Tuy nhiên Ủy ban biên giới của Chính phủ hai nước khẳng định khu vực Dân biểu đảng Sam Rainsy bị chặn nằm dưới sự quản lý của Việt Nam.
Việt Nam ngăn chặn không cho kiểm tra cột mốc?
Đảng đối lập Sam Rainsy của Campuchia đang làm bảng báo cáo Quốc Hội liên quan vấn đề người dân Campuchia thuộc huyện Mê mót, tỉnh Kampong Cham bị mất đất ở khu vực giáp biên giới của Việt Nam và bị Công an Việt Nam đến ngăn chăn không cho đến xem xét cột mốc tạm số 103.Nói với Đài Á Châu tự do sáng 22/12, Dân biểu đảng đối lập Sam Rainsy ông Son Chhay cho biết, Dân biểu đảng Sam Rainsy đang chuẩn bị báo cáo về vấn đề biên giới Campuchia-Việt Nam ở tỉnh Kampong Cham gửi lên Cơ quan ban ngành cấp cao của nước này để được giải thích vấn đề cắm cột mốc và Công an biên phòng Việt Nam đến ngăn chặn DB trên đất Campuchia.
Dân biểu Son Chhay nói rằng, căn cứ vào việc nghiên cứu, theo dõi kỹ thuật và báo cáo từ nhân chứng địa phương, cột mốc số 108 và 109 ở xã Đa, huyện Mê mót và cột mốc tạm số 103 ở xã Rong, huyện Mê mót bị Việt Nam lấn vào, chứ không giống như lời khẳng định của Chính phủ là công dân không bị mất đất. Dân biểu Son Chhay cho biết:
“Trong vòng 3-4 ngày nữa chúng tôi sẽ hoàn thành một báo cáo bởi vì chúng tôi chờ nhóm kỹ thuật viên lấy điểm mà chúng tôi lấy được và kiểm tra theo bản đồ; tuần tới sẽ có báo cáo cụ thể. Báo cáo này, chúng tôi sẽ gửi lên Chính phủ, Quốc Hội, Quốc Vương, và cựu Quốc Vương.”
Trong báo cáo này, Dân biểu bên đảng Sam Rainsy yêu cầu Chính phủ hoàng gia lên tiếng việc Công an biên phòng của Việt Nam khoảng 20 người có mang theo súng đến ấp Donroth, xã Rong ngăn chặn 18 Dân biểu không cho đến xem xét cột mốc tạm số 103. Ông nói rằng, Chính phủ có trách nhiệm lên tiếng xung quanh vấn đề này. Nếu như sau khi thấy báo cáo nhưng Chính phủ không có hành động, thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử.
Vào hôm 14 tháng 12 năm 2010, có gần 20 Công an biên phòng của Việt Nam đến ngăn chặn 18 Dân biểu thuộc đảng Sam Rainsy và một số quan chức cấp cao khác cùng với nhiều người chủ đất mong muốn đến xem xét cột mốc biên giới tạm số 103. Việc Công an biên phòng Việt Nam xô đẩy, và ngăn cản này xảy ra ở gần đồn biên giới Donroth, xã Rong, huyện Mê mót của Campuchia cách cột mốc tạm số 103 khoảng 100 mét và việc xô đẩy này kéo dài khoảng 30 phút, tuy nhiên không người nào bị thương.
Chưa phải là đường biên giới chính thức
Phát biểu tại cuộc họp báo để công bố kết quả Công ty nước ngoài trúng thầu xây dựng bộ bản đồ biên giới phần đất liền giữa Campuchia-Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh hôm ngày 17/12, Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia-Bộ Ngoại giao Việt Nam ông Nguyễn Hồng Thao trả lời với phóng viên Campuchia rằng, phái đoàn Dân biểu đảng Sam Rainsy đã xâm phạm qua đường quản lý hiện tại của Việt Nam. Họ không xin Visa để sang Việt Nam, cho nên các lực lượng quản lý biên giới của Việt Nam phối hợp với các lực lượng biên giới của Campuchia giải thích và đưa họ trở về Campuchia. Điều này rất là bình thường khi bên phía Việt Nam có một số người đi sang vùng đất của Campuchia thì lực lượng quản lý của phía Campuchia cũng sẽ giải thích và đưa về Việt Nam.Ông Nguyễn Hồng Thao giải thích thêm:
“Tôi nghĩ rằng, hiện nay chúng ta đang phân giới cắm mốc đường biên giới. Đây cũng giống như chúng tôi làm với Trung Quốc và Lào. Khi chúng tôi chưa có đường biên giới chính thức, thì không thể nói rằng, phía Việt Nam xâm lấn Campuchia hay Campuchia xâm lấn Việt Nam. Nếu như dưới sự quản lý thực tế thì hiện nay vùng đất mà phái đoàn của các bạn đi xuống đấy là đang nằm dưới sự quản lý của Việt Nam theo thông cáo báo chí năm 1995 đã ký giữa hai Thủ tướng Việt Nam-Campcuhia. Chúng ta đã thống nhất, trong khi chưa phân giới cắm mốc thì chúng ta tôn trọng đường quản lý hiện tại.”
Còn ông Var Kimhong, Chủ tịch Ủy ban biên giới của Chính phủ hoàng gia Campuchia cũng phát biểu ủng hộ lời giải thích này.
Ông nói rằng, theo thông cáo báo chí được hai Thủ tướng ký ngày 17 tháng Giêng năm 1995 khu vực Dân biểu đảng Sam Rainsy bị ngăn chặn thì từng nằm dưới sự quản lý của Việt Nam. Ông Var Kimhong khẳng định:
“Cũng giống như những gì ông Nguyễn Hồng Thao nêu lên, khu vực phái đoàn Dân biểu bị ngăn chặn thì trước đây Việt Nam quản lý. Họ đứng gần khu vực Sok Tây, nếu như họ tiếp tục đi qua đó thì đã đi vào phần đất của Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh chỗ này, trong lúc nhóm Dân biểu bị ngăn chặn thì họ nói Việt Nam vào đất Campuchia bởi vì họ đứng cách cột mốc đó 100 mét. Nhưng họ đã quên, những gì chúng ta thống nhất rằng, trong lúc chưa phân giới cắm mốc, chúng ta chỉ cắm cột mốc thì người nào từng quản lý khu vực nào cứ tiếp tục quản lý như thường.”
Liên quan đến lời giải thích này, Dân biểu Son Chhay nói rằng ông muốn thấy thông cáo báo chí mà Chính phủ hai quốc gia được thống nhất. Song song đó, ít nhất Dân biểu cũng có quyền đến xem xét cột mốc tạm bởi vì chỉ đến xem thì không làm hại gì đến cột mốc tạm đó.
No comments:
Post a Comment