Những ai quan tâm đều nhận thấy rằng, tình trạng chung của sinh viên Sài Gòn là yếu kém ngoại ngữ, cụ thể là Anh ngữ.
Ngoại ngữ, đặc biệt Anh ngữ, ngày càng quan trọng trong hầu hết các ngành học ở các trường cao đẳng và đại học. Sinh viên ngành công nghệ thông tin lại càng cần có khả năng ngoại ngữ hơn hết.
Hàng năm, các công ty trong và ngoài nước, đa số về ngành công nghệ thông tin, vẫn tới các trường đại học Sài Gòn, ghi tên những sinh viên đạt điểm cao qua các học kỳ, chờ tốt nghiệp sẽ tuyển dụng, thâu nhận. Tuy nhiên khi trắc nghiệm tiếng Anh, số sinh viên đạt yêu cầu về khả năng ngoại ngữ rất ít ỏi, thường bị các công ty nước ngoài từ chối thâu nhận.
Tại các trường cao đẳng-đại học, để tốt nghiệp ra trường, sinh viên phải đạt điểm trung bình môn học ngoại ngữ, hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ. Thế nên, tình trạng chung là nhiều sinh viên đã chậm tốt nghiệp do yếu kém ngoại ngữ. Trong năm học 2009-2010, hàng chục sinh viên tại trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn nhờ người thi giùm môn ngoại ngữ, bị phát hiện. Có thể tin rằng, còn nhiều sinh viên tại trường nhờ người khác thi giùm môn ngoại ngữ nhưng không bị phát hiện. Từ trên hai chục năm nay, các trung tâm ngoại ngữ tại Sài Gòn ngày càng mọc lên nhiều như nấm sau cơn mưa, ngay trong các trường cao đẳng-đại học cũng mở trung tâm ngoại ngữ.
Nhiều sinh viên đăng ký học tại trung tâm ngoại ngữ ở trường cho biết, chất lượng dạy học không được tốt bằng các trung tâm ngoại ngữ bên ngoài trường. “Em đăng ký học tiếng Anh tại trường, qua hai tuần lễ thấy các bạn cùng học nghỉ dần, vơi tới gần nửa lớp. Các bạn ghi tên ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài, bởi học tại trường hai tuần lễ rồi, chỉ thấy thầy mở máy bật đài, không giảng giải gì cho chúng em được bao nhiêu...” một sinh viên nói vậy.
Ông Lê Khắc Cường, trưởng phòng đào tạo của trường Ðại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn cũng biết tình trạng dạy và học tại trung tâm ngoại ngữ ở trường như vậy, hứa hẹn sẽ khắc phục tình trạng đó, nhưng ắt hẳn còn phải trông đợi một thời gian lâu dài.
Ngoài hai hệ thống gồm nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ khá lớn là Anh Văn Hội Việt Mỹ (VUS) và Trường Ðào Tạo Việt Mỹ (VATC), Sài Gòn có hơn 600 trung tâm ngoại ngữ khác, ở khắp các quận nội, ngoại ô thành phố, trong đó nhiều trung tâm ngoại ngữ còn có các chi nhánh lớn nhỏ, tính ra tổng cộng tới hàng ngàn cơ sở đào tạo ngoại ngữ. Nhiều người cho rằng, số trung tâm ngoại ngữ tin cậy được, bảo đảm chất lượng dạy học ngoại ngữ tại Sài Gòn, cùng lắm cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi.
