Lần đầu tiên, những điểm yếu kém của nền kinh tế Việt Nam được mổ xẻ một cách thẳng thắn bằng những nghiên cứu khoa học nghiêm túc và được giáo sư Michael Porter trình bày trước chính phủ và các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Việt Nam.
Cuộc phỏng vấn của Khánh An và Vũ Hoàng thực hiện với TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, cử tọa tham dự của buổi công bố báo cáo trên sẽ mở đầu cho loạt bài về “Nâng cao năng lực cạnh tranh”.
Trước tiên, TS. Lê Đăng Doanh cho biết về những lỗ hổng chính trong năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam:
Giáo sư Michael Porter đã đánh giá cao về thành tựu tăng trưởng của Việt Nam và giáo sư nói rằng những thành tựu tăng trưởng ấy của Việt Nam thì đến nay đã đến giới hạn của nó, bởi vì Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu các khoáng sản thô, các sản phẩm có hàm lượng lao động cao nhưng chi phí nhân công thấp.
Giáo sư Michael Porter đã tỏ ra rất thẳng thắn chỉ ra rằng tình hình đó không thể kéo dài được mãi và đã nêu lên những mặt yếu chính của Việt Nam về năng lực cạnh tranh. Một là môi trường kinh tế vĩ mô đã trở nên kém ổn định. Vì vậy, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài cũng như khả năng thu hút đầu tư của khu vực tư nhân nội địa cũng bị hạn chế. Thứ hai là những nút thắt cổ chai của các đầu vào cho sản xuất. Cụ thể là những hạn chế về kết cấu hạ tầng, điện, nguồn nhân lực. Đấy là những điểm đặc biệt mà giáo sư nêu lên.
Giáo sư cũng nêu lên là cần phải có những nỗ lực nghiêm túc từ phía chính phủ cũng như doanh nghiệp để xây dựng và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới. Giáo sư cũng có kiến nghị về việc thành lập một Hội đồng cạnh tranh của Việt Nam, có các doanh nghiệp tư nhân tham gia. Giáo sư cũng đề xuất cũng như các nền kinh tế thị trường khác, Việt Nam cần phải lấy khu vực kinh tế tư nhân làm động lực chính để thúc đẩy phát triển và từ đó tạo nền tảng cho năng suất lao động cao hơn.
Kinh tế tư nhân
Khánh An: Tiến sĩ vừa nói là phải tập trung để phát triển doanh nghiệp tư nhân, Khánh An muốn hỏi là các doanh nghiệp tư nhân, theo như một số chuyên gia đánh giá, là dường như họ chưa thực sự am hiểu về khái niệm cạnh tranh, hay nói khác hơn là họ chưa áp dụng khái niệm này vào trong thực tế một cách hiệu quả. Không biết nhận xét này có đúng không, thưa tiến sĩ?TS. Lê Đăng Doanh: Khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt, hiện nay đã đạt được mức 6,2 doanh nghiệp/1000 dân là mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Trong số những doanh nghiệp đó, có một số doanh nghiệp đã hết sức chú ý đến việc hoàn thiện năng lực cạnh tranh của mình, đó là những doanh nghiệp xuất khẩu và phải cạnh tranh rất mạnh mẽ đối với các sản phẩm từ các nước ASEAN và từ Trung Quốc tràn vào. Còn một số các doanh nghiệp khác thì nhỏ hoặc quá nhỏ và chỉ chiếm lĩnh thị trường địa phương.
Vì vậy, họ thiếu năng lực cũng như thiếu hiểu biết có tính chất chuyên môn để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Tôi nghĩ rằng nếu thực thi những kiến nghị của giáo sư Michael Porter, Việt Nam có thể lập Hội đồng Năng lực cạnh tranh ở cấp cao và sẽ có những cải tiến nhất định để hỗ trợ cho các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn lên một cách mau chóng và sẽ đảm đương được nhiệm vụ của mình
Vũ Hoàng: Có một điều mà giáo sư Porter nói, là Việt Nam phải đặt lợi nhuận làm mục tiêu hàng đầu và tăng trưởng sẽ là mục tiêu thứ hai. Như vậy theo đánh giá của tiến sĩ, hiện nay các doanh nghiệp của Việt Nam có nhận thức rõ điều này không?
TS. Lê Đăng Doanh: Các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam thì đương nhiên hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng do điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay có rất nhiều khó khăn cho nên một số doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam có một tỷ suất lợi nhuận rất thấp. Còn các doanh nghiệp nhà nước thì một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như ngân hàng hay điện thoại di động thì họ phải cạnh tranh và họ có sự cải thiện tương đối khá. Nhưng các doanh nghiệp độc quyền thì đang có những biểu hiện trì trệ, dựa vào vị thế độc quyền của mình cho nên ít có cải tiến chất lượng hoạt động của mình.
No comments:
Post a Comment