Trước đó khoảng 1 tiếng đồng hồ, tất cả các thành viên của những quốc gia vận động đã có mặt, ai nấy đã ngồi vào vị trí của mình. Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton ngồi ở hàng ghế thứ 2, ngay đằng sau 5 chiếc ghế dành riêng cho các Phó Chủ Tịch và Tổng Thư Ký của tổ chức thể thao quan trọng nhất nhì thế giới.
Bên trái của ông Clinton ở hàng ghế thứ 3 là phái đoàn đại diện cho Anh Quốc, hoàng tử William ngồi cạnh ông trưởng ban vận động, khuôn mặt nghiêm nghị hơn mọi ngày nhưng vẫn không giấu được vẻ hớn hở -lẫn tinh ranh- của một anh thanh niên mới lớn sắp lập gia đình.
Đứng sau cùng là 1,000 nhà báo đến từ khắp nơi. Tất cả đều có chung một thắc mắc, không biết quốc gia nào hân hạnh nhận danh dự đăng cai World Cup 2018 và 2022, chẳng ai muốn nhắc lại dự báo từng được đồn thổi trong suốt tháng 11 nói Anh Quốc sẽ lãnh trách nhiệm 2018, Hoa Kỳ ôm phần trách nhiệm của 2022.
Không ai bảo ai, tất cả chỉ nghĩ đến một quãng đường quá dài đã đi chung với nhau trong 2 năm qua, bây giờ là lúc chờ đợi kết quả.
Câu chuyện bắt đầu từ tháng Giêng 2009 tại thành phố Chicago, khi Liên Đoàn Bóng Tròn Hoa Kỳ (USSF) thông báo đã chính thức nộp đơn xin đăng cai World Cup 2018 và 2022. Hôm đó, ông Chủ Tịch Sunil Gulati cho biết quyết định dự tranh cả 2 kỳ tổ chức vì “muốn đưa World Cup trở lại Mỹ càng sớm càng tốt” và tin tưởng “nếu không thắng giải đầu thì sẽ thành công ở giải thứ nhì”.
Các thành viên khác của Liên Đoàn cũng lên tiếng trấn an mọi người, một mặt nhìn nhận “một lúc lo cả 2 việc quả là táo bạo”, nhưng hứa “sẽ dồn hết mọi cố gắng cho cả 2 cuôc vận động”, nhắc đi nhắc lại dù công việc quả có bận rộn hơn, “nhưng sẽ không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để đem World Cup về với nước Mỹ”.
Lúc đó, những lời giải thích của USSF quả có cơ sở khá vững chắc. Sau phiên họp ở Sydney hồi cuối năm 2008, FIFA quyết định bỏ hẳn chính sách các châu lục thay phiên nhau tổ chức cuộc tranh tài mõi 4 năm diễn ra một lần, kéo dài dung một tháng, thu hút cả tỷ người theo dõi. Trong cuộc họp ở Sydney, các thành viên Ủy Ban Điều Hành FIFA cũng đồng ý với nhau về kế hoạch cho 10 năm tới, trong đó quan trọng nhất là cần một khoản tiền rất to “để giúp phát triển môn bóng tròn ở Châu Phi và Châu Á”.
Để có số tiền rất to -lên đến cả trăm triệu dollars- USSF tin tưởng các thành viên của FIFA biết rõ “chỉ có nước Mỹ mới cung ứng được”, và họ sẽ gật đầu bỏ phiếu ủng hộ đơn xin dự tranh của Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất “có sẵn mọi phương tiện”, nơi “mỗi trận banh trung bình có 76,000 khán giả đứng xếp hàng mua vé vào xem” như FIFA từng thấy khi Hoa Kỳ tổ chức World Cup 1994.
Không ai có thể ngờ chỉ một năm sau đó, tình hình bỗng dưng thay đổi. Mục tiêu của FIFA vẫn còn đó, kế hoạch FIFA đưa ra cũng mới bắt đầu thực hiện, nhưng dư luận khắp nơi đều nói đến chuyện trước đây cứ mỗi 8 năm một lần “World Cup lại trở về với Âu Châu” và “định luật thể thao này không được thay đổi”.
