Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, December 2, 2010

Biến "hoan nghênh" thành đề án

Nhiều giải pháp và kiến nghị đã được đưa ra để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Vậy làm thế nào để những kiến nghị được “hoan nghênh” ấy trở thành các đề án và áp dụng vào thực tế?
Trong bản báo về năng lực cạnh tranh mới được công bố, vấn đề cốt lõi được nêu lên là “cạnh tranh về sản phẩm giống nhau và cạnh tranh đối đầu trực tiếp về giá cả” là sai lầm lớn nhất của nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Chính sự cạnh tranh khốc liệt này giữa các doanh nghiệp có thể dẫn đến sự phá sản hoặc buộc các doanh nghiệp phải sát nhập lại với nhau.
Vậy giải pháp nào được nêu ra cho các  doanh nghiệp Việt Nam khi đối mặt với thách thức này, khi được hỏi, T.S Hà Huy Thành cho biết các sản phẩm Việt Nam “không bằng của Mỹ, không bằng của Nhật nhưng lại có những yếu tố riêng có của Việt Nam, phù hợp với điều kiện của Việt Nam thì có thể cạnh tranh được”.
Khi nhận xét về những sản phẩm của Việt Nam, về cái “tôi” rất riêng của Việt Nam ấy, T.S Thành đã nhấn mạnh đến yếu tố “đạo đức trong môi trường kinh doanh” và cho biết:
"Như vậy tạo ra sự khác biệt là đúng, mà có lợi cho Việt Nam ở chỗ không phải đeo đuổi theo tiến bộ kỹ thuật của thế giới, nhưng mỗi bước Việt Nam phải có một cái gì đó khác biệt hơn thế giới thì hàng hóa Việt Nam vẫn tiêu thụ được. Mục tiêu phục vụ kinh doanh của họ gần gũi hơn với “đạo đức môi trường” thì Việt Nam rõ ràng có sự khác biệt, cho nên hàng hoá của Việt Nam bao giờ cũng phù hợp với thị hiếu của người dân, giá cả và phong tục tập quán.”
Vậy là chính “cái tôi” riêng có hay “đạo đức” trong kinh doanh của Việt Nam sẽ mang lại sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam. Vấn đề tạo ra sự khác biệt là hoàn toàn có thể thực thi cho các doanh nghiệp Việt Nam, khi các nhà sản xuất thổi “hồn Việt Nam” vào các sản phẩm của mình, để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam nhiều hơn nữa.

Thay đổi mô hình kinh tế

Bên cạnh đó, vấn đề được nhiều diễn giả quan tâm theo dõi là hình thức hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam. Báo chí đã nói nhiều đến chuyện các doanh nghiệp hiện nay bị ảnh hưởng quá nhiều bởi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, chẳng hạn, Việt Nam vẫn tập trung vào những lợi thế so sánh như giá cả nhân công thấp, sử dụng nhiều các tài nguyên thô, lấy xuất khẩu làm trọng…chưa biết tập trung vào thế mạnh của mình.
Vì thế, bài toán đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải tìm ra một mô hình phát triển thích hợp với năng lực của chính mình.
Vậy là, đã đến lúc Việt Nam đứng trước thời điểm quan trọng chuyển biến từ tăng trưởng dựa trên các lợi thế so sánh sẵn có sang hình thức tăng trưởng dựa trên việc nâng cấp năng lực cạnh tranh và xây dựng cạnh tranh mới ở trình độ cao hơn.
Điều này đã được T.S Lê Đăng Doanh nhận xét: “Việc thay đổi mô hình tăng trưởng tức là phải chuyển tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng nhiều hơn theo chiều sâu; chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm thô sang xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao hơn, có độ chế tác cao hơn; phải chuyển từ lao động có năng suất thấp và tiền lương thấp sang năng suất lao động cao và có chất lượng cao hơn. Muốn như vậy, toàn thể xã hội phải có một sự chuyển động rất năng động.”

Năng lực quản lý của Nhà nước
Trong buổi họp báo, một trong những điểm nhấn cho vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh chính là việc lấy khu vực kinh tế tư nhân làm động lực chính cho sự phát triển kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn vừa qua đã có bước phát triển nhảy vọt và hiện nay đã đạt được mức trung bình của khu vực với 6,2 doanh nghiệp trên 1000 người dân.

Theo ông Micheal Porter thì Chính phủ Việt Nam cần phải nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân như một tài sản cực kỳ quan trọng và từ đó tạo nền tảng cho một năng suất lao động cao hơn. Cho dù các DNNN vẫn là một bộ phận quan trọng, được thể hiện qua việc thành lập các tập đoàn kinh tế nhưng ở đây, cần phải có sự cạnh tranh bình đẳng giữa các khu vực, từ đó cho phép những doanh nghiệp có đóng góp nhiều nhất vào sự thịnh vượng và hiệu quả của nền kinh tế.
Vấn đề ở đây đặt ra là vẫn có một mâu thuẫn khi đề cập đến khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, vì hiện tại doanh nghiệp nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, mâu thuẫn nội tại đó có thể được xem là bắt nguồn từ chính trình độ quản lý của Nhà nước, cùng chia sẻ với ý kiến này, T.S Hà Huy Thành cho hay:
"NN phải quản lý nền kinh tế tư nhân như thế nào để họ phát triển một cách tự nhiên, phát huy đầy đủ năng lực, đồng thời có những đóng góp lớn cho xã hội. Cái yếu của Việt Nam bây giờ là quản lý, vì quản lý không được là người ta cấm, rõ ràng hiện nay mâu thuẫn chính của kinh tế tư nhân hay kinh tế nhà nước là trình độ quản lý."
Cũng trên nguyên tắc đó, T.S Lê Đăng Doanh ủng hộ ý kiến tạo ra một sân chơi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế. Ông nói:
“Để cải thiện, giáo sư Michael Porter đề nghị không nên chú trọng vào việc lựa chọn một số ngành rồi chỉ ưu đãi một số ngành đó, mà nên tạo điều kiện tốt, cải thiện môi trường kinh doanh cho tất cả các ngành của tất cả các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế hoạt động.
Trên cơ sở đó, cung cấp thông tin, hỗ trợ về tín dụng và hướng dẫn trong việc thực hiện các quy định của chính phủ. Tôi nghĩ rằng nếu ta làm được cái đó, có một bộ máy của nhà nước có tính chất chuyên nghiệp và hợp tác với các doanh nghiệp sắp tới đây thì hy vọng các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có một bước phát triển mới”.
Rõ ràng, giải pháp cho năng lực cạnh tranh không chỉ nằm ở từng cá nhân, từng doanh nghiệp đơn lẻ mà nó nằm ngay trong hệ thống quản lý cũng như trong  năng lực quản lý của Nhà nước.

Tháo gỡ những “nút thắt”

Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực Việt Nam tầm vĩ mô, cụ thể là những “nút thắt” mà được báo cáo này đề cập, đó là hạ tầng cơ sở, năng lực lao động và cải cách thủ tục hành chính, ba vấn đề thách thức đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam, thì T.S Lê Đăng Doanh đánh giá:
“Theo tôi thì chính phủ đã nhìn thấy vấn đề và bây giờ phải ưu tiên, tức là phải thực thi việc thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, cụ thể là phải cắt giảm mức bội chi ngân sách, giảm lạm phát để từ đó giảm sức ép vào lãi suất và giảm lãi suất xuống mức mà doanh nghiệp có thể chấp nhận được, cũng như giảm nhập siêu và đẩy mạnh xuất khẩu để làm cho tỷ giá đồng Việt Nam được ổn định hơn, tăng thêm niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam và huy động được nguồn vốn rất lớn có trong dân dưới hình thức là vàng và ngoại tệ vào đầu tư.


Tôi nghĩ rằng nếu làm được như vậy thì kinh tế Việt Nam có thể ổn định và có thể tăng trưởng với chất lượng khá hơn năm nay. Như vậy, năm 2011 theo tôi là năm có rất nhiều khó khăn và điều đó không phải là đơn giản.”
Cuối cùng thì ý kiến đề xuất thành lập “Hội đồng năng lực cạnh tranh” được nhiều diễn giả tán thành. Việc thành lập một hội đồng không phải là chuyện quá khó, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện cơ quan đó lại là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp còn trăn trở. Cùng chia sẻ với ý kiến của nhiều doanh nghiệp, ông Doanh cho biết thêm:
"Điều này thì tất cả cử tọa trong hội nghị cũng như Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã kết luận là “hoan nghênh”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi gặp giáo sư Michael Porter cũng “hoan nghênh”. Theo tôi, vấn đề quan trọng là chuyển từ cái “hoan nghênh” đó thành các đề án, phương án và phải tổ chức thực hiện một cách mau lẹ.
Nhưng tôi không nghĩ đây là một việc dễ dàng bởi vì nó đòi hỏi rất nhiều người phải từ bỏ cái lợi ích ngầm, lợi ích nhóm của mình và nó sẽ đòi hỏi chất lượng của công việc của cả chính phủ lẫn doanh nghiệp phải được nâng lên ở một tầm cao mới."
Vậy là với một đánh giá tổng thể được xem là trọn vẹn nhất từ trước cho tới nay, với sự phối hợp của các chuyên gia trong và ngoài nước, đã mang lại một bức tranh khá hoàn thiện về năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực như những nhà phân tích kinh tế đã trình bày, thì chúng ta hoàn toàn tin rằng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm cao mới.

No comments:

Post a Comment