Nhìn AiCâp Mong ViệtNam

Thursday, December 2, 2010

Tung clip lên mạng trở thành tiêu cực nếu muốn bôi nhọ người khác

Thời gian gần đây việc quay và tung video clip lên mạng nhiều đến nỗi người ta nghi ngờ rằng đây chính là “mốt” hay còn gọi là trào lưu xã hội. Trong khi nhiều người băn khoăn không biết lợi hại của việc này như thế nào và nên làm thế nào để tránh vi phạm pháp luật, một số người lại chưa sẵn sàng cho sự bùng phát này. Xin mời quý vị cùng theo dõi trong  bài sau với Quỳnh Chi.

Lợi hại của những "Clip Video" trên mạng

Với con số khoảng 89 triệu người, tính đến tháng 7/2010, hơn 24 triệu đơn vị sử dụng internet là một con số không nhỏ. Việc Internet trở thành phương tiện truyền thông gần gũi trong xã hội đã làm cho cách tiếp cận thông tin khác đi rất nhiều so với một thập kỷ trước.
Chỉ vài giờ sau khi clip “bảo mẫu tắm đòn” được tung lên mạng, tin tức đã lan đi cả trong và ngoài nước. Nhiều người cho rằng việc tung clip này lên mạng là góp phần giúp hoàn thiện xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng nghĩ như thế, N.T.T. Hoài, sinh viên trường Đại học Ngoại Thương, với kiến thức và sinh hoạt thường xuyên trong giới trẻ chị cho biết:
“Thật ra nếu không có những cái đó thì  mình không biết, nó cho mình nhiều luồng thông tin. Nó nên vì nó là

sự thật và mình cần đưa lên để cộng đồng biết điều ấy. Nhưng em nghĩ là vừa nên và vừa không vì cách người ta xem và mục đích của họ khác nhau. Nếu như người ta xem rồi down về làm cái này cái kia thì cũng không nên”.
Hàng trăm clip xuất hiện với vô số chủ đề, từ nữ sinh đánh hội đồng, bạo hành trẻ em, cảnh sát giao thông đánh dân, hay cảnh sát giao thông mãi lộ… trong đó có rất nhiều clip có tác dụng tích cực cho văn hóa và văn minh cộng đồng.
Nhờ những clip đó, ngành giáo dục quan tâm hơn đến tình trạng xuống cấp về đạo đức trong học đường. Phụ huynh quan tâm hơn đến con cái và lãnh đạo các cấp quan tâm hơn đến nhân viên dưới quyền.  Đơn cử như một clip trên youtube năm 2007, ghi lại hình ảnh công an giao thông tát vào mặt một thanh niên đang sử dụng xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm. Có thể nói, clip này như một tiếng chuông gióng lên cảnh báo sự lạm quyền của một số cảnh sát giao thông.Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý clip này có sức tố cáo mạnh mẽ mà ngành công an không thể chối bỏ hành vi của người nhận trách nhiệm giữ gìn giao thông. Nhiều người vẫn còn e ngại kiểu “tố giác” tội phạm này và cho rằng có thể clip này có dụng ý nói xấu một cá nhân hay tập thể nào đó.
Ý kiến của luật sư Nguyễn Văn Hậu, công tác tại Hội luật gia TP.HCM, cộng tác viên của nhiều tờ báo về tư vấn và phổ biến pháp luật Việt Nam về việc này như sau:
“Tùy theo  mục đích của việc tung clip lên mạng mà chúng ta xác định điều đó đúng hay sai. Nếu anh phản ánh một thông tin hành vi vi phạm pháp luật thì khác nhưng nếu post lên để nói xấu thì khác”.

Quyền bày tỏ chia sẻ trên internet

LS Hậu cũng cho rằng, rất nhiều clip tung lên mạng vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.
Sự phổ biến của điện thoại di động với chức năng chụp hình, cùng với sự phát triển vượt bậc của mạng lưới internet tại Việt Nam, trở thành phương tiện hữu hiệu để người dân bày tỏ bất bình trước những sai trái mà nhiều cơ quan nhà nước vi phạm. Luật sư Hậu cho biết thêm:
“Tùy trường hợp mà xem việc đưa lên như vậy có vi phạm pháp luật không. Chẳng hạn như clip bảo mẫu hành hạ trẻ em thì do pháp luật Việt Nam có qui định trẻ em có quyền được bảo vệ. Thì việc đưa lên như thế là để phản ảnh hành động sai trái”.
Thế nhưng điều nghịch lý là đối với những clip lên án sự suy đồi đạo đức hay “vô thưởng vô phạt” thì có thể post lên mạng để “ngăn chặn cái xấu” còn đối với những clip ảnh hưởng đến uy tín của chính phủ, thì người dân chỉ được “phản ánh”. LS Hậu chia sẻ:
“Anh có thể post lên bất kỳ một thông tin nào nhưng anh phải chứng minh đó là sự thật. Vì dụ anh post một clip cho rằng công an mãi lộ thì anh phải chụp hình quay phim được rõ ràng tường tận. Cái thứ hai là mục đích của cái việc đó làm gì, phản ánh hay bôi nhọ. Tốt nhất là khi quay được clip như thế thì gởi cho lãnh đạo cơ quan công an đó để xử lý.
Khi clip bảo mẫu hành hạ tung lên mạng, cụm từ “nhà báo nhân dân” được báo Thanh Niên dùng và sau đó xuất hiện nhiều trên mạng. Việc này được báo Thanh Niên đánh giá là cần thiết vì nó góp phần tố giác tội phạm. Thế nhưng theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, pháp luật Việt Nam không có từ “nhà báo nhân dân” mà chỉ dùng từ “công dân được quyền phản ánh”.
Điều này có nghĩa là khi cá nhân nào chứng kiến sự tha hóa trong Đảng, thì người dân chỉ nên gởi đến các cơ quan chức năng. Thế nhưng câu hỏi được đặt ra từ trước đến nay đã có bao nhiêu vụ bị dân tố cáo được đem ra trước vành móng ngựa hay mọi việc đều được xử lý nội bộ?

No comments:

Post a Comment