tin. Trong trường hợp này, nhật báo Vatican, L’Osservatore Romano mang hầu hết các quy trách lỗi lầm cho tai vạ này.
Một dự án giới thiệu thú vị bị phá vỡ
Những câu chuyện tràn ngập trên báo chí tại Vatican trong các tuần vừa qua có thể được truy nguồn từ một cuộc phỏng vấn, trong đó Đức Giáo Hoàng Benedict XVI trả lời các câu hỏi của nhà báo người Đức Peter Seewald. Đó là cuộc phỏng vấn đã trở thành cơ sở cho một cuốn sách mới đầy thú vị, Ánh Sáng Thế Gian, đã được công bố vừa qua.
Cuốn sách này là nỗ lực hợp tác lần thứ ba giữa Đức Giáo Hoàng và ký giả Seewald. Nhưng nó là lần đầu tiên kể từ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đảm nhận ngai toà Thánh Phêrô và ý niệm một ĐGH đương kim chấp nhận cuộc phỏng vấn dài làm thành một cuốn sách đã tự nó là một điều nhạy cảm. Độc giả mong đợi một cái gì đó rất đặc biệt từ một cuốn sách như vậy sẽ không phải thất vọng. Ánh Sáng Thế Gian thực sự là một cuốn sách hấp dẫn.
Là một ký giả phỏng vấn, Peter Seewald đã thực hiện tốt công việc của mình. Ông trân trọng, nhưng liên tục nài ép Đức Giáo Hoàng giải thích suy nghĩ của Ngài về một loạt các vấn đề, phần lớn là những vấn đề hóc búa gây nhiều tranh cãi. Đức Giáo Hoàng Benedictô, về phần Ngài, rất thẳng thắn và sáng suốt, trình bày suy nghĩ của mình với phong cách rõ ràng đơn giản đã làm cho Ngài thành một Thầy Dạy tự nhiên tuyệt vời. Trong Ánh Sáng Thế Gian người đọc sẽ tìm thấy những suy nghĩ trung thực của Đức Thánh Cha về các chủ đề như:
- bản chất của vấn đề bất khả ngộ (papal infallibility) và quyền bính của Thánh Phêrô;
- lý do thực sự để xóa vạ tuyệt thông trên các giám mục truyền thống thuộc Huynh Đoàn Thánh Piô X;
- các mặt giới hạn của cuộc đối thoại với Hồi giáo;
- khả năng từ chức của một vị giáo hoàng;
- thông điệp Fatima;
- đời sống hằng ngày trong cung điện tông tòa;
- nguyên nhân thực sự của vụ bê bối lạm dụng tình dục và những triển vọng từ cải cách.
Trên mỗi vấn đề trong những chủ đề này, người đọc tìm thấy từ ĐGH những nhận xét trung thực mới mẻ và đầy kích thích suy tư. Đức Thánh Cha đã cung cấp một số khám phá thú vị, cùng với một số lượng lớn những suy tư thần học sâu sắc. Cuốn sách này, một lần nữa, thực sự hấp dẫn.
Những người trong chúng tôi khi người nhận được bản sao trước khi phát hành của cuốn sách Ánh Sáng Thế Gian, đã được căn dặn rằng văn bản đã được đặt dưới một sự bảo mật nghiêm nhặt. Chúng tôi đã không được phép trích dẫn, hoặc thậm chí tiết lộ cụ thể bất cứ điều gì về nội dung của nó cho đến khi ra mắt chính thức. Việc bảo mật như thế không phải là điều bất thường trong thế giới xuất bản (mặc dù nhà xuất bản đã nhấn mạnh sự nghiêm khắc bất thường trong trường hợp này), và các nhà báo chuyên nghiệp thường tôn trọng điều đó.