Ồn ào nhất là dư luận trong thời gian World Cup 2010 diễn ra ở Nam Phi: suốt cả tháng 6 và đến giữa tháng 7, ai ai cũng nói -và đòi- phải đưa World Cup 2018 về Châu Âu, lấy lý do lần cuối cùng Châu Âu được đăng cai là năm 2006 ở Đức, và người dân khu vực đào tạo quá nhiều cầu thủ “siêu sao” không thể chờ đợi thêm được nữa. Ngay chính các viên chức điều hành FIFA cũng bắt đầu đưa ra những lời tuyên bố mang ý nghĩa họ sẵn sàng đưa World Cup về với vùng đất đang là linh hồn của môn bóng tròn.
Hoa Kỳ lo lắng
Trước dư luận “quái ác” đó, Liên Đoàn Bóng Tròn Hoa Kỳ cảm thấy không an tâm. Tiếp xúc với báo chí trước khi trận All-Star 2010 diễn ra, ông Chủ Tịch USSF Sunil Gulati điểm danh những quốc gia nộp đơn tổ chức World Cup 2018. Với giọng từ tốn ông bảo “tất cả đều là những nước Châu Âu, chỉ có một mình Hoa Kỳ lạc lỏng”. Còn giải 2022 thì sao? “Tất cả đều là những quốc gia Châu Á, cũng chỉ có mỗi mình Hoa Kỳ đứng riêng biệt nhưng chúng ta sẽ có rất nhiều cơ hội thành công”. Điều ông Gulati nói đủ cho mọi người hiểu: Hoa Kỳ sẽ rút khỏi cuộc đua 2018, và dồn nỗ lực cho cuộc đua 2022.Một thành viên Hội Đồng Quản Trị USSF lạc quan hơn, bảo “quyết định rút khỏi 2018 là quyết định khôn ngoan về mặt ngoại giao, giúp chúng ta cơ hội lấy cảm tình và lấy phiếu của các thành viên Âu Châu và có thêm thì giờ để dựng một hội tuyển thật trẻ, thật kinh nghiệm cho cuộc tranh tài ngay ở sân nhà”.
Kết quả gần đúng như dự đoán ở cuộc bỏ phiếu chọn nơi tổ chức World Cup 2022. Hoa Kỳ và Qatar vào tới vòng cuối, Australia, Nam Hàn và Nhật Bản bị loại ngay ở những vòng bỏ phiếu đầu. FIFA cho biết sau gần nửa giờ đồng hồ tranh luận, 14 thành viên dồn phiếu chọn Qatar, 8 phiếu còn lại dành cho nước Mỹ. Với quyết định này, FIFA đã “can đảm” mở một trang sử thể thao mới, đưa World Cup về với một quốc gia rất nhỏ bé, chưa lần nào lãnh được vé dự World Cup cả.
Ngay cả quyết định chọn Nga cho World Cup 2018 cũng thế. Ai cũng nghĩ sẽ là Anh Quốc, đâu ngờ Anh bị loại ngay ở vòng đầu Anh -chỉ có 2 phiếu ủng hộ-. Ở vòng bỏ phiếu thứ nhì, tới 13 phiếu dành cho Nga, quốc gia “đang trên đường đổi mới và chỉ có World Cup mới giúp chúng tôi tiến đến thành công nhanh hon” như trình bày của Ủy Ban Vận Động Nga đưa ra trước giờ bỏ phiếu.
Cũng đừng quên Thủ Tướng Vladimir Putin của nước chiến thắng nhất định không đến dự, vì “không muốn liên quan” tới một tổ chức thể thao bị cả thế giới chê bài “làm việc không minh bạch”, hai thanh viên Ủy Ban Tuyển Chọn bị cấm cửa không được dự họp sau khi báo chí Anh đưa ra bằng chứng cho thấy 2 nhân vật này muốn “bán phiếu” lấy tiền bỏ túi.
Sau World Cup Nam Phi 2010, rõ ràng “FIFA muốn mở rộng biên giới thể thao, đưa World Cup đến với mọi nơi để bóng tròn thật sự là môn thể thao của mọi người”, theo giải thích của ông Chủ Tịch Sepp Blatter trong cuộc họp báo kết thúc phiên họp kéo dài 2 ngày ở Zurich.
Chọn Nga là một bằng chứng, chọn Qatar là bằng chứng rõ rệt hơn nữa. FIFA muốn đi bước đường dài hơn, chưa vội ghé lại Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment