Sau hàng loạt cô dâu bị chồng ngoại ngược đãi, thậm chí bị sát hại, nhiều người dân sông nước miền Tây đã tự rút ra bài học đắng cay cho mình khi gả con về "xứ người", không còn thả nổi cuộc đời theo kiểu "phận gái 12 bến nước, trong nhờ đục chịu". Tuy nhiên, cạnh câu chuyện như lời kể của người đàn ông bên rạch Ba Gừa, tại vùng quê miền Tây, vẫn còn không ít chuyện thuộc về nhận thức của các bậc phụ huynh, đáng phải suy ngẫm…
Trung tuần tháng 12/2010, PV đã về cù lao Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn (Vĩnh Long) nằm giữa dòng sông Hậu. Cù lao này cũng từng được gọi là "đảo Đài Loan" do từng xảy ra phong trào phụ nữ "lấy chồng ngoại" dữ dội. Tại ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, chúng tôi được nghe câu chuyện của bà T. kể về đứa cháu của mình: "Nó nói là đi tìm việc chứ tôi đâu biết là nó đi vô chỗ người ta chuyên tổ chức cho mấy ông Hàn Quốc xem mắt. Hồi hôm kia , nghe nói cái vụ coi mắt kỳ cục đó bị Công an phát hiện nên con nhỏ sợ quá bỏ về".
Tôi lần theo địa chỉ mà bà T. cung cấp để nhảy đò ngang, vượt sông Hậu sang Phụng Hiệp (Hậu Giang) tìm N. nhưng không gặp. Tuy nhiên, chúng tôi được người bạn của N. kể, N. cũng có mặt trong "lò" nuôi cô dâu của một phụ nữ ở quận 6, TP HCM. Do sợ bị Công an phát hiện nên việc tổ chức cho chú rể Hàn Quốc xem mắt "dâu Việt" tinh vi hơn trước. Thay vì tập trung cả đám đông "dâu Việt", giờ họ chỉ cho coi mỗi lần 2 cô, tới khi nào được "chú rể" ưng ý thì thôi. Hôm đó, N. đang được người của chủ "lò" đưa đến khách sạn. Tuy nhiên, trên đường đi thì cô nhận được tin Công an đang lập biên bản.
Thì ra đó là vụ xảy ra tại khách sạn Tân Thành Công (117 Trần Bình Trọng, phường 2, quận 5, TP HCM) vào xế chiều 12/12 vừa rồi. Chiều đó, các trinh sát của Đội 5, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - Công an TP HCM đã bất ngờ ập vào phòng 308 của khách sạn bắt quả tang chú rể người Hàn Quốc đang xem mắt 2 cô gái trẻ quê miền Tây tại đây. Trong số 4 người Hàn Quốc bị lập biên bản xử lý, có 1 người xem mắt, 2 người đi theo xem để lần sau tham gia và 1 người môi giới phía Hàn Quốc tên là Lee Woo Sik (48 tuổi), cũng có vợ là người Việt Nam (tên là T.T.H.L., 29 tuổi).
Vẫn còn quá nhiều cô gái miền Tây háo hức rời quê mình để đến TP HCM tìm "vận may" tại các "lò" nuôi cô dâu. Bởi chỉ cần cái gật đầu của "chú rể", là họ được các "cò" xúc tiến thực hiện các thủ tục tiếp theo. Còn sau đó, họ có hạnh phúc và "đổi đời" không là chuyện khác.
Ngày 18/12, khi chúng tôi đang thực hiện bài viết này thì nhận được tin thương tâm liên quan đến phụ nữ tên Trần Kim N. (21 tuổi), nhà ở Thuận An, quận Thốt Nốt (Cần Thơ). N. cho biết cô từng yêu anh L.H.T. nhưng do hai bên đều nghèo nên chưa thể thành vợ thành chồng. Gần cuối năm 2009, N. đã kết hôn cùng một người Đài Loan tên là Chang Szu Hao. Sau khi lên TP HCM làm thủ tục sang xứ chồng, N. chung sống với Hao trong một khách sạn và cô bị khủng hoảng tinh thần nghiêm trọng.
N. không giấu giếm: "Hao thường bắt em quan hệ rất thô bạo". Chịu không xiết, N. gọi T. lên đón mình bỏ trốn. Họ chung sống được 5 tháng thì mẹ N. gọi con về Cần Thơ và hứa sẽ bàn chuyện đám cưới với T. Ngày 1/12 vừa qua, N. và T. về quê chuẩn bị đám cưới. Thế nhưng, ngày 4/12, khi nhà trai đến, nhà gái đòi phải chi 10.000 USD để trả nợ cho Hao mới được rước dâu. Cha mẹ T không đồng ý và đám cưới không thành...
Ông Lê Phát Thanh - Trưởng phòng Hộ tịch Sở Tư pháp TP Cần Thơ, kể một lần phỏng vấn một phụ nữ đẹp, 29 tuổi, quê Cờ Đỏ: "Sao lại chọn người quá chênh lệch tuổi với mình để làm chồng?". Cô gái trả lời: "Ở quê, chừng tuổi đó mà chưa có chồng coi như ế. Em thấy nhiều cô gái cùng quê cũng lấy chồng Hàn Quốc có sao đâu. Kệ, mình cứ coi như chơi vé số đi, hên thì trúng…".