Thế rồi, quả không tin nổi, chính tờ báo riêng của Vatican lại đã vi phạm lệnh bảo mật. Đã phản bội nhà xuất bản và phá vỡ sự tin cậy của tất cả các nhà báo khác, những người đã thực hiện lời hứa của họ, L’Osservatore Romano sao chép một đoạn phỏng vấn của ĐGH – không kèm theo một lời giải thích hoặc bình luận gì cả – một đoạn trích, trong đó Đức Giáo Hoàng Benedictô đã phản ánh về một khả năng trong một số trường hợp cực đoan, sự thúc đẩy để sử dụng bao cao su có thể cho thấy một thấp thoáng không ích kỷ trong một lương tâm đã bị hư hỏng nghiêm trọng.
Hơn nữa, L’Osservatore đã phá vỡ lệnh bảo mật, và xuất bản các đoạn trích, trong một ngày cuối tuần khi Vatican đang vui mừng đón Công Nghị hồng y. Vào thời điểm mà các lãnh đạo Giáo Hội lẽ ra phải hân hoan đón nhận một biến cố vui mừng-việc tấn chức 24 thành viên vào Hồng Y Đoàn-thì các giám chức Vatican đã phải đôn đáo để giải thích từ ngữ của ĐGH, đã bị công bố non và nằm ngoài ngữ cảnh thích hợp của chúng.
Việc công bố cuốn sách Ánh Sáng Thế Gian lẽ ra phải là một cơ hội vui mừng khác. Với các kế hoạch thích hợp, nhà xuất bản đã sẵn sàng để giới thiệu cuốn sách của Đức Giáo Hoàng với một chiến dịch quảng cáo lớn – có thể cung cấp một mô tả chính xác và thuận lợi cho cuốn sách của ĐGH, nay gần như bị mất đi hoàn toàn trong hàng tấn thông tin sai lạc càn quét sâu rộng trên khắp thế giới.
Những gì Đức Giáo Hoàng đã nói – và không nói
Trong tất cả các đoạn văn đã có thể được chọn lựa trong cuốn sách, L’Osservatore Romano đã chọn một số nhận xét suy đoán của Đức Thánh Cha về vấn đề sử dụng bao cao su. Bất cứ nhà báo có khả năng nào đều nhận ra ngay các phát biểu này sẽ bị hiểu lầm- nhất là khi chúng bị trình bày bên ngoài ngữ cảnh.
Trong đoạn văn mà L’Osservatore phổ biến, ĐGH Benedictô đã không thối lui từ những lời tuyên bố trước đó, trong đó Ngài đã nói rằng việc phân phối các bao cao su không phải là cách thích hợp để chống lại sự lan truyền của bệnh AIDS. Ngược lại, Đức Giáo Hoàng đã bảo vệ lập trường đó. Đức Thánh Cha đã luận giải và làm sáng tỏ từ quả quyết ấy.
Trong bối cảnh đó, khi Seewald nài ép hỏi Ngài về vấn đề sử dụng bao cao su, có bao giờ và trong trường hợp nào, được cho phép, Đức Giáo Hoàng đã trả lời:
Có thể có một cơ sở trong trường hợp của một số cá nhân, có lẽ như khi một nam mại dâm sử dụng bao cao su, đó có thể là một bước đầu tiên đi theo hướng dẫn của một cách luân lý, một chấp nhận đầu tiên của ý thức trách nhiệm trong chiều hướng tiến đến sự hồi phục của một nhận thức, rằng không phải mọi thứ đều được phép và không ai có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng nó thực sự không phải là cách để đối phó với ác quái của HIV. Sự đối phó thực sự chỉ có thể nằm trong một sự nhân bản hóa tình dục.
Khi Seewald yêu cầu được làm sáng tỏ, Đức Giáo Hoàng một cách nhanh chóng nói thêm rằng Giáo Hội không bao giờ nhìn nhận việc sử dụng bao cao su là “một giải pháp thực tế hay đạo đức.”
Nên lưu ý rằng trong ví dụ giả thiết của mình, Đức Giáo Hoàng đã nói về một “nam mại dâm,” ngụ ý liên quan đến hành vi đồng tính. Vì vậy, các câu hỏi về sự ngừa thai – đó là lý do chính mà Giáo Hội chống lại việc sử dụng bao cao su đã được loại bỏ khỏi phương trình. Các nam mại dâm này tham gia vào những hành vi cực kỳ vô luân. Đức Giáo Hoàng không cho rằng việc sử dụng bao cao su sẽ làm cho tệ nạn mại dâm ít vô luân hơn, Ngài chỉ nói rằng bằng cách nhận ra sự cấp thiết để bảo vệ đối tác tình dục của mình, các nam mại dâm trong giả thiết này thực hiện một bước nhỏ hợp với lý luận đạo đức.
