Ðời công nhân trên đất khách buồn nhiều hơn vui. Cái buồn còn có thể phôi pha, nhưng có nhiều nỗi bất hạnh đã ghi lại những vết thương không thể nào lành bằng cả nghĩa bóng lần nghĩa đen
Trong những ngày lang thang trên đất Mã, tôi đã gặp Trường, một trong những công nhân có số phận không may, với Trường là tuyệt cùng bất hạnh. Những vết sẹo kinh khiếp trên người Trường ám ảnh tôi trên suốt chuyến trở về.
Câu chuyện thương tâm bắt đầu vào một tối giao thừa Tết Nguyên Ðán năm 2010, tại Melacca, Malaysia khi Trường và các bạn lại ăn thêm một cái Tết xa nhà.
Ðêm giao thừa, trong các container nóng bức, các anh em bày biện bánh kẹo, hạt dưa ra ăn uống. Cũng có vài bạn trổ tài nấu thịt đông, tuy không đúng cách nhưng cũng tạm để có một món gì đó gọi là hương vị quê hương, hưởng ké tiếng pháo từ xa vọng về để thêm nổi nhớ gia đình. Rồi cũng xong một cái Tết xa quê.
Hơn một giờ khuya, khi mọi người chìm vào giấc ngủ, thì bỗng có tiếng la lớn: “Cháy, cháy...!!!” Trường chưa kịp hiểu ra chuyện gì đang xảy ra thì đã nhìn thấy những tấm vải treo làm màn trong “phòng” đang phựt cháy. Trường vội chạy ra ngoài. Ra đến ngoài thì đã thấy một số anh em đang ở ngoài sân. Những container nơi hãng sử dụng làm chỗ ở cho các công nhân đang tiếp tục cháy dữ dội.
Trường sực nhớ mình để quên cái điện thoại di động còn trong “phòng.” Ðiện thoại di động là vật bất ly thân của bất cứ công nhân Việt Nam nào, nó là vật cần thiết hơn cả cơm ăn nước uống, mất nó là đứt mọi sợi dây liên lạc, nó đáng giá bằng mấy tháng lương của Trường.
Không kịp suy nghĩ Trường lao trở lại chiếc container đang ngùn ngụt lửa để cứu chiếc điện thoại. Khi vào đến bên trong, Trường không biết nơi nào là chỗ ở của mình, khắp nơi là lửa, tìm không được, Trường chạy trở ra thì đã quá trễ, lửa đang bao vây tứ phía, những thanh sắt ngã xuống chấm dứt lối thoát của Trường...
Những ngày sau đó của Trường là những ngày chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp. Sau thời gian ở nhà thương, Trường được về nhà, em của Trường đang làm ở Penang phải nghĩ việc để lo cho Trường. Cách vài ngày, Trường phải vào nhà thương để “tắm.” Một bên lỗ tai bị mất, miệng chưa lành nên Trường không ăn uống và nói chuyện được, tay chân vẫn còn băng kín.
Chủ hãng của công ty chỉ trả một phần tiền nhà thương. Phần còn lại họ cho Trường nợ. Ngoài ra còn tiền mua những loại băng đặc biệt để băng những vết phỏng, tiền nhà thương, tiền thuốc men, tiền ăn uống cho 2 anh em... Nhưng với tình trạng này, không mong gì Trường có thể hồi phục lại để đi làm, còn mong gì trả nổi nợ?
Trong lúc khó khăn mới thấy tình đồng hương là quý: Anh em công nhân đến thăm hỏi và chia sẻ. Các anh em trong Hội Thánh Tin Lành đến cầu nguyện cho Trường. Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam cho người đến tặng tiền, đóng góp phần nào vào chi phí nhà thương mà hiện giờ đã lên đến hàng chục ngàn tiền Mã.
Trường và em của Trường cũng không dám cho gia đình ở Việt Nam biết. Bà mẹ già bị bệnh cao huyết áp của Trường vẫn còn nghĩ con mình đang lao động đâu đó ở Mã Lai.
Sau hơn 6 tháng điều trị, vết phỏng đã lành nhưng hậu quả của nó để lại thật rõ nét trên thân thể Trường: Một lỗ tai đã mất, những ngón tay đã rút lại, thịt lồi lên như một tảng băng nổi, những vết sẹo kinh khiếp trên lưng như mãnh ruộng nứt nẻ vào mùa khô.
Như chưa đủ khổ, cái nóng của Mã Lai đã tiếp tay hành hạ người công nhân bạc phước này. Do da đã thành sẹo, không có lỗ chân lông nên mồ hôi không thể thoát ra ngoài, do đó cái nóng không giảm đi, nó tồn đọng lại trong người, làm trong người Trường lúc nào cũng bị nóng bức khủng khiếp, suốt ngày Trường phải ngồi trước chiếc quạt máy.
Rời Việt Nam với ước vọng kiếm tiền giúp đỡ gia đình, nhưng ngọn lửa tàn ác đã đốt cháy mộng ước đơn giản của Trường, ngọn lửa đêm giao thừa đã thiêu rụi tương lai của người thanh niên. Bây giờ, bên cạnh nỗi đau thể xác, Trường chỉ quay quắt với ý nghĩ: làm sao để trả món nợ khổng lồ? Nỗi đau của chính mình Trường có thể chịu đựng được, nhưng liệu mẹ mình có thể chịu đựng được không khi nghe tin con mình bị nạn ? Làm sao báo tin cho mẹ? Làm sao có tiền trả nợ?
Những câu hỏi không có câu trả lời cho người thanh niên bất hạnh.
***
Mới đây, tác giả bài này nhận được tin Trường đã về đến nhà ở xã Quý Lộc, huyện Yên Ðịnh, tỉnh Thanh Hóa. Mẹ Trường ngất xỉu nhiều lần khi nhìn thấy thân hình tàn phế của con mình.
Gia đình Trường rất nghèo, có 4 anh chị em, cha mất, mẹ làm ruộng. Hiện Trường tiếp tục điều trị tại “Bệnh viện Bỏng Trương Ương” ở Hà Nội. Vì không có tiền nên gia đình phải vay mượn ngân hàng để điều trị dần dần, có tiền đến đâu điều trị đến đó.
Bệnh viện dự đoán là sẽ phải có 9 lần phẫu thuật, mỗi lần khoảng 40 triệu đồng Việt Nam: Trước hết là tìm cách kéo thẳng tay ra. Do phần da dưới nách dính liền với phần tay nên tay không kéo thẳng ra được. Cắt dần dần các phần thịt thừa trên tay và chân. Cắt da ở các nơi khác để đắp vào phần da ở mặt và cổ.
Riêng phần lưng thì ở Việt Nam không đủ khả năng để đắp vì phần bị hư hỏng quá lớn. Hiện trên lưng Trường có một phần bị nhiễm trùng lớn bằng bàn tay và lúc nào Trường cũng bị đau đớn.
No comments:
Post a Comment