Quỳnh Chi có cuộc nói chuyện với Luật sư Phạm Hồng Hải - một chuyên gia nghiên cứu tâm lý tội phạm hình sự, xung quanh vấn đề này.
“Đi tù” trong hộ khẩu
Khi một phạm nhân được mãn hạn tù, bước ra khỏi song sắt nhà giam, những tưởng họ sẽ bỏ lại sau lưng những khổ đau và mặc cảm. Thế nhưng có những điều vô tình đã xoáy sâu vào nỗi lòng người muốn hoàn lương khi họ phải “cõng” trên lưng hai chữ “đi tù” suốt đời trong sổ hộ khẩu. Tất cả đều bắt đầu bằng những quy định chưa hoàn thiện của pháp luật.Để tạo điều kiện tốt nhất cho các những người từng chịu án, ngày 1/7/2007, Luật cư trú mới có hiệu lực quy định những người đang thực hiện bản án sẽ không bị xóa tên trong sổ hộ khẩu, đồng nghĩa với việc sổ này sẽ không có một dấu tích gì về quá khứ của người bị giam. Việc này được cho là điểm tiến bộ trong cơ chế quản lý cư trú.
Và điều này sẽ không có gì đáng bàn cãi nếu trước năm 2007, cơ quan giám sát về cư trú không quy định rằng người đi tù sẽ bị xóa tên khỏi sổ hộ khẩu gia đình và người đó sẽ được nhập hộ khẩu lại khi họ trở về với cuộc sống tự do. Việc này được cho là để giúp địa phương dễ dàng quản lý. Luật sư Phạm Hồng Hải cho biết:
“Cơ quan quản lý hành chính – cơ quan quản lý hộ khẩu ghi vào đó để người ta biết rằng trong thời gian nào đó người đó không có mặt tại địa phương”
Vậy là ngoài “gánh” bản án mình phải mang, những phạm nhân này còn “đeo” luôn cả những dòng chữ như “đi tù”, “chấp hành án phạt tù”, hay “đi tù về tội danh…” trong phần lý do cắt hộ khẩu của mình.
Theo quy định của Bộ luật hình sự, những người mãn hạn tù sau một thời gian (tùy theo bản án của họ) sẽ được xóa án tích và về nguyên tắc luật sẽ coi như người đó chưa vi phạm pháp luật. Luật cư trú mới năm 2007 mặc dù xóa bỏ quy định đóng dấu từ “đi tù” trong hộ khẩu, lại không có quy định gì về việc tẩy xóa hay thay hộ khẩu mới cho những người đã từng bị đóng dấu. Tình cảnh này làm người thì dở khóc dở cười, người thì làm ngơ như không biết, đành đổ lỗi rằng “mỗi cơ quan nó có nhiệm vụ, mục đích, mục tiêu riêng và cách thức họ làm việc khác nhau”:
“Hiện nay chưa có một quy định cụ thể. Chỉ trong luật tố tụng hình sự quy định xóa án tích. Thế còn việc liên quan đến việc quản lý hộ khẩu thì đó gọi là cơ quan quản lý hành chính, chứ không phải cơ quan tố tụng nên họ có những quy định riêng của họ”.
Luật và thực tế
Việc “lệch pha” và không đồng bộ giữa các cơ quan hành chính và cơ quan tố tụng hình sự đã tạo ra lắm cảnh khóc cười vì cái quá khứ không hay của người tù vẫn đeo bám họ từng ngày.Về nguyên tắc, trên máy hoặc trên hồ sơ phải ghi rằng người đó “coi như”chưa một lần phạm tội”.
Từ “coi như” ấy, khó được xã hội chấp nhận, sự “coi như” đó chỉ có giá trị về mặt pháp lý mà từ quy định pháp lý đến thực tiễn là một khoảng cách rất xa:
“Ví dụ như tôi vay tiền của chị nhưng chị bảo xóa nợ vì tôi không có tiền trả. Coi như tôi đã trả rồi nhưng thực chất tôi chưa trả. Cái từ “coi như” chỉ có giá trị pháp lý chỉ để xem xét khi người đó phạm một tội mới”.
Chỉ tính từ năm 2000, đã có hơn 130 ngàn tù nhân được ân xá, trong đó còn rất nhiều người mang “vết nhơ” này trong hộ khẩu. Điều này hạn chế tính nhân đạo trong pháp luật. Những người đã từng vi phạm pháp luật đã chịu hình phạt cho hành động của mình trong lao lý chỉ trong một khoảng thời gian, nhưng nếu lại phải trả giá cho hành động ấy bằng cả cuộc đời ngoài xã hội thì quả là một cái giá quá đắt.
Vừa rồi trong buổi lễ ra mắt Quỹ hoàn lương, chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh kể câu chuyện về một nhóm người sau khi ra tù đã thành lập nhóm xe ôm. Thế nhưng từ khi mọi người biết quá khứ của các tài xế này đã từng vào tù ra khám, việc mưu sinh của họ trở nên khó khăn và nhóm xe ôm này phải tan rã. Câu chuyện này chỉ là một trong hàng ngàn câu chuyện xót xa.
“Cần phải dang rộng cánh tay để xóa bỏ mặt cảm đối với những người phạm tội để cho họ đỡ bị mặc cảm”.
Đó là lời phát biểu của Luật sư Phạm Hồng Hải trước khi kết thúc câu chuyện, cũng là mong muốn của những người tù, bởi ngoài kia lẫn trong dòng người tấp nập, họ đang bị tổn thương vì cộng đồng xa lánh bởi những quy định vô lý của chế độ đương quyền.
No comments:
Post a Comment