Ở đây, Đức Giáo Hoàng đã nêu ra một điểm lý thuyết, không phải là một thực tế. Ngài đã không giảng dạy, nhưng giải thích một điểm. Ngài đã không nói với thẩm quyền, trên thực tế, trước đó trong cuốn sách Ngài đã giải thích lý do tại sao không có gì Đức Giáo Hoàng nói trong một cuộc phỏng vấn nên được coi là có thẩm quyền, nhưng chỉ là suy luận. Không có gì trong những gì Đức Giáo Hoàng nói, hay cách Ngài nói, phản ánh bất kỳ thay đổi trong giáo huấn của Giáo Hội.
Janet Smith đã dùng môt ví dụ thực tế để làm sáng tỏ vấn đề:
Nếu ai đó muốn đi cướp một ngân hàng và quyết định để sử dụng một khẩu súng, điều tốt hơn cho người sử dụng khẩu súng là không nên có đạn trong đó. Nó sẽ làm giảm khả năng gây thương tích tử vong. Nhưng nhiệm vụ của Giáo Hội không phải là hướng dẫn các tên cướp ngân hàng tương lai làm thế nào để cướp ngân hàng an toàn hơn và chắc chắn không phải là nhiệm vụ của Giáo Hội để hỗ trợ các chương trình cung cấp các tên cướp ngân hàng với súng không thể bắn đạn.
Báo chí thiếu khả năng
Ký giả Jeff Miller đã làm một tham chiếu dí dỏm khi cho rằng xu hướng của các nhà báo, khi họ gặp trúng một đề cập đến “bao cao su,” là họ không còn thấy gì khác nữa. Các nhà báo thế tục, khi đọc những lời của Đức Giáo Hoàng trong đoạn định mệnh nói trên, sẽ chỉ tự hỏi, liệu Đức Thánh Cha đã cho phép khả năng sử dụng bao cao su, và kết luận rằng Ngài đã cho phép! Vì vậy, chắc chắn tuyên bố của ĐGH sẽ được xem như là mở một lỗ hổng trong giáo huấn của Giáo Hội.
Tuy nhiên, đây lại là tờ báo nhà của Vatican, tờ L’Osservatore Romano, đã trích lời Đức Giáo Hoàng ra in mà không có bất kỳ lời giới thiệu nào thích hợp, hoặc bất kỳ nỗ lực nào để đưa những suy tư của các Đức Thánh Cha vào trong ngữ cảnh. Phát biểu của ĐGH đã được biết trước có thể bị lợi dụng tạo xu hướng gây nhầm lẫn rối ren; sự xuất bản sớm của tờ báo Vatican đã làm trầm trọng thêm vấn đề.
Trong tháng qua, L’Osservatore Romano đã từng làm Vatican xấu hổ, về việc trưng ra những thành tích của Michael Jackson, The Beatles, và The Simpsons. Nhưng sai lầm lần này tệ hại hơn và rất nghiêm trọng. Tờ báo Vatican đã làm trầm trọng thêm một sự hỗn loạn trên toàn thế giới về một vấn đề đạo đức quan trọng gây thiệt hại rất nặng, có thể phải mất nhiều năm khổ cực làm việc để giải tỏa.
Như TGM Chaput đã viết trong First Things: “Trớ trêu thay, những thông điệp của Vị Giáo Giáo Hoàng tuyệt vời này lại đã bị làm khập khiễng đi bởi những thất bại do chính một số phụ tá của Ngài và bởi sự thiếu thân thiện từ các phương tiện truyền thông trên thế giới”. Vì lợi ích của Giáo Hội, các khúc mắc truyền thông này phải chấm dứt.
Phạm Hương Sơn
No comments:
Post a Comment