Sau vụ cô dâu Hoàng Ngọc, người ta mới cảm thấy giật mình khi được biết thủ tục để được làm dâu Hàn Quốc khá đơn giản. Ông Trần Phước Hoàng - Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Cần Thơ cho biết, sau khi có giấy chứng nhận kết hôn do Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc cấp, được hợp pháp hóa lãnh sự, họ sẽ yêu cầu Sở Tư pháp các địa phương ghi chú kết hôn với trình tự, thủ tục rất đơn giản. Có giấy xác nhận này, cô dâu sẽ được xuất cảnh theo diện kết hôn. Việc phỏng vấn trong thủ tục vừa kể chủ yếu là xem xét tính chất tự giác, tự nguyện của 2 người. Và khi đã đến công đoạn này, cô dâu nào cũng được các "cò" hồ sơ mách bảo câu trả lời là "không ai ép buộc". Còn việc thẩm định "chàng rể" có tâm thần hay không là việc của cơ quan chức năng phía "chú rể".
Pháp luật nước ta vẫn chưa có sự ràng buộc về trình độ ngoại ngữ, hay ít ra cũng là sự hiểu biết về phong tục tập quán, văn hóa, thậm chí về người chồng và gia đình chồng, đối với phụ nữ muốn kết hôn với người nước ngoài. Đặc biệt, không quy định rõ ràng thời gian tìm hiểu của hai người nên cứ xảy ra chuyện "vừa biết nhau là cưới".
Trở lại với trách nhiệm của địa phương, sau vụ cô dâu Hoàng Ngọc, nhiều địa phương miền Tây cũng đã chấn chỉnh, kiểm tra lại việc phụ nữ kết hôn với người nước ngoài với hy vọng "sau cơn mưa, trời lại sáng".
Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo TP cho biết cũng đặt mục tiêu trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và cải thiện trình độ văn hóa của người dân vùng sâu, vùng xa nói chung với hy vọng sẽ hạn chế được tình trạng phụ nữ kết hôn với người nước ngoài trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ. Cần Thơ sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài, đưa công tác này đến gần hơn với quần chúng nhân dân lao động, đặc biệt là nữ thanh niên ở các vùng nông thôn, có trình độ học vấn thấp, đời sống kinh tế khó khăn.
Chính quyền và ngành chức năng của Cần Thơ bắt đầu kiểm tra nghiêm ngặt những hoạt động đối với người nước ngoài đến địa phương; kịp thời xử lý theo pháp luật đối với những tổ chức hoặc cá nhân nào môi giới, tập hợp phụ nữ để kết hôn với người nước ngoài, để trục lợi. Bà Nguyễn Thị Hà, Trưởng ban Gia đình - Xã hội, Hội LHPN TP cho biết, tới đây Cần Thơ sẽ lập trung tâm tư vấn hôn nhân cho những người có nhu cầu lấy chồng ngoại, để trang bị các kiến thức văn hóa, pháp luật cho các cô dâu trước khi về nhà chồng, giúp tránh được những bỡ ngỡ và các bi kịch đau lòng.
Cần Thơ hiện vẫn là địa phương có số phụ nữ lấy chồng nước ngoài, chủ yếu là Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc đông nhất so với các tỉnh khác của miền Tây. Năm 2009, địa phương này có gần 2.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc (có 510 trường hợp đăng ký kết hôn; 1.486 phụ nữ ghi chú kết hôn). Năm 2010, con số có giảm nhưng không đáng kể. Điều đáng lưu ý là qua phân loại, tỷ lệ phụ nữ Cần Thơ trong liên tiếp vài ba năm trở lại đây vẫn chủ yếu là tập trung ở các huyện nghèo thuần nông, nhất là Thới Lai, Cờ Đỏ (chiếm khoảng 80%). Những xã như Đông Bình, Trường Thành, Trường Thắng, Thới Đông và Thị trấn Cờ Đỏ hiện vẫn đang là "thị trường truyền thống" của các chú rể đến từ Hàn Quốc.
Cần Thơ cũng đề nghị Bộ Tư pháp có Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 69/2006/NĐ-CP quy định chi tiết hơn một số vấn đề như: nộp, bác hồ sơ, phỏng vấn các bên đương sự, phiên dịch, công dân nước ngoài có khuyết tật, chênh lệch tuổi tác giữa 2 bên nam nữ quá nhiều, con rể lớn tuổi hơn cha mẹ vợ…, nhất là trong việc ghi chú kết hôn.
Được biết, Hàn Quốc hiện có khoảng 136.000 người vợ nhập cư, trong số này, số cô dâu Việt chiếm tỷ lệ đáng kể. Năm 2009, 35% ngư dân và nông dân Hàn Quốc kết hôn với cô dâu là người nhập cư (trong đó có 47% cưới cô dâu Việt, kế đến là Trung Quốc, Campuchia...). Năm 2009, Hàn Quốc đã tiếp nhận 1.987 cô dâu đến từ nước ngoài. Những công ty môi giới tại Hàn Quốc thường tổ chức những chuyến đi chớp nhoáng ra các nước, khu vực kể trên để đưa những người đàn ông Hàn Quốc tìm vợ. Thời gian từ lúc gặp đầu tiên đến đám cưới chỉ chưa tới một tuần. Các cô dâu nước ngoài bị lừa vì lời hứa hão, quảng cáo sai sự thật, sang đến xứ người mới phát hiện chồng mình không có tài sản, ốm đau, nghiện rượu, khó tính thậm chí bị tâm thần. Hôn nhân kết cục không bền lâu và các cô dâu nước ngoài thường rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát.
No comments:
Post a Comment