Nhìn chung, các trung tâm ngoại ngữ đều có những chiêu thức khuyến mãi (học) thật hấp dẫn để thu hút học viên. Một số trung tâm căng băng-rôn lớn ngoài đường phố: “100% giáo viên là người nước ngoài.” Chúng tôi biết, tại vài trung tâm ngoại ngữ có giáo viên nước ngoài thật đấy, nhưng đa số họ không có phương pháp sư phạm, dạy học viên viết và nói không theo ngữ pháp văn phạm gì cả, tương tự nói “tiếng bồi.” Theo quy định đăng ký hành nghề mở trường, tên cơ sở trường học trên bảng hiệu phải dùng tiếng Việt. Các trung tâm ngoại ngữ tại Sài Gòn đều tuân thủ quy định này, nhưng đều có dịch sang tiếng Anh cho có “vẻ Tây-Mỹ” mới oai phong đường bệ, thậm chí bằng chữ in lớn hơn chữ tiếng Việt.
Chúng tôi đọc được, trung tâm ngoại ngữ Á Lan Ðại có bảng hiệu “Trường Anh ngữ Atlanta,” trung tâm ngoại ngữ Bôn Tân chính là “Trường Anh ngữ quốc tế Boston.” Ở băng-rôn khuyến mãi của trung tâm ngoại ngữ Xin Chào, chỉ ghi là trường Anh ngữ quốc tế Hello! Sinh viên tìm học ở trung tâm ngoại ngữ bên ngoài trường cao đẳng-đại học, cũng như các học viên ngoại ngữ khác, thấy nhiều trung tâm ghi trên bảng hiệu đơn vị chủ quản đều là của trường Ðại Học Sư Phạm, hoặc của Sở Giáo Dục-Ðào Tạo thành phố, thì thật sự bảo đảm chất lượng rồi! Sự thật thì việc này không lấy gì làm bảo đảm, vì bất cứ cá nhân nào có quan hệ thân thiết với ban giám hiệu trường Ðại Học Sư Phạm, hoặc cán bộ của Sở Giáo Dục-Ðào Tạo, là có thể dư “điều kiện” mở trung tâm ngoại ngữ.
Có giấy phép hành nghề rồi, liên hệ với một trường học phổ thông nào đó, thuê phòng lớp để dạy học ngoài giờ, không phải là chuyện khó khăn. Tìm giáo viên đứng lớp cũng không khó, mỗi năm có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp cao đẳng sư phạm và đại học sư phạm môn tiếng Anh, trả thù lao một tiết dạy (45 phút) dưới hai chục ngàn đồng, cũng không thiếu người xin dạy. Và nói chung, giáo viên dạy sao cốt cho mau hết 2 tiết/buổi, với chút “cháo phổi” bán ra, tương ứng với đồng tiền thù lao bèo bọt! Học phí ở hai trung tâm ngoại ngữ lớn như Anh Văn Hội Việt Mỹ, trường Ðào Tạo Việt Mỹ, hoặc ở trung tâm ngoại ngữ thuộc Bộ Ngoại Giao, đương nhiên là khá cao, khoảng vài ba triệu đồng/tháng, đa số sinh viên không có khả năng điều kiện theo học. Còn ở các trung tâm ngoại ngữ ngoài giờ khác, thường rất đông học viên, giáo viên giảng dạy theo lối “đại trà,” học viên không thể yêu cầu giáo viên giải đáp thắc mắc cho từng trường hợp, chi tiết... Thế nên, sau một khóa học, cụ thể sau các khóa luyện thi TOEIC-TOEFL-IELTS, sinh viên tốn hàng chục triệu, nhưng thâu nhận một khả năng, vốn liếng ngoại ngữ không là bao. Ông Lê Khắc Cường cho rằng: “Ðể khắc phục tình trạng yếu kém ngoại ngữ của sinh viên, ngay từ đầu năm thứ nhất, kể từ niên khóa này, nhà trường quy định cuối năm thứ hai, sinh viên phải có bằng A - Anh ngữ. Song song đó, trường tiếp tục đầu tư phòng ốc để phục vụ việc giảng dạy theo tín chỉ.” Chúng tôi nhận thấy, dù sao chăng nữa, để sinh viên thoát khỏi tình trạng yếu kém ngoại ngữ, còn phải chờ đợi một thời gian không thể là sớm sủa.
No comments:
Post a Comment