Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Wednesday, December 22, 2010

Bao giờ nạn cưỡng chế ruộng đất mới chấm dứt?

Từ chiều ngày 20 tháng 12 cho đến ngày 21 tháng 12, cơ quan chức năng điạ phương tiến hành công tác cưỡng chế tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Hoạt động này nhằm buộc người dân giao đất ruộng để làm khu công nghiệp trong khi dân chúng chưa thống nhất với mức đền bù được chính quyền đưa ra.

Vừa đàm vừa đánh?

Gia Minh hỏi chuyện một người dân có đất ruộng bị cưỡng chế vào sáng ngày 21 tháng 12 vừa qua.
Người dân: Tôi năm nay 64 tuổi. Tối qua, tôi thức trắng đêm để giữ ruộng; nhưng sáng nay họ đến khiêng chúng tôi vứt ra đường cách khu công nghiệp khoảng 500 mét. Họ chắn hàng rào không cho dân lên lại, hiện dân đang phẩn nộ lắm.
Chúng tôi thức trắng tại hiện trường để đòi lại sự công bằng thôi. Nhưng nay công bằng cũng không đòi được, mà chúng tôi bị áp chế quá nhiều không thể chịu được.
Gia Minh: Bà vừa cho biết đòi hỏi công bằng, vậy điều gì là bất công đối với bà con?
Người dân: Bất công thế này: tiêu chuẩn đền bù mà họ đưa ra là 27 ngàn đồng một mét vuông đất; chúng tôi không đồng ý với mức đó nên họ nâng lên mức 47 ngàn đồng; mức đó vẫn không được chấp thuận thì họ

nâng lên 67 ngàn đồng.

Họ ra thời hạn đến ngày 31 tháng 12 năm 2010 phải nhận mức tiền bồi thường này, giao đất để triển khai dự án. Hôm nay là ngày 21 tháng 12, như vậy họ thực hiện sớm hơn 10 ngày, tiến hành san lấp thi công công trình khi chúng tôi chưa kịp nhận tiền.
Họ thuê công an, bộ đội bốn tỉnh và mang năm chó berger về để áp đảo dân. Cứ năm người khênh một người dân đưa lên trên đường, và rồi dàn hàng ngang, sử dụng dùi cui để đánh.

Người dân luôn bị thiệt thòi

Gia Minh: Sau khi bị cưỡng chế như thế, người dân cần làm gì nữa để đòi hỏi quyền lợi?
Người dân: Yêu cầu hiện nay của chúng tôi như sau:
Thứ nhất: do dân quá thiệt thòi: ví dụ như gia đình tôi có 2586 m2 thì sẽ được hưởng 182 m2 đất dịch vụ nhưng người ta chỉ cho lô 80 m2 mà cắt đi 100 m2. Họ mua của chúng tôi giá 27 nghìn, cộng hổ trợ lên 67 ngàn một mét vuông; nhưng bán lại cho chúng tôi giá 205 ngàn một mét vuông theo giá dịch vụ. Chúng tôi đòi hỏi giá chúng tôi bán thế nào, thì bán lại cho chúng tôi theo giá bằng như thế. Quyền lợi về mặt xã hội thế nào cũng phải cho chúng tôi được hưởng như thế. (Điều đó có nghiã tiêu chuẩn của chúng tôi là 182 m2 đất dịch vụ phải đủ).
Thứ hai: kênh mương hoá ‘bờ vùng, bờ thưả’ do dân chúng đóng góp xây dựng; nay Khu công nghiệp về chỉ trả ‘phần nổi’, tức phần vôi gạch thôi mà không chi trả ‘phần chìm’, nên chúng tôi không đồng ý.
Thứ ba: đất mồ mả, đất hoang ngay trước nhà chúng tôi mà xã đã mua đến 80 triệu một sào.
Do vậy chúng tôi không nhất trí, và đòi sự công bằng.
Gia Minh: Trong thời gian qua, người dân đã gữi đơn đến các cấp nào để đòi hỏi sự công bằng?
Người dân: Chúng tôi đã gửi đơn đến xã, đến huyện, tỉnh, trung ương. Chúng tôi đã lên trung ương tại Hà Nội hai lần rôì. Trung ương cho rằng đây không phải là công trình phúc lợi nên trả lại về tỉnh. Nay tỉnh lại áp đảo chúng tôi.
Gia Minh: Vậy nay nguyện vọng của người dân thế nào?
Người dân: Nguyện vọng là phải có sự công bằng cho dân. Bởi lẽ có dân mới có mọi thứ. Dân chúng tôi ‘bới đất, nhặt cỏ’, mỗi đầu người chỉ có một sào 12 thước ruộng. Nay ‘cướp’ của chúng tôi như thế chúng tôi rất phẩn nộ.
Gia Minh: Chính quyền khi đưa ra dự án tại đó có những chương trình giúp dân ổn định cuộc sống thế nào không?
Người dân: Không có, chỉ có hổ trợ đời sống cho dân từ 27 ngàn đồng, rồi lên 32 ngàn đồng, rồi lên 47 ngàn đồng, rồi 67 ngàn đồng. Chúng tôi chưa đồng ý. Nay mới có chừng 20% số hộ được lĩnh đợt tiền ’67 ngàn đồng’ thôi.
Gia Minh: Cám ơn Bà đã cho biết những thông tin cụ thể tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.

No comments:

Post a